“…Có người nghe nói sống tùy duyên là không chấp trên hình thức rồi cũng bắt chước. Như vậy không tốt. Điều quan trọng là hình thức ngoài các bậc đạt đạo trông như dễ duôi nhưng bên trong thì rất miên mật, không hề gián đoạn, luôn sáng ngời sống được với lẽ thật nên tự tại.
Cũng có trường hợp người bắt chước làm vậy để tỏ ra ta đây là người hiểu thiền, tự tại không chấp. Chính cái đó lại thành ra chấp, chấp cái không chấp.
Người thường thì chấp có, có cái này thật, cái kia thật… Còn chấp cái “không chấp” mới là nguy hiểm. Bởi chấp cho là ta không chấp gì hết nên tất cả việc đều không thành vấn đề, trở thành bệnh. Bệnh này khó trị vì lầm cho là mình đã tự tại. Nếu chúng ta chưa được như các vị thì đừng nên bắt chước.
Hoặc nói sở dĩ ta làm như vậy là để phá tâm phân biệt. Đó chính là vì chưa sạch tâm phân biệt nên mới còn dụng công để phá, như vậy thì chưa được tự tại, chưa có gì mà đã vội tự kiêu ngã mạn rồi. Đây là chỗ cần phải nghiệm cho kỹ không khéo bị lầm. Một khi tâm phân biệt đã sạch thì không còn dụng công diệt. Còn phá là còn phân biệt, tâm chưa thanh tịnh, chúng ta cần thấy rõ những điều tế nhị này…”
(theo “Ý Nghĩa Của Tùy Duyên” – TT. Thích Thông Phương)