Tại sao phải vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc? Bởi vì đức Phật A Di Đà khi chưa thành Phật tên là Tỳ kheo Pháp Tạng đã phát ra 48 lời nguyện, trong đó có một lời nguyện “Sau khi tôi thành Phật, chúng sanh trong khắp mười phương nếu niệm danh hiệu của tôi A Di Đà Phật, tôi nhất định tiếp dẫn họ về cõi nước của tôi, tương lai thành Phật… Chúng sanh trong cõi nước tôi đều hóa sanh từ hoa sen, nên thân thể thanh tịnh không bị nhiễm ô”. Với đại nguyện rộng lớn của Phật A Di Đà như thế, nên tất cả chúng sanh ai ai cũng tu “pháp môn niệm Phật”, vì đây là pháp môn hợp với mọi trình độ căn cơ và rất dễ tu.
Kinh Đại Tập (tên đầy đủ là Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, do Ngài Đàm Vô Sấm đời Bắc Lương dịch) nói: “Thời mạt pháp ức ức người tu hành, khó có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật thì độ thoát sanh tử”. Đây là nói ức ức người tu hành mà không có một người đắc đạo, chỉ có niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc mới thoát khỏi sanh tử. Đặc biệt bây giờ là thời đại mạt pháp, niệm Phật rất tương ưng và hợp căn cơ của người thời này.
Nhưng ở các nước phương Tây, hiện tại chưa phải là thời đại mạt pháp, có thể nói đang là thời kỳ chánh pháp. Tại sao nói đang là thời kỳ chánh pháp? Bởi vì Phật pháp mới vừa đến các quốc gia ở Tây phương nên lúc này đang thịnh vượng. Hiện tại ở Mỹ có rất nhiều người thích ngồi thiền, đây là biểu hiện đang thời chánh pháp. Thời chánh pháp cũng tu pháp môn niệm Phật được, thời mạt pháp cũng tu pháp môn niệm Phật được. Vì sao?
Thời đại nào cũng tu được, nếu người nào tu pháp môn khác mà không tiến bộ thì nên tu pháp môn niệm Phật.
Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, tự là Xung Huyền, người đời nhà Tống, Vĩnh Minh là lấy tên chùa ở núi Tuệ Nhật tại Hàng Châu, Trung Quốc, niên hiệu là Vĩnh Minh, có chỗ gọi là Vĩnh Minh Thọ) nói: “Có Thiền có Tịnh độ, giống như hổ mọc sừng, hiện đời làm thầy người, tương lai thành Phật thành Tổ”. Nếu vừa tham thiền vừa niệm Phật thì giống như hổ mọc sừng, hiện đời đủ tư cách làm thầy, tương lai thành Phật thành Tổ.
Vì vậy, người chân chánh tham thiền cũng chúng là người chân chánh niệm Phật, người chân chánh niệm Phật, cũng chính là người chân chánh tham thiền. Nói một cách nữa, người chân chánh trì giới, cũng chính là người chân chánh tham thiền, người chân chánh tham thiền cũng chính là người chân chánh trì giới. Thế thì người chân chánh giảng kinh thuyết pháp cũng chính là chân chánh tham thiền. Sách Chứng đạo ca của Ngài Vĩnh Gia.
“Tông diệc thông, pháp diệc thông, định tuệ viên minh bất trệ không. Nghĩa là: tông cũng thông, pháp cũng thông, định huệ sáng tròn chẳng trệ không”. Vừa tham thiền vừa giảng kinh, đây chính là tông thuyết đều thông. Hoặc nói một cách khác, người chân chánh trì chú, chính là người chân chánh tu Mật tông, cũng chính là người chân chánh tham thiền.
Tuy nói năm loại: Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh nhưng chung quy lại là một chứ chẳng phải hai. Nhưng nói rốt ráo, ngay một cũng chẳng có, sao lại nói năm loại chứ? Người học Phật chân chánh cần hiểu rõ ràng điều này.
