Giác Hạnh Hoa
Có lẽ không ai trong chúng ta lại không bị sốc khi đọc những dòng tin về việc "chết cùng nhau" để lại nỗi đau khôn cùng cho người thân và khiến cộng đồng quay quắt với nhiều câu hỏi.
Phải làm gì để để tự tử không còn là vấn nạn trong thanh, thiếu niên?
Trước sự việc này, nếu chỉ thể hiện sự đau buồn và thương tiếc không thôi thì chưa đủ mà có lẽ cần phải tìm hiểu sâu kỹ hơn về hiện tượng tự tử nơi giới trẻ, từ đó có thể đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để hạn chế hiện tượng này.
Rất nhiều bài viết, rất nhiều những nhà tâm lý học, những nhà chuyên môn chuyên nghiên cứu vế tâm sinh lý con người ở Việt Nam và trên thế giới đã phân tích về nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn nạn này.
Nguyên nhân chính dẫn đến tự tử nơi giới trẻ, mà phần lớn xuất phát từ những tác động bên ngoài cá nhân bạn trẻ: gia đình, nhà trường, phương tiện truyền thông, xã hội…Những tác động bên trong là bệnh tâm thần, chất kích thích, sức khỏe...
Có lẽ ở trên đời này ai mà không một lần đối diện với những đau khổ, mất mát, chia ly, thất bại, chán chường, tuyệt vọng, cô đơn, bệnh tật… ai mà không vấp ngã, ai mà không bị áp lực trước việc học tập thi cử, công việc và gia đình… Người thì biết tự mình đứng lên vượt qua những lỗi đau cùng cực. còn ai sẽ phải cần người chia sẻ và đưa bàn tay ra đỡ dậy?
Trong những bài viết về nguyên nhân và giải Pháp có rất nhiều bài của các chuyên gia tâm lý phân tích về vấn nạn này rất hay, đặc biệt trong bài viết “ Tự tử dưới cái nhìn Phật giáo” các bài giảng Pháp âm của TT Thích Nhật Từ về đề tài này rất nhiều (có tới vài chục bài). Trong đó đặc biệt có bài thuyết giảng “ Tôi ơi đừng tuyệt vọng” “ Cười với khổ đau”” Xả stress”” Học từ thất bại””Đừng lãng phí cuộc đời” … giá như những ai đang đau khổ cùng cực chỉ cần được một lần lắng nghe những bài giảng này thôi thì bảo đảm cái chết sẽ không đến với họ.
Trong năm giới căn bản của Phật giáo (không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói lời dối trá, không dùng các chất kích thích) góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ dẫn đến tự tử.
Không sát sanh đã là biết quí trọng mạng sống của các loài trong đó có mạng sống của chính mình, nếu mọi người ai cũng biết luật Nhân quả thì cũng sẽ biết sanh ra được làm người đã là khó lắm, phải tu bao nhiêu kiếp mới được làm người. Nếu ai cũng biết hủy hoại thân mình là phạm tội đại bất hiếu với người sinh thành thì đã hạn chế được bao nhiêu vụ tự tử. Nếu không sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu, bia… thì đâu có được liệt vào loại chất kích thích là tác nhân thứ hai cho vấn nạn tự tử. Nếu không trộm cắp, không nói dối trá, không lừa gạt người khác, không tà dâm thì đâu có là chất xúc tác gián tiếp gây lên vấn nạn tự tử.
Nếu như trong sách giáo khoa của các cấp học mà cũng có những bài học về thiện nghiệp, về nhân duyên của kiếp người, về ý nghĩa báo hiếu Tứ Trọng Ân, thì có lẽ các em đâu dám mang thân này hủy hoại, để phải mang tiếng là kẻ đại bất hiếu. Có lẽ tất cả mọi người đã biết quí trọng thân mình nhiều lắm. Nếu như có những tiết học được các Giảng Sư đứng trên bục giảng, những giảng đường đại học, những trại tù…thì các em và nhiều người sẽ biết tự đứng dạy trước thất bại, trước vấp ngã và những đau khổ cùng cực…
Nếu như tất cả các em được sinh hoạt trong các khóa tu mùa hè thì chắc chắn rằng sẽ không có một ai còn cảm thấy chán đời, sẽ không có ai mà không vượt qua được thất bại, đau khổ. Bới vì chính các Tăng Ni những nhà Xuất gia chân chính, những nhà Giảng Sư tâm lý học đã dạy cho các em biết vượt qua những nghịch cảnh, những thuận duyên trong mỗi con người. Dậy cho các em những bài giảng đạo đức của Đức Phật. Dạy cho các em biết luật gieo nhân và trổ quả. Dậy cho các em biết dừng bước trước cám dỗ, khơi dậy cho các em lòng từ bi, hỉ,xả. Khi các em đã được trang bị những kỹ năng sống trước nghịch cảnh, thuận duyên từ rất sớm thì tin chắc rằng các em sẽ vững bước trước giông bão cuộc đời.
Vì vậy, những bậc phụ huynh ngoài những việc phải làm cho con em mình thì một việc cần phải làm quan trọng ngay là hãy cho con em mình một tháng đôi lần đến chùa, hãy đôi ba lần nghe những bài giảng Phật pháp dành cho tuổi trẻ. Những ngày hè nếu cho con em mình đi du lịch cả tuần thì cũng sẽ dành thời gian cùng con em mình đến chùa nghe Phật pháp, tham dự khóa tu mùa hè, ai không có điều kiện thì hãy cho con em mình nghe xem những băng giảng phật pháp…
Và cuối cùng hãy cho con em mình được lậy Đức Phật làm Thầy. Chỉ có như vậy con em mình sẽ sống tốt đẹp hơn nhiều chẳng có mất mát gì mà chỉ có được. Cái được lớn nhất ở một người trẻ là Phật tử là đã được thấm nhuần giáo lý của Đức Phật: biết sợ Nhân quả, có lòng từ bi, biết quí trọng mọi loài, mọi người, biết chia sẻ, biết nói lời yêu thương… thì còn sợ gì các em không sống tốt, không sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, không vượt qua được tất cả khổ đau,thất bại.
Hãy lậy Phật làm Thầy và làm liều thuốc chữa trị mọi khổ đau, bất hạnh làm hành trang cho cuộc đời trước mọi nghịch cảnh các bạn trẻ nhé, kỳ diệu lắm đấy.
Sài Gòn tháng 3 năm 2012
0 comments:
Post a Comment