Wednesday, August 17, 2011

Câu chuyện người mẹ lượm lon

Đây là một câu chuyện có thật về một người mẹ vĩ đại, đến bây giờ mới kể, chia sẻ với mọi người. Sáng nay, một người bạn đã kể cho tôi nghe về cuộc đời người mẹ vĩ đại đối với cô


Vào những thập niên bảy mươi tại miền Trung, có một người thiếu nữ tên Lan, sắc nước hương trời, thùy mỵ, nết na, đức hạnh nhất trong làng.

Lan được nhiều người con trai để ý và thương mến. Lan chưa từng nghĩ đến việc lập gia đình, vì muốn ở vậy phụng dưỡng, báo hiếu công ơn của mẹ cha. Nhưng sự thật phũ phàng và nghiệt ngã đã đến với Lan

Bấy giờ, trong làng lại xuất hiện một chàng trai tên Cảnh, người con trai tuấn tú, hiền lành và thật thà đang công tác tại ngôi làng này, Cảnh thấy Lan là người con gái tài sắc vẹn toàn, đầy đủ công, ngôn, dung, hạnh, và cầm kỳ thi họa

Cảnh đã dùng lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ làm cho Lan phải xiêu lòng, đã chấp nhận mối tình đầu đời của mình. Lan cứ nghĩ hạnh phúc đang mang lại với mình. Cho nên đặt trọn niềm tin vào Cảnh. Lan tưởng chừng như một đóa hoa đang tươi nở giữa mùa xuân, Lan cảm thấy tràn đầy hạnh phúc

Hai tháng sau, Lan đã mang giọt máu của Cảnh trong bụng. Lan cứ nghĩ sẽ được hạnh phúc vui vẻ hơn sau khi có con. Khi Cảnh hay tin Lan đã có mang, nên đã lừa dối với Lan rằng:

- “Quân đội đã tiến cử Anh đi công tác nơi xa, khoảng vài tháng Anh sẽ quay về để lo ngày em lâm bồn khai hoa nở nhụy, đón đứa con đầu lòng của mình chào đời. Rủi Anh về muộn thì em hãy đặt tên cho con, nếu sinh con trai đặt tên “Bảo Minh”, sinh con gái đặt tên là “Bảo Châu.”

Rồi thời gian năm tháng mãi dần trôi, Lan không nhận tin tức gì về chồng của mình, bặt vô âm tính. Trong lòng của Lan có điềm không tốt mang lại đến với mình. Lan đã nhờ người đi tìm, thì hung tin đã đổ lên cuộc đời của Lan.

Bấy giờ Lan mới biết Cảnh có gia đình đã lừa dối Lan. Cảnh đã bỏ rơi Lan và giọt máu trong bụng. Không có sự đau buồn, thống thiết nào hơn, Lan giống như một người đang đi vào ngỏ hẻm của cuộc đời. Lan đã tuyệt vọng muốn vứt bỏ giọt máu của người đàn ông bạt tình này. Lan muốn quyên sinh để kết thúc mối tình nghiệt ngã khổ đau.

Bổng dưng Lan nhớ đến hai từ “Bảo Châu” như là một viên ngọc quý giá, mình không thể nào bỏ đi. Lan đã thay đổi suy nghĩa theo chiều hướng tích cực, không nghĩ đến những chuyện vớ vẩn nữa. Đứa con trong bụng có tội lỗi gì đâu, sao mình lại vứt bỏ nó. Mình vứt bỏ đứa con trong bụng khác nào mình giết chết bản thân của mình, nó là giọt máu là núm ruột của mình. Nhờ vậy Lan đã thay đổi quan niệm để sống với một ý chí kiên cường, mặc cho thế sự dèm pha.

Thời gian không đợi vẫn đến, Lan lâm bồn khai hoa nở nhụy đã sinh ra một tiểu công chúa với khuôn mặt giống như một Thiên thần bé nhỏ. Lan đã đặt đứa con gái của mình tên là “Bảo Châu.”