Có người đem tâm phân biệt cho rằng pháp môn niệm Phật là tối cao, tham thiền không đúng, hoặc có người nói tham thiền là tối cao, niệm Phật là sai lầm. Những người như thế đều chưa hiểu Phật pháp. Nên biết, tất cả đều là Phật pháp, đều bất khả đắc, đã không có pháp để chứng đắc, vậy sao trên đầu lại đội thêm cái đầu nữa chứ? Đã vô sự sao lại tìm việc làm gì nữa chứ? Nếu bạn thật sự hiểu và lãnh hội là không pháp để chứng đắc. Nghe qua lời này có thể một vài người chưa lĩnh hội điểm này, họ sẽ thất vọng. Vì sao vậy? Vì Phật pháp phương tiện nên lập quyền pháp, chính là để nói thật pháp. Phật nói quyền trí, là đưa người đi đến thật trí. Thế nào là thật trí? Thật trí là một tên “Quy vô sở đắc” là trở về chỗ không thể đắc tức là thật tướng vô tướng, không hình không tướng, đó mới là trí huệ chân thật.
Chúng ta không được may mắn, sanh nhằm vào thời mạt pháp cách Phật khá xa, pháp nhược mà cường, nhưng trong cái không may mắn đó lại gặp pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật đã không tốn công, lại chẳng phí sức, rất dễ dàng và tiện lợi cho sự hành trì tu tập, bởi vì niệm Phật là thành Phật. Vì sao niệm Phật lại thành Phật? Vì trong vô lượng kiếp trước đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 lời nguyện, trong 48 lời nguyện đó, có một nguyện: “Nếu có chúng sanh xưng niệm danh hiệu của tôi, mà không sanh về thế giới Cực lạc, tôi thệ không thành chánh giác”.
Phật A Di Đà đã phát ra nguyện lực này, mỗi nguyện mỗi nguyện đều nhiếp thọ chúng sanh vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Với điều kiện là họ phải có lòng tin mãnh liệt. Đó là tin có đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, nên nguyện đến đó làm đệ tử của đức Phật A Di Đà. Tha thiết một lòng xưng niệm danh hiệu Ngài và lấy ba món tư lương – Tín, Hạnh, Nguyện – làm căn bản cho việc vãng sanh.
Thế giới Tây phương Cực lạc, đủ các thứ an vui không bị các thứ khổ não. Không có ba đường ác – địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh – chỉ có các loại chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Ca lăng tần già, Cộng mạng, những loại chim đó đều do thần lực của Phật A Di Đà biến hóa ra để diễn hát pháp âm, chẳng phải là loại súc sanh thật. Thế giới Cực lạc không có các thứ ác duyên phiền não, khổ đau như thế giới Ta bà mà ở đó ngày đêm sáu thời diễn nói diệu pháp – niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Vì vậy, chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Cực lạc thì phải chân thành niệm Phật. Chân thành niệm Phật chính là tâm của mình phải chuyên nhất với câu Phật hiệu dù thành Phật hay không thành Phật, vãng sanh hay không vãng sanh không cần để ý tới. Điều quan trọng ngay trong hiện tại chỉ có một việc là nhất tâm niệm Phật mà thôi. Niệm Phật phải niệm cho chuyên nhất, đến khi bạn lâm chung, nhất định đức Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn về thế giới của Ngài và tuơng lai nhất định thành Phật.
Vì sao người thông thường như chúng ta mà được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn? Lời nói này rất khó tin. Đúng thật, vì đây là pháp môn khó tin, cho nên trong kinh A Di Đà không có vị nào thưa hỏi mà tự đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói. Vì không có người hiểu và cũng khó có người tin nhận về pháp môn này. Do vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thương xót chúng sanh thời mạt pháp nên chọn con đường ngắn nhất để dạy bảo chúng ta tu hành.
Chân thành niệm Phật chính là miệng niệm Phật, tâm niệm Phật, đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật. Trong tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, toàn thân hành trì A Di Đà Phật. Sao gọi là hành? Giống như chúng ta bây giờ đến đây tham dự khóa tu niệm Phật. Cho dù là bận trăm công ngàn việc, gia duyên bận rộn … khi vào tu, thì ta phải buông hết xuống, làm thế nào khi ta đến đây tham gia khóa tu này phải phát tâm tu tập thật tha thiết, phát tâm niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn. Muốn nhất tâm bất loạn thì mình phải trì niệm liên tục, chẳng phải niệm một chút rồi thấy hơi vất vả lại đi tìm chỗ nghỉ, đó là tâm giải đãi muốn tìm sự an nhàn theo thế gian. Thế là không đắc niệm Phật tam muội, không chân thành niệm Phật. Người chân thành niệm Phật là nhất tâm nhất ý niệm Phật, ngay cả khi ăn cơm, uống nước, mặc áo, đi ngủ cũng không quên.
