Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh Pháp Giới và là Kinh Hư Không. Cho đến tận khắp Pháp Giới và hư không, không nơi nào mà không có sự hiện diện của kinh Hoa Nghiêm. Bất cứ nơi nào mà người ta tìm thấy kinh Hoa Nghiêm, người ta cũng gặp được Phật, Pháp và Tăng. Đó là lý do khi Phật đắc đạo, ngài có ý muốn thuyết kinh Hoa Nghiêm để giáo hóa các Pháp Thân Đại Sĩ. Vì kinh này là kinh vi diệu không thể nghĩ bàn nên kinh được cất giấu trong Long Cung và được Long Vương bảo vệ. Về sau, Bồ tát Long Thọ đã đến Long Cung, học thuộc lòng bộ kinh và thỉnh kinh về.
Kinh Hoa Nghiêm giống như một đám mây kiết tường trong hư không, trãi rộng khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, mưa xuống những giọt mưa pháp cam lồ thấm ướt tất cả chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm cũng như mặt trời soi sáng Đại Thiên Thế Giới, đem lại sự ấm áp cho mỗi chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm cũng giống như một đại địa cầu có thể sanh ra và nuôi dưỡng vô số sinh vật. Do đó, có thể nói rằng thời kỳ nào kinh Hoa Nghiêm còn tại thế thì thời kỳ đó Chánh Pháp còn tồn tại.
Cho nên trong việc nghiên cứu và giảng giải kinh Hoa Nghiêm hàng ngày, điều quan trọng là chúng ta nên dựa vào những đạo lý trong Kinh để tu tập và dùng Kinh như là phương pháp chửa trị những khuyết điểm của chúng ta. Những kẻ tham lam sau khi nghe được kinh Hoa Nghiêm nên từ bỏ tánh tham lam. Những kẻ đang sân hận sau khi nghe kinh nên từ bỏ tánh sân; và những ai còn mê muội nên dứt bỏ tánh si. Tất cả những đạo lý thảo luận trong Kinh đều nhằm sửa chửa những lổi lầm và tập quán xấu của chúng ta. Đây tuyệt đối không phải là bộ kinh dùng để giảng cho các vị Bồ tát không liên hệ gì đến chúng ta, hay là một bộ kinh dành cho các bậc A La Hán không liên quan gì đến chúng ta. Đừng nên nghĩ rằng “Là một người phàm phu, tôi chỉ có thể nghe giảng kinh Hoa Nghiêm nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể trở nên một vị Thánh nhân được.” Nghĩ như vậy tức là ta đã tự liệng bỏ mình, tự tách rời mình xa các Thánh nhân.
Bất cứ nơi nào có kinh điển thì nơi đó có sự hiện diện của Phật.
Nơi nào có kinh Hoa Nghiêm thì nơi đó có đức Phật. Phật có ngay nơi đó. Chỉ vì nghiệp chướng chúng ta quá sâu dầy nên dù có đối mặt với Phật, chúng ta cũng không nhận ra ngài. Có câu nói;
“Mặt đối mặt nhưng không nhận ra Quán Thế Âm bồ tát”.
Ngay bây giờ Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn mắt, ngàn tay đang không ngừng tỏa chiếu hào quang vô ngại đến tất cả những chúng sanh có cơ duyên với ngài trong Ba Ngàm Đại Thiên Thế Giới. Thế mà ở đây chúng ta ngày ngày lễ bái Phật, niệm hồng danh Phật, lễ bái Quán Thế Âm, niệm hồng danh Quán Thế Âm nhưng chúng ta không hề nhìn thấy Bồ Tát Quán Thế Âm . Chúng ta chỉ làm theo đám đông, lễ lạy khi người ta lễ lạy, niệm Phật khi người ta niệm Phật. Chúng ta bị chuyển bởi cảnh của người khác mà không thật sự hành động tự thân tâm mình.
