Saturday, May 10, 2014

Ý Nghĩa Của Tùy Duyên 1 – TT. Thích Thông Phương




“Lý tùy duyên cũng là phá ngã kiến của chúng ta. Ngã kiến là kiến chấp về ngã. Bởi chúng ta luôn thấy có cái ta thật, vật thật, người thật và cái thấy của ta cũng thật luôn. Vì vậy mà bám vào đó cho một là một, hai là hai nên thành chấp ngã. Vì bảo vệ tối đa cái thấy, cái nghĩ của mình nên có đấu tranh, chết chóc. Xét cho kỹ, cái gì là suy nghĩ của ta? Cái nghĩ của ta không cố định và luôn thay đổi. Hôm nay nghĩ thế này, ngày mai đã nghĩ khác…
Kinh Kim Cang, Phật dạy: “Như Lai nói ngã kiến tức chẳng phải ngã kiến, đó gọi ngã kiến”. Nghĩa là tuy nói ngã kiến nhưng không thật có, chỉ do lầm chấp của con người sanh ra. Nhưng khi nghe nói có chấp ngã thì tưởng đâu có cái chấp ngã thật sự. Phật nói đó chỉ là cái mê lầm, vọng chấp của con người không phải thật. Như vậy, khi xét kỹ rồi biết rõ những suy nghĩ của chúng ta chỉ là ảo tưởng, khái niệm, nếu tìm tột cái thể cố định của ý nghĩ ấy thì tìm không ra.
Đã xét tột rồi tức sẽ mở sáng được mắt con Bát-nhã, thấy được chỗ lầm thì không bám chặt vào bất cứ điều gì, đó mới là tùy duyên. Cho nên, gọi tùy duyên là phá ngã kiến, phá chấp chặt.”
(trích “Ý Nghĩa Của Tùy Duyên” – TT. Thích Thông Phương)