Thượng tọa Thích Thông Phương nói cười như vô thường. Ông có đôi mắt chẳng chút trầm mặc, nét cười thoảng nhẹ như khói hương nơi thâm nghiêm. Hình như ông có một hàm răng rất trắng và vài chiếc răng khểnh. Nhưng những nét cười ông lộ ra, cũng không nói với người đối diện về nét cười ấy mà nói một điều gì đó tĩnh tại hơn khi người đối diện muốn quan tâm điều gì khác.
Tôi hẹn ông để tìm hiểu về chuyện nhập thất-một hình thức “cắt duyên trọn vẹn” của những thiền sinh, thiền sư chốn thiền viện này. Ông ngồi dáng Phật, điềm tĩnh:
- “Mô phật! Mới hay một năm cũng đã sắp qua. Thí chủ có thích những câu thơ trong “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư?
- Thưa thầy, con rất thích.
- Càng đọc bài này nhà chùa càng ngấm lẽ vô thường. Ngài rất lạ mà chẳng lạ, rất quen mà chẳng quen. Chữ “xuân qua” ngài đặt trước chữ “xuân đến”, như một thông điệp để nói rằng không phải mọi thứ qua đi đều là kết thúc, không phải những gì mất đi chỉ là những tồn tại hạn hữu…
- Dạ...
- Câu cuối bài, ngài lại nói đến “một cành mai” chứ không phải là một bông mai. Bông mai có thể rụng nhưng cành mai sẽ còn với biết bao xuân, lại sinh ra các bông mai khác. Thể xác con người có thể như một bông mai nhưng lẽ vô thường giữa đời, như cành mai…
Tôi thoảng thấy sờ sợ cách giải thích thơ cũng rất khác và cũng hơi sâu vào cái không khí liêu trai như đang thoắt ẩn thoắt hiện trước mặt của vị thượng tọa này. Chợt ông nhìn thẳng vào tôi:
- Điều mà thí chủ quan tâm, tức là việc nhập thất (bế quan), nó liên quan nhiều đến bài thơ trên lắm. Kết thúc bài thơ kia là một niềm vui cực lạc giữa chốn vô thường, vui trong cái hoa tàn hoa nở, xuân qua xuân đến, thì việc nhập thất, cũng là để đạt đến cái niềm cực lạc kia khi tự khám phá ra chân lý trong chính mình. Cái cực lạc ở ngay trong chính mình, vấn đề là mình đối diện với mình như thế nào để tìm ra nó. Khi tìm ra được, thì mọi thứ được hóa giải hết…
Nói xong, Thượng tọa Thích Thông Phương để lại một ánh cười là lạ rồi cáo phép bước đi, nhường chỗ cho một vị sư trẻ giải thích điều mà tôi đang bận lòng.
Vị sư trẻ nói cười giản dị, vào chuyện rất nhẹ nhàng. “Tôi là Đại đức Thích Khế Định. Nói về nhập thất tôi cũng không nhớ nổi mình đã nhập đến lần thứ bao nhiêu. Thời gian vừa rồi tính vào thất nhưng còn mấy việc phải làm, nên đành gác lại…”
Theo cách giải thích của thầy Khế Định, thì nhập thất ở phái Thiền tông, hiểu nôm na là tự tu trong môi trường tuyệt đối. Người tu hành trong khoảng thời gian tiếp xúc với muôn hình vạn trạng thế tục, cũng ít nhiều tiếp duyên bên ngoài, nên phải có thời gian để “cắt duyên” như rửa bụi bặm trong chính mình.
Khi ở trong thất, người tu hành tự nghe, tự chiêm nghiệm mình, tự sám hối để học chính mình bằng chính sức sống chân thật mà theo quan niệm của họ, là khi cái tâm được yên lặng, trí tuệ sẽ phát sáng.
Người tu hành tự đóng kín cửa, không tiếp xúc, không nghe không thấy gì trong khoảng thời gian từ 30-49 ngày, có người tu lâu đến 90 ngày. Những sinh hoạt như ăn uống, sẽ có người mang cơm mang nước đến, nếu mải tu trong thất mà không màng đến, người phục vụ lại tự dọn cơm nước đi.