Sau khi sinh Bảo Châu ra cuộc sống của Lan vô cùng khó khăn và gian khổ muôn phần, hàng xóm dị nghị đàm tiếu. Lan vẫn mặc nhiên để sống, nuôi dưỡng con gái của mình.

Thời gian thấm thoát sáu năm sau, Bảo Châu vào lớp một, là một học sinh rất thông minh, và hiếu thảo với mẹ, hai mẹ con sống chung với nhau trong chòi tranh vách đất.

Hằng ngày Bảo Châu được mẹ đưa đến trường với chiếc xe đạp cũ kỹ. Khi Bảo Châu đến trường, nhìn xung quanh những em bé khác có những ông bố đến đưa rước những đứa con của mình. Bấy giờ Bảo Châu không cầm được những giọt nước mắt bất hạnh, sinh ra đời thiếu vắng tình thương của người cha, từ khi Bảo Châu chào đời đến giờ chưa hề biết khuôn mặt của cha như thế nào.

“Còn cha còn mẹ thì hơn Không cha không mẹ như đàn đứt dây”

Nhưng rồi Bảo Châu cũng đã hiểu ra một điều, Bảo Châu vẫn còn hạnh phúc hơn những em khác đang mồ côi cha mẹ, dù sao Bảo Châu vẫn còn tình thương yêu của mẹ hiền, Bảo Châu nghĩ đến đây thì đã cầm được dòng nước mắt, để bước vào lớp học

Còn mẹ của Bảo Châu, mỗi ngày sau khi chở con đến trường học, người mẹ đạp xe ra đầu đường, xó chợ để lượm lon, những bịch nilong đem bán ve chai, kiếm sống qua ngày, và nuôi con ăn học.

Đến buổi trưa người mẹ đạp xe thật nhanh đến trường đón con về, sợ con đứng trông đợi lâu. Sau mỗi giờ cơm tối mẹ thường bảo với Bảo Châu rằng:

- Mẹ đi làm thêm, con ở nhà lo học bài, rồi con nhớ ngủ sớm, mẹ về hơi muộn.

- Dạ, vâng mẹ ạ!

Sau khi học bài xong, Bảo Châu thức chờ mẹ về ngủ, đợi hoài không thấy, mới đi tìm mẹ, Bảo Châu chạy ra đến chợ thấy mẹ nằm giữ shop cho người ta để có thêm tiền mua sách vở cho con ăn học. Khi thấy mẹ nằm co ro dưới đất lạnh lẽo để canh shop, Bảo Châu cố nén lòng không để rơi nước mắt, sợ mẹ buồn và đau lòng, người mẹ hỏi Bảo Châu rằng:

- Giờ này sao con chưa ngủ sao? Con chạy ra đây làm gì? Ở đây sương xuống lạnh lẽo lắm. Con còn nhỏ sức con không thể chống cự nổi cái lạnh lẽo này. Con về nhà ngủ để ngày mai con đến trường.

Bảo Châu thưa với mẹ rằng:

- Thưa mẹ! Không có nơi nào nằm ấm áp bằng được nằm vòng tay âu yếm của mẹ cả, không có tiếng nhạc nào hay hơn lời ru của mẹ, trên thế gian này không có kỳ quan nào đẹp bằng trái tim của mẹ. Mẹ hãy cho con ngủ ở đây với mẹ con cảm thấy hạnh phúc lắm.

Mỗi ngày hai mẹ con ngủ qua đêm ở chợ để canh shop cho người ta mới đủ tiền sinh sông qua ngày. Cuối niên khóa lớp một, Bảo Châu đạt học sinh giỏi, được nhà trường tặng bằng khen và phần thưởng

Bấy giờ trong lớp có những em học sinh khác bắt đầu ganh tỵ và châm biếm với Bảo Châu

- “Chà mày là đứa con không cha, con gái của bà lượm ve chai ở đầu đường xó chợ, nghèo rách mồng tơi, sao học giỏi thế”?

