Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
---o0o---
Ðại Sư thế danh Nguyễn văn Bình, pháp danh Thiện Chánh, pháp tự Trí Tịnh, đạo hiệu Hân Tịnh, người miền Tây Nam Việt, sanh năm Ðinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ An Hưng (Mương Chùa, Cái Tàu Thượng), huyện Lấp Vò, hạt Sa Ðéc; vốn dòng dõi gia giáo. Ðại Sư thuộc hạng thanh tịnh xuất gia, đắc độ nơi trưởng lãoVạn Linh thượng Thiện hạ Xưng thuộc thiền phái Lâm Tế, đắc pháp với bậc tiên đạt thượng Trí hạ Ðộ. Các bạn lữ đồng học cùng ngài tại Báo Quốc Phật học đường ở Huế là các vị tôn túc thượng Thiện hạ Hòa, thượng Thiện hạ Hoa, thượng Trí hạ Chiêu, thượng Trí hạ Quang... Ðại Sư đắc giới nơi bậc tiên giác Kim Huê thượng Chánh hạ Quả.
Năm 1945, sau khi học hoàn mãn chương trình đại học tại đại học Báo Quốc, Ðại Sư cùng chư tôn pháp hữu đảm nhiệm trọng trách hành hóa. Lúc bấy giờ nền kinh tế địa phương khủng hoảng, Phật học đường Báo Quốc không thể duy trì. Tiền cơm của học tăng từ năm đồng một tháng, vọt lên đến sáu mươi lăm đồng mỗi tháng. Vì thế, Ban Quản Trị Hội Phật Học Trung Việt và Ban Giám Ðốc học đường quyết định cấp tốc dời trường vào miền Nam, làm giấy tờ ủy nhiệm cho ba vị túc học - Ðại sư là một. Ngài đảm nhiệm nhiếp thủ học chúng, ngài thượng Trí hạ Chiêu đảm nhiệm trọng trách vận động với Hội Phật Học Lưỡng Xuyên tại Trà Vinh, ngài thượng Thiện hạ Hoa đảm nhiệm trọng trách vận động ngoại hộ với cụ Trương Hoàng Lâu ở Quận Cầu Kè Trà Vinh. Trên đoạn đường di chuyển vào Nam lắm gian nan nguy hiểm vì ảnh hưởng thời cuộc, ngày trốn đêm đi, hết đi xe tới đi bộ, trải nắng dầm mưa suốt hai mươi mốt ngày mới đến Sài Gòn vào giữa đêm. Cuộc hành trình tiếp tục tiến về Mỹ-Tho. Chúng tôi được Hòa Thượng Vĩnh Tràng lưu lại nơi đây tu học trong khi chờ đợi cuộc vận động Hội Phật Học Lưỡng Xuyên. Hoàn cảnh khá khó khăn về mọi mặt nhưng cũng vượt qua, cuộc vận động thành công, học chúng giã từ Vĩnh Tràng về cư trú Phật học đường Lưỡng Xuyên tu học. Cùng lúc ngài thượng Thiện hạ Hoa vận động thiết lập Phật học đường Phật Quang ở Bang Chang (Trà Ôn). Sau khi Phật Quang học đường làm xong, Ðại Sư cùng Hòa Thượng Thiện Hoa và chư Pháp Sư Quảng Minh, Huyền Dung cùng chư liệt vị Phước Cần, Ðạt Tôn, Chánh Viên, Huệ Phương, Chánh Ðức, Như Mỹ v.v… lớn nhỏ trên dưới bốn mươi vị câu hội. Bấy giờ pháp tịch lại được khai diễn; nhưng thương ôi! Cuộc đời vốn vô thường, có hợp tất chia lìa, không hẹn với người, Phật Quang học đường được khai giảng chưa đầy một năm lại bị gián đoạn bởi hoàn cảnh loạn ly. Ðại sư và Pháp Sư Huyền Dung dẫn học chúng về SàiGòn, Hòa Thượng Thiện Hoa ở lại Phật Quang ẩn dật, chờ thời duyên khôi phục.