Xưa nay việc thường tình của con người là ăn, uống, ngủ nghỉ, đây là việc không thể thiếu được. Riêng người tu niệm Phật lại khác, khác gì? Là khi vào tu có những việc cần phải quên: không để ý tới việc ăn ngon, mặc đẹp, đói khát, ngủ nghỉ … Đây chính là chân thành niệm Phật. Nếu công phu tu một chút thì nghĩ đến ăn cơm, đó chẳng phải chân thành niệm Phật; hoặc lạnh một chút thì vội đi tìm áo mặc cho ấm thân, đó cũng phải là chân thành niệm Phật; hoặc sợ thiếu ngủ đi tìm chỗ ngủ tiếp, cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật. Người chân thành niệm Phật không luận là đi đứng nằm ngồi hoặc làm bất cứ việc gì, trong tâm chỉ biết câu hồng danh sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn trì niệm liên tục như thế lâu ngày sẽ kết thành một phiến, muốn được điều này bạn phải trì niệm liên tục không đứt đoạn, đến nước chảy cũng nghe niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, gió thổi cũng nghe niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, tiếng chim kêu cũng thành tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật”. Câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” phải hòa với chính ta không tách rời. Niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” không phải một mình ta, nghĩa là, ta là yếu tố chính, là năng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Còn câu “Nam Mô A Di Đà Phật” là sở niệm, cả hai hòa lại thành một. Đến đây, gió thổi cũng chẳng lay, mưa to cũng chẳng động, đạt đến niệm Phật tam muội; nước chảy, gió động đều diễn nói diệu pháp – niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Như thế mới đúng thật là chân thành niệm Phật.
Giả như nước chảy, gió động mà tâm cứ chao động trông Đông, ngóng Tây rồi phân biệt động tịnh như thế nào? Đó chẳng phải là chân thành niệm Phật. Hoặc miệng niệm Phật, mắt thì nhìn trước ngó sau như trộm đồ. Thế cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật. Chân thành niệm Phật chính là tâm thiết tha với câu Phật hiệu, chẳng xen tạp một vọng tưởng nào vào. Nếu như lúc thì niệm lúc thì nghĩ đến chuyện ăn cơm uống nước, đúng sai, được mất thì không phải là chân thật niệm Phật. Tất cả các thứ ấy phải buông bỏ hết, như thế mới là chân thành niệm Phật. Niệm Phật không có bí quyết gì cả, chỉ đòi hỏi sự chuyên tâm mà thôi, chẳng cần quét vọng tưởng, đây chính là chân thành niệm Phật. Bạn đề khởi chánh niệm, đó chính là chân thành niệm Phật. Bạn muốn hết loạn tưởng, quét hết tà niệm, đó chẳng phải chân thành niệm Phật. Cho nên chân thành niệm Phật thật là vi diệu không thể nói, chỉ khi nào bạn dụng công tu, khi ấy bạn mới nhận biết mà thôi, khi ấy bạn lại càng đại tự tại, không nhân, không ngã, không chúng sanh, không thọ giả, chỉ có Nam Mô A Di Đà Phật.
Nói là pháp, hành là đạo, không chỉ nói mà không hành cũng như miệng nói ăn đồ ngon mà trong bụng lại bị đói, một chút thức ăn cũng không có. Hôm nay, tôi nói về đạo lý này, mong các vị phải hiểu rõ, điều chính yếu phải thiết tha chân thành niệm Phật, chân thành tu niệm Phật. Thời gian và sanh mạng của chúng ta quý báu vô cùng, nhớ đừng bỏ qua. Hy vọng mọi người luôn ghi nhớ ba điều này trước khi bước vào tu tập “kiên trì, thành thật, hằng ghi”.
Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong choi pháp giới khắp Tây Đông
Có ai trong pháp hội hiểu ý nghĩa bài kệ này không? Chữ “niệm” thứ nhất là niệm phải từ nơi tâm phát ra, chữ “niệm” thứ hai là từ nơi miệng phát ra, niệm phải từ nơi tâm rồi phát ra nơi miệng. Nếu chỉ “niệm” bằng miệng thì chẳng phải chân thành niệm Phật. Cho nên, niệm Phật hoặc niệm danh hiệu Bồ tát tâm miệng phải tương ưng, thiết tha chân thành. Quý vị niệm đến tâm-khẩu hợp nhất, một mà chẳng thấy hai, cũng chẳng phải niệm theo kiểu tùy hứng, cũng không phải tán loạn mà niệm, lại cũng chẳng phải xen tạp vọng tưởng mà niệm. Làm được những điều trên, mới gọi là niệm Phật “chân thành”.