Nhưng Bảo Châu là cô bé biết nhẫn nhục, trong lớp chưa bao giờ làm mích lòng những bạn học khác, chỉ có những em con nhà giàu ganh tỵ kiếm chuyện. Bảo Châu nhẫn nhịn, làm thinh không nói lời nào “một câu nhịn chin câu lành”

Nhờ những lời dèm pha như thế, Bảo Châu mới biết mẹ mình đi lượm lon kiếm sống nuôi mình ăn học. Những việc làm mưu sinh vất vả gian nan ấy khiến Bảo Châu càng thương yêu mẹ của mình hơn. Không cảm thấy xấu hổ bất kỳ điều gì trước sự dèm pha, mỉa mai của chúng bạn

Sau khi tan học Bảo Châu không đợi mẹ đến rước về. Bảo Châu chạy đi tìm mẹ, khi đến xó chợ nhìn thấy mẹ đang lom khom nhặt những bịch nhựa nilong và lon, người mẹ vừa khom xuống lấy lon thì thấy một bàn tay bé nhỏ cầm cái lon đưa cho mẹ và bảo rằng:

- Con đến phụ giúp mẹ đây!

- Sao con biết mẹ ở đây mà tìm?

- Con nghe chúng bạn nói

- Con không sợ chúng bạn khinh chê con à?

- Dạ! không đâu mẹ! Con càng hãnh diện hơn đã có một người mẹ thật vĩ đại luôn hy sinh vì con. Con nghĩ rằng đồng tiền mẹ làm ra bằng tất cả những giọt mồ hôi và nước mắt, một nắng hai sương mới có được, không phải mẹ đi kiếm những đồng tiền dơ bẩn. Tại sao con phải xấu hổ chúng bạn chứ?

Bấy giờ hai mẹ con ôm nhau và khóc nức nở, Bảo Châu đưa phần thưởng vừa lãnh khoe mẹ xem và bảo rằng:

- Thưa mẹ! Đây là món quà con tặng mẹ, cảm ơn công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ

- Mẹ cũng rất tự hào có được một đứa con gái hiếu thảo như con.

Ngoài giờ học ra, Bảo Châu phụ giúp mẹ đi lượm lon, bán vé số dành dụm tiền mua sách vở để học, Bảo Châu thích đọc những câu chuyện cổ tích, như “chuyện Tấm Cám, “cây tre trăm đốt” hoặc “Trọng Thủy, Mỹ Châu.”

Đọc xong Bảo Châu nhắm mắt lại, ao ước sao có Bụt hiện ra trước mặt cứu giúp hai mẹ con thoát khỏi cảnh nghèo nàng cơ cực, nhờ những câu chuyện cổ tích ấy giúp cho Bảo Châu có niềm tin sức mạnh trong học tập và đứng vững trong cuộc sống

Cứ vào mỗi mùa đông, trời mưa gió liên tục, hai mẹ con không thể đi lươm lon để mua gạo nấu cơm, chỉ nấu cháo trắng vài ba hột gạo trộn khoai lang để ăn nuôi sống qua ngày. Bảo Châu ăn cảm thấy rất ngon, khiến cho mẹ nhìn thấy Bảo Châu ăn ngon lành như vậy trong lòng cảm thấy vui và hành phúc.

Bảo Châu chính là niềm hạnh phúc, là động lực để cho người mẹ tiếp tục sống. Mỗi đêm khi trời mưa ngôi nhà dột nát, nước mưa chan vào ướt cả giường chiếu, người mẹ ngồi ôm Bảo châu trong lòng, hơi ấm từ nơi người mẹ tỏa ra để cho Bảo Châu được ngủ ngon giấc

Người mẹ thức trắng cả đêm, biết bao suy tư thao thức làm sao để thoát khỏi cảnh nghèo nàn, để con gái được hạnh phúc và hãnh diện với bạn bè. Nhưng người mẹ lại không biết trong lòng Bảo Châu, niềm hãnh diện lớn nhất chính la hình bóng mẹ hiền đi lượm lon nuôi con khôn lớn nên người.

Bỗng dưng Bảo Châu thức giấc nói mẹ rằng:

- Con cảm ơn mẹ!!! Mẹ gặp biết bao khó khăn, cha phụ tình, mẹ trải qua biết bao nhiêu gian truân, khổ nhọc nếm đủ hương vị chua cay của cuộc đời. Mẹ vẫn cho con chào đời, không giống những người mẹ khác vô lương tâm khi gặp hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng vứt bỏ đi núm ruột của mình.

- Con à! Dù cho mẹ gặp bao nhiêu sóng gió cuộc đời, cũng không bao giờ bỏ con, mẹ sẽ cố gắng để con được sống hạnh phúc. Thôi con ngủ đi, đêm đã khuya rồi.

- Thưa mẹ! nãy giờ thì con đã ngủ rồi, mẹ vẫn chưa chợp mắt, con muốn hát cho mẹ nghe bài hát này, như muốn ru lại cho mẹ ngủ:

- Vâng! Con hát cho mẹ nghe thử nào



Bài nhạc chỉ mang tính chất minh họa





"Hò ơi, bao năm lưu lạc xứ người,



Một mình vất vả, nuôi đàn con thơ,Đêm ngày nắng sớm chiều mưa,Lượm lon kiếm sống nuôi con nên người..."

Có bà mẹ già, đêm đêm về, lượm lon trên đường khuya.

Suốt cả đời mình, chắc chiu nuôi con nên người.

Đời nhiều khổ đau, cha ra đi khi con còn thơ ấu.

Sống nơi xứ người, trong cơ hàn, mẹ cố nuôi đàn con.

Có bà mẹ già, đêm đêm cầu bình an cho đàn con.

Suốt cả đời mình, không se sua, tranh đua với đời.

Đời mẹ là niềm vui, nhìn con thơ, tương lai đầy tươi sáng.

Con lớn khôn nên người, giờ thì mẹ đã khuất xa ngàn thu,

Mẹ ơi, giờ mẹ nơi đâu? Con nhớ lắm Mẹ ơi,

Đời Mẹ sớm hôm, lo đàn con, từng giấc ngủ êm đềm

Ngày ngày lượm lon, lúc gió mưa, không quản nhọc nhằn

Dù đời nhiều cay đắng, Mẹ vẫn vui vẫn cười với Con

Con nhớ lời mẹ dạy, nghèo cho sạch, rách mà cho thơm

Mai con nên người, đừng vội quên, ân nghĩa ân tình

Đời Mẹ là tình thương bao la, như biển trời lai láng.

Con kính yêu vô vàng, Mẹ là tất cả của đời Con.



Khi nghe giọng hát của Bảo Châu đã khiến mẹ ngủ lúc nào không hay, nhưng hai giọt nước mắt hạnh phúc và khổ đau vẫn chảy dài trên gò má của người mẹ hiền.

Năm tháng dần trôi, rồi mỗi khi tết đến, những trẻ em khác có đồ mới để mặc, có kẹo bánh mức để ăn, riêng Bảo Châu chỉ có hai bộ đồ cũ kỹ và rách rưởi. Mỗi lần Bảo Châu ra chợ tết phụ mẹ khiên vác trái cây mướn, thấy gia đình người ta đi sắm sửa quần áo tết cho con, mua kẹo, bánh, mức về ăn tết.

Bảo Châu đứng sững sờ, đang ao ước thèm được ăn kẹo, bánh, mức và mặc đồ mới như những chúng bạn khác. Nhưng đó chỉ là ước mơ thật xa vời với hoàn cảnh gia đình của hai mẹ con đang trong cảnh nghèo nàn thiếu ăn. Bảo Châu chỉ ước không dám nói lên lời và đòi hỏi gì thêm sợ mang thêm gánh nặng cho mẹ, Bảo Châu cảm thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn những em bé bất hạnh không được chào đời của người người mẹ vô tâm.