Người nhập thất nhiều lần có thể cảm nhận được những duyên trần lần lượt tan biến khỏi tâm trí cho đến một lúc thấy tất cả xung quanh sắc sắc không không, nhẹ như mây khói.
Công việc hàng ngày của người trong thất cũng khá đơn giản, sáng dành nửa giờ để sám hối 6 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thành tâm sám hối lại những việc đã làm. Tiếp theo đó là hai giờ ngồi thiền, theo dõi hơi thở và tri vọng. Ngồi thiền xong là đi kinh hành xung quanh thất, vừa đi vừa chánh niệm, đi để biết mình đang…đi. Vào thất, lại tiếp tục sám hối, rồi ăn trưa, nghỉ trưa.
Chiều thức dậy khoảng 2 giờ 30, lại tiếp tục ngồi thiền, ngồi thiền xong lại tiếp tục đi kinh hành, rồi lại tiếp tục sám hối theo một chu trình kín trong thất như vậy. Tóm lại, cứ lặp đi lặp lại 3 lần sám hối, ngồi thiền, kinh hành. Một ngày bắt đầu từ 3h15 phút sáng và kết thúc vào 9 giờ 30 tối.
Đại đức Thích Khế Định nhớ lại thời ông bắt đầu đến Thiền viện Trúc Lâm. Khi đến đây, những cảnh, những người, cái gì cũng lạ và dễ gây những cảm giác mơ hồ, huyễn mộng. Dù lúc đó, đã xuất gia ở quê nhà được 5 năm mới bước chân đến chốn Thiền viện này mọi thứ với ông quen mà như không quen, lạ mà như không lạ. Một năm sau, Hòa thượng Thích Thanh Từ cho ông được nhập thất lần đầu tiên, 49 ngày.
Lần đầu vào thất, trạng thái tinh thần của ông bị xáo trộn đến hỗn mang. Quá khứ tự dưng thoắt ẩn thắt hiện, cái đến nhiều cái đến ít. Hiện tại mờ mờ như muốn bay đi khỏi tầm tay.
Trong giờ nghỉ, ông nghĩ nhiều về cuốn Thiền sư Trung Hoa ông đọc 2 năm trước. Đúng lúc ấy, đoạn đối thoại giữa Thiền sư Ngưỡng Sơn và Thiền sư Huy Sơn như lại văng vẳng bên tai ông:
- Trăm ngàn môn pháp đến cùng một lúc thì sẽ như thế nào?-Thiền sư Ngưỡng Sơn hỏi.
Ngài Huy Sơn đáp:
- Xanh thì ra xanh, vàng thì ra vàng. Đỏ thì ra đỏ. Ngắn thì ra ngắn. Dài thì ra dài. Mỗi pháp đều ở vị trí của nó.
Ông vẫn chưa thể hiểu. Khối hoài nghi 2 năm trời vẫn cứ ôm ấp trong lòng rằng các bậc tiền bối muốn nói điều gì? Điều đó có nghĩa như thế nào với cuộc sống của mình mà cứ day dứt mình lâu đến vậy?
9 giờ sáng hôm sau, khi đang ngồi thiền yên lặng thì từ bên ngoài thất, những thanh âm bắt đầu dội vào: tiếng chim kêu, tiếng chó sủa, tiếng máy xe xa xa, tiếng người nói, tiếng gió xào xạc. Tất cả đều là những thanh âm, nếu không tĩnh tâm để ý thì nó là một chuỗi ồn ào vô vị, dễ gây căng thẳng. Nhưng nếu tĩnh tâm mà phân định thì mỗi thanh âm có sự tác động vào cõi tâm tĩnh lặng. Nếu người nào đó đang muốn tìm một tiếng người giữa cái cô đơn ngút ngát thì cảm nhận rất rõ tiếng người. Nếu người nào đó thèm sự trong lành của một buổi sáng thì lại rõ ràng đến từng giọt tiếng chim.
Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt. |
Tất cả, nhìn bao quát ra, cũng như các pháp đến cùng một lúc. Mỗi hoài nghi hai năm trời trong lòng ông về những điều Huy Sơn tiền bối nói chợt như tan biến. Vậy là mỗi pháp đều ở địa vị của nó, mới ngộ ra rằng, dù cho muôn ngàn cảnh đến, cái tính biết vẫn thường tại. Các pháp đến cùng một lúc, tính chân thật luôn hạn hữu. Biết hết mà cũng có thể không hay biết, phân biệt được mà cũng không phân biệt. Ông như vỡ mình, cầm bút thảo một bài kệ:
Sắc sắc vốn chơn sắc
Không không vốn chơn không
Căn trần không dính mắc
Bát nhã tát bà ha
Nhưng vẫn là cảm giác loạn tưởng của những ngày đầu, đối diện với những “cô đơn” tiếp nối trong thất, những hư ảnh của ngày quá vãng ập về trong tâm trí ông. Những gì là “sắc”, những gì là “không” của những chuỗi ngày đã qua ông thấy bận lòng lắm. Nó hiện về ngồn ngộn như thác dội.
Bao nhiêu câu hỏi cứ lần lượt dội về trong tâm trí ông trong những ngày đối diện với chính mình. Đến giờ sám hối, ông vẫn cứ băn khoăn, hồi nhỏ ông theo học võ lâm, trong võ cũng đã có đạo. Lớn lên chưa hề yêu ai, mình có căn tu trong người mà mình không hay biết. Ông tự nhủ mình, cuộc đời ông sinh ra có lẽ là để tu hành, phải chi ngồi cân đong đo đếm chữ tình làm chi nữa, ngồi để thắc mắc có phải mình không yêu là để đi một con đường đã có sẵn? Nếu đã có con đường thì ta nhé, ta cứ nhẹ nhàng ta đi theo kiếp đời của ta. Duyên là vậy rồi…
Ngày thứ 3 của nhập thất, ông lại vỡ thêm cái lẽ đó.
Nhưng lại vướng một nỗi hoài nghi gì chăng, mà dẫu có tự mình ép, mắt ông cũng không khép nổi. Trên tay, tiếng nhích kim đồng hồ như nước dội vào đầu. Một tiếng lá rơi ngoài kia cũng nặng nề như cơn lốc? Vì sao vậy?
Ông tháo cục pin đồng hồ ra, thì lại thêm một loạt thanh âm khác. Một tiếng chim hoang của một con chim non nào đó chợt thức giấc gọi mẹ. Tiếng của những giọt sương rơi từ lá này sang lá khác. Và tiếng của con tim đang đập trong lồng ngực nữa. Và hình như nữa, có cô bé thuở nào một lần lên thăm chùa thấy ông thì cười khúc khích và trêu ghẹo. Thấy ông cười rồi cúi mặt thì cô xán lại rất gần. Ông vội vàng chạy ra xa…Trong mớ thanh âm kia, và hình ảnh ấy, nó chợt như lộn xộn, chợt như đảo tung sự yên tĩnh của đêm và của tâm.
Ông lắp viên pin vào. 3 giờ 15 phút. Đúng giờ ngồi thiền. Sau khi vận khí và theo dõi hơi thở, ông nghe thấy nhịp thở của mình đã bình ổn hơn, thì chuyển sang trạng thái tri vọng. Tất cả những gì đổ dồn về hồi nãy là những vọng tưởng. Đúng, nó chỉ là tri vọng, tri vọng hết! Ta ơi, hãy tỉnh lại đi, phải làm chủ được, phải biết vọng theo cách của ta, theo từng nhịp trôi của mạch máu chứ không phải theo muôn thanh âm hỗn mang và những viễn ảnh kia. Cái gì cũng tuyệt đối, nên dùng cái tương đối của ta mà phân định mà!
