Ấn Quang Pháp Sư Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Dịch
Mấy Lời Bày Tỏ
Trong các hành môn của đức Phật đã chỉ dạy, môn nào cũng có pháp nghi riêng biệt, từ cách thờ cúng, lễ bái, trì tụng, sám hối, phát nguyện v.v... Như Mật Tông lại còn sự lập đàn, kiết ấn nữa.Riêng về tông Tịnh Độ, tôi thấy có nhiều người không biết nghi thức hành trì cho đúng pháp. Lại có những vị không hiểu nghĩa chữ Hán, thành ra khi trì tụng chỉ đọc suông theo thông lệ, khó phát lòng thành khẩn, không thể chuyển hướng tâm niệm của mình y như lời văn. Nghĩ vì dòng đời cứ mãi trôi qua, người sau càng ngày lại càng ít am hiểu văn từ Hán Việt, nên theo lời yêu cầu của một số đông, tôi soạn dịch nghi thức tu Tịnh Độ ra Việt văn để giúp bạn đồng tu.Về pháp nghi Tịnh Độ, có ba bậc: thượng, trung, hạ. Để không quá đơn giản và khỏi phiền toái, tôi căn cứ theo pháp nghi của ngài Từ Vân trong Tịnh Độ Thập Yếu, soạn dịch nghi thức theo bậc trung. Về cách trì danh, vẫn có nhiều đường lối, theo chỗ kinh nghiệm và so với thời cơ, tôi chọn pháp Thập Niệm Ký Số.Về pháp nghi Tịnh Độ, thuở xưa chia làm năm môn, tôi ước kết lại thành ba môn: lễ bái, trì tụng và phát nguyện hồi hướng. Vả lại, pháp môn Tịnh Độ có chuyên tu và kiêm tu; có vị chuyên niệm Phật, có vị lại kiêm tụng kinh, trì chú, sám hối hoặc tham thiền. Theo Ấn Quang Pháp Sư, thì người tu tịnh nghiệp phải lấy sự niệm Phật làm phần chính, mấy món kia làm phần phụ, phần chính cố nhiên phải giữ cho nhiều hơn. Riêng về tụng kinh, trì chú, nếu dùng để giúp cho phần niệm Phật và chí tâm hồi hướng, cầu vãng sanh, cũng có thể gọi là chuyên tu. Trên pháp môn trì danh, sự hơn kém thật ra không phải ở nơi nghi thức, mà ở chỗ: âm thanh rành rõ hay lờ mờ, tâm niệm thành khẩn hay thờ ơ tán loạn, công trì tụng sâu nhiều hay cạn ít. Nếu người biết tu thì một lượt chiêm lễ, một câu xưng danh, công đức cũng hơn kẻ không biết tu rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không có pháp nghi cho đúng, thì công đức hành trì thì cũng khó phát huy đến chỗ viên mãn. Và vì thế tôi mới soạn ra nghi thức nầy.Xưa và nay cách nhau, chúng sanh căn cơ sở thích đều sai khác, tôi không dám gọi việc làm nầy là hợp với mọi người, cũng không dám cho nghi thức đây là hơn những pháp nghi đã có, chỉ tùy chỗ mong cầu mà lạo thảo viết ra vậy thôi.Liên Du Thích Thiền Tâm
Lời Bạt
Trong quyển nầy, ta thấy Ấn Quang Pháp Sư, về cách khuyến hóa, chỉ dùng lời lẽ bình thường chân thật, mà điểm cốt yếu duy ở một chữ thành. Người học đạo biết đặt chân từ chỗ bình thật đi vào, thì không còn vọng cầu xa xôi; có chí thành khẩn thiết tất dễ cảm thông với Phật. Sự huyền diệu của đạo chính là ở chỗ đó. Cho nên thuở xưa, một vị Tổ Sư đã bảo: 'Tâm bình thường là đạo.' Nhưng, trên đường giải thoát, các tông khác tuy cũng dùng tâm bình thường thanh tịnh làm căn bản, song chỉ nương ở tự lực, riêng môn Tịnh Độ đã chuyên dùng tự lực lại kiêm chú trọng về tha lực. Như bên tông Thiền tuy tham cứu câu niệm Phật, nhưng chỉ dùng đó để ngăn làn sóng vọng tưởng, trở về tâm thanh tịnh; bên tông Mật như phái Lạt Ma giáo ở Tây Tạng, cũng có người chuyên trì danh hiệu của một đức Phật, một bậc Bồ Tát hay một vị thần, song họ chỉ xem đó là một câu chú, hoặc một đấng ủng hộ mà thôi. Tuy nhiên, nếu đem so sánh, ta thấy bên Mật có điểm thắng hơn bên Thiền, vì bên Mật trong khi tu niệm đã biết giữ ba nghiệp thanh tịnh (tam mật tương ưng) để tiêu trừ vọng tưởng đồng thời lại dùng công đức, năng lực của chân ngôn hay hiệu Phật, giúp sức phá tan hoặc nghiệp, để mau chứng quả Bồ Đề. Nhưng đó là những lối tu hành của bậc thượng căn, hơn nữa chúng sanh từ kiếp vô thỉ đến nay gây nên nghiệp chướng vô lượng vô biên, dù có tu được, cũng khó hy vọng trong một đời phá hết phiền hoặc, thoát đường sanh tử. Và một khi nghiệp hoặc còn chừng một mảy tơ, cũng bị luân hồi, mà đã luân hồi tất dễ quên mất túc căn, bị trần cảnh mê mờ lôi cuốn vào trong lục đạo! Khác hơn thế, môn Tịnh Độ bậc căn cơ thượng, trung, hạ đều có thể tu; cách tu chỉ dùng tâm thanh tịnh