Người mẹ bất hạnh tưởng rằng sóng gió lặng yên, những chướng ngại, khó khăn qua đi, nhường lại cho hai mẹ con sự hạnh phúc nhỏ nhoi. Nào ngờ lúc Bảo Châu lên 9 tuổi thì sự thật phũ phàng ập đến hai mẹ con họ. Người chủ shop lường gạt bán mẹ của Bảo Châu vào làm người ở cho sở Mỹ.

Hằng ngày phải gánh nước giặt quần áo cho họ, trong suốt thời gian làm việc tại sở Mỹ. Bấy giờ có một người Lính Mỹ thấy Mẹ Bảo Châu là một người phụ nữ hiền hậu, thật thà, đảm đương, Ông ta đã quyết định cưới làm vợ, cuộc hôn lễ được tổ chức trong quân đội Mỹ, hai người sống bên nhau thật hạnh phúc. Bảo Châu không trách mẹ, hay giận hờn mẹ, cảm thấy vui, nhìn mẹ được sống hạnh phúc là Bảo Châu cũng hạnh phúc lắm rồi

Tai họa ập đến với người phụ nữ này, vào năm 1975 lính Mỹ rút về nước, ông đã để lại giọt máu của ông trong bụng người vợ mới cưới chưa được hưởng trọn niềm hạnh phúc,

Hai mẹ con gặp khó khăn muôn phần, sau khi hai mẹ con rời khỏi doanh trại Mỹ, người mẹ tiếp tục làm nghề kiếm lon sinh sống, còn Bảo Châu đi bán bánh tét thuê. Những điều gì không đợi nó vẫn đến, ngày lâm bồn, mẹ của Bảo Châu đã sinh ra một cậu con trai (Tây) thật kháu khỉnh., trong thời gian này Bảo Châu quyết định nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ và em trai, lo cơm nước, giặt quần áo cho mẹ. Sau khi lo việc nhà xong, Bảo Châu đi bán vé số, bán trà đá để kiếm tiền lo cho mẹ, và em

Đến mùa mưa không thể đi bán trà đá, vé số kiếm ra tiền được, Bảo Châu mang áo mưa ra chợ nhặt những khoai lang người ta làm rớt hoặc vứt bỏ mang về để nấu mẹ ăn.

Một năm sau, mẹ của Bảo Châu tiếp tục làm nghề buôn bán trà đá, bắt buộc Bảo Châu đi học lại, mẹ bảo với Bảo Châu rằng:

Con à! Chỉ có học mới thay đổi được số phận,

Bảo Châu cũng nghĩ như mẹ, tiếp tục đến trường xin học lại,







Hằng ngày mẹ đi bán trà đá, một bên gánh đứa con trai, còn đầu gánh bên kia là thùng trà đá để bán kiếm sống qua ngày.

Bảo Châu vì hoàn cảnh gia đình đã nghỉ học một năm để lo cho mẹ và em, bấy giờ Bảo Châu tiếp tục đi học lại, và học rất giỏi. Năm đó Bảo Châu đạt học sinh giỏi và được nhà trường cho học vượt lớp để theo kịp cùng bạn học chung lớp trước kia.

Thời gian năm tháng qua nhanh, Năm 19 tuổi, Bảo Châu đã học đến lớp 12, cuối niên khóa, Bảo Châu đạt học sinh giỏi toàn diện với thành tích 12 năm học sinh xuất sắc trên ghế nhà trường. Cũng trong năm đó nhà trường tổ chức cuộc thi tuyển học sinh ưu tú và xuất sắc nhất để cấp học bỗng du học tại Mỹ

Bảo Châu thề với lòng quyết tâm sẽ đạt được danh hiệu này, mới có thể thay đổi cuộc sống cơ hàn, nghèo khổ, đền đáp công ơn của mẹ.

