Hiểm họa này đã được đề cập đến từ rất lâu. Mới đây nó lại được nhắc đến ở bài Nhật Bản: tu sĩ Phật giáo dựa vào văn hóa dân gian hiện đại để khôi phục tín đồ của Catherene Makino và Naoyuki Ogi, bản dịch của Quảng Hiền, đăng trên trang Web Phattuvietnam.net.
Bài viết cho biết hơn ¾ tổng dân số Nhật Bản gồm 127 triệu người là Phật tử không đến chùa ngoại trừ tham dự tang lễ hoặc lễ truy điệu (người trích dẫn nhấn mạnh).
Các tôn giáo “bạn” cũng “ủng hộ” để Phật giáo phát triển theo hướng “đạo của người chết” này. Một vị giảng sư, qua một băng giảng, cho biết một tôn giáo ở Nhật sẵn sàng trả người chết về cho đạo Phật trong tang lễ, còn đối với người sống thì có đủ mọi cuộc lễ: “rửa tội” khi mới sinh, “tiếp sức” khi mới lớn, thành hôn khi thành niên… để mời gọi.
Điều đáng nói là xu hướng đạo Phật là đạo của người chết cũng có ở Việt Nam và được một số tăng ni Phật tử, nhất là ở miền quê hưởng ứng. Trong chùa, bộ phận hoạt động mạnh nhất là “ban hộ niệm”.
Thấy nhà sư mặc áo vàng dẫn số đông Phật tử mặc áo tràng đi vào một xóm nào đó, thì cứ y như rằng người ta kháo nhau nơi đó mới có… người qua đời. Vị sư và Phật tử, vô tình, trở thành biểu hiện cho đám tang. Từ đó, nếu những người dù theo đạo Phật, nhưng không hiểu sâu về đạo, cũng ngại tiếp sư áo vàng và Phật tử đến nhà, vì sợ người chung quanh tưởng lầm…
Bản thân người viết đã có những trải nghiệm đau xót về việc này. Thuở nhỏ, tìm được một cuộn băng quý thầy tụng kinh (Kinh Phổ Môn chữ Hán, không phải kinh Di Đà hay Địa Tạng). Khi cả nhà đi ngủ tôi mới mở, thì sáng hôm sau mợ tôi nói với ngoại tôi rằng tối có nghe sư làm đám nhưng sáng không thấy nhà nào có người mất. Đến khi biết tôi có băng tụng kinh, thì mợ tôi (cũng có thờ Phật), cấm không được mở, vì “sợ người ta tưởng nhà mình có đám ma”!
Đến gần đây, tôi càng ngạc nhiên khi thấy xu thế “đạo của người chết” tăng lên một cách nguy hiểm trong đạo Phật. Nhà tôi ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An, có cửa vào sát cổng một ngôi chùa. Chùa khởi công cất một ngôi nhà ngay cổng, nghe nói là nhà từ thiện công đức, tôi rất mừng. Đến khi xây xong, thì vở lẽ ra là căn nhà trước cửa chùa dùng để chứa quan tài từ thiện, do một Phật tử hiến cúng. Do chỉ cất xong một căn, nên đợt đầu chỉ chứa khoảng 20 quan tài trên tổng số 50 quan tài dự kiến.
Hàng dãy quan tài được triển lãm như một thành tích từ thiện, làm kinh hoàng nhiều hộ gần đó, vì âm khí bao trùm cổng chùa, tối tối chuột vào sục sạo bên trong thỉnh thoảng tạo nên tiếng động, khiến cổng chùa càng trở nên ma quái hơn nữa.
Tất nhiên là thanh thiếu niên ngại lui tới đã đành, mà người tụng kinh cũng muốn về sớm. Tôi thì không tin chuyện ma quỷ, nhưng đi ngang nhà để quan tài thì thấy “lạnh” hơn lúc trước, trong lòng cũng bất an.
Tôi khuyên chư vị ni mang quan tài tặng cho Hội Chữ thập đỏ hay bệnh viện tỉnh vì có những người qua đời không thân nhân mới cần đến. Còn với những người quá cố có thân nhân, dù nghèo đến đâu thì cũng ráng lo cho ông bà cha mẹ áo quan tươm tất, “nghĩa tử là nghĩa tận”, đi xin áo quan thành ra mang tiếng bất hiếu.
Hoặc cũng có thể cấp phiếu để người cần hỗ trợ đến dịch vụ mai táng nhận quan tài, nhà chùa trả tiền. Thế nhưng chư ni vẫn cho quan tài là thể hiện của công đức bố thí, còn dự tính tăng số lượng “triển lãm” để “thể hiện” công đức nhiều hơn nữa.
Tôi thường về nhà ở quê ban đêm, chịu không nổi không dám về nữa. Nghe đâu mô hình quan tài công đức này đã được nhiều chùa triển khai, xây nhà chứa và “triển lãm” tương tự. Riêng đối với ngôi chùa ở Bến Lức đang được nói đến có câu vè:
“Ai về Bến Lức quê em Ghé chùa… mà xem quan tài Quan tài sắp một hàng dài Đến hai mươi cái để ngay cổng chùa Quan tài không bán không mua Để khi người chết nhà chùa tụng kinh…”
“Để khi người chết nhà chùa tụng kinh”. Rõ ràng là đang rơi vào hiểm họa “đạo của người chết”!. Đó là nguyên nhân mà Phật giáo Nhật Bản đi tới suy tàn.
