Friday, November 20, 2009

BỐN PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

Pháp môn niệm Phật có bốn cách niệm như sau:

a) Trì danh niệm Phật: Tai nghe danh hiệu Phật, nhất tâm xưng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.

b) Quán tưởng niệm Phật: Quán tưởng chính là quán thấy, thấy cái gì?

A Di Đà Phật thân kim sắc
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di
Hám mục trừng thanh tứ đại hải,
Quang trung hóa Phật vô số ức
Hóa Bồ tát chúng diệt vô biên
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

Dịch nghĩa:

Di Đà thân Phật sắc vàng tươi
Tướng tốt quang minh vẹn đủ mười
Ánh sáng bao trùm năm núi lớn
Mắt trong như bốn bể đại dương
Hào quang hóa Phật nhiều vô số
Bồ tát hiện thân gấp mấy mươi
Bốn tám lời nguyện mong độ chúng
Hoa sen chín phẩm rước lên ngôi.

c) Quán tướng niệm Phật: Quán tướng là đối trước đức tướng của đức Phật A Di Đà, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đây chính là quán tướng niệm Phật. Mỗi câu Phật hiệu từ miệng niệm ra tai ta nghe rõ ràng, tâm tỉnh giác từng câu niệm, đây gọi là quán tướng niệm Phật.

d) Thật tướng niệm Phật: Tức là niệm từ nơi tự tánh, Phật tánh là chân pháp thân của bạn cũng chính là tham thiền. Bạn tham câu “niệm Phật là ai?” – bạn hỏi lại mình xem, ai là người đang niệm Phật đây?
Đến Phật thất bảy ngày viên mãn, chúng ta tìm người “niệm Phật là ai?”, nhất định sẽ tìm được, không mất đâu. Nếu bạn bị mất, thế thì thiếu chánh niệm đi lạc đường rồi, mau trở về nhà! Nếu không trở về nhà, thì không gặp được Phật A Di Đà rồi.

7. BA MÓN TƯ LƯƠNG TÍN, NGUYỆN, HẠNH

Tín, Nguyện, Hạnh, chính là ba món tư lương của người tu pháp môn Tịnh độ. Sao gọi là tư lương? Giống như bạn đi du lịch đến một vùng nào đó, trước tiên phải chuẩn bị một ít thức ăn, đó gọi là “Lương”. Lại đem theo một ít tiền thì gọi là “Tư”. “Tư lương” chính là thức ăn và những thứ tiền bạc nhu yếu trong sinh hoạt của bạn. Bạn đến thế giới Cực lạc, cũng cần ba món tư lương, đó là: tín, nguyện, hạnh. Điều quan trọng trước tiên là phải Tín. Nếu bạn không có tín tâm, thế là bạn không có duyên với Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc rồi. Nếu bạn có tín tâm là có duyên với Ngài. Cho nên niềm tin là điều hết sức quan trọng của bất cứ hành giả tu tập bất cứ pháp môn nào của Phật pháp. Bạn tin, là tin chính mình, tin cả người khác, vừa tín nhân, tín quả, tín sự tín lý.

Tin, sao gọi là tin chính mình? Bạn phải tin chính bạn nhất định về được thế giới Tây phương Cực lạc, bạn đầy đủ tư cách đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Bạn không nên xem thường mình và nói rằng: “Chao ôi! Tôi gây tạo rất nhiều tội nghiệp, tôi không có cách gì để về được thế giới Tây phương Cực lạc”. Thế là bạn không có tin chính bạn rồi.

Bạn tạo rất nhiều tội nghiệp, phải không? Nhưng hôm nay bạn gặp cơ hội tốt. Cơ hội tốt như thế nào? Có thể đới nghiệp vãng sanh (mang nghiệp cũ vãng sanh). Bạn tạo những nghiệp gì, đều mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc. Nhưng bạn nên biết, đới nghiệp là mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới. Do khi trước chưa học Phật nên không biết tội phước. Nay biết Phật pháp biết niệm Phật nên mang cái nghiệp khi xưa đó về cõi Phật. Nghiệp mới, chính là tội nghiệp tương lai, mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới, mang tội nghiệp quá khứ, chứ không phải mang tội nghiệp tương lai. Lúc trước bạn đã gây tạo những hành vi tội lỗi bất thiện, không luận là nặng hay nhẹ, nhưng bây giờ bạn tự mình ăn năn cải đổi, bỏ ác hướng thiện, thế là tội nghiệp của bạn lúc trước đã gây tạo, có thể mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc, không mang nghiệp tương lai.

Tín tha, nghĩa là bạn tin đích thật có thế giới Tây phương Cực lạc, từ thế giới của chúng ta trải qua mười vạn ức cõi Phật xa như thế. Đây là khi chưa thành Phật, Ngài có tên là Tỳ kheo Pháp Tạng. Ngài từng phát nguyện, tương lai tạo thành một thế giới Cực lạc, mong muốn mười phương tất cả chúng sanh đều sanh về cõi nước của Ngài. Không cần gì nhiều, chỉ cần chúng sanh xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì được về thế giới Tây phương Cực lạc, ngoài những việc khác ra, đều phí công. Pháp tu này vừa dễ, vừa đơn giản, lại phương tiện, viên dung, không phí tiền, không phí sức, có thể nói đây là pháp môn thù thắng. Chỉ cần niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, đây chính là tín tha.

Lại phải tin nhân, tin quả. Sao gọi là tin nhân quả? Bạn phải tin chính bạn trong quá khứ đã có căn lành, nay mới gặp pháp môn này. Nếu bạn không có căn lành, thì không gặp được pháp môn niệm Phật, cũng như không gặp được tất cả pháp môn của Phật. Bạn có căn lành, trong quá khứ đã gieo trồng nhân lành, nên nay gặp được pháp môn Tịnh độ mới có thể đầy đủ tín, nguyện. Nếu bạn chẳng tiếp tục vun bồi phát triển căn lành này, thì tương lai bạn chẳng có cơ hội để thành tựu quả vị Phật. Cho nên điều cần yếu bạn phải tin nhân, tin quả, bạn phải tin chính bạn ở trong đời quá khứ đã có gieo trồng nhân bồ đề, tương lai nhất định sẽ kết quả bồ đề. Giống như làm ruộng, khi gieo giống xuống cần phải chăm bón nó mới phát triển được.

Tin sự, tin lý. Sao gọi là tin sự? Sao gọi là tin lý? Bạn phải biết đức Phật A Di Đà có nhân duyên với chúng ta rất lớn, Ngài nhất định trợ giúp chúng ta thành Phật, đây là sự. Tin lý, tại sao chúng ta và Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn? Nếu không có nhân duyên chúng ta không gặp được pháp môn Tịnh độ. Phật A Di Đà cũng chính là tất cả chúng sanh, chúng sanh cũng chính là Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là niệm Phật mà thành A Di Đà Phật, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh tinh tấn niệm Phật, cũng có thể thành Phật A Di Đà, đây là lý.

Rõ lý, tỏ sự như thế rồi, chúng ta nương vào đó mà tu hành như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới”. Đứng về phương diện tự tánh mà nói, chúng ta và đức Phật A Di Đà là một, cho nên chúng ta đều đủ tư cách để thành Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là Phật ở trong tâm chúng sanh, chúng sanh nào cũng là tâm của Phật A Di Đà, sự quan hệ này cũng có sự có lý. Đạo lý này, bạn cần phải tin và phải thực hành, không làm biếng giải đãi. Cũng như niệm Phật, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, không phải ngày hôm nay lại kém hơn ngày hôm qua.

“Tín” đã giảng xong, tiếp theo giảng “Nguyện”. Sao gọi là nguyện? Nguyện chính là ý nguyện, ý nguyện của bạn, ý niệm bạn hướng mạnh thì tâm tưởng của bạn cũng như thế, phát ra một nguyện. Một nguyện này, chính là tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Chư Phật trong quá khứ và các bậc Bồ tát, đều dựa vào tứ hoằng hệ nguyện này mà chứng quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hiện tại chư Phật và chư Bồ tát vị lai cũng đều dựa vào tứ hoằng thệ nguyện này tu hành chứng quả. Nhưng khi phát nguyện, trước hết bạn phải có tín tâm này, trước phải tin “có thế giới Cực lạc”. Thứ hai là tin “có Phật A Di Đà”. Thứ ba là tin “ta và Phật A Di Đà nhất định có nhân duyên rất lớn, ta nhất định sẽ sanh về thế giới Cực lạc”. Vì có đầy đủ ba đức tin đó, sau mới phát nguyện sanh về thế giới Cực lạc. Cho nên mới nói “nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”. Ý nguyện của ta sanh về thế giới Cực lạc, không phải người nhà quyết định cho ta đi, cũng không phải người khác đến nắm tay dắt ta đi.

Tuy nói Phật A Di Đà đến tiếp rước ta, nhưng cái chính yếu là ý nguyện chính mình có muốn thân cận với Phật A Di Đà hay không? Ý nguyện có muốn sanh về thế giới Tây phương Cực lạc gặp Phật nghe pháp tu hành hay không? Muốn thành tựu được “Nguyện” này, tiếp theo cần phải có “Hành”. Sao gọi là hành? “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô A Di Đà Phật” … đó! Giống như cứu lửa cháy đầu phải đi mau cho rồi, có người muốn hại đầu của ta, thì mình vội vã tìm cách bảo vệ cái đầu của mình, vậy chẳng dám giải đãi.