Trong thời gian học bài luyện thi, hình ảnh người mẹ lượm lon cứ hiện ra trước mắt. Bảo Châu đã họa lên trang giấy hình ảnh người mẹ đang lượm lon, lom khom. Tấm ảnh được họa bằng cả trái tim của một người con hiếu thảo và những giọt nước hạnh phúc được sống gần gũi bên mẹ.

Kỳ thi tuyển chọn năm đó Bảo Châu đã vượt qua tất cả hàng ngàn thí sinh, Bảo Châu được trúng tuyển nhận học bỗng đi du học tại Mỹ. Ngày công bố kết quả và tuyên dương học sinh xuất sắc đã nhận học bỗng đại diện cho trường đi xuất ngoại du học.

Bấy giờ Thầy hiệu trưởng mời Bảo Châu lên bục cao để giới thiệu, em là một học sinh nghèo vượt khó, là tấm gương sáng cho tất cả học sinh chúng ta. Ngày hôm nay em là người duy nhất được nhận học bỗng du học tại Mỹ

Nhiều phóng viên trong nước, và nước ngoài đến phỏng vấn Bảo Châu và hỏi rằng:

- Động cơ nào khiến cho em học giỏi, vượt qua khó khăn, để chiến thắng nhận được học bỗng quý giá này?

Lúc bấy giờ Bảo Châu không trả lời gì cả, Cô đưa ra một bức ảnh hình dáng người Mẹ đang lượm lon. Nhưng lại nhòe đi mất một cái chân, những người phóng viên thắc mắc hỏi

- Hình ảnh người phụ nữ này là ai vậy?

- Dạ, đó là mẹ của em đó ạ!

- Mẹ của em bị tàn tật hết một chân à?

- Dạ không! Trước ngày em đi thi tuyển, đêm hôm đó em nhớ nghĩ công ơn của mẹ đã hy sinh cho em quá nhiều, hằng ngày mẹ em đi lượm lon bán kiếm tiền, hằng đêm ra chợ nằm canh shop để có tiền nuôi em ăn học mới có kết quả ngày hôm nay

- Nhưng sao tấm hình của mẹ em lại nhòe mất một cái chân

- Dạ, chính đêm hôm đó vì thương mẹ nước mắt em đã họa nên bức tranh này đó ạ!

Tất cả thầy cô, học sinh tham dự buổi lễ đã khóc ồ lên, cảm động trước một người mẹ vĩ đại như thế. Người mẹ e ngại không dám vào tham dự buổi lễ đứa con mình, Bà sợ mọi người đàm tiếu, khinh chê, xấu hổ cho đứa con mình. Bà chỉ đứng ngoài cổng trường nhìn vào ngày vui của đứa con mình.

Còn Bảo Châu liếc mắt nhìn tìm mẹ đang đứng ở đâu, từ trên bục cao Bảo Châu nhìn thấy mẹ mình đang đứng núp ló ở ngoài cổng trường, bỗng dưng Bảo Châu chạy thật nhanh ra ngoài cổng trường, làm tất cả những người tham dự trong buổi lễ đề ngạc nhiên, ngơ ngác. Bảo Châu mời mẹ vào giới thiệu tất cả mọi người, đây chính là người mẹ thật lượm lon trong bức họa đã nuôi Bảo Châu ăn học có ngày hôm nay, tất cả mọi người cảm phục và ngưỡng mộ, với những bông hoa xinh đẹp dâng tặng cho bà.

Đứng trên bục cao với người con gái, một hình dáng người phụ nữ gầy gò, tiều tụy, da ngâm bởi phong trần tần tảo vất vả nuôi con, tóc đã điểm sương, những nếp da nhăn trên tráng bởi những ngày tháng âu lo và mong mỏi đứa con gái mình thành đạt. Tất cả mọi người đã cuối đầu cảm phục trước sự vất vả, gian nan, nuôi con ăn học thành tài, chính trên bục cao đó cũng là biểu trưng cho một người mẹ vĩ đại.

