Tình yêu cần chánh niệm và chánh niệm trong tình yêu kể ra câu chuyện tình yêu đích thực. Người mới yêu như chú nai ngơ ngác trong khu rừng đầy thú dữ và như người lữ hành rảo bước giữa sa mạc hay mưa lũ. Chánh niệm biết con nào là thú dữ, chỗ nào là sa mạc và chỗ nào đầy mưa lũ. Biết điều đó thì sẽ tránh và từ chối mọi lời gọi mời nguy hiểm. Lắng nghe chánh niệm biết người mình thương cần gì, hạnh phúc gì và đau khổ gì. Ta thường nói quá nhiều mà lắng nghe quá ít. Khi không lắng nghe được, không thể hiểu được người thương và cái mình cho là thương đó chỉ là hình thức, thậm chí gây ra đau khổ cho chính bản thân và người thương. Lời nói chánh niệm như câu thần chú và dòng nước cam lộ tưới mát người thương đang khô cằn. Không thể chấp nhận người dưng thì đối xử tốt còn người thương bị đối xử tệ, người thương không đáng phải bị như vậy. Không có chánh niệm, ta không thể cảm nhận được tình yêu từ người khác mà còn làm khổ họ. Nếu lắng nghe hết lòng, nói lời ái ngữ hết lòng, ta sẽ biết người thương thực sự thương ta và cái mà ta đang nghĩ là người thương làm khổ mình chỉ là tri giác sai lầm. Chánh niệm giúp ta thể hiện sự quan tâm chân thành, nuôi dưỡng tình yêu và hoàn toàn có mặt cho người thương. Tình yêu đích thực khi biết tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và gìn giữ cho người mình thương.
Chánh niệm không có mặt của sự vội vã, ngược lại đó là quá trình đầu tư liên tục của thân và tâm. Không cần hối hả hay chật vật, cứ từ từ, cứ chầm chậm để thấy trong mọi hành vi đều có thể chánh niệm và hạnh phúc. Khi nấu món lague chay, khoai tây và cà rốt chưa chín thì ta cho nó thêm thời gian chín mềm, nếu còn cứng mà đã tắt lửa là làm bếp còn yếu kém. Khi cho phép toàn bộ thân và tâm hợp nhất, tức là sự hợp nhất ở độ chín muồi, ta thực sự an trú trong định và khi yếu tố định chín muồi, tuệ sẽ phát triển. Thực sự niệm, định, tuệ (Tam học) cũng chỉ là một vì yếu tố này bao hàm yếu tố kia và ngược lại. Định và tuệ có mặt ngay khi ta có ý thức chánh niệm. Định chờ cho niệm vừa đủ để biểu hiện và tuệ chờ cho định vừa đủ để biểu hiện. Niệm, định, tuệ vừa đủ thì giác ngộ phát khởi, Niết Bàn hiện tiền. Niết Bàn đâu có nằm ở cõi nào xa vời, nó ngay ở Địa cầu này, vào lúc này. Đây là sự thật tự nhiên, không phải là nằm mơ hay kỹ xảo điện ảnh. Tay có thể thấy, nghe, ngửi, nếm và cảm nhận vào phút giây niệm định tuệ hợp nhất, đẹp và hạnh phúc không thể nào tả nổi. Hãy thử đi rồi biết, biết rồi sẽ ghiền, ghiền rồi thì không cần phải tìm kiếm hạnh phúc ở đâu nữa bởi vì Niết Bàn là đây. Niết Bàn không phải cái gì màu mè, mà thật ra rất đơn giản, đó là sự tắt ngấm, hoàn toàn yên tịnh, không dao động, không lung lay. Khi có thể ngồi yên, ta có thể tiếp xúc với Niết Bàn ngay lập tức và được Niết Bàn bảo hộ, kỳ lạ và tuyệt diệu đến như vậy. Nhiều người không chịu thiết lập Niết Bàn cho mình mà chỉ thích đi lẩn quẩn trong địa ngục và say sưa với nó. Tình trạng địa ngục đơn giản dễ hiểu là sự vắng mặt của Niệm, Định, Tuệ, đồng nghĩa với sự có mặt của thất niệm, lăng xăng và không hiểu biết. Một số tu sĩ nhìn bề ngoài có vẻ Niết Bàn hiện tiền nhưng bên trong đầy dẫy địa ngục và ngược lại. Nhưng nếu bên trong và bên ngoài Niết Bàn tràn ngập thì còn gì bằng, người này đã đi đúng đường và chắc chắn chung thủy với con đường đó. Hãy dừng lại để sống thực sự. Dừng lại không có nghĩa đang đánh máy vi tính dừng tay lại không đánh máy vi tính nữa, mà có nghĩa dừng cái tâm bay bổng trên mây hay thám hiểm sâu dưới lòng đất, chỉ dừng lại và ý thức cái việc biết mình đang đánh máy. Chỉ có vậy thôi, thật dễ làm và cũng thật đơn giản.
