Wednesday, March 11, 2009

PHÁP MÔN TRỊ NGU SI

Nếu người nhiều ngu si phải học pháp môn ba thứ suy nghĩ.

Nếu người mới tập hành phải dạy : Sanh duyên lão tử, vô minh duyên hành. Chỉ như thế suy nghĩ không cho nghĩ gì khác, có nghĩ khác liền thu nhiếp trở về.

Nếu người đang tập hành phải dạy : Hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu. Như thế suy nghĩ không cho nghĩ gì ngoài, nếu có nghĩ việc ngoài liền thu nhiếp trở về.

Nếu người tập hành đã lâu nên dạy : Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Như thế suy nghĩ không cho nghĩ gì khác, có nghĩ khác liền thu nhiếp trở về.

Tất cả người trí là minh, tất cả người ngu là vô minh, trong ấy thế nào là vô minh ?

Vô minh là tất cả không biết. Ở trong đây vô minh hay tạo có đời sau. Cái đáng có thì không, cái đáng không lại có, bỏ các điều thiện, lấy các thứ ác, phá tướng chân thật, chấp các thứ giả dối. Như trong phẩm Vô Minh Tướng nói:

Pháp mờ mịt không sáng,

Không biết nghiệp đạo đức,

Mà tạo nhân kiết sử,

Như lửa nhân kéo có.

Pháp ác mà tâm thích,

Xa bỏ các pháp lành,

Giặc cướp sáng chúng sanh,

Xưa nay thường bị cướp.

Tướng, thường, lạc, ngã, tịnh,

Chấp trong thân ngũ ấm,

Pháp khổ, tập, diệt, đạo,

Cũng lại không thể biết.

Đường hiểm các thứ não,

Người mù đi vào trong,

Phiền não nên nghiệp tập,

Nghiệp nên khổ xoay vòng.

Không nên lấy mà lấy,

Nên lấy trở lại bỏ,

Theo đuổi tối, sai lầm,

Dẫm phải gốc té nhào.

Có mắt mà không tuệ,

Thí dụ cũng như thế,

Bởi nhân duyên ấy diệt,

Trí sáng như mặt trời.

Như thế lược nói vô minh cho đến lão tử cũng vậy.

Trong Phật pháp lý nhân duyên rất cao sâu, tại sao người nhiều ngu si lại hay quán nhân duyên ?

Có hai hạng người ngu si : Hạng người mê muội như trâu, dê. Hạng người ôm các thứ tà kiến mê lầm đen tối, là người ngu si tà kiến. Phật vì hạng người sau bảo phải quán nhân duyên tập chánh định.

0 comments:

Post a Comment