(Phỏng thuật theo Kinh Tăng Chi Bộ)
Khi đức Thế tôn ở núi Linh Thứu thành Vương Xá, có tôn giả Dhammikà, sau khi lang thang hết chỗ này tới chỗ khác qua bảy trú xứ mà không nơi nào chấp nhận, cuối cùng lần mò về chỗ Phật. Nguyên do là vì, tôn giả đi đến đâu cũng gây sự với các tỳ kheo ở đó, khiến họ không chịu nổi, bỏ đi. Các cư sĩ biết chuyện, đến mời Tôn giả đi chỗ khác. Thế là cuối cùng Tôn giả về thành Vương Xá yết kiến Phật. Ngài hỏi:
- Này Dhammikà, sao ngươi trở về đó?
- Bạch Thế tôn, con bị các cư sĩ tại các trú xứ mời đi chỗ khác.
- Thế đấy! Ngươi cũng chẳng hề gì cả, vì còn ta đây để cho ngươi quay về. Phải ngươi nghĩ vậy không?
Tôn giả cúi đầu im lặng. Ðức Thế tôn lại bảo:
- Thuở xưa, này Dhammika, các nhà buôn đi biển thường mang theo một con chim. Khi tàu ra khơi, không trông thấy bờ bến, muốn biết có hòn đảo nào gần để ghé tàu, người ta thả con chim ra. Nó bay đi tứ phía, nếu không có chỗ nào đậu, không gặp bờ bến, thì nó trở lui về tàu. Nay nhà ngươi cũng vậy đó, Dhammika.
Tôn giả đứng im lặng, Thế tôn lại tiếp:
- Thuở xưa, này Dhammika, có một cây bàng chúa to lớn, chịu đầy trái ngon ngọt. Vua và các cung nữ hưởng thụ một cành, quân đội hưởng thụ một cành, dân chúng một cành, các sa môn, bà la môn một cành, thú rừng và chim chóc một cành. Một hôm có người đến ăn trái no bụng xong, bẻ gãy một cành rồi bỏ đi. Khi ấy vị thần trú nơi cây bàng nói với cây rằng: "Thưa tôn giả, loài người thật là ác độc, đã ăn no rồi còn bẽ gãy cành. Tôn giả đừng có sinh trái nữa." Cây bàng chúa nghe lời, năm sau không thèm sinh trái nữa. Khi thấy cây không còn sinh quả, vua bèn yêu cầu trời Ðế thích triệt hạ cây bàng chúa. Ðế thích liền ra lệnh cho Thiên lôi nổi sấm sét bật tung gốc rễ cây bàng lên, làm cho nó ngã nằm sóng soài ra giữa đất. Vị thần cây mất chỗ trú ngụ, đứng khóc lóc nước mắt đầy mặt, làm cho trời Ðế thích ngạc nhiên hỏi: "Này thần cây, sao ngươi sầu muộn thế?" Thần cây đáp: "Thưa tôn giả, có cơn mưa to gió lớn nổi lên, làm cho trú xứ của con, cây bàng chúa này, bị ngã xuống trốc gốc."
Ðế thích hỏi: "Này thần cây, ngươi có giữ gìn cây này, để cho nó sống đúng như pháp không?" Thần hỏi: "Thế nghĩa là gì, thưa Tôn giả?" Ðế thích nói: "Nghĩa là ngươi phải nghĩ, với cái cây này, người cần rễ đến lấy rễ, người cần lá đến lấy lá, cần hoa lấy hoa, cần trái lấy trái. Như vậy không có gì dính dấp đến vị thần cây, khiến cho vị ấy không hoan hỉ. Thế là giữ gìn Pháp của cây."
Thần cây nói: "Thưa Tôn giả, con sẽ giữ gìn cây ấy theo pháp của cây. Mong rằng trú xứ của con trở lại như xưa." Rồi Ðế thích vấn thần thông làm cho cây bàng chúa dựng đứng trở lại.
Cũng thế, này Dhammika, nhà ngươi có giữ gìn pháp của sa môn, khi các cư sĩ mời ngươi đi chỗ khác hay không?
- Nhưng bạch Thế tôn, thế nào là giữ pháp của sa môn?
- Này Dhammika, sa môn không mắng nhiếc lại người đã mắng nhiếc mình, không tức giận người đã tức giận mình, không khiển trách người đã khiển trách mình. Như vậy là giữ gìn pháp sa môn.
- Bạch Thế tôn, con không giữ gìn sa môn pháp, khi các cư sĩ mời con đi nơi khác.
- Vậy, này Dhammika, từ nay về sau, ngươi cần phải học tập pháp sa môn.
- Thưa vâng, bạch Thế tôn.
Ðường Vào Nội Tâm
Thích nữ Trí Hải
http://www.thuvienhoasen.org/u-noitam-01.htm#3
Monday, May 3, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment