Thursday, March 5, 2009

Thở! Mọi Người Hãy Thở

Trong khóa tu Zen Teens, tôi có cơ hội lên chia sẻ với các em. Nếu tôi ngồi nói 1 tiếng đồng hồ thì chắc chắn các em sẽ chán lắm, nên tôi tìm đến các em từ Mississippi để cầu cứu. Tôi vẽ lên bảng hình trái tim, phổi, não, những mũi tên và giải thích cho các em nghe hệ thống thần kinh làm việc như thế nào khi một người đi qua một cảm xúc mạnh, và ký ức ngắn hạn (short-term memory) cũng như ký ức dài hạn (long-term memory) được ghi nhận như thế nào trong những trường hợp đó. Mười mấy em ngồi chung quanh tôi, có em nhìn lơ đãng ra ngoài, có em nghe miệng mở há hốc. Tôi chợt hỏi mình, điều tôi đòi hỏi các em có hơi buồn cười (ridiculous) quá không? Tôi dừng lại vài giây rồi nói: Sư cô đã học những kiến thức này trong trường y, nhưng sư cô đã không biết sử dụng để chăm sóc mình. Bây giờ sư cô muốn dạy các em đến đây tu học để các em có thể hiểu và chăm sóc mình tốt hơn. Sư cô biết đề tài này khá phức tạp. Sư cô đã giải thích cho các em nghe rồi đó, bây giờ các em giúp sư cô dùng ngôn ngữ của các em để làm cho nó dễ hiểu hơn. Mình sẽ đóng kịch, nên mình phải làm cho nó thật đơn giản để các em khác có thể tiếp thu được. Mình có thể dàn cảnh thế này, có một cuộc xung đột giữa hai người... hay có một anh chàng đẹp trai đi ngang qua.... ''Mình dùng anh chàng đẹp trai đi ngang qua đi,'' Julie đề nghị với nụ cười láu lỉnh. Tôi nhìn quanh và thấy các em biểu lộ sự thích thú. Ừ, mình dùng nó làm kịch bản của mình, tôi liền nói. Vậy thì ai sẽ làm anh chàng đẹp trai? Ai làm cái tâm (mind) bị thu hút bởi anh chàng đó? Ai làm tim, phỗi, não, và các hóa chất thần kinh? ''Con làm cái tâm cho,'' Julie xung phong. ''Con làm phổi cho,'' Terry giơ tay lên (Terry 11 tuổi, có những triệu chứng suyển gần đây, và tôi đã chỉ cho em về phương pháp thở bụng khi đang lên cơn suyễn). Các em chọn Allen làm ''anh chàng đẹp trai.'' Allen rất thích chơi thể thao, luôn mang vớ đen cao đến đầu gối, dáng cao và đi tướng rất ngầu. Hiệp, 17 tuổi, dầy bề ngang, ít nói và hiền, cũng bị xung phong giùm để làm bộ não. Hóa và Vivi xung phong làm những hóa chất thần kinh tiết ra từ bộ não. Kenny hoan hỷ làm mắt và tai (tượng trưng cho các căn mắt tai mũi lưỡi và thân), mở to ra khi thấy ''anh chàng đẹp trai'' đi qua, nhưng rồi em chợt la lên, ''Con không thể làm mắt và tai được, vì người ta sẽ tưởng con là bê đê (gay)!''

Các em đứng thành một hàng theo trình tự: tâm, mắt tai, não, và hai hóa chất đứng hai bên não. Isaac là ''hạt giống chánh niệm,''còn nhỏ xíu trước khi tu tập, nên ngồi núp sau lưng ''tâm.'' Đáng lẽ ''tâm'' phải nói huyên thuyên bất tận khi ''anh chàng đẹp trai'' đi ngang, nhưng ''tâm'' chỉ nói được ''He's dreaming!'' rồi cứ cười khúc khích. ''Tâm'' nỗi quạu khi bị các bộ phận khác nhắc. Khi tôi hỏi nếu em lên trước mọi người em có sẽ bị khớp không, ''tâm''trả lời ''con cũng không chắc nữa,'' làm tôi hơi lo. Ngày hôm sau Julie (''tâm'') đến xin nói chuyện riêng với tôi. Qua sự chia sẻ của em, tôi nhận thấy rằng em dễ lên xuống, và em có những cái nhìn và những tập khí có thể làm cho em rất khổ về sau. Tôi lau nước mắt của em, và hướng dẫn em thở để làm dịu lại những cảm xúc đang đi lên trong em. Rồi tôi chia sẻ một cách chân thành với em về những nhận xét và quan tâm tôi có về em. Em chỉ mới 15 tuổi, có thể em chưa hiểu hoặc chưa chấp nhận được những gì tôi chia sẻ với em, nhưng tôi hy vọng rằng em cảm được tình thương tôi cho em. Biết đâu một lúc nào đó trong cuộc đời khi em bị khổ, em sẽ nhớ lại những gì em đã học được từ môi trường tu tập của Lộc Uyển.