Với hoài bão 'Tục Phật huệ mạng - đống lương chánh pháp', sau khi giã từ Phật Quang học đường ở Bang Chang Trà Ôn về Sài Gòn, Ðại Sư vận động thành lập Phật học đường Liên Hải vào năm 1948 với sự hợp tác điều hành của ngài Quảng Minh. Ðến năm 1950, vì nhu cầu thăng tiến của nền giáo dục tăng luân, cần được hệ thống hóa tổ chức để dễ dàng cho việc giảng huấn, kết quả thu thập mỹ mãn hơn nên Phật học đường Liên Hải và Mai Sơn Phật học đường của ngài Trí Hữu thống hợp lấy danh xưng là Phật học đường Nam Việt. Sau khi thống hợp các học đường, Ðại Sư khai sơn Ðạo Tràng Vạn Ðức tọa lạc tại Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh. Ngài trụ tích nơi đây, Phật pháp rất thạnh hành.
Ðại Sư cực lực hoằng dương Tịnh Ðộ, thành lập Cực Lạc Liên Hữu, Ngài là bậc hóa chủ bổn liên, khuyến hóa người người niệm Phật. Cực Lạc Liên Hữu do Ðại Sư khai hóa, tư trợ cho hành giả tín hướng chỉ qui Tịnh Ðộ thật khả dĩ. Có thể nói ngài là vị Tổ Sư khai nguyên phong trào xương minh chấn hưng Tịnh môn trong tòa nhà Phật Giáo Việt Nam cận đại. Ngài là bậc bác lãm kinh tạng, tinh A Tỳ Ðạt Ma, Thiền, Giáo, Luật hay nói một cách đầy đủ, Ðại Sư là bậc 'Ðạt Giả' quán triệt thánh điển; kiến thức đa văn, quảng bác Nho học, tinh tường y dược Ðông phương. Cận đại hàng Phật tử thấm nhuần hoặc biết qua kinh điển Ðại thừa là nhờ công trình dịch thuật của Ðại Sư.
Dịch phẩm rất có giá trị. Ngài quí chuộng căn bản, dịch giải chính xác, rõ ràng mà không hoa dạng, chơn chất mà không quá quê kệch, người đọc tụng có thể nhận được nghĩa thú hiểu biết ý chỉ dễ dàng.
Kể từ năm 1948 đến nay, dịch phẩm, tác phẩm của Ðại sư phiên dịch và soạn thuật gồm có :
* Dịch phẩm :
• Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
• Ðịa Tạng Bổn Nguyện Công Ðức Kinh
• Tam Bảo Tôn Kinh (Di Ðà - Hồng Danh - Vu Lan - Phổ Môn - Kim Cang)
• Phạm Võng Kinh
• Ðại Bát Niết Bàn Kinh
• Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh
• Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh
• Ðại Bảo Tích Kinh
• Ngộ Tánh Luận (dịch giải và phân đoạn)
• Thiền Tịnh Quyết Nghi
• Văn Sám Nguyện Thập Phương và Thập Ðại Nguyện Phổ Hiền (dịch giải)
* Trước thuật :
• Pháp Hoa Cương Yếu
• Ðường về Cực Lạc
• Văn Phát Nguyện Tu Thập Thiện
Thủ ngoại, Ðại sư còn diễn giảng rất nhiều bộ kinh Ðại thừa, trình bày chỉ thú pháp tướng, pháp tánh như :
• Pháp Hoa Thông Nghĩa
• Lăng Nghiêm Trực Chỉ
• Viên Giác
• Phật Tổ Tam Kinh
• Kinh Văn Trích Yếu
• Ðại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm - Duy Thức Chương
• Bát Thức Qui Củ Tụng Thích Luận v.v…
Tóm lại, ngài giảng dạy tinh chỉ của Duy Thức, Tịnh Ðộ học, Thiền học v.v... một cách thâm thúy.