Niệm một cách chân thành mới có sự cảm ứng. Cảm ứng này như thế nào? Chính là tâm phàm phu cùng với ánh quang minh của Phật và Bồ tát tương thông, nên nói “Quang quang tương chiếu, khổng khổng tương thông”, tức là ánh sáng quang minh của Phật, Bồ tát hòa với bản tâm sáng suốt xưa nay của bạn, đến từng lỗ chân lông trên toàn thân thể của bạn. Sao lại có cảm ứng này? Giống như gọi điện thoại, khi gọi đúng số thì bên kia “Alô!”, bắt đầu giao tiếp liên lạc với nhau. Niệm Phật, niệm Bồ tát cũng giống như gọi điện thoại, khi làn sóng bạn phát đi thì bắt gặp làn sóng của Bồ tát và ở bên kia các Ngài cũng hỏi bạn: “Người nam lành, người nữ lành kia, bạn muốn cầu gì nào?” Thì biết, lúc đó bạn có sự cảm ứng rất mầu nhiệm.
Niệm Phật mà chẳng thành tâm thành ý thì giống như điện thoại có năm số mà bạn chỉ bấm gọi ba số, thế làm sao gọi được? Niệm Phật và Bồ tát cũng như thế. Nếu như bạn niệm một lúc rồi không niệm nữa, thiếu sự chuyên tâm thành ý thì nhất định chẳng thông được. Khi quý vị tu tập thành tâm thành ý, thì trong người quý vị sẽ phát ra một loại ánh sáng, ánh sáng đó giao cảm với ánh sáng quang minh của chư Phật và Bồ tát. Muốn được điều này, mỗi vị trong chúng ta phải cố gắng tu tập. Giống như gọi điện thoại thì biết rõ ràng tiếng nói của đầu dây bên kia, mắt thịt phàm phu không thể nhìn và nghe xa được, cho nên nói “Lặng lặng cảm ứng lặng lặng trong” là vậy.
Câu “Cho đến non cao nước cùng tận” nghĩa là đạt đến trình độ “Trăm đầu sào chỉ một bước chân, giơ tay nắm hết cả càn khôn”. Khi niệm đến chỗ “Sơn cùng thủy tận”, đó thật là niệm mà chẳng phải niệm, kết thành một khối, niệm thành một phiến. Đến đó quý vị “Rong chơi pháp giới dạo Tây Đông”. Nếu như quý vị muốn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc thì ứng một niệm là lập tức đi ngay, muốn giương thuyền từ để cứu độ chúng sanh thì từ thế giới Tây phương Cực lạc chỉ ứng một niệm là bạn đến ngay thế giới Ta bà và khắp tất cả pháp giới. Chỉ cần bạn ứng một niệm là đi ngay. Nên nói “Rong chơi khắp Đông Tây”, tức là dạo khắp tất cả. Hoặc “Nhất như ý nhất thiết như ý, nhất tự tại nhất thiết tự tại” tức là bạn đại tự do đại tự tại rồi.
Do đó, chúng ta là người học Phật, mỗi nơi mỗi chỗ đều phải chân thành, không hư ngụy. Hư ngụy thì như “Hoa không nở, quả không kết”. Người học Phật phải ghi nhớ điều này, đừng bao giờ lừa dối với chính mình. Kế nữa, người xưa nói: “Quân tử cầu nơi mình, tiểu nhơn cầu nơi người”. Chúng ta không quan tâm ỷ lại, nên biết cảm ứng là tự mình nỗ lực chứ chẳng phải tự nhiên đến được.
Có người nói: “Niệm Phật được sanh về Tịnh độ, phải nương nhờ vào Phật lực tiếp dẫn”. Câu nói này, nếu không khéo hiểu, sẽ bị sai lầm, vì sao vậy? Bởi vì câu nói là đối cơ mà nói, tức đối với người chưa hiểu biết gì cả. Chư Tổ phương tiện tạo ra sự ham thích cho chúng sanh khởi tâm niệm Phật, hy vọng có thể dụng công ít mà thu hoạch lại lớn, giống như buôn bán kinh doanh, bỏ vốn ra ít mà thu vào thì nhiều. Vì vậy chư Tổ tùy cơ ứng biến, nói có Phật lực tiếp dẫn, mục đích là khích lệ cho chúng sanh nỗ lực niệm Phật.
