Đường dài mới biết ngựa hay,
Ở lâu mới biết là người Hiền Nhân
Bạn có bốn thứ: Một là kết bạn như hoa; Hai là kết bạn như cân; Ba là kết như núi; Bốn là kết bạn như đất.
Sao gọi là kết bạn như hoa? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.
Sao gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dể nhau.
Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng, loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế: khi sang thời sang với nhau, khi vui đồng vui.
Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sinh. Làm bạn để nuôi dưỡng, ủng hộ, ân hậu không quên...
Nhà Vua thưa:
Nay Trẫm biết cái trí suy nghĩ của Trẫm còn cạn hẹp, tin theo lời tà siểm, khiến Ngài Hiền Nhân phải ra đi.
Hiền Nhân đáp:
Người có trí biết bốn việc không tin: Một là bạn tà ngụy; Hai là bề tôi nịnh siểm; Ba là vợ yêu nghiệt; Bốn là con bất hiếu. Ấy là bốn cái không nên tin theo. Vì thế kinh dạy: "Bạn tà hại người, tôi nịnh loạn triều, vợ yêu nghiệt phá nhà, và con bất hiếu hại cả cha mẹ."
Nhà Vua thưa:
Trước kia Trẫm yêu quí hậu trọng Ngài, xin Ngài nghĩ lòng tốt của Trẫm không nên bỏ đi vậy.
Hiền Nhân đáp:
Có mười trạng thái tỏ cho biết là có yêu quý hậu trọng: Một là xa nhau lâu không quên; Hai là thấy nhau thì vui mừng; Ba là có món ngon vật lạ san sẻ cho nhau; Bốn là khi có lỡ lời không chấp trách nhau; Năm là nghe điều lành càng thêm vui vẻ; Sáu là thấy việc dữ đem lời trung chính mà can gián; Bảy là làm được những việc khó làm; Tám là không đem chuyện riêng nói với người; Chín là khi gặp việc bối rối phải giải quyết cho nhau; Mười là đến lúc nghèo khổ không rời bỏ nhau. Ấy là mười sự yêu quý hậu trọng. Nên trong kinh có dạy: "Bỏ dữ làm lành tu tập đúng như Pháp, đem lời trung chánh dạy dỗ, nghĩa hiệp, có đạo."
Nhà Vua nói:
Vì tội ác của bốn quan cận thần, nên Ngài không ưa Trẫm nữa.
Hiền Nhân tiếp:
Có tám việc biết là không ưa nhau: Một là thấy nhau mặt đổi sắc; Hai là liếc ngó không thẳng thắn; Ba là lời nói không ôn hòa; Bốn là nói phải cho là quấy; Năm là nghe người suy bại thì vui thích; Sáu là nghe người hưng thịnh thì không vui; Bảy là hủy bỏ chê bai việc tốt đẹp của người; Tám là tán thành việc ác của người. Vậy nên trong kinh dạy rằng: "Lở đánh chết người, tội ấy còn có thể dung thứ; dùng tâm độc âm mưu để hại người, tâm niệm ấy rất không nên gần."
Trẫm là người ngu si, không biết phân biệt kẻ trí người ngu, nên nghe lời tà siểm làm trái mất ý thánh nhân.
Có mười sự chứng tỏ đó là người trí: Một là biết kẻ hiền người ngu; Hai là biết kẻ sang người hèn; Ba là biết kẻ giàu người nghèo; Bốn là biết việc nào khó việc nào dễ; Năm là biết việc nào đáng bỏ việc nào nên làm; Sáu là biết nhiệm vụ của mình; Bảy là vào nước nào biết được phong tục của nước đó; Tám là biết được chỗ trở về; Chín là học rộng hiểu nhiều; Mười là biết được túc mạng. Mười việc đó chứng tỏ người có trí. Kinh dạy: "Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biết được người trí, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân."
Trích đoạn trong Kinh Hiền Nhân
0 comments:
Post a Comment