Hôm tôi lên chia sẻ với thính chúng trẻ, các em từ Mississippi đã cùng lên với tôi. Các em mặt những bộ vạt hò màu nâu nhìn rất hiền và thiền vị. Mỗi em đều đeo trước ngực hình vẻ của bộ phận cơ thể mình đang đóng. Julie không lên, và không em nào chịu thay thế em, nên tôi đành phải đóng vai cái ''tâm.'' Tôi giới thiệu sơ lược với đại chúng về sự tương quan mật thiết giữa tâm và cơ thể . Khi mình gặp một hoàn cảnh ngoại tại nào đó, nếu tâm mình bị kích thích mạnh (như có sự sợ hãi, giận dữ, thích thú hay kích động) thì não bộ sẽ phóng thích (release) nhiều chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters) và những hoá chất hormones có liên hệ đến cảm xúc. Sự kích hoạt này của hệ thống thần kinh giao cảm (activation of the sympathetic nervous system) đưa đến những phản ứng sinh lý học gọi chung là ''phản ứng đánh hay chạy'' (physiological responses collectively called fight-or-flight response). Các giác quan trở nên rất nhạy cảm, các cơ bắp co lại, tim và phổi làm việc tích cực hơn. Trung tâm cảm thọ (Emotion center Amygdala) bị kích hoạt cực độ, và trung tâm ký ức (Hippocampus) ghi nhận kinh nghiệm đó (encode) như ''ký ức ngắn hạn.'' Nếu sau đó mình hồi tưởng lại sự kiện đã xảy ra, tâm mình lại bị kích thích với nhiều suy nghĩ và cảm thọ, thì não bộ lại phóng thích các hoá chất thần kinh, dẫn đến những phản ứng trong cơ thể, và trong bộ nhớ của mình (memory bank), ký ức ngắn hạn trở thành ký ức dài hạn....Cứ như thế, tâm mình luôn bị kích thích bởi những hoàn cảnh ngoại tại và nội tại, và những trải nghiệm tâm sinh lý này (physiological and mental experiences) hằn sâu trong não bộ và tâm thức của mình.... Tôi mời đại chúng xem màn kịch (skit) để hiểu rõ hơn những hoạt động này. Kelly và Tiểu Mi cầm hai tờ giấy viết chữ ''Màn 1'' ''Chưa Thực Tập''đi ngang trước đại chúng. ''Anh chàng đẹp trai'' xuất hiện, vừa đi vừa trả lời điện thoại. ''Tâm'' la lên, ''He's dreaming!'' ''I am in love!'' ''I think HE'S THE ONE!'' ''Blah blah blah....'' (Anh ta đẹp trai quá... Tôi yêu rồi...Tôi đã tìm được đúng đối tượng rồi, vân vân và vân vân). Thính giả cười ầm lên, và tôi thầm nghĩ, có sư cô nào ăn nói như tôi! Thôi lỡ phóng lao rồi phải theo lao! ''Mắt và tai'' (em Hạnh) mở toang những cánh cửa giấy. Hạt giống chánh niệm ngồi im ru. ''Não'' tức thì bóc tay vào túi đeo trước ngực, quăng ra hàng loạt những cục giấy vo tròn tượng trưng cho các chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters). Hai viên hoá học (Vivi và Hóa) chạy ra với 2 cái búa (cũng bằng giấy) và đập vào ''tim'' và ''phổi.'' ''Tim'' dùng mõ gõ cốc cốc thật nhanh. ''Phổi'' thở hổn hển, miệng mở to. ''Não'' giơ tay lên xuống, nói như người máy, ''Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn.''