Thực ra, người niệm danh hiệu Phật và Bồ tát mà được vãng sanh Tịnh độ, hoàn toàn có niềm tin rất lớn nơi chính mình. Vì sao vậy? Có phải niệm Phật là Phật niệm thay bạn được không? Niệm một câu danh hiệu Bồ tát là Bồ tát hiện ra không? Nếu nói không phải, sao nói nương dựa vào tha lực của các Ngài? Giống như Phật và Bồ tát phóng ánh hào quang gia hộ cho bạn, đó là do công đức của chính bạn đã trì niệm danh hiệu Phật Bồ tát, cho nên mới có cảm ứng như thế. Thí dụ như điện thoại, nếu như bạn chẳng gọi, thì có ai đầu dây bên kia nói chuyện với bạn được không? Cho nên người niệm Phật cũng như gọi điện thoại là vậy. Lý lẽ ở chỗ này. Tâm hy vọng trông mong nương tựa vào năng lực của Phật để tiếp dẫn mình vãng sanh Tịnh độ, thật ra đó chính là tâm tham, tâm ỷ lại, không thể được. Chúng ta tu hành, chính yếu là phải tự lực, tinh thần phải mạnh mẽ dũng khí, tinh tấn, được kết quả chẳng phải tự dưng do người khác ban tặng cho. Niệm Phật, có thể nói không nên trông mong và nương tựa vào sự tiếp dẫn của Phật.
Cổ nhân nói: “Làm tướng vốn không phải là cha truyền con nối, nam nhi nên tự cường”. Chúng ta là người học Phật nên có ý thức câu nói này: “Làm Phật vốn không phải Phật ban cho thành Phật, chúng sanh nên tự cường”. Nếu chẳng được như thế, thì cả ngày cứ ỷ lại Phật lực tiếp dẫn, giống như con em nhà giàu ỷ lại sản nghiệp của cha mẹ, rốt cuộc tự làm hại chính mình. Mọi người nên tỉnh giác chỗ này!
Phật tử Á đông chúng ta phần nhiều có câu nói như thế này: “Người người Quán Thế Âm, nhà nhà A Di Đà Phật”. Bồ tát Quán Thế Âm có nhân duyên đặc biệt với chúng ta. Ngài vui mừng khi chúng ta được đến thế giới Cực lạc, chẳng cần phải làm thủ tục di dân. Chỉ cần có “nhất niệm tâm thành” để ấn chứng, thì hoàn thành thủ tục, tuyệt đối chẳng có phiền phức gì cả. Nếu như không “nhất niệm tâm thành” để làm chứng, thì chẳng có thể di dân đến thế giới Cực lạc.
Tại sao chứng minh nhất niệm tâm thành mới đến được? Cách này vô cùng đơn giản, rất dễ dàng, chỉ cần thành tâm thành ý niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát” hoặc “Nam Mô Đại Thế Chí Bồ tát” là thành tựu rồi. Vì Phật A Di Đà là giáo chủ ở thế giới Cực lạc. Có hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí đứng hai bên Phật A Di Đà để cùng cứu độ chúng sanh. Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí gọi là Tây phương Tam Thánh. Ta niệm bất cứ danh hiệu vị nào trong ba vị cũng được cả. Cần nhớ, niệm đến nhất tâm bất loạn, một trần không nhiễm thì được đới nghiệp vãng sanh, hoa nở thấy Phật hoặc Bồ tát.
Nếu chẳng muốn di dân đến thế giới Cực lạc, thì không cần phải trì niệm danh hiệu Tam Thánh. Nếu muốn di dân đến thế giới Cực lạc thì phải niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm. Niệm danh hiệu của Bồ tát hiện đời ta có thể tránh được tam tai thất nạn, khi chết được bình an, sanh về Tịnh độ, chỉ một mà lợi cả hai sao chần chờ không làm chứ?
Chúng ta muốn niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, niệm sao cho danh hiệu của Ngài hòa quyện với tâm lại thành một. Không tách rời ra, nghĩa là miệng niệm tâm phải tương ưng, đến lúc đó, không muốn đến thế giới Cực lạc cũng đến được! Vì sao vậy? Vì đã thấm nhuần sâu vào cội gốc rồi, tương lai cành lá sẽ phát triển và đơm hoa kết quả.