Niệm Phật tức là thực hành tín, nguyện, hạnh. Đây chính là lộ phí, là tư lương để đi đường. Tư lương chính là lộ phí, là tiền để chi dụng. Đến thế giới Cực lạc giống như đi du lịch, đi du lịch bạn cần phải có tem phiếu, có tiền … Còn ba món tư lương “Tín, Nguyện, Hạnh” này chính là ngân phiếu mình đi du lịch.

8. THẾ GIỚI CỰC LẠC LÀ THÀNH TỰU CHO CHÍNH MÌNH

Chúng ta bây giờ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” chính là mỗi người tự tạo thế giới Cực lạc cho chính mình, mỗi người tự trang nghiêm thế giới Cực lạc cho chính mình, mỗi người thành tựu thế giới Cực lạc cho chính mình. Thế giới Cực lạc này không cách xa mười vạn ức cõi Phật. Thế giới Cực lạc thật cách xa mười vạn ức cõi Phật. Tuy xa như thế nhưng chẳng cách xa một tâm niệm hiện tiền này của bạn và tôi. Bởi vì nó không ngoài tâm niệm của bạn và tôi, cho nên chẳng cách xa mười vạn ức cõi Phật. Thế giới ấy chính là ở trong tâm của chúng ta.

Thế giới Cực lạc chính là chân tâm vốn có xưa nay của chúng ta. Bạn nhận được chân tâm xưa nay của bạn thì thế giới Cực lạc ở đây rồi. Bạn không rõ chân tâm xưa nay của mình thì không sanh về thế giới Cực lạc. A Di Đà Phật và chúng sanh chẳng phải hai. Cho nên chúng ta nói thế giới Cực lạc là chẳng cách xa là thế, nhất niệm hồi quang biết cội gốc xưa nay là Phật, xưa nay chính là thế giới Cực lạc.

Chỉ cần bạn quét sạch tâm ô nhiễm của bạn đi, bạn không có tâm niệm tư dục, không có tâm đố kỵ, tâm tự tư, tâm ích kỷ. Bạn học hạnh Bồ tát, làm lợi ích cho tất cả mọi người, giác ngộ vì tất cả chúng sanh, thế là cảnh thế giới Cực lạc xuất hiện. Bạn không có tạp niệm không có vọng tưởng, thế có phải là thế giới Cực lạc ở đây không? Nếu chẳng phải là thế giới Cực lạc thì bạn nói đó là thế giới gì? Cho nên chẳng cần phải hướng ngoại tìm cầu.

Các bạn là thiện tri thức! Các bạn đều là bậc đại trí tuệ, thông minh hơn tôi. Tương lai các bạn thuyết pháp hay hơn tôi, chẳng qua bây giờ các bạn chưa hiểu hết tiếng Trung Quốc thôi. Tôi xin giới thiệu tặng cho các bạn bài ca:

Đại thánh chủ, A Di Đà
Đoan nghiêm vi diệu không gì bằng
Thất trân trì, hoa tư sắc, dõng kim ba.

Nghĩa là:

Bậc thánh chủ A Di Đà
Tướng tốt đoan nghiêm không gì bằng
Ao bảy báu, hoa bốn màu, sóng nước hiện vàng tươi.

Đại thánh chủ này là ai vậy? A Di Đà, Ngài ngồi đó thân tướng đoan nghiêm, rất đẹp! Rất đoan nghiêm! Không gì đẹp bằng hảo tướng của Phật A Di Đà. Ao bảy báu này, cũng chính là “ao thất bảo”. “Hoa tứ sắc”, tức hoa sen trong ao có bốn màu sắc khác nhau. “Dõng kim ba” nước và sóng trong ao thất bảo đều là sắc vàng.

Chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, ở trong ao thất bảo bên thế giới Tây phương Cực lạc hoa sen đang từ từ nở ra. Trong ao đó có tám loại nước công đức. Chúng ta niệm Phật niệm càng nhiều thì hoa sen càng nở lớn ra, bạn niệm thật ít, thì hoa sen nhỏ. Bạn nói: “Nếu không niệm thì sao?” Nếu bạn không niệm, thì hoa sen khô héo và đi đến chết thôi. Cho nên bằng giá nào bạn cũng phải tranh thủ tu tập để thành tựu quả vị giải thoát cho chính mình.

0 comments:

Post a Comment