Sau khi từ biệt mẹ, Bảo Châu đi du học bên Mỹ, ngày đêm nhung nhớ mẹ hiền và em trai ở quê, Bảo Châu sống trên đất Mỹ dành dụm ít tiền gởi về mẹ và em. Bảo Châu dự định học xong định cư tại Mỹ rồi sau đó bảo lãnh mẹ và em qua sống chung. Hiện tại còn là sinh viên chưa có thể đưa mẹ và em sang Mỹ.

Thời gian trôi đi thật nhanh mới đó hai năm từ ngày Bảo Châu rời Việt Nam du học trên đất Mỹ. Mẹ và em trai ngày đêm rất nhớ đứa con gái thương yêu.

Năm 1995, Người lính Mỹ năm xưa xem tin tức lễ nhận học bỗng của sinh viên Việt Nam, Ông nhìn thấy hình dáng người phụ nữ năm xưa ông cưới làm vợ, ông rất vui mừng vì đã mất liên lạc hơn mười mấy năm xa cách từ ngày ông trở về Mỹ. Rồi Ông quyết định trở lại Việt Nam tìm lại người vợ này. Sau khi ông trở lại Việt Nam hỏi thăm mọi người, cuối cùng ông tìm được địa chỉ của người vợ ông cần tìm.

Khi bước vô nhà gặp lại người vợ hiền suốt mười mấy năm xa cách, thật là niềm vui khôn xiết, và ông nghe vợ kể lại đã có đứa con trai với ông, thì niềm hạnh phúc ấy tăng gấp bội phần, vợ chồng, cha con đoàn tụ, và cậu con trai giống ông như đúc.

Sau khi tìm được vợ và con, niềm vui tràn ngập trong lòng. Ông về lại Mỹ lo làm thủ tục bảo lãnh hai mẹ con qua Mỹ sinh sống với nhau.

Nhưng điều chẳng may đã xảy ra với với người phụ nữ bất hạnh này một lần nữa, sau khi làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh vợ con của ông gần xong. Trên một chuyến đi công tác ông đã tai nạn máy bay qua đời.

Ở Việt Nam bà nhận hung tin người chồng đã qua đời, bà vô cùng đau khổ và sự thật trế trêu của cuộc đời cứ mãi diễn ra trước mắt, trong cuộc sống của người phụ nữ thật gian truân ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Nhưng đã bà nhìn nhận ra cuộc đời cũng chỉ là mộng, có sinh ắt có tử, sớm muộn rồi ai cũng phải ra đi trong kiếp sống vô thường giả tạm

Sau khi người chồng Mỹ qua đời, bên Mỹ gởi giấy chỉ bảo lãnh duy nhất đứa con trai qua để nhận gia tài người cha quá cố để lại. Người con trai nhất quyết không đi, không rời xa mẹ, và cậu con trai ấy đã trả lời nước Mỹ.

- Trên thế gian này, không có kỳ quan nào đẹp hơn trái tim của mẹ, không có gia tài nào quý giá bằng gia tài của mẹ, đi khắp thế gian không có gì bằng tình mẹ. Vì vậy tôi không đi đâu cả trừ khi mẹ tôi cùng đi với tôi.

Cuối cùng người phụ nữ gian truân khổ nhọc, cũng được bù đắp lại một kết quả tốt đẹp, nước Mỹ đã quyết định bảo lãnh hết cả hai mẹ con của người đàn bà bất hạnh, gian truân này qua Mỹ sinh sống

Sau khi đặt bước chân lên nước Mỹ, bà đã gặp lại đứa con gái (Bảo Châu) thân yêu. Sau những ngày tháng xa cách, ba mẹ con gặp nhau, với những giọt nước mắt hạnh phúc tuyệt vời

Hiện nay cả ba mẹ con đang sinh sống rất hạnh phúc và thành công trên đất nước Mỹ. Bù đắp lại những ngày tháng cơ hàn, cực nhọc, đói khổ lượm lon kiếp sống qua ngày trước kia. Mùa đông giông tố đã đi qua, chuyển sang một mùa xuân tươi đẹp, ấm áp và hạnh phúc.

