Friday, July 29, 2011

Nhạy cảm về người khác – 1 (Hay )

Chào các bạn,




Một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu trong giao tiếp mà rất nhiều người trong chúng ta chẳng thuần thục tí nào là: nhạy cảm về cảm xúc của người khác.



Chúng ta luôn luôn nói đến “khiêm tốn, thành thật, yêu người”. Và trong ứng xử hàng ngày, việc quan trọng đầu tiên cho ứng xử “yêu người” là nhạy cảm vể cảm xúc của người khác—khi người ta vui, buồn, bức xúc, khó chịu, áy náy, lo lắng… là mình nhận ra ngay. Và khi nói chuyện, thì luôn tìm cách nói, tìm lời nói, để làm cho người ta vui hơn, an lạc hơn, bớt lo lắng hơn, bớt bức xúc hơn, bớt bực mình hơn. Đó là yêu người.



Đây là điều rất quan trọng trong ứng xử. Nếu bạn không nhạy cảm về người khác, bạn sẽ làm cho người ta bực mình về bạn cả đời, đi đâu cũng làm cho người ta có cảm tưởng bạn ăn nói lỗ mãng, kiêu căng, hay vô cảm (insensitive).



Muốn xây dựng kỹ năng nhạy cảm về người khác thì bạn chỉ cần thực tập hai điều cùng lúc: (1) lắng nghe bằng tai và (2) đọc thân ngữ bằng mắt (body language).



Có ba cách để tập lắng nghe và đọc body language hàng ngày:



1. Khi ngồi với một nhóm bạn bè nói chuyện với nhau, bạn có thể ngồi lặng yên để lắng nghe và quan sát body language của mọi người.



2. Xem movie, nhất là các phim tình cảm sâu sắc nổi tiếng của thế giới. Các đại tài tử rất giỏi body language. (Tài tử Việt diễn xuất còn rất yếu. Coi thì cũng chẳng học được mấy).



3. Khi nói chuyện với người nào, tai thì lắng nghe, mắt thì để ‎ý đến body language của người đó, để nhạy cảm với cảm xúc của họ (và lựa lời nói cách nói để làm họ vui vẻ hơn, an lạc hơn).



Có người thì nói chuyện ai cũng yêu, thuyết phục ai cũng được; có người mở miệng ra là người kia khó chịu. Không chính xác là một người “giỏi ăn nói”, một người không. Mà là, một người “giỏi lắng nghe và đọc (body language)” và một người không. Khi ta nhạy cảm về người đối diện tự nhiên là ta sẽ biết cách nói cho họ vui hơn.



• Nhạy cảm về người đối diện không có nghĩa là cứ dạ vâng hay hùa theo họ, như là chạy theo mass mentality (tâm lý đám đông), hay cố gắng chạy theo thị hiếu của mỗi người để làm họ vui, trong khi mình chẳng có lập trường gì cả.



Không phải vậy. Bạn phải luôn luôn có lập trường của bạn. Nhưng bạn lắng nghe và đọc body language để bạn hiểu được người kia hơn, và do đó sự ăn nói của bạn có chiến lược hơn: Nên nói cách nào, khi nào dùng từ như thế nào, khi nào thì nên nói, khi nào thì nói cách nào, v.v… Nếu không rành chiến lược thì bạn cũng sẽ nói, nhưng chẳng có chiến lược gì cả, và do đó nhiều khi càng nói người ta càng ghét.



Và ăn nói có chiến lược có nghĩa là ăn nói… có chiến lược. Không có nghĩa lúc nào cũng nói vuốt ve một kiểu. Khi cần dịu dàng thì dịu dàng, khi cần logic thì logic, khi cần tình cảm thì tình cảm, khi cần cứng rắn thì cứng rắn… Đã nói là chiến lược thì mọi sự đều phải được làm tùy theo nhu cầu đòi hỏi của… chiến lược.



• Người luyện tập tư duy tích cực tập trung vào tâm mình—khiêm tốn, thành thật, nhân ái–và không sợ người khác chê bai khích bác mình. Nhưng đối với người khác, thì mình luôn cố gắng để không chê bai khích bác hay xúc phạm họ do cách ăn nói của mình, dù là cố tình hay vô tình.



(Trừ khi mình cố tình khích bác họ vì mình yêu thương họ, muốn cho họ khá hơn. Nhưng khích bác là chiến lược khó dùng, chỉ hạng thầy nên dùng, các bạn còn yếu công lực thì không nên rớ đến, sẽ bị backfire, bắn ngược lại).



Tóm lại, trong việc cư xử với người khác, chúng ta luôn phải nhạy cảm về người đối điện, để có thể biết cách xử dụng ngôn ngữ và cách nói một cách hiệu quả, làm cho người đối diện có thể vui vẻ hơn, và đồng ‎ý với ta nhiều hơn. Thành thật là nói sự thật, nhưng nói sự thật không có nghĩa là nói ngu. Nói sự thật vẫn có thể rất dịu dàng, dễ nghe, dễ nuốt… nếu ta nhạy cảm và biết chiến lược.



Quan tâm về cảm xúc của người khác để ăn nói và đối xử với họ, đó chính là yêu người trong hành động.



Chúc các bạn một ngày nhạy cảm.



Mến,



Hoành



Bài liên hệ: Nhạy cảm về người khác – 2



© copyright 2011

Trần Đình Hoành

Permitted for non-commercial use

www.dotchuoinon.com


http://dotchuoinon.com/2011/05/25/nh%e1%ba%a1y-c%e1%ba%a3m-v%e1%bb%81-ng%c6%b0%e1%bb%9di-khac/

0 comments:

Post a Comment