Không phải hoàn cảnh, mà chính cách phản ứng và sự ghi nhận hoàn cảnh ấy ảnh hưởng một đời người. Nếu ai đã từng yêu sẽ luôn nhớ những mối tình đầu, vì mình lao vào nó với tất cả những cảm xúc của thân và tâm. Bao nhiêu năm sau nghĩ lại, mình vẫn cảm thấy bồi hồi. Cũng vậy, khi mình bị khủng hoảng hay lo sợ hay giận dữ, mình cũng ghi nhận những kinh nghiệm này với những phản ứng của thân và tâm. Một người có những kỷ niệm bi thương, nếu mỗi lần nhớ lại sự kiện ấy mà cả tâm lẫn thân sống lại những giây phút đó, thì thật sự những sự kiện đâu phải chỉ xảy ra trong quá khứ, mà chúng vẫn đang tiếp tục xảy ra trong hiện tại và trong tương lai. Mình khổ hoài, trong khi thức cũng như trong những giấc mơ là vì thế. Nhưng nếu mình biết tu tập, thì khi một hoàn cảnh ngoại tại đến với mình, mình tức thì quay về với hơi thở, để làm chậm lại những suy tư và làm an lại cái tâm của mình.


Não bộ vì thế sẽ phản ứng chậm hơn và ít hơn, cơ thể bị kích thích ít hơn, và khi nhớ lại hoàn cảnh ấy, mình lại theo dõi hơi thở để giữ thân tâm trong trạng thái an bình. Như thế, mình có thể ảnh hưởng tích cực cách thân tâm mình đi qua và ghi nhận những hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Sự tu tập này lại có công năng chuyển hóa và trị liệu những vết thương của quá khứ, vì khi những khổ đau đi lên trong tâm thức mình mà mình có thể ngồi thật yên với nó trong hơi thở chánh niệm, thì ''ký ức ngắn hạn mới'' này sẽ được ghi nhận và với thời gian trở thành ''ký ức dài hạn.'' Cứ như thế, mỗi lần khổ đau đi lên, mình lại ôm ấp nó với tình thương trong chánh pháp và dần dần thân và tâm không còn phản ứng tiêu cực như xưa khi nghĩ về quá khứ. Trong báo Scientific American (Khoa Học Người Mỹ) năm 2005 có bài viết về đề tài ''Erasing Memory'' (Xóa Ký Ức). Các bác sĩ tâm lý trị liệu và các nhà khoa học não bộ dự tính sẽ tìm cách xóa đi những ký ức có tính cách rất tiêu cực với những chất hóa học, để người ta không còn bị ám ảnh và khổ đau bởi những gì của quá khứ. Nhưng vấn đề là các ký ức đều nối liền với nhau trong sự liên kết giữa các sợi thần kinh (neurons) ở những điểm tiếp hợp thần kinh (synapses). Làm sao có thể cho thuốc một cách kịp thời ngay sau khi nạn nhân bị khủng hoảng, để ngăn không cho não bộ ghi nhận nó vào ký ức ngắn hạn? Làm sao có thể xoá ký ức ''xấu'' và chỉ để lại những ký ức ''tốt?'' Họ cũng lại rất sợ thuốc bị lạm dụng, ví dụ như những kẻ tội phạm sẽ dùng thuốc để làm cho nạn nhân quên đi những thương tổn họ gây nên, v.v....Có thể một ngày nào đó khoa học làm được điều này, nhưng với sự tu tập chúng ta làm được ngay bây giờ. Tôi cũng đã từng bị ám ảnh bởi quá khứ và khổ đau triền miên mặc dù tôi có bao nhiêu điều kiện hạnh phúc trong hiện tại. ''Tâm cứ bận về quá khứ, hoặc lo rong ruổi tương lai. Quanh quẩn trong vòng hờn giận, xem thường bảo vật trong tay. Dày đạp lên trên hạnh phúc. Tháng năm sầu khổ miệt mài....'' Tôi tu chưa được bao lâu và tôi vẫn vụng về, nhưng tôi biết nhiều khổ đau và gút mắt trong tôi đã được chuyển hóa và trị liệu. Tôi có thể chấp nhận và học hỏi được nhiều từ những kinh nghiệm của quá khứ. Lòng thương và sự cảm thông trong tôi cũng phát sinh và lớn lên từ đó.