Để cảm ơn Bụt trong câu chuyện cổ tích mà Bảo Châu thường cầu nguyện đã che chở, bảo vệ cho ba mẹ con vượt qua sóng gió cuộc đời, có kết quả tốt đẹp ngày hôm nay, vì trải qua thời thơ ấu vô cùng bất hạnh gian khổ, nếm đủ mùi cay đắng, chua chát của cuộc đời

Bảo Châu phát tâm làm từ thiện, cúng dường thành lập những tủ sách quý để những em nghèo hiếu học có điều kiện học hành không giống như Bảo Châu thời thơ ấu, muốn có cuốn sách đọc. Hằng ngày phải đi lượm ve chai, bán vé số dạo có tiền mua sách vở. Bảo Châu đã giúp đỡ cho những em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt hiếu học có điều kiện đến trường





Bình Luận

Qua câu chuyện trên “người mẹ lượm lon” và sự hiếu thảo Bảo Châu muốn nhắn gửi đến mọi người rằng:

Khi bạn gặp khó khăn gian khổ, đi vào ngõ hẻm của cuộc đời, bạn đừng bao giờ tuyệt vọng, dù chỉ còn một tia hy vọng nhỏ nhoi, bạn hãy thắp sáng nó lên bằng niềm tin cộng với ý chí nghị lực bạn sẽ được thành công,

Trên thế gian này không có khó khăn nào cản trở bước chân của một con người có ý chí kiên cường và một tinh thần không chịu khuất phục trước chông gai cuộc đời như câu nói của Nguyễn Bá Ngọc: “đường đi khó không ngại ngăn sông cách núi, nhưng chỉ sợ lòng người ngại núi e sông”.

Ý chí quyết tâm và một tinh thần vượt khó chính là bí quyết giúp cho chúng ta thành công trên cuộc đời, bởi vì cuộc sống trên thế gian này muôn màu muôn vẻ, đường đời nhiều nỗi quanh co. Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng được bước trên thảm cỏ xanh, và tận hưởng những mùi hương thơm của hoa lá, mà biết bao chông gai, hầm hố nguy hiểm trùng trùng, khó khăn luôn chờ chúng ta phía trước.

Nếu muốn đạt được mục đích trong cuộc đời thì chúng ta đừng bao giờ nhục chí, chịu khuất phục trước khó khăn, phải đương đầu với thử thách, sức con người tưởng chừng như không làm được, nhưng người mẹ lượm lon và Bảo Châu đã làm được, khi bạn đứng trước những tình huống khó khăn phức tạp, bạn phải tự thắng bản thân mình với ý chí kiên nhẫn lòng quyết tâm cao độ, một tinh thần gan thép tạo nên một con đao của trí tuệ để chặt đứt tất cả chông gai trước mặt.

Bởi vậy, hằng ngày chúng ta biết lắng đọng tâm tư quán chiếu về sự thật của khổ đau để chúng ta can đảm trải nghiệm khổ đau, nếu chúng ta không gặp khổ đau thì đức Phật không thị hiện ra đời để độ sinh. Khi chúng ta gặp hoàn cảnh khổ đau dày xéo thân tâm, chúng ta phải biết chánh niệm tỉnh giác để làm chủ khổ đau, đừng bao giờ chùn chân và chán nản, bi quan và nhục chí. Câu chuyện này cũng như tấm gương, một bức thông điệp gởi đến tất cả những người mẹ trẻ hiện nay, hãy noi gương người mẹ lượm lon, đừng bao giờ vứt bỏ những đứa con vô tội của mình trong lúc gặp hoàn cảnh khó khăn và cuộc tình ngang trái.





“Không đau khổ lấy gì làm chất liệu

Không lang thang đâu biết gió mưa nhiều

Không gian nan lấy gì thi vị hóa

Không lầm than đâu biết chuyện con người”

Thích Trí Giải

http://trigiai.blogspot.com/2011/08/cau-chuyen-nguoi-me-luom-lon.html#more







0 comments:

Post a Comment