- Nguyên tác: Trí-Khải Đại-Sư
Dịch giả: Thích-Thanh-Từ
Mục lục
Nguyên-Do Pháp Chỉ-Quán [^]
Trí-Khải Đại-sư có người anh tên Trần-Châm làm Tham-tướng trong quân đội. Trần-Châm được 40 tuổi, một hôm đi đường gặp vị tiên Trương-Quả-Lão. Lão thấy tướng ông liền kêu lại bảo: "Ta xem tướng ông dương thọ đã hết, chỉ trong một tháng thì chết". Trần-Châm nghe qua kinh hãi, đến hỏi kế với Đại-sư, Đại-sư bảo: "Anh nghe theo tôi dạy tu-trì, chắc chắn sẽ qua khỏi". Trần-Châm hứa vâng theo. Ngài bèn thuật pháp Tiểu-Chỉ-Quán đơn-giản yếu-lược nầy, bảo dụng công tu tập. Trần-Châm y theo phương pháp tha thiết tu trì.
Hơn một năm, Châm gặp lại Trương-Quả-Lão. Lão thấy kinh ngạc, hỏi: "Ông không chết, có phải tại uống thuốc trường sanh chăng?" Châm đáp: "Không phải. Do em tôi là Trí-Khải dạy tôi tu tập Chỉ-Quán tọa-thiền nên được như vầy". Lão khen: "Phật-pháp không thể nghĩ bàn, hay phản tử hoàn sanh, thật là hi-hữu !".
Mấy năm sau, Trần-Châm mộng thấy đến Thiên-Cung. Trong ấy có đề: "Nhà của Trần-Châm, 15 năm sau sẽ sanh lên đây". Đúng 15 năm sau, Trần-Châm từ biệt quyến thuộc, ngồi kiết-già yên-ổn mà tịch.
Đây là nguyên do Trí-Khải Đại-Sư thuật lại bộ Chỉ-Quán nầy.
Tiểu-Sử Tác-Giả [^]
Ngài Sa-môn Trí-Khải Đại-sư ở chùa Tu-Thiền núi Thiên-Thai thuật:
Trí-Khải Đại-sư sanh thời Ngũ-đại vào đời trần và đời Tùy độ thế-kỷ thứ VI. Ngài tên Trần-Đức-An pháp danh Trí-Khải, người ở gần sông Dĩnh. Thân-phụ là Trần-Khởi-Tổ, đời vua Nguyên Đế nhà Lương được phong Ích-Dương-Hầu. Thân-mẫu Ngài là họ Từ.
Vừa lọt lòng mẹ, Ngài có cặp lông mày hiện tám sắc, đôi mắt sáng lóng-lánh. Cha mẹ yêu quí Ngài như châu ngọc. Còn nằm trong nôi mà Ngài đã biết chắp tay, khi ngồi thì xây mặt về hướng Tây. Lên bảy tuổi, Ngài theo mẹ đi viếng chùa, được Thầy Trụ-trì dạy tụng phẩm Phổ-Môn, chỉ dạy qua một lượt, Ngài đọc thuộc làu. Đến 17 tuổi Ngài phát tâm xuất gia, nhưng xin cha mẹ không cho. Một hôm, Ngài nằm mộng thấy đến dưới một hòn núi cao, chân núi nằm tận bể cả; trên đảnh có vị Sư vẫy tay gọi Ngài, rồi duỗi tay xuống tận chân núi kéo Ngài lên một ngôi chùa. Vị tăng bảo: "Ông sau sẽ ở nơi nầy và cũng tịch tại đây. Hòn núi nầy tên là Thiên-Thai"
Được 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, Ngài liền từ-biệt anh là Trần-Châm đi xuất-gia. Ngài xuất-gia với người cậu họ, hiệu Pháp-Chữ ở chùa Quả-Nguyện, xứ Hành-Châu. Đến 20 tuổi, Ngài thọ giới Cụ-túc và chuyên học giới-luật. Những giới phẩm vi-tế nào khai, giá, tri, phạm, Ngài đều thấu suốt. Ngài cũng thông cả kinh điển Đại-Thừa Phương-Đẳng. Vè sau, Ngài tụng kinh Pháp-Hoa, kinh Vô-Lượng-Nghĩa, kinh Phổ-Hiền-Quán, chỉ trải qua 20 ngày thông cả 3 bộ. Tiến lên, Ngài trì Phương-Đẳng thắng-tướng được hiện-tiền. Một đêm, Ngài nằm mộng thấy kinh-điển ngổn ngan đầy cả thất, biết thân hiện ngồi trên tòa cao, chân đạp trên giường dây, miệng tụng kinh Pháp-Hoa, tay sắp-đặt lại kinh điển.