Vì sao phải niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”? Bởi vì đức Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn với tất cả chúng sanh khắp mười phương thế giới. Đức Phật A Di Đà khi chưa thành Phật là một vị Tỳ kheo, tên là Pháp Tạng. Tỳ kheo Pháp Tạng phát ra 48 lời nguyện, mỗi nguyện thệ cứu độ hết tất cả chúng sanh giúp cho hết thảy chúng sanh đều thành Phật. Trong 48 lời nguyện đó có một nguyện như thế này: “Khi tôi thành Phật, mười phương tất cả chúng sanh, nếu trì niệm danh hiệu tôi, nhất định tất cả sẽ thành Phật. Nếu như họ chẳng thành Phật, tôi thề cũng không thành Phật”.
Nguyện lực này của đức Phật A Di Đà, giống như sức hút của máy nam châm, mà mười phương chúng sanh giống như một hòn sắt, đều hút về thế giới Tây phương Cực lạc. Nếu như hút không được thì sao? Tỳ kheo Pháp Tạng chẳng thành Phật A Di Đà. Cho nên, tất cả chúng sanh xưng niệm danh hiệu của Phật A Di Đà đều có cơ hội thành Phật.
Kinh A Di Đà là quyển Kinh không ai hỏi mà tự Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra. Vì sao không ai hỏi mà Phật tự nói? Vì khó có người tin hiểu pháp môn này, cho nên không có người hỏi. Đại trí Xá Lợi Phất là bậc thượng căn, nhưng cũng không biết hỏi thế nào. Phật nói, pháp môn này vô cùng thù thắng, là phương tiện bậc nhất, tu tập rất dễ thành tựu. Dụng công tu rất tiện, ít tốn công tốn sức. Ngài nói: “Chỉ cần mỗi người chuyên tâm niệm Phật, niệm được một ngày, hai ngày, ba ngày, … cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, người đó khi lâm chung đức Phật A Di Đà cùng với Thánh chúng hiện ra để tiếp dẫn họ”.
Cho nên Phật nói, pháp môn này ít người tin nhận, vì đó là pháp môn trực tiếp, rất thù thắng, đặc biệt thu nhiếp ba hạng người thượng, trung và hạ căn. Nếu là người thông minh hay ngu si, một lòng niệm Phật thì đều thành Phật cả.
Khi vãng sanh về Cực lạc thế giới “không có các sự khổ, đủ các sự an lạc”. Chúng sanh nơi thế giới đó đều sanh ra từ hoa sen, không giống như loài người chúng ta phải sanh ra ừ bào thai. Ở thế giới Cực lạc, bào thai là hoa sen, khi người ở trong hoa sen nở ra, tương lai nhất định thành Phật rồi.
Nhất cú Di Đà vạn Pháp vương
Ngũ thời bát giáo tận hàm tạng
Hành nhân đản năng chuyên trì niệm
Định nhập Như Lai bất động đường.
“Nhất cú Di Đà vạn Pháp vương”, nghĩa là một câu Di Đà là vua của vạn pháp. “Ngũ thời bát giáo tận hàm tạng”, nghĩa là năm thời (thời Hoa nghiêm, thời A hàm, thời Phương Đẳng, thời Bát nhã, thời Niết bàn). Tám giáo (tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo, đốn giáo, tiệm giáo, bí mật giáo, bất định giáo) bao hàm lại thành một. Đó là một câu “A Di Đà Phật”.
“Hành nhân đản năng chuyên trì niệm”, nghĩa là không luận người nào nếu chuyên tâm niệm Phật thì “Định nhập Như Lai bất động đường”, nghĩa là nhất định đạt đến tịch quang Tịnh độ, đến thế giới Cực lạc. Tất cả chúng sanh vào thời mạt pháp chỉ nương vào câu Phật hiệu A Di Đà để được cứu độ, ai muốn được độ thì chỉ có niệm Phật.
Bớt đi một câu nói
Niệm nhiều câu Phật hiệu
Si mê bị đoạn dứt
Liền liễu sanh thoát tử
Sống với pháp thân bạn.
Cho nên, mọi người chúng ta chớ xem thường Pháp môn Niệm Phật.
0 comments:
Post a Comment