Saturday, June 12, 2010

Sự luyến ái nam nữ sẽ phá hủy toàn bộ yếu tố trách nhiệm

In tình ĐỜI - ý ĐẠO on 03/04/2010 at 5:03 PM

Chạy trốn tình yêu

Cuối cùng, nàng không đủ can đảm chịu đựng nhiều hơn vì sức người có hạn. Nàng dứt khoát xin phép Ðức Bổn Sư và Ðại đức Ananđa, từ giã ni chúng đồng đạo, ra đi sang xứ Cô-sâm-bi ( Kosambi) và tạm ngụ tại chùa Khô-si-ta-ra-má (Ghosìtàrama) với ý niệm, sự xa cách là phương thuốc nhiệm mầu để xoa dịu niềm đau tình ái. Trước phút ra đi, nàng cảm thấy xao xuyến bồi hồi.

Nàng an cư kiết hạ tại một ni viện gần chùa Khô-si-tà-rà-ma do ông Bá hộ Khô-si-ta cúng dường Ðức Bổn Sư. Suốt ba tháng sống xa Ðại đức Ananđa, tâm hồn nàng tương đối yên tịnh. Ðạo hạnh tăng tiến khả quan. Nàng tin tưởng rồi đây sự nhớ thương sẽ có cơ giảm thiểu.

Tuy nhiên, tình yêu lúc nào cũng có cái lẩn quẩn của nó, trừ phi, tự nó tan biến hay bị thời gian đào thải. Ðời sống lắm rắc rối, đầy cạm bẫy và nhiều mâu thuẩn. Chẳng hạn như, ta chạy theo vật sở thích thì nó lánh xa; ta không cần thì nó đến.

Cũng như bóng với hình; hình tìm bóng thì bóng lẫn trốn; hình lẫn trốn thì bóng không rời.

Chính cái thông lệ ấy đã đến với Cô-ki-là khi hay tin Ðức Bổn Sư sẽ quang lâm Cô-sâm-bi và Ðại đức Ananđa sẽ là thị giả.

Tin này được loan truyền vô cùng nhanh chóng. Từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng nghe bàn tán và ai ai cũng sốt ruột mong cho mau đến ngày hội ngộ cùng Ðức Bổn Sư. Ðức vua U-đê-na mặc dù chưa được diện kiến Ðức Bổn Sư, cũng vui mừng ra mặt.

Nhóm Lục sư ngoại đạo thì chuẩn bị vấn nạn. Có vị quyết ăn thua, có vị muốn tìm hiểu để so sánh, có vị muốn phô trương, có vị chỉ muốn tiêu khiển. Chư vị phàm tăng thì hy vọng được gội nhuần mưa pháp.

Trong lúc đó, nào ai biết được tâm trạng Cô-ki-là khi một cô ni bạn đến báo tin mừng:

- Cô-ki-là, cô có hay tin Ðức Bổn Sư sẽ quang lâm đến đây không?
- Thật vậy hả cô, chắc Ðức Bổn Sư quang lâm một mình?
- Ðức Bổn Sư đâu có quang lâm một mình. Ai ai cũng biết Ðức Bổn Sư quang lâm đến đâu thì cũng có số đông tỳ kheo tháp tùng đến đó và vị thị giả là Ðại đức Ananđa.
- Ðại đức Ananđa! – Nàng la lớn và lấy tay đè ngực.
- Có chuyện gì hở Cô-ki-là. Tại sao cô hoảng hốt?
- Không. Ðâu có chuyện gì. Tại tôi quá vui mừng, quá xúc động nên mất bình tĩnh.
- Mọi người đều vui mừng như vậy. Chúng ta chắc chắn sẽ được lãnh hội giáo lý cao siêu mầu nhiệm từ kim khẩu Ðức Bổn Sư hoặc do chư Ðại đức Xá Lợi Phất, Ðại đức Ca Diếp hoặc Ðại đức Ananđa phụ tráchg thuyết giảng.

Ngày chờ đợi đã đến. Ðức Tôn Sư và số chư vị thánh tăng tháp tùng đã đến Cô- sâm- bi. Ðức vua, văn quan, võ tướng, thân hào, nhân sĩ, Sa-môn, Bà la môn, đón rước Ðức Bổn Sư vô cùng trọng thể. Riêng dân chúng thì tự động đứng làm hàng rào danh dự, tay cầm hoa thơm và các thứ hương liệu cúng dường Ðức Bổn Sư trên khoảng đường dài nhiều dặm. Hoa tươi đầy đường. Hương thơm ngào ngạt. Ðức Bổn Sư và chư tháng tăng gần như đi trên lớp hoa mềm.

Từ ngoài cổng chùa, tỳ kheo, tỳ kheo ni đã vân tập quì đãnh lễ Ðức Bổn Sư vô cùng trang trọng. Nỗi vui mừng gần như phỉ lạc. Toàn thể đều hướng nhìn về phía Ðức Bổn Sư và Ðại đức Ananđa để chiêm ngưỡng. Trong số ấy, người chiêm ngưỡng Ðại đức nhiều nhất là Cô-ki-là.

Vừa gặp lại Ðại đức Ananđa, sự yêu thương tự nhiên bừng sống dậy như cỏ héo gặp mưa. Vì đã ba tháng rồi, ba tháng dài vắng bóng người thương – Giờ thì người thương bằng xương bằng thịt đang ở trước mắt. Và trong khung cảnh tưng bừng, khấp khởi ấy, mọi người đều chiêm ngưỡng người thương, thì bảo sao nàng không vừa hãnh diện vừa ghen tức cho được.

Nàng tách khỏi đám đông về tư phòng, tim nàng đau nhói như bị kim châm, muối xát. Nàng thầm nghĩ: “Trên thế gian này, không lửa nào nóng bằng lửa dục ái! “

Thật vậy, tiếng gọi của tình yêu lúc nào cũng thúc dục liên hồi như tiếng kèn xung trận. Sức mạnh của tình yêu là vô địch. Không có sự chinh phục nào tốc chiến, tốc thắng bằng cuộc chinh phục của tình yêu. Ðạo binh tình yêu chỉ có thể bại trận trước đạo binh Thánh đạo. Ngoài đạo binh thiện chiến này ra, không một đạo binh nào đủ sức chiến đấu, chớ đừng nói đến vấn đề thủ thắng. Trận giặc tình yêu không có chiến tuyến. Ðúng hơn là một cuộc nổi loạn, một cuộc đột kích bất thần, một trận bão lòng thần tốc.

Có hai yếu tố thúc đẩy hành động: một là trách nhiệm, hai là tiếng lòng. Yếu tố trước nếu bất thành, người ta đau khổ, nhưng tương đối nhẹ nhàng. Còn yếu tố thứ hai, nếu bất thành thì hậu quả của nó là thất vọng, tuyệt tình, quyên sinh, tự ải.

Tội nghiệp Cô-ki-là! Nàng phải chiến đấu một lúc trong hai trận tuyến. Trách nhiệm của nàng hiện tại là học đạo, hành đạo và thành tựu cứu cánh của đạo. Nàng không còn là một thiếu nữ tầm thường, mà là một ni cô xuất gia đầu Phật. Nếp sống thiền môn cũng đã giúp nàng quen mùi thiền vị