Sau nghe Tổ Nam-Nhạc (Huệ-Tư) ở tại núi Đại-Tô xứ Quang-Châu; Ngài liền đến lễ bái xin thụ giáo. Tổ bảo: "Ông xưa cùng ta đồng dự hội Linh-Sơn nghe kinh Pháp-Hoa, duyên xưa đeo đuổi, nay lại gặp đây". Tổ dạy Ngài tụng kinh Pháp-Hoa. Ngài tinh-tấn trì tụng không phút nào biếng trễ, tâm không khởi vọng-niệm. Ngài chuyên tụng kinh Pháp-Hoa trải qua 14 ngày, đến câu: "Thị chơn tinh-tấn, thị danh chơn pháp cúng-dường Như-Lai", trong phẩm Dược-Vương Bồ-Tát Bổn Sự, thoạt-nhiên nhập định. Trong định, Ngài thấy Phật thuyết pháp tại hội Linh-Sơn chưa tan. Xuất định, Ngài đem chỗ sở đắc ấy, thuật lại cho Tổ nghe. Tổ Nam-Nhạc khen: "Duy ông chướng được, chỉ ta mới biết!". Về sau, Tổ lại bảo Ngài gia-công tinh-tấn. Ngài gia-công dung-hạnh, tinh-tấn trong bốn đêm vượt hơn công-phu tu cả trăm năm. Khi ấy, Tổ Nam-Nhạc bảo: "Chổ sở đắc của ông mới là phương-tiện. Pháp-Hoa Tam-Muội, chỗ phát-trì mới được sơ Triền-Đa-La-Ni. Ông được bốn môn biện tài, dù có muôn ngàn nhà Luận-lý đến biện-luận cùng ông cũng không thắng được, trong số người thuyết pháp, ông là bậc nhất".
Ngài y-chỉ với Tổ Nam-Nhạc độ 7 năm. Tổ khai đàn giảng kinh Bát-Nhã, bảo Ngài thay tổ giảng giải. Ngài vâng lời lên tòa giảng-giải. Tổ nghe qua khen ngợi không cùng! Tổ kêu Ngài bảo: "Ta tuổi tuổi đã già, lâu nay hâm-mộ núi Nam-Nhạc, sẽ đến đó tu trì, ông ở lại hoằng-dương đại-pháp chớ khiến đoạn giống Phập-pháp nơi người". Vâng lời dạy, không được theo lên núi Nam-Nhạc, Ngài bèn hợp với các ông Mao-Hỷ v.v... 27 người đến Kim-Lang. Lúc đầu, chưa ai biết Ngài nên không có người thỉnh pháp. Khi ấy có vị tăng hiệu là Pháp-Tế, tự khoe thiền-học, gặp Ngài đến, nằm dựa ghé hỏi: "Có người ở trong định nghe đất núi rúng động, biết có vị Tăng quán lý vô-thường, ấy là định gì?" Ngài đáp: "là biên-định chưa sâu, là tà chứng ám nhập. Nếu chấp, nếu nói thì định ấy chắc chắn phải mất". Pháp-Tế nghe nói kinh-hãi đứng dậy thưa: "Tôi thường được cái định nầy, vì nói cho người nghe nên đã mất". Từ đây, tiếng tâm Ngài đồn khắp, vua, quan cho đến dân-dã đều rần-rộ tìm đến cầu pháp quy-y.
Ngài đã 38 tuổi, một hôm gọi đại-chúng đến bảo rằng: "Ta lần đầu lên tòa giảng kinh, thính-giả tuy ít mà người hiểu đạo nhiều; hội thứ hai giảng kinh thính-giả ba bốn trăm người mà người hiểu đạo lại ít; hội thứ ba giảng kinh thính-giả mấy ngàn người mà người hiểu đạo lại càng ít. Như Vậy đủ thấy Phật-pháp không phải dễ đạt. Hoằng pháp như vầy e không được lợi mấy cho đời, ta sắp lên núi Thiên-Thai ẩn tu".
Đến núi Thiên-Thai, Ngài thấy có vị Sư ở trong am Định-Quang, mường-tượng đã quen. Vị Sư hỏi: "Ông nhận được ta chăng?" Ngài sực nhớ, đó là vị Sư đã gặp trong mộng khi trước. Vị Sư bảo: "Chỗ nầy là kim-địa, chỗ của ta ở; phía Bắc là ngân-địa, chỗ của ông ở". Ngài bền đến phía Bắc sáng-lập ngôi Già-lam. Đêm ấy tự nhiên tiếng chuông, trống vang rền, điềm chứng tỏ nơi đây thích-hợp với Ngài. Phía Bắc ngôi Già-lam, có một chót riêng tên Hoa-Đảnh, Ngài đến đó ngồi tu. Đến quá nửa đêm, chợt có tiếng sấm nổ, mưa gió ào đến, bọn yêu ma quỉ mị hiện ra nhiều hình dáng dễ sợ. Nhưng Ngài vẫn yên tâm vắng-lặng, các loài ma túng thế rút lui. Sau chúng lại hiện hình cha mẹ, anh em đến nhiễu loại Ngài, Ngài chỉ thầm niệm thật-tướng, rõ suốt các pháp như huyễn hóa vốn không thể thấy. Liền đó, có vị Thần Tăng đến bảo: "Chế ngự địch, thắng các ma oán, mới đáng gọi là dũng". Ở đây, Ngài thường cổ-động việc phóng-sanh.
Sau Ngài đến núi Ngọc-Tuyền đất Kinh-Châu kiến lập ngôi Đạo-tràng, đây là chỗ Ngài hoằng truyền giáo-pháp cũng như Tôn Thiên-Thai. Về sau Ngài biên soạn bộ Ma-Ha Chỉ-Quán, Pháp-Hoa Huyền-Nghĩa, Pháp-Hoa Văn-cú... đều tại đây.
Ngài thọ 60 tuổi.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/toathien0.htm
Tác giả và Nguyên do | Chương I | Chương II - Phần 1 | Chương II- Phần 2
0 comments:
Post a Comment