“Như vậy tôi phải hàng ngày lễ lạy và quán tưởng Quán Thế Âm bồ tát như thế nào? Tôi có nên tíếp tục có tánh nóng khổng lồ không? Tôi có nên giữ lại những thói xấu cũ mà không cần phải sửa đổi chúng?” Nếu bạn cứ nghĩ như thế thì dù cho bạn có lạy tới tận cùng vị lai, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ diện kiến được Bồ Tát Quán Thế Âm . Ngược lại, nếu bạn sửa đổi từ tâm tánh xấu xa thành tánh tốt và thực sự từ bỏ những lổi lầm cũng như tập quán xấu – làm hết sức mình để cải thiện thành một người mới-- Quán Thế Âm bồ tát chắc chắn sẽ đến giúp bạn. Đây cũng là lý do vì sao có người tu tập rất nhiều năm mà vẩn không khai mở được chút trí huệ nào, trong khi có những kẻ khác tu tập, và không ngờ lại mở mang trí huệ và đạt được nhiều biện tài. Chúng ta là những Sa Môn, nên chuyên tâm tu tập giới, định, huệ, và xả bỏ tham, sân, si. Trong mỗi hành động chúng ta làm, chúng ta nên quay ánh sáng chiếu lại bên trong (hồi quang phản chiếu). Nếu bạn tu theo phương cách này thì bạn sẽ tiến bộ.
Nếu chúng ta nghe Kinh Hoa Nghiêm, giảng giải Kinh Hoa Nghiêm, và tụng Kinh Hoa Nghiêm nhưng lại không thực hành theo đạo lý trong Kinh Hoa Nghiêm thì Kinh vẩn là Kinh, bạn vẩn là bạn, tôi vẩn là tôi, những kẻ khác vẫn là chính họ, và tất cả chúng ta sẽ không thể nào hợp nhất. Nếu chúng ta có thể đồng hóa thành nhất thể với kinh bằng cách hành động theo lời dạy của Kinh thì đó mới chính thực là hợp nhất với Kinh. Nếu bạn đã không thể hành trì theo Kinh mà lại thiếu lòng từ bi hỷ xả, nhận sân si và phiền não làm bạn đường thì bạn đã không thông hiểu và thiếu khả năng để nghe Kinh. Mổi khi nghe một đọan trong kinh, chúng ta phải tự hỏi mình: “Tôi phải hành xử như thế nào? Tôi có nên chạy theo những lổi lầm cũng như những tập quán xấu của mình hay là tôi nên dựa vào những đạo lý dạy trong Kinh để tu tập?” Nếu bạn có thể thường xuyên tự hỏi mình như thế, chắc chắn bạn sẽ được lợi ích lớn. Lý do làm bạn chưa được lợi ích lớn là vì bạn chỉ xem kinh như là kinh mà không thấy được sự liên hệ giữa Kinh với bạn. Thật ra, đức Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm là cho tất cả chúng sanh kể cả bạn, tôi,và tất cả mọi chúng sanh đương thời. Đức Phật đang đối mặt với chúng ta và giảng Kinh từ kim khẩu của ngài. Khi chúng ta nghe Kinh thì cũng như đức Phật đang kề gần tai ta, mặt ta, và chỉ bảo chúng ta hãy dùng những pháp môn trong Kinh mà tu tập.
Không pháp môn nào vượt khỏi tự tánh của mỗi chúng ta. Tự tánh của chúng ta, cũng cùng tận hư không và Pháp Giới. Cho nên, nếu chúng ta có thể khai mở nới rộng tầm vóc tâm mình ra thì chúng ta sẽ hợp nhất với kinh Hoa Nghiêm, là hai nhưng không hai. Nếu tất cả chúng sanh có thể làm các cảnh giới của Kinh Hoa Nghiêm thành cảnh giới của mình, và tiếp nhận những đạo lý vô hạn và trí huệ vô tận của Kinh Hoa Nghiêm cho chính mình thì kết quả sẽ rộng lớn và vĩ đại vô cùng. Có câu nói:
Thật rộng sâu vi tế
Buông ra, bao trùm thế giới
Cuốn lại, kín đáo ẩn mình.
Thật là huyền diệu không thể nghỉ bàn!
Bài giảng của hòa thượng Tuyên Hóa năm 1979
Trang 133-135, Tưởng niệm cố hòa thượng, tập 1
http://www.dharmasite.net/sf/teach/teach7-3.html
0 comments:
Post a Comment