Ngoài việc phiên dịch Thánh điển, huân tu tịnh đức chỉ thú Tây phương, ngài còn chủ giảng tại Ðạo Tràng Vạn Ðức và dạy Phật-pháp tại Cao Ðẳng Phật Học viện Huệ Nghiêm, Từ Nghiêm và Vạn Hạnh. Ðại Sư là bậc long tượng của thời kỳ mạt pháp, bậc luật đức sanh giới thân huệ mạng cho kẻ hậu côn số nhiều vô kể. Nơi nào chư phương Ðại Ðức, Trưởng Lão kiến đàn hoằng giới đều cung thỉnh ngài vào những ngôi vị tối tôn của Giới Ðàn, đặc biệt ở ngôi vị Tuyên Luật Sư, trong đó có các Ðại Pháp Tịch Tỳ Ni cận đại như Quảng Ðức tổ chức tại Phật học viện Trung phần (Nha Trang), Huệ Quang tại chùa Phật Ân (Mỹ Tho), Khánh Anh tại Bồ Ðề (Long Xuyên), Ấn Quang tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn), Thiện Hòa tại Ấn Quang (Sài Gòn)...
Ðại Sư là thành viên sáng lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngài là trưởng phái đoàn đại biểu Giáo Hội Tăng Già Việt Nam tham dự đại hội thống nhất Phật Giáo để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Và là thành viên Hội Ðồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngài được suy cử đảm nhiệm trọng trách :
• Tổng Ủy Viên Tổng Vụ Tăng Sự (1964 - 1974)
• Phó Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo (1974 - đến khi GHPGVNTN bị giải thể bởi chủ nghĩa chuyên chế).
Ngoài ra về giáo dục, ngài còn đảm nhiệm trách vụ :
• Viện Trưởng Viện Cao Ðẳng Phật Học Viện Huệ Nghiêm
• Khoa Trưởng Phật Khoa tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh.
Trước năm 1975, Ðại Sư cùng chư tôn túc kiến lập Pháp Bảo Viện, chỗ phụng thờ và dịch thuật Tam Tạng thánh giáo và là nơi cư trú của chư Tăng, tọa lạc tại Thủ Ðức. Chư vị tôn túc ký thác ngài trọng trách Tọa Chủ bổn viện. Khởi đầu xây dựng được ngôi tháp thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát, công tác đang tiến hành thì tình thế đổi thay.
Tăng cách của ngài không phải nói: “Y cứ pháp tạng, nhận xét qua hoạt dụng, kính xưng 'bậc thượng sĩ' quả nhiên thật không quá lời” (lời của Ngộ Công Trưởng Lão thường đề cập về ngài). Thường nhựt, Ðại Sư hành trì không bỏ sót thời gian, ít ngủ nghỉ, quá ngọ thời không ăn, thức ăn không quá phần đại chúng; giới hạnh tinh nghiêm, không nói chuyện ngoài sự đàm thuyết điển tịch Phật pháp. Niệm châu không rời, không sót ngày Bố Tát và An Cư dù lúc thân thể suy gầy. Có ai hỏi đạo lý thì tùy cơ đối giải. Thân giáo, khẩu giáo nghiêm minh nhưng rất hoan hỉ, lý tánh cùng tận, lắm nhiều thần tích. Tựu trung, khách quan mà nhận xét, tất cả tòng lâm, tự viện thời cận đại từ trước đến nay, kể cả toàn quốc từ Bắc, Trung, Nam không nơi nào vân tập tứ chúng đông đảo như chốn Lan Nhã của Ðại Sư trụ tích. Kể từ khi ngài khai sơn Ðạo Tràng Vạn Ðức, tăng tín đồ câu hội về quanh vùng thiết lập tu viện, tịnh xá, tịnh thất trên dưới bốn mươi ngôi. Có thể nói, ai có túc duyên bái kiến y chỉ với ngài không khác gì được yết kiến Thánh Giả.
Ðích thực kinh điển Ðại thừa được phổ cập trong tòa nhà Phật Giáo Việt Nam, lưu thông trong quảng đại quần chúng có thể nói ngài là vị đứng đầu trong giới phiên dịch hiện đại.
P.L 2528, Los Angeles - Phước Huệ Ðạo Tràng
Ngày Thọ Tuế mùa An Cư năm Giáp Tý
Pháp Tử
HÂN THUYÊN Tỳ Kheo THÍCH PHƯỚC BỔN
Cẩn lục
--- o0o ---
Source: http://www.niemphat.net
Cập nhật ngày: 01-04-2003
0 comments:
Post a Comment