Tuesday, December 1, 2009

Nhẫn Nại

Làm việc lao tác là để rèn luyện chính mình. Do đó, chỉ cần bạn làm, là biết bạn như thế nào. Khi làm việc mà bạn biết bạn như thế nào. Khi làm việc mà bạn chuyên tâm, thì đến lúc học Phật, niệm Phật, bạn cũng chuyên tâm; bạn sẽ tự thấy thấu suốt. Ví như khi quét dọn, ở đâu chưa sạch, dù là còn chút xíu bụi, bạn cũng tự biết, chẳng cần ai nói ra. Nhờ tánh chuyên tâm chú ý, nên bất kỳ việc gì, chỉ cần nghe qua một lần là bạn tự biết cách làm, và làm tốt.
Làm việc lao tác, bạn cần biết nhẫn nại.
Ví như khi quét dọn lau chùi, bạn làm thật sạch sẽ; thì đó cũng giống như bạn đã lau chùi tâm mình sạch sẽ, thanh tịnh vậy.
Hãy vừa làm vừa niệm Phật, không nên lơ là, phóng dật.
Ðừng để ý thức, tâm tư, chạy lăng xăng thì thân, miệng, ý mới thanh tịnh.
Khi làm gì, bạn hãy cẩn thận làm cho chu đáo, hoàn hảo việc ấy. Ðừng nên tham lam, việc gì cũng làm, rồi kết quả là không việc nào xong cả!
Việc gì cũng phải nhẫn nại; niệm Phật cũng thế. Cứ từ từ tu thì tâm sẽ hết phiền não; sau này sẽ không khác gì Ðức Phật A-Di-Ðà; vô cùng tự tại!
Làm gì cũng chớ có lòng chấp trước, cố chấp.
Có lúc gặp phải chuyện gì đó, mình muốn làm cho thật hoàn mỹ, thật lý tưởng; rồi quên bẵng người khác, không để ý tới họ. Ðó là mình quá chấp trước vào công việc, quá truy cầu (thành công).
Mỗi ngày làm việc gì, hãy làm cho rõ ràng, với tâm lúc nào cũng hướng về Phật, cũng trên đường Ðạo. Như vậy thì quét rác bạn cũng có thể ngộ Ðạo, vì tâm bạn lúc ấy chính là đang quét bụi bặm vô minh!
Các bạn làm việc biên chép sổ sách giấy tờ (tại văn phòng của chùa) thì kết được thiện-duyên rất lớn với chúng sanh; khác hẳn với người đời khi họ cũng làm việc ở văn phòng hay công sở. Công đức của bạn cũng bằng với công đức tụng công-phu buổi chiều vậy; cho nên bạn chớ so sánh rồi sanh lòng bực bội, phiền não.
Ðừng nên chấp trước vào hình sắc, tướng trạng; cũng đừng câu nệ chuyện ăn mặc, không vừa ý cái này, chẳng ưng ý cái kia. Nếu không, rốt cuộc bạn đã chẳng làm được việc gì giúp chùa mà lại còn bị áo quần, ăn mặc lôi cuốn.
Mình cần xả thân làm bất kỳ việc gì cho chùa.
Nếu quá lo lắng gìn giữ cái thân này, thì khó mà tu phước đặng; ngược lại, còn bị cái "túi da" thối tha này lừa mình nữa.
Cứ theo lời tôi mà tu hành; vừa làm vừa niệm Phật.
Trừ hết chấp ngã và chấp pháp, thì trí huệ mới khai mở. Trí huệ thì không có sắc tướng gì cả, không thể sờ mó, cầm nắm nó đặng. Song, nếu trí huệ khai mở, tuy mình không biết, nhưng hễ gặp việc gì, nhìn qua là mình thấu triệt, biết phải làm gì ngay. Ðó là trí huệ thật vậy!
Việc niệm Phật phải được phối hợp với việc làm. Niệm Phật cho đến lúc tâm yên tĩnh, thì lúc ấy chính là tự tánh mình niệm, tức là nhất tâm rồi đó. Khi làm việc, cũng cứ niệm Phật; mà kẻ khác thì không biết là mình đang niệm. Cứ chuyên tâm làm việc, đừng khởi vọng tưởng hay nghĩ ngợi gì khác, thì đó mới là nhất tâm, cũng là tâm Phật, hợp với Phật Ðạo vậy.
Chỉ khi có chánh niệm thì điều gì mình biểu hiện hay làm ra mới mang tánh cách từ bi; quan điểm mình có cũng tự nhiên là chín chắn, đúng đắn. Ðây cũng là tâm Phật vậy.

0 comments:

Post a Comment