Con trai tôi học lớp 8. Cháu nghỉ hè và tôi đã cho cháu sử dụng máy tính để chơi game. Cháu chơi gần như hết cả thời gian trong ngày và tới tận khuya.
Tôi đã yêu cầu cháu lập thời gian biểu sinh hoạt và hạn chế giờ chơi, nhưng cháu luôn tranh thủ lúc không có bố mẹ kiểm soát để chơi. Khi tôi phạt cháu, không cho sử dụng máy tính, cháu gào khóc và gần như bị stress.
Tôi muốn rèn cho cháu phải tập thích nghi ngay cả khi ý muốn của cháu không được đáp ứng. Tuy nhiên có vẻ cháu không chịu được. Tôi phải xử trí thế nào với cháu? Xin cho tôi lời khuyên. (Thắm)
Ảnh minh họa: Visuaphotos.com.
|
Trả lời:
Chào bạn,
Hiện nay, tình trạng trẻ mê game không còn là điều lạ, vì có rất nhiều yếu tố thuận lợi góp phần vào hoạt động này. Ban đầu chỉ là để giải trí, giết thì giờ nhưng lần hồi, do không còn việc gì khác và không có những thú vui hấp dẫn hơn, trẻ dần dần gắn bó với việc chơi game và có nhiều khả năng chuyển sang nghiện. Như vậy, chúng ta thấy có hai yếu tố khiến trẻ say mê, đó là không có được một thời khóa biểu làm việc, học tập và giải trí quân bình. Bên cạnh đó là trẻ không được tham gia hay không được tập cho ham thích các thú vui giải trí khác.
Có thể nói, áp lực học tập đã khiến cho trẻ mất nhiều thời gian, năng lượng và vì thế trẻ không còn thì giờ để có các hoạt động vui chơi đa dạng. Chính điều đó đã khiến game trở thành thú vui, đôi khi là duy nhất với nhiều em. Khi hè đến, việc học tập giảm xuống thì hầu hết gia đình lại chưa tập cho trẻ biết tổ chức thời gian hoạt động trong ngày và có những hoạt động giải trí khác lấp vào khoảng trống một cách tự nguyện. Khi đó, ngoài các buổi đi học thêm, các em chỉ biết chơi game.
Chúng ta không thể buộc một đứa trẻ chưa có khả năng tự chủ để thực hiện những hoạt động tự ý, và cũng không thể áp đặt một lịch hoạt động theo ý người lớn. Vì thế trong thời gian đầu phải từng bước tiến hành những hoạt động đơn giản hơn, chẳng hạn nhờ trẻ thực hiện một số hoạt động trong gia đình như dọn dẹp nhà cửa, phụ bố mẹ dọn cơm, nấu cơm với một khoảng thời gian rất ngắn, còn sau đó hãy khuyến khích trẻ tham gia một số hoạt động giải trí bên ngoài.
Bất cứ hoạt động nào từ vui chơi đến học tập đều cần có thời gian thực tập từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến đa dạng, vì thế không thể ngay lập tức bắt trẻ thôi chơi game, kể cả áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất, mà chỉ có thể từng bước vận dụng với sự kiên trì, nhẹ nhàng, vui vẻ và kiên quyết. Hãy cùng trẻ trao đổi và thỏa thuận một lịch hoạt động trong ngày, ban đầu có thể việc chơi nhiều hơn việc học, để từ đó dần dần điều chỉnh đến mức độ hợp lý hơn sao cho có sự quân bình giữa 4 hoạt động: hoạt động cá nhân (ăn ngủ, vệ sinh), hoạt động học tập, hoạt động vui chơi giải trí và hoạt động phụ giúp việc nhà.
Chúc chị thành công trong nguyên tắc mưa lâu thấm đất, nói ngọt lọt đến xương!
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Rồng Việt Vũng Tà
u
Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Rồng Việt Vũng Tà
u