làm nền tảng, rồi từ nơi đó khởi công năng chí thành khẩn thiết niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu đủ lòng tín nguyện trì danh, không luận người đã dứt hết phiền não, dù cho kẻ nghiệp nặng như biển cả non cao, trong một đời cũng được Phật tiếp dẫn sanh về Tịnh Độ. Khi niệm Phật chí thành, trong ấy có ba năng lực: sức Phật, sức Pháp và sức công đức không thể nghĩ bàn của tự tâm. Sức Phật là được Phật phóng quang nhiếp thọ, thường thường hộ trì. Sức Pháp là hồng danh A Di Đà vẫn đầy đủ muôn đức, chí thành niệm một câu tất sẽ tiêu tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp, phước huệ tăng thêm. Sức công đức của tự tâm là tâm ta có đủ mười pháp giới, trong khi ta niệm Phật thành khẩn, thì pháp giới ác bị tiêu ngưng, pháp giới lành biến chuyển lớn mãi cho đến khi thành thục, kết quả lúc mạng chung sẽ hóa sanh trong liên bào nơi cõi Tây Phương. - đây, ta cần nên phân biệt có hai lối niệm Phật tương tợ như Tịnh Độ mà không phải thuộc về tông Tịnh Độ: 1/ Niệm Phật tương tục mong đàn áp vọng tưởng chứng ngộ bản tâm, không cầu vãng sanh, giống như tông Thiền. 2/ Niệm Phật như trì một câu thần chú, mong Phật ủng hộ cho xa lìa ma chướng, tiêu hoặc nghiệp, hiện đời phước huệ tăng thêm, mà không cầu vãng sanh, giống như tông Mật. Niệm Phật như thế là lạc với đường lối của Tịnh Tông, chỉ được kết quả nhỏ mà mất sự lợi ích lớn. Nếu người biết trì niệm hiệu như giữ gìn bổn mạng, chỉ tha thiết cầu sanh Tây Phương, thì tuy không cầu dứt phiền não mà phiền não tự tiêu, không cầu sanh phước huệ mà phước huệ tự nhiên thêm lớn, cho đến không cầu chứng ngộ mà hoặc sớm hoặc chầy cũng được chứng ngộ; kết quả trong một đời sẽ thoát vòng luân chuyển, lên vị Bất Thối nơi cõi bảo liên. Thế thì chỉ thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, trong ấy đã có đủ Thiền và Mật rồi. Cho nên „n Quang Đại Sư thường nói: 'Pháp môn Tịnh Độ thống nhiếp cả Thiền, Giáo, Luật, cao siêu hơn Thiền, Giáo, Luật.' Môn Niệm Phật xem giản dị mà có công năng rất huyền diệu như thế, nên một hạng người học Phật vì nhận thức không thấu đáo, sanh tâm tự cao, bài báng, khinh thường. Bởi thế, có kẻ dẫn câu niệm Phật đem về lý tánh, cho lời nói trong các kinh Tịnh Độ là tượng trưng. Lại có một hạng người nhiều chủng tử ngoại đạo, đem sáu chữ niệm Phật bố khắp chi thể, hoặc hợp câu niệm Phật với phép luyện khí cho đi tuần hoàn trong châu thân, hoặc dùng câu niệm Phật tụ hỏa nơi ấn đường. Họ lại lầm cho đó là quí báu, chỉ mật thọ nhau trong phòng kín không dám tuyên dương, sợ e lạm truyền. Sự lầm lạc ấy khiến cho nhiều người mang chứng lớn bụng, mờ mắt, đau đầu, kết cuộc chỉ có tổn hại không được lợi ích. Nên biết pháp môn Tịnh Độ chính do đức Thích Ca Mâu Ni nói ra, sáu phương chư Phật đều khen ngợi; các bậc Đại Bồ Tát, Đại Tổ Sư như đức Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều tuân giữ; các Kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bảo Tích, Đại Bát Nhã đều tuyên dương. Kẻ ngoại đạo vì tà kiến, hủy báng môn Tịnh Độ, vẫn không đáng nói; hàng Phật tử nếu sanh tâm tự cao hủy báng, tức là vô tình hủy báng ngôi Tam Bảo, ngăn lấp con đường giác ngộ của mọi người. Tại sao thế? Vì môn Tịnh Độ là cửa mầu giải thoát duy nhất, yên ổn nhất của chúng sanh đời mạt pháp; chính đức Phật đã từng có lời huyền ký thuở xưa. Trên đây, không phải tôi cố ý phân biệt môn Tịnh Độ giữa các tông phái, hay thiếu mỹ cảm với những kẻ đã lầm lạc, mà chính vì tưởng niệm ân sâu của Phật, muốn cho mọi người đồng được lợi ích đó thôi. Tuy nhiên, trên đường đạo, sở thích của mỗi người có khác nhau, khúc nhạc hương quê chưa dễ cảm được lòng du khách! Xem quyển nầy, ai có mến Ấn Quang Pháp Sư, cũng nên theo Ngài mà đọc bài ca quy khứ: Phải nên phát nguyện, nguyện vãng sanh, Đất khách sơn khê mặc người luyến? Tự không muốn về, về sẽ được, Quê xưa trăng gió có ai tranh?
Người Bạn Sen,
Liên Du Thích Thiền Tâm
http://www.tangthuphathoc.com/tinhdo/lathutinhdo.htm
Friday, March 26, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment