Monday, August 2, 2010

Bênh mẹ hay vợ?: "Giữa hai làn đạn"

Đang nghe điện thoại mẹ kể tội con dâu hỗn hào, Toàn giật mình khi thấy vợ lù lù đến cơ quan nước mắt vắn dài than bị mẹ chồng “ức hiếp”. Quá chán với “bổn cũ soạn lại” này, Toàn lớn tiếng với cả hai người phụ nữ anh yêu thương: “Các người để yên cho tôi sống không?”.




Dù lấy chồng được 2 năm, nhưng Hoa -vợ Toàn vẫn phải gánh vác việc bên ngoại do cô là chị cả của 2 đứa em, bố mẹ lại già yếu. Toàn vốn quý bố mẹ và các em vợ nên cũng không phàn nàn gì mỗi khi Hoa đem tiền về lo việc nhà ngoại.
Sự việc trở nên rắc rối khi mẹ chồng Hoa bắt gặp cô đưa tiền đóng học phí cho cô em gái đang học đại học. Hoa đang lúng túng chưa biết giải thích với mẹ chồng thế nào thì ông anh họ từ quê ra chơi oang oang kể chuyện năm nay nắng nóng, ở quê cắt điện liên tục. "Cô phải mua cho chú thím cái quạt tích điện, nếu không thì người héo mất"- ông anh phán. Hoa len lén nhìn mẹ chồng đang bước trên cầu thang rồi khẽ gật đầu.
Từ đó, mỗi khi người nhà Hoa đến chơi, mẹ chồng cô thường cố ý loanh quanh làm việc ở gần đó để nghe lén. Khi người nhà Hoa về, bà mẹ chồng lại giả vờ đon đả tiễn khách nhưng thực ra để ý xem con dâu có "bơm" gì vào túi xách họ hàng không. Khi biết cô em hễ đến thăm chị là xin tiền thì mẹ chồng Hoa tỏ thái độ ra mặt. Có lần, bà còn sỗ sàng khiến Hoa vừa giận mẹ chồng, vừa xấu hổ với em.

Tối ấy, chẳng ai ăn cơm. Toàn thắc mắc, Hoa nước mắt ngắn dài kể lể: "Mẹ ngoa ngoắt, ví em em không khác gì con chó. Nó ở trên này chỉ có mỗi chị là người thân, mỗi lần đến chị, mẹ cứ mặt nặng mày nhẹ, khác gì cấm cửa nó". Toàn chạy sang phòng mẹ thắc mắc, bị mẹ chì chiết: "Mày ngu lắm con ạ, cứ cắm đầu vào mà làm. Bao nhiêu tiền đưa hết cho vợ mà không biết nó vác đông, vác tây về lo cho cả họ nhà nó".
Mấy hôm sau Hoa biết chuyện thông qua “ôsin”, liền xông vào phòng mẹ chồng gân cổ cãi: "Mẹ có thể mắng con chứ mẹ không có quyền xúc phạm gia đình nhà con. Bố mẹ con tuy nghèo nhưng cũng không đến nỗi phải rình mò người khác như thế". "Con này láo, mày bảo ai rình mò?". "Ôi giời ơi, Toàn ơi mày không về mà xem. Vợ mày đang đè đầu cưỡi cổ cái thân già đây này". Điện thoại cầm tay của Toàn lại reo ầm ĩ.
Chán cảnh luôn bị ép vào thế phải phân xử đúng sai giữa mẹ và vợ, Nhân, kỹ sư xây dựng thường cố tình ở lại cơ quan đến tận khuya mới mò về nhà. Nguyên nhân cũng chỉ xuất phát từ việc vợ anh quá lo toan cho bên ngoại mà lơ là bên nội. Nhân hiểu gia đình vợ gặp khó khăn nên luôn động viên vợ phải để ý đến đằng ngoại, nhưng mẹ Nhân thì quan điểm ngược lại. Bà cụ luôn cho rằng lấy chồng thì phải lo cho nhà chồng nên luôn hậm hực với con dâu khiến không khí trong gia đình căng như dây đàn. Nghiêng về vợ thì mẹ giận, ngả sang bên mẹ thì vợ dỗi, Nhân đành chọn bài "né" để hai người đàn bà tự "giải quyết" với nhau. Tuy nhiên, Nhân đã cuống quýt gọi điện đến đường dây nóng Báo GĐ&XH nhờ tư vấn khi biết "quan hệ" giữa mẹ và vợ đã ở mức báo động: Nói xấu nhau với bất cứ ai để lôi kéo đồng minh.

Một mối quan hệ hài hòa sẽ làm nên sự vui vẻ giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa



Đừng là quan toà

Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Hoàng Nhân cho biết khi vợ và người thân nảy sinh mâu thuẫn, người chồng không nên bênh vực bên nào hoặc bỏ đi mà hãy tìm cách giảng hoà và giải quyết đến cùng mâu thuẫn đó, cần làm sáng tỏ vấn đề nhằm giúp hai bên có cái nhìn tích cực về nhau, tránh có những lời lẽ "đổ thêm dầu vào lửa" hoặc bênh vực người thân mà quát nạt dạy vợ... và ngược lại. Người chồng cũng cần hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn để trở thành người trung gian làm cầu nối giúp vợ và những người thân của mình có cơ hội hiểu nhau hơn.
Điều quan trọng nhất để không có mâu thuẫn là ông chồng cần có cách ứng xử công bằng, khôn khéo, biết tạo ra cơ hội để vợ ghi điểm đối với gia đình chồng nhưng cũng đồng thời biết tìm ra những mấu chốt mâu thuẫn giữa họ với nhau để giải quyết nó ngay từ khi mới nảy sinh.
Theo Chuyên gia tham vấn tâm lý Đoàn Thị Hương, Công ty CP Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống (SHARE), việc người chồng - người ở giữa đảm nhiệm vai trò dàn xếp để đẹp lòng cả hai bên khi vợ và gia đình mâu thuẫn chỉ là giải quyết tình huống chứ chưa giải quyết được mối quan hệ một cách lâu dài. Điều tốt nhất, cả hai bên vợ và gia đình tự nỗ lực cải thiện mối quan hệ này.
Khi có mâu thuẫn người chồng không nên là quan tòa phân xử đúng - sai; Nên lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của cả hai bên để có thể chia sẻ, làm dịu bớt cảm xúc của họ và giúp những thành viên trong gia đình mình, nhất là cha - mẹ mình cảm thấy được tôn trọng; còn vợ mình cảm thấy không bị bỏ rơi.
“Khi có mâu thuẫn người chồng không nên là quan tòa phân xử đúng – sai. Bởi nếu người chồng bênh vực hoặc bảo vệ bên nào thì bên còn lại sẽ dễ dàng bị tổn thương và khi đó người chồng sẽ vô cùng khó xử”.
Chuyên gia tham vấn tâm lý Đoàn Thị Hương

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Minh Hoàng
Theo Giadinh.net.vn

0 comments:

Post a Comment