Sunday, November 22, 2009

Tiêu Diệt Ngoại Tam Ác Và Nội Tam Độc

Sao gọi là ngoại tam ác? Đó là sát, trộm, dâm. Xã hội vì sao không được an ổn? Cũng bởi vì ba cái ác đó tác quái đấy. Mỗi ngày các tin tức đăng trên báo chí, thì đã hơn một nửa tin là có liên quan đến ba ác: sát, trộm, dâm nầy. Cho nên nói: “trong vạn ác thời dâm đứng đầu,” cũng bởi trong thiên hạ có đến tám hoặc chín phần mười người vì dâm mà sanh ý sát hại. Loại phong độc nầy, thật đáng sợ thay! Nếu chúng ta không phạm sát, trộm, dâm thì vô hình trung, chúng ta đã giúp cho xã hội được an ổn và duy trì sự hòa bình cho thế giới.
Sao gọi là nội tam độc? Đó là tham, sân, si. Tham mà không chán thì vĩnh viễn không bao giờ biết đủ. Tham mà được vào tay thời ta vui mừng, tham mà không được thời ta sân giận. Một khi chúng ta khởi lòng sân là vô minh sẽ gây sóng gió, thúc dục đấu tranh. Lúc bấy giờ chúng ta mất hết lý trí, cho nên ngu si bèn xuất hiện, khiến gây ra những chuyện điên đảo mà ta không suy nghĩ gì về hậu quả. Chuyện nhẹ là trái với nhân tình, còn nặng thì làm tổn hại lý trời.
Chúng ta làm thế nào để tiêu diệt được nội tam độc? Đức Phật Thích Ca đã để lại cho chúng ta một phương thuốc rất hay, đó là giới, định, huệ. Người tu đạo nhất định phải giữ giới. Do giới phát sanh định lực, rồi từ định lực mới sanh ra huệ lực. Những thứ nầy có mối quan hệ liên đới với nhau. Nếu có thể giữ giới, chúng ta sẽ không có tư tưởng tham dục. Khi chúng ta có được định thì mới không có tâm sân hận. Nếu chúng ta có thể phát sanh trí huệ, chúng ta sẽ không có những hành động ngu si.
Ba cái ác của thân chúng ta là do từ thân tánh bên ngoài mang lại. Ba độc trong ý tưởng của chúng ta là do từ tâm tánh bên trong phát sanh. Vì một khi đã có tham, sân, si thì người ta sẽ phạm sát, trộm, dâm. Nếu chúng ta có thể đem tham, sân, si biến thành giới, định, huệ, tức sẽ không có sát, trộm, dâm.
Ba độc làm ô nhiễm tự tánh, khiến cho tự tánh không được thanh tịnh. Chân tâm bị che khuất, vọng tâm bèn vào nhà làm chủ nhân ông và chỉ huy tất cả. Rồi nó khiến cho con người điên đảo, mê muội hồ đồ, không lúc nào được rõ ràng minh bạch. Kiếp sống của người nầy ví như cái thây thịt biết đi, vậy có gì đáng vui thú để mà nói!
Chúng ta phải rửa sạch tự tánh của mình. Vậy rửa bằng cách nào đây? Thì dùng Lục Đại Tông Chỉ: không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ nầy để tẩy rửa, để quét dọn, và nhất định rửa sạch cho đến không còn một chút nhơ bẩn nào. Nếu không tranh thì thế giới tự nhiên sẽ không có chiến tranh. Không tham danh, không tham lợi thì mọi người sẽ chung sống hòa thuận với nhau. Không cầu tức nhân cách mình tự nhiên sẽ cao thượng, ở đâu cũng được người ta cung kính. Không ích kỷ là việc gì cũng nên nghĩ cho người khác mà quên mình, và không tính toán với người, cũng không phân biệt bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Không tự lợi là khi được lợi ích thì ta chia đồng đều, chứ không có tư tưởng muốn độc chiếm. Thậm chí ta còn theo nguyên tắc tự chịu thiệt thòi, khiến cho người khác được vui vẻ. Không vọng ngữ là bất luận việc gì, ta cũng dùng lòng tin cậy để đối xử với nhau. Khi nói lời chân thật sẽ không sanh ra những chuyện phiền phức không cần thiết.
Chúng ta dùng Lục Đại Tông Chỉ nầy để thân làm, tâm nhớ, như vậy là gián tiếp giúp đỡ chính quyền quốc gia và trực tiếp giúp đỡ cho chính mình. Chúng ta nên nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là trọng yếu như thế nào. Vì vậy chúng ta nên làm một phần tử vẹn toàn và ưu tú, chứ không làm người dân hư xấu gây nhiễu loạn trong nhân dân. Nếu làm được như thế, chúng ta mới không hổ thẹn là người Phật tử. Hy vọng mọi người nên dụng công về phương diện nầy. Nếu quý vị chuyên đi tìm cầu những pháp huyền diệu viễn vong, thế là bỏ gốc để chạy theo ngọn, tức quý vị vĩnh viễn sẽ không tìm được pháp chân thật.
Sau hết tôi hy vọng mọi người sẽ ném bỏ nội tam độc, ngoại tam ác ra khỏi chín tầng mây, và vĩnh viễn đừng bao giờ giao du với bọn chúng. Vì bọn chúng là những kẻ tiểu nhân, hễ thấy lợi là quên mất tình nghĩa. Cho nên nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị rơi vào cạm bẫy của chúng. Vì bọn chúng cũng rất hoan nghênh chúng ta hợp tác với chúng, để cùng chúng trôi giạt vào bùn nhơ. Hãy nhớ kỹ! Chớ để lọt vào bẫy rập của chúng. Chúng ta phải nên đề cao cảnh giác, và phải có trí huệ để bội trần hợp giác, tức là quay lưng với trần tục để hòa hợp với giác ngộ. Nếu như không biết nhận thức rõ ràng, tức là chúng ta hòa hợp vào trần nhơ mà quay lưng với bờ giác, là hợp với lục trần để lập thành một công ty cổ phần với chúng.
Giảng ngày 5 tháng 5 năm 1985
 