Sau hai giờ ngồi thiền, bình minh đã bắt đầu hé ngoài cửa sổ. Vài ánh nắng mờ mờ qua tấm màn cửa cũng đủ để nói rằng sương đã tan. Những thanh âm kia cũng biến đi rồi. Viễn ảnh kia cũng trôi rồi. Ông lại phát hiện thêm mình, khi ngồi thiền trong thất, điều quý báu nhất là mình làm chủ được mình, đẩy xa những vọng ảnh.
Cho đến lần đi kinh hành vào buổi sáng ngày tiếp theo ấy, ông đã thấy bước chân mình nhẹ tênh. Và từ đó, ông như quên thời gian, như quên không gian. Giấc ngủ như nhẹ hơn. Mộng mị như ít hơn. Viễn ảnh xa và nhạt hơn. Suy nghĩ cũng đơn giản hơn. Cái này tạm gọi là sự thành công, ông cũng chẳng ý thức. Những lần sám hối và những lần ngồi thiền theo ngày cứ lớp lớp gối lên nhau như sóng đè lên sóng. Ngày thứ 49 ông cũng chẳng hay, cho đến khi có người vào cửa thất…
Đúng lúc ấy, từ ngoài bậc thềm, thấy Thích Thông Phương xuất hiện. Thầy bảo, trường hợp nhập thất lần đầu được như thầy Khế Định là hiếm lắm. Có những người chưa quen, có thể chờ cho đến ngày thứ 49 để được ra, như vậy là tu chưa chuyên, vẫn còn bén duyên với bên ngoài. Cũng có những người cảm nhận được nỗi cô đơn dài dài, của ngày này qua ngày khác.
Gần 40 tuổi đạo, vào chùa từ khi 9 tuổi và xuống tóc khi 14 tuổi, Thượng tọa Thông Phương không nhớ nổi mình đã nhập thất bao nhiêu lần, nhiều năm nay, thầy nhập thất mỗi năm 90 ngày. Lần đầu tiên, thầy cũng thấy cô đơn lắm. Cũng tính ngày, tính giờ. Nhưng rồi mọi thứ trôi dần đi, đến giờ, thầy còn làm chủ được mình trong khi ngủ. Thầy cảm nhận được những bước chân kinh hành của mình, đi mà như không đi dù biết là mình đang đi. Nhưng mỗi lần nhập thất với thầy, vẫn có những sự cực lạc khác nhau rất khó tả…
Làm trụ trì hai thiền viện lớn nhất Việt Nam: Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử và Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, bao nhiêu công việc, lại đi đi về về giữa hai chốn, nhưng thầy vẫn xem mọi thứ đến đi bình thường, chẳng có gì bận bịu lắm. Khi thu xếp xong công việc, thầy lại vào thất. Năm qua, thầy ở hẳn trong thất những 3 tháng ròng. Giờ việc ở thất hay ở chùa với thầy, đã nhẹ như một hạt bụi bay chốn thinh không…
Ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, có 7 cái thất và lúc nào cũng có người trong đó. Hơn 80 thiền sinh trong nội tăng viện và 90 thiền sinh trong nội ni viện, cứ theo vòng, các tăng ni vào thất như một điều không thể thiếu trong chặng đường tu hành. Thông thường, những thiền sinh đi tu từ 1-3 năm đã có thể được hòa thượng cho nhập thất. Cái đích giản dị cuối cùng, như Thượng tọa Thích Thông Phương nói, nhập thất là để chiêm nghiệm ra chính mình trên chặng đường tu hành thôi…
Bạn có thể đến Đà Lạt hay Yên Tử, và ở đó một đêm, bạn cứ tưởng tượng ra mình đang ở trong thất, và chỉ cần dõi theo sự im lặng của mình trong bộn bề tĩnh vật, bạn sẽ chiêm nghiệm ra bạn như thế nào trong bao la cuộc sống…
Đà Lạt, tháng 12/2007
Hoàng Nguyên Vũ
From GIADINH.NET
0 comments:
Post a Comment