Chánh niệm là bài thiền tập khắp mọi nơi. Người biết sống trong hiện tại là người thực tập chánh niệm không mệt mỏi. Bản thân luôn nhắc nhở mình tỉnh thức trong mọi tình trạng, khỏe mạnh hay ốm đau, sung sướng hay sầu khổ. Khi đó dù tình trạng ốm đau hay sầu khổ, người chánh niệm vẫn sống an lạc với nó, không bị cái đau của thể xác hay cái khổ của tâm làm cho túng quẫn và kiệt quệ. Khi tâm nghĩ ngợi nhiều chuyện khác nhau, hiện tại đang diễn ra không được nhận biết. Vừa ăn cơm vừa xem ti vi thì tâm bị phân tán, cơm không được chú ý nói chi đến người ăn cơm chung. Ngược lại, ăn cơm chỉ để ăn cơm, ta có thể tiếp xúc được món ăn, kêu tên từng món ăn và nhìn rõ những người cùng ăn cơm chung. Khi đó một sự thật đến với ta : bình yên. Ta cảm thấy vô cùng bình yên khi ăn cơm với gia đình và vẫn có đủ sức khỏe để ăn hết bát cơm của mình, đồng thời nhận biết vạn vật đang dang tay góp mặt trong bữa cơm. Thực tập liên tục sẽ thấy bình yên không chỉ nằm ở bữa cơm gia đình mà bình yên có mặt khắp tất cả công việc hàng ngày một khi ta có ý thức về điều đó. Quan sát, theo dõi, hay biết và chú ý công việc đang làm một cách thoải mái thì thân tâm có thể thư giãn không phân biệt loại hình công việc.Công việc chân tay hay trí óc đều nhờ có chánh niệm mà hạnh phúc, hạnh phúc làm con người thỏa mãn, đây không là thỏa mãn về sắc dục, mà thỏa mãn về sự tự do trong công việc, lúc này con người nhanh chóng tiếp xúc với thành công rỡ ràng trong phút giây hiện tại. Cơ thể căng thẳng vì bị dồn ép quá mức. Chánh niệm cho phép ta thư giãn ngay trong công việc. Nhiều người làm việc 12 đến 14 tiếng một ngày mà vẫn như đi dạo chơi chỉ vì chánh niệm có mặt. Chánh niệm vỗ về mọi áp lực, xoa dịu những căng thẳng, làm lành với các khó chịu trong cơ thể. Bánh xe được bom nhiều không khí có thể sẽ nổ. Khi tâm lao lực quá độ thần kinh sẽ nổi loạn giống như vậy. Chánh niệm là cách thư giãn tích cực, mềm dẻo nhưng cực kỳ vững chắc. Chánh niệm chỉ để chánh niệm, không phải mong cầu điều gì. Như đi chỉ để đi không phải để tới vì mình có đi đâu mà tới, và đã tới rồi thì cần gì phải đi nữa. Nhiều người tìm cách định nghĩa hạnh phúc nhưng không biết rằng khi cố tìm cách đưa ra khái niệm về nó thì bản thân họ đã đánh mất hạnh phúc rồi. Hạnh phúc chỉ là danh từ để gọi, đơn giản là ta cảm nhận nó thế nào. Một bát cơm nhỏ chan nước tương có thể hạnh phúc với người này nhưng có thể không hạnh phúc với người khác. Hoàn cảnh có khả năng tạo nên hạnh phúc rất lớn nhưng chánh niệm có thể làm biến đổi cả hoàn cảnh. Ăn bát cơm nghèo có cường độ hạnh phúc ngang bằng và có khi to lớn hơn nhiều lần ăn bát cơm đầy đủ cao lương mỹ vị. Khi căng thẳng đến, chánh niệm giúp ta nhận diện căng thẳng và kiểm soát nó, không cho nó hung hăng hay làm tình hình thêm tồi tệ. Ngược lại, căng thẳng bị buông lung đến mức không thể kiểm soát nổi, nó thống trị lấy ta và bắt ta phải bệnh, phải lảm nhảm và sức tàn lực kiệt. Hãy tự nói với bản thân : Căng thẳng ơi, tôi nhận ra anh rồi, anh ở yên đó nhé, tôi giúp anh thư giãn. Thật là hay, có phải vậy không ?
(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Thích Minh Thạnh)
0 comments:
Post a Comment