Câu Châm Ngôn Của Phật Tử
Chúng ta cùng nhau tụ họp về đây để nghiên cứu Phật Pháp, nhưng mọi người cũng không nên chấp trước vào Phật Pháp. Chúng ta nên quán sát mọi việc một cách khách quan và phân tích sự vật bằng trí huệ vốn có của mình. Đừng mê tín hay tin tưởng một cách mê muội, gượng gạo. Chúng ta cũng không nên nhận giặc làm con, lấy trái làm phải, đen trắng chẳng phân minh, thiện ác điên đảo. Điều quan trọng nhất là chúng ta nên làm người Phật tử chân chánh trong việc tìm cầu chân lý, chớ chẳng dùng thủ đoạn như người đui dẫn người mù, thôi miên dân chúng khiến họ tin theo một cách hồ đồ, rồi làm những việc thiện ác hỗn độn để nhầm lẫn về nhân quả. Người học Phật nên chú ý về điểm nầy.
Tại sao chúng ta cần phải học Phật Pháp? Có phải vì chúng ta có chỗ tham cầu chăng? Nếu người nào có tham cầu thời đừng nên học. Học Phật nhất định là phải loại bỏ lòng tham, nếu không thì sân, si sẽ dễ phát sanh. Một khi ta có lòng tham, lòng sân và lòng si sẽ phát sanh theo, như vậy thì khỏi bàn gì đến giới, định, huệ nữa.
Bởi tự tánh của chúng ta vốn đã là Phật, cho nên khi nghiên cứu học tập Phật Pháp, chúng ta không nên tham cho mau, tham được tự tại, hoặc tham có thần thông. Vì những sự theo đuổi đó đều trái ngược với đạo, khiến ta quên mất ý nghĩa chân thật của việc học Phật. Chúng ta vốn muốn xuất ly biển khổ, ra khỏi nhà lửa của tam giới và rời khổ được vui, mà lại tham cầu tức là càng học thì càng khổ thêm.
Lục Đại Tông Chỉ: Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ chính là câu châm ngôn của những người Phật tử. Nếu lúc nào, ở đâu chúng ta cũng có thể thực hành theo, tức chúng ta mới là người Phật tử thật sự hiểu rõ được Phật Pháp.
Nói đi nói lại gì, tôi cũng nói bấy nhiêu đạo lý đó thôi, tuy có vẻ rất cạn cợt đấy, nhưng quý vị cũng không dễ gì làm được đâu. Nếu quý vị làm được thì cũng sẽ sớm thành Phật. Nếu quý vị cung hành thực tiễn theo Lục Đại Tông Chỉ nầy mà không thành Phật, thì tôi sẽ ở mãi dưới địa ngục và không bao giờ thoát ra. Tôi tin tưởng và bảo đảm rằng: Người nào tu hành theo Lục Đại Tông Chỉ nầy, tương lai nhất định sẽ thành Phật.
Giảng ngày 20 tháng 5 năm 1985

0 comments:

Post a Comment