Biến nhà chùa thành một địa điểm gắn liền với tang ma (quan tài, nghĩa địa) không phải là cách nghĩ mới có. Đã lâu trước đó, người viết trông thấy ảnh của một vị sư tươi cười dẫn một đoàn xe ba gác chở quan tài đi bố thí. Hỏi thăm các em sinh viên quê Nam Bộ mới ra trường về công tác chung, thì phần nhiều chùa quê cũng đều có quan tài do người già trong xóm gởi. Có nghe kể một toán sinh viên đi cắm trại ở chùa, được mời cơm chay, ngồi quay quần dựa lưng vào quan tài rỗng mà không biết. Đến nửa buổi cơm, tấm đậy quan tài rơi ra, 2-3 cô té xỉu vì quá bất ngờ, họ đã…gối đầu lên đó. Thật là một bi hài kịch. Những bạn trẻ trong nhóm sinh viên đó về sau không dám viếng chùa ở quê nữa!
Bài viết về kinh nghiệm của Phật giáo Nhật Bản đã quá đủ để chúng ta suy nghĩ, những mẩu chuyện ghi lại ở đây cũng để nói thêm mà thôi. Biến nhà chùa thành một thứ “nhà đòn” dù miễn phí, cũng sẽ gây ra những tác hại lớn lao cho đạo Phật. Đó là việc làm đuổi Phật tử trẻ, tự cô lập đạo Phật, nhưng lại tưởng là tạo công đức.
Mới đây, có một nhà nghiên cứu tôn giáo chia sẻ với người viết rằng cách làm này vốn không phải của đạo Phật, mà là học tập từ… Đạo Cao Đài. Tôn giáo này có cách truyền đạo đặc biệt, giúp đỡ ma chay đối với tang gia, như chu cấp quan tài, dàn nhạc lễ, xe tang, tụng kinh…miễn phí. Họ xem đó là phương tiện truyền đạo rất tốt vì theo họ những người được giúp đỡ rất biết ơn và họ theo đạo để khi chết được giúp đỡ như thế. Quan tài, xe tang thường có sẵn trong thánh thất, riêng xe tang được gọi là “thuyền bát nhã” và đóng thành hình chiếc thuyền. Tôi đến một thánh thất để xem và quả thật như vậy.
Lúc này, tôi đang viết một loạt bài nghiên cứu về Phật giáo Nga, với ở nước này việc truyền bá Phật pháp được khởi đầu và chủ động bởi các Viện sĩ Đông phương học Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia, các nhà vương công quý tộc trí thức lớn của triều đình thực hiện trên cơ sở hoạt động học thuật (xin xem phapluanonline.com). Nay được giới thiệu có cách truyền đạo theo kiểu cung cấp dịch vụ mai táng miễn phí được người trong đạo Phật “học tập”, thì thật tình, tôi bị sốc. Sau đó lại đọc được bài phản ánh sự suy tàn của Phật giáo Nhật Bản khi tự biến thành “đạo của người chết”, tôi lại càng hoang mang cho tương lai đạo Phật hơn nữa.
Ý kiến chủ quan của tôi là nếu Phật giáo Việt Nam thật sự trở thành “đạo của người chết”, nhà chùa trở thành “nhà đòn” cung cấp dịch vụ mai táng từ A-Z, thì Phật giáo Việt Nam đang bên bờ vực thẳm của hiểm họa suy tàn. Đó phần lớn là hoạt động miễn phí, nhưng nghe nói nhiều chùa cũng nhận hỷ cúng và tính chi phí dịch vụ. Thế thì còn gì Phật giáo Việt Nam!
Có vị ni dẫn chứng với tôi rằng trước đây, hòa thượng chùa này, chùa kia vẫn làm như thế. Nhưng chúng tôi nghĩ đó là vào thời kỳ trước chấn hưng Phật giáo, thời mà tăng sĩ đồng nghĩa với thầy cúng đám, và nhà chùa chỉ là nơi quy tụ Phật tử những lão bà cao tuổi. Và điều đó cũng chỉ có ở một ít tôn phái lưu truyền ở miền quê.
Thời đức Phật, các tịnh xá là một thế giới sống, vươn lên, tự tin, lạc quan, dù là trong ý thức vô ngã, vô thường. Không hề có việc tăng chúng xuất gia đảm nhiệm hoạt động mai tang từ A đến Z thay vì chỉ tụng kinh cầu siêu.
Còn ngày nay, Phật giáo Việt Nam đang ở thế kỷ XXI, hướng về giới trẻ, không phải là Phật giáo thế kỷ XIX trong vai trò đạo của người già, đạo của người chết, trong những năm suy tàn trước giai đoạn chấn hưng.
Chúng tôi nghĩ rằng tiếng nói của riêng mình không đủ để báo động hiểm họa đạo Phật Việt Nam trở thành “đạo của người chết”. Kính mong chư tôn đức và quý Phật tử cùng lên tiếng càng nhiều càng tốt để nội bộ Phật giáo chúng ta có thể giải quyết vấn đề mà chúng tôi coi là hiểm họa thực sự, trước vết xe đổ của Phật giáo Nhật Bản.
Minh Thạnh (phattuvietnam.net)
http://www.thuvienhoasen.org/cusi-hiemhoadoivoidaophat.htm
Friday, March 12, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment