Đây là loài cây đã chứng kiến Đức Phật đản sinh và nhập Niết Bàn.
Hoa Sala hay Tha la, còn gọi là hoa đầu lân mang ý nghĩa thiêng liêng đối với Phật Giáo Nguyên Thủy và Nam Tông, gắn bó với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Như cây Bồ Đề trong Phật Giáo Đại Thừa, Sala thường trồng trong các sân chùa Nam Tông ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và một số chùa Khmer Nam Bộ. Tín đồ Hindu Giáo Ấn Độ cũng xem cây sala thiêng liêng và thường trồng nơi đền thờ thần Shiva.
Do kết cấu cả chùm hoa trông giống rắn thần (naga), mỗi bông là đầu và miệng phùng mang che phần nhụy trung tâm có hình một lingam của thần Shiva và nhiều shivalingam nhỏ bao quanh, nên được gọi là Nagalingam hay “hoa Shivalingam”.
Hình tượng này làm ta liên hệ đến con rắn hổ mang chín đầu bảo vệ Đức Phật trong lúc ngài ngồi nhập định 49 ngày dưới cội cây bồ đề.
Hoa sala có mùi rất thơm, hương tỏa xa thanh thoát, được xem là loài hoa vô ưu hay ưu đàm. Sala nở rộ tượng trưng cho Phật Pháp (Dharma), và Đức Phật cuối cùng đã chọn giữa bóng hai cây này (song thọ) để nằm nghỉ và đi vào Niết Bàn
Trong phù điêu nghệ thuật Phật Giáo thường mô tả thân mẫu Đức Phật là Hoàng Hậu Maya sinh nở trong vườn Lumbini, khi bà đưa cánh tay phải lên vịn cành hái một đóa hoa sala và đã hạ sinh Thái Tử Siddhartha. Hoa sala mọc từng chùm trực tiếp từ thân cây chứ không mọc từ cành hay ngọn như những loài hoa khác, khiến ta có thể lý giải về biểu tượng Đức Phật được sinh ra từ cạnh sườn của Hoàng Hậu Maya.
Hình tượng nữ Yashi (Dạ xoa) thân thể với vẻ đẹp lý tưởng đầy gợi cảm, nàng đang đứng dưới bóng cây sala với bàn tay phải với lấy cành cây, thường thấy mô tả trong nghệ thuật điêu khắc cổ.
Thuật ngữ salabhanjika nguyên thủy gắn bó với lễ hội phồn thực “hái hoa sala”, điêu khắc thể hiện những hình tượng đồng nhất người nữ với cây, nhất là cây hoa sala. Ở Ấn Độ, ngày nay cây sala vẫn được thờ cúng, đặc biệt với những cặp hiếm muộn.
Sala có thể mọc cao lên đến 15m, tên khoa học là Couropita Guianensis, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae). Hoa chỉ mọc từ thân chính, có màu cam lẫn đỏ thắm và hồng, và mọc thành chùm trên cọng dài có khi tới 3m.
Quả to tròn màu xám (hình thù như trái đạn thần công nên tên tiếng Anh còn gọi là Canon-ball tree) có mùi hắc khó ngửi, muốn trồng thành cây phải đợi hạt bên trong thối đi mới nảy mầm, rồi bổ quả thối ra để lấy hạt trồng. Quá trình này diễn ra đúng theo quan niệm phồn thực về sinh, diệt và tái tạo trong Ấn Giáo.
Ở Sài Gòn, có thể thấy một số cây sala trồng trong Chùa Già Lam, Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, Khu du lịch Bình Quới …
Trong văn chương, bài thơ Đây Tha La Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh, mô tả một xóm đạo thuộc vùng nổi tiếng về “cây ngọt trái lành” ở Tây Ninh, cho thấy có sự giao thoa giữa các đạo Hindu, Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo ở một vùng đất vốn thuộc văn hóa Khmer.
Thuật ngữ “sala song thụ” trong tiếng Phạn nghĩa là sự kiên cố. Khi Phật nhập diệt, hai cây “sala song thụ” cũng như người, chúng đau buồn và lá đều biến thành màu trắng như một rừng chim hạc.
Kinh Đại Bát Niết Bàn kể rằng trên đoạn đường cuối cùng trong chuyến vân du về Câu Thi Na (Kushinagara) cùng với A Nan Đa, vị thị giả của mình, Đức Phật bảo: “Này A Nan Đa, ta cảm thấy mệt mỏi quá và muốn nằm nghĩ, hãy trải tấm tọa cụ ra giữa hai cây sala, đầu hướng về phương Bắc”.
Và khi Ngài nằm xuống thì hai cây sala bỗng nở hoa mặc dù lúc đó không phải là mùa ra hoa. Rồi những đóa hoa tươi thắm làm thành một cơn mưa hoa ngọt ngào, dịu mát như để tiễn đưa đấng Đạo Sư về với cảnh giới chân như muôn thuở.
0 comments:
Post a Comment