Tôi kể cho các em nghe về cách người ta bắt cá hiện nay. Hồi đó những người đánh cá phải ra xa ở ngoài biển để giăng lưới và đợi thật lâu. Tôi được nghe rằng bây giờ ở Boston, người ta chỉ cần bật lên một thứ đèn màu xanh tại cảng vào buổi tối, và trong vòng một giờ, họ có thể kéo lưới với đầy ấp những con cá. Họ làm cá ngay tại chỗ, và từng đàn quạ xà xuống tranh nhau những phần họ ném đi. Cá sa vào lưới là vì chúng bị thu hút bởi ánh đèn màu xanh. Ánh đèn màu xanh của các em là những gì? tôi hỏi. ''Đồ đạc vật chất'' (material things) một em reo lên. ''Thức ăn.'' ''Trò chơi điện tử'' (video games). ''Alcohol'' (rượu). ''Internet.'' ''Chat rooms'' (những phòng nói chuyện trên mạng). ''Shopping'' (mua sắm). ''Xì ke ma túy'' (drugs). ''Ti vi.'' ''Người khác phái....'' Các em thay phiên nhau trả lời.

Để kết thúc buổi chia sẻ, các em lại đứng lên trước đại chúng. Kelly và Tiểu Mi cầm hai tờ giấy viết chữ ''Màn 2'' ''Với Sự Thực Tập''(With Practice) đi ngang trước đại chúng. ''Anh chàng đẹp trai'' xuất hiện, vừa đi vừa trả lời điện thoại. ''Tâm'' la lên, ''He's dreaming!'' ''I am in love!'' ''Mắt và tai'' mở toang những cánh cửa giấy. Nhưng ngay lúc đó, hạt giống chánh niệm nhảy ra, bây giờ với sự thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm đã lớn lên thành cây hướng dương thật lớn (đeo trước ngực). ''Chánh niệm'' la lên với giọng địa phương của Mississippi ''Breathe, y'all'' (Thở. Tất cả đều thở!). ''Chánh niệm'' chạy đến tâm và mỗi bộ phận của cơ thể và lập đi lập lại ''Breathe, y'all! Breathe!'' ''Tâm'' dừng lại những tiếng bi bô xì xồ và tự làm thiền hướng dẫn cho mình, ''Thở vào tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra tôi biết tôi đang thở ra. Thở vào tôi biết tôi đang bị kích thích. Thở ra tôi làm yên lại thân và tâm tôi....'' ''Não'' tỏ vẻ ngập ngừng, bóc tay vào túi đeo trước ngực, và quăng ra rất chậm chạp (in slow motion) vài cục giấy thần kinh hoá học. Hai viên ''hoá học''cũng chạy thật chậm với 2 cái búa và đập nhẹ vào ''tim'' và ''phổi.'' ''Tim'' dùng mõ gõ cốc cốc với tốc độ chỉ hơi nhanh hơn một chút. ''Phổi'' thở nhẹ và sâu, miệng cười toe toét. ''Não'' giơ tay lên xuống, nói như người máy, ''Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn.''
Khóa tu đã đi qua, và các em đã về lại với gia đình của mình. Nhưng tôi biết những giây phút cùng chung sống và tu tập với các thầy cô ở Lộc Uyển đã được ghi nhận vào ký ức ngắn hạn của các em. Mỗi lần các em nhớ về Lộc Uyển, các em sẽ mỉm cười, và trong ký ức dài hạn của các em sẽ có những niềm vui. Bụt trong tự thân sẽ dẫn dắt và đưa các em trở về trong ánh sáng và không gian thênh thang. Một khi các em đã nếm được hương vị ngọt ngào của sự tu tập, cuộc đời các em vĩnh viễn thay đổi. It will never be the same.

0 comments:

Post a Comment