Chào các bạn,
Có lẽ trở ngại lớn nhất trong quan hệ con người—cha mẹ con cái, anh chị em, bạn bè, người yêu, vợ chồng, chính trị–là chúng ta không thật sự hiểu được cảm xúc của nguời kia. Người hút thuốc thì không hiểu được người không hút thuốc khó chịu đến mức nào với khói thuốc, nguời không sợ ma không hiểu được người khác có thể sợ ma đến mức nào, Polpot và bè đảng không hiểu được nhân dân Kampuchia đau khổ thế nào với các hành động của họ…
Trong đời sống thường ngày của chúng ra, không nắm bắt được cảm xúc của nguời kia là lý do số một của những xung đột. Một anh chồng bừa bãi, xả rác trong nhà thường xuyên, có thể không hiểu được bà vợ có tính ngăn nắp bị xúc phạm thế nào về rác nhà. Hoặc một cậu nói đùa với bạn gái một câu, không hiểu được tại sao nàng lại có vẻ rất tức giận với câu nói đùa “vô thưởng vô phạt” của mình. Bố mẹ thường là không nắm bắt được cảm xúc của các con đang tuổi teen vì cảm xúc vào tuổi đó thường quá mạnh để bố mẹ có thể mường tượng được (dù là bố mẹ đã có một thời là teen).
Không hiểu được cảm xúc của nhau là chuyện tự nhiên vì mỗi nguời mỗi khác. Nhưng chuyện ít tự nhiên hơn là: Dù cho nguời kia có phản ứng không vui, hoặc đôi khi nói rõ ràng cho ta biết—“anh làm thế tôi bị xúc phạm”—ta vẫn không nắm bắt được cảm xúc của nguời đó, và ta tiếp tục xúc phạm mãi. Và đó là lý do của hầu hết các xung đột và đổ vỡ.
Vấn đề này có gốc rễ ở “lý luận” của ta: Mỗi khi cảm thấy nguời kia có phản ứng “quá đáng” đối với một hành vi “vô tội”, thậm chí hành vi “rất tốt” của ta, ta luôn có lý lẽ “đúng” để lý giải: “Trời, sao hắn vô lý thế! Đáng ra thì phải cám ơn mình mới phải chứ.” Và lý luận này của ta quá “đúng” cho ta, đến nỗi ta không thấy lời phàn nàn của nguời kia có lý một chút nào, ta không thấy được ta sai một chút nào, và ta chẳng thấy lý do gì để thay đổi cách hành xử của ta, cho đến khi xảy ra xung đột và đổ vỡ lớn.
Lý do cho tình trạng lý luận vô cảm đó là vì ta “suy bụng ta ra bụng người”. Ta lấy cái thước của ta để đo lòng người khác. Điều ta cho là hữu ích, mà nguời kia phàn nàn, tức là người đó không có thiện chí, vô ý thức, phản động, trì trệ, lười biếng…
Nhưng trong vấn đề cảm xúc, mỗi nguời cảm xúc khác nhau. Mỗi nguời là một thế giới riêng, với những cách xúc cảm đặc biệt. Giữa hai người, có một số xúc cảm giống nhau, nhưng cũng có nhiều xúc cảm hoàn toàn khác nhau. Đại đa số vấn đề xung đột sẽ biến mất nếu chúng ta tuân theo một công thức cực kỳ giản dị: “Tôn trọng cảm xúc của người khác”. Tôn trọng cảm xúc của người khác, dù nó quái dị và phi lý đối với ta thế nào.
Nguời yêu mình vì lý do nào đó mà không chịu được màu đỏ, vậy thì tôn trọng anh ta và đừng mặc áo đỏ khi gặp nhau.
Bạn mình vì lý do nào đó mà rất kỵ người Hà Tĩnh, vậy thì đừng nhất quyết cho rằng anh ta sai và tranh biện. Lờ việc đó đi, nhẹ nhàng chuyển sang việc khác.
Vợ chồng, vì sống chung với nhau, cho nên dễ đụng chạm nhau về cảm xúc hơn ai cả. Tôn trọng cảm xúc nhau, và đừng ép nhau phải có cùng cảm xúc. Cô vợ thì thích mua áo quần đẹp, anh chồng thì chỉ muốn mua sách, và anh chồng luôn phàn nàn là vợ phí tiền vô ích. Đó là vô cảm với nhau. Phụ nữ thích sắm áo quần đẹp. Giản dị vậy. Đó là cảm xúc. Đừng lý giải áo quần hay sách cái gì quan trọng hơn, và khởi chiến. Hãy tôn trọng cảm xúc của nhau.
Trong liên hệ con nguời, điều quan trọng nhất là tôn trọng nhau.
Tôn trọng nhau, nói cho cùng, chỉ có một nghĩa duy nhất là tôn trọng cảm xúc của nhau. Cảm xúc của chúng ta chính là con nguời chúng ta. Tôn trọng một người chính là tôn trọng cảm xúc của người ấy.
Ngược lại, không tôn trọng cảm xúc của một người là không tôn trọng nguời ấy.
Không tôn trọng cảm xúc của nguời khác là vô cảm. Tôn trọng cảm xúc của nguời khác là nhạy cảm. Căn bản tốt của liên hệ con người là ở đó—nhạy cảm về cảm xúc của nhau.
Chúc các bạn một ngày nhạy cảm.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Friday, July 29, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment