Friday, June 11, 2010

LUÂN HỒI SINH TỬ

“Có sinh ắt có tử

Tử- sinh và sinh- tử,

Sinh sinh, tử tử hoài

Kiếp luân hồi đau khổ”

Một số người cho rằng: Khi con người được sinh ra thì cứ sống và làm việc để được nổi tiếng, để có được cuộc sống giàu sang, gia đình hạnh phúc và con cháu đầy đàn. Đối với họ, đây là mục đích cuối cùng của một kiếp người. Khi họ chết đi là kết thúc một đời người, kết thúc một cuộc sống vật chất mà họ đã phải vất vả, gian nan tạo nên, họ không bao giờ nghĩ đến một điều là tại sao mình được sinh ra và sinh ra để làm gì ngoài cuộc sống vật chất đầy gian nan vất vả như thế. Đối với tôi, cuộc đời chúng ta sinh ra là để học hỏi và tiến hóa, nên khi ta về già, ta hiểu được chết là mở ra một chân trời mới, một cuộc sống mới tốt đẹp hơn để ta có cơ hội học hỏi, tiến hóa và để được giác ngộ hơn nữa.

Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng chết là hết thì chúng ta sẽ phải quay cuồng theo bánh xe luân hồi sinh tử bởi vì chúng ta sống và làm việc cho hiện tại mà chẳng nghĩ đến hậu quả của kiếp sau, chúng ta cứ tạo ra vô số nghiệp mà không hề hay biết và không hề nghĩ rằng mình sẽ phải trả cho những kiếp kế tiếp. Chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian quý báu chỉ để phục vụ cho cuộc sống vật chất nhiều đau khổ, lo âu với bao bệnh tật, hiểm nguy và vô vàn điều phức tạp trên thế gian hiện tại này.

Một ví dụ điển hình trong vô số những ví dụ về kiếp sống luân hồi mà trải qua nhiều đời, nhiều kiếp mà con người chúng ta vẫn không thoát ra được: Khi đôi trai gái yêu nhau, họ thường bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm hiểu nhau. Đôi khi hiểu lầm thì họ lại giận hờn nhau, rồi lo lắng, suy tư và thật đau khổ trong lòng. Họ phải sống trong lo sợ phập phồng trong suốt thời gian quen biết nhau để được đi đến hôn nhân một cách trọn vẹn. Sau khi cưới nhau thì những đứa con lại chào đời. Niềm vui hạnh phúc mặc dù được nhân lên gấp bội nhưng sau đó là bao nỗi lo toan vất vả. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn vì phải nuôi dạy các con khôn lớn.Đặc biệt là người phụ nữ phải gánh nặng hai vai với bao bổn phận và trách nhiệm đối với chồng, con, gia đình cũng như họ hàng hai bên. Trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ còn phải tham gia các hoạt động xã hội, nên thời gian ở nhà không được bao nhiêu mà phải gồng gánh bao nhiêu công việc gia đình. Người chồng cũng phải làm việc nhiều hơn để bảo đảm cuộc sống cho vợ con đủ ăn đủ mặc, cùng vợ nuôi dạy đàn con nên người. Ngày nay, để nuôi được một đứa con khôn lớn và thành đạt thì rất phức tạp chứ không đơn giản như ông bà chúng ta ngày xưa, sinh con đàn cháu đống mà đứa nào cũng thành đạt, nên nhà nên cửa và có cuộc sống tương đối khá giả. Còn bây giờ thì khác hẳn, đứa trẻ được sinh ra đã khiến cho cha mẹ phải vất vả với bao việc phải lo toan như: quần áo, thuốc thang, ăn uống, học hành...Vì thương con vô bờ bến nên cha mẹ sẵn sàng chìu theo ý con trẻ đến mức thương tâm ngay cả việc nhịn ăn ngon, mặc đẹp để nhường phần cho con và để con mình không thua kém bạn bè. Ở VN, đứa trẻ vừa tròn bốn tháng thì người mẹ phải đi làm tiếp tục. Vừa trông con, vừa đi làm và bao nhiêu công việc gia đình khiến cho hai vợ chồng càng này càng vất vả. Khi đứa trẻ lên 2-3 tuổi thì phải cho đi nhà trẻ, mẫu giáo để chúng theo kịp thời đại và để vợ chồng an tâm công tác. Chi phí chi tiêu cứ tăng dần lên theo sự lớn khôn của con cái khiến cha mẹ không sao thanh thản, lúc nào cũng tất bật để lo kiếm tiền cung phụng cho gia đình, cho những đứa con còn non dại và giáo dục chúng nên người. Cha mẹ còn đưa đón con đi học, lo lắng cùng con khi phải trải qua những kỳ thi căng thẳng, lo lắng khi con cái mắc phải những chứng bệnh hằng ngày v.v..và v..v...

Như vậy, cha mẹ phải lo cho con cái từ lúc tấm bé đến học hết lớp 12, rồi lên đại học và tìm kiếm việc làm cho chúng nó nữa. Nhưng thời nay thì việc làm không phải dễ kiếm, để lo cho con mình có một địa vị trong xã hội muôn hình vạn trạng này, thì cha mẹ càng phải vất vả hơn. Khi con cái đã có nghề nghiệp rồi thì cha mẹ vẫn chưa an lòng vì con mình chưa có cuộc sống gia đình riêng. Thế là cha mẹ tiếp tục phải lo dựng vợ gã chồng cho con cái, có khi còn phải cho vốn liếng làm ăn nữa. Con cái đã an bề gia thất thì cha mẹ lại phụ nuôi thêm đàn cháu nhỏ. Nhiều bậc cha mẹ chẳng được nghỉ ngơi vì phải giữ cháu và đưa đón cháu đi học mỗi khi cha mẹ chúng đi làm về trễ. Lúc về già thì có rất nhiều việc xảy ra như: bệnh tật triền miên, con cái ở riêng không ai chăm sóc hoặc ở chung thì không hợp ý gây bất hòa, do tuổi già sức yếu cha mẹ lại phải lệ thuộc vào con cái....cho đến lúc cha mẹ phải trở về nơi chín suối để kết thúc một kiếp người nơi trần thế.

Cuộc sống với niềm vui ít ỏi và nhiều khổ đau như thế cứ xoay vòng từ đời này sang đời khác chính là cuộc sống luân hồi sinh tử. Con người sống trong cuộc sống ấy ít nhiều gì cũng tạo nên nghiệp lực thông qua lời nói, việc làm, hành vi ứng xử trong cuộc sống..... Nếu đã gieo thì phải trả trong kiếp này hoặc kiếp khác. Con người sinh ra được sung sưóng hay khổ đau là do mình tạo phước hay tạo nghiệp từ kiếp trước. Thầy chúng ta có dạy:

“ Không có cái gì trên đời này tự nhiên mà có cả”

“ Chúng ta có thể dùng phước đức để tẩy xóa bớt nghiệp lực của mình”.

Các bạn QT-STH qúy mến!

Chúng ta rất may mắn gặp được một chân sư cao cả, được Thầy mở LX và hướng dẫn cách tu hành để được giải thoát kiếp sống luân hồi sinh tử đầy đau khổ này. Chúng ta là những người có khả năng giải thoát cho bản thân mình nhờ vào sự chỉ dạy của Thầy Cô thông qua ngành QT-STH đầy huyền diệu. Tôi tin rằng với một ý chí, nghị lực kiên cường và niềm tin mãnh liệt vào ngành QT-STH, chúng ta sẽ nhận ra được con đường giải thoát. Chúng ta hãy tập luyện và thực hành đúng những gì Thầy Cô chỉ dạy thì chúng ta sẽ được giác ngộ, sẽ thoát được khỏi kiếp sống luân hồi: Sinh, Lão, Bệnh, Tử trong một ngày không xa.

Út Trà Vinh

Tháng 11, 2007

http://96.240.25.8/quoitam/baiviet/95-luanhoisinhtu.htm

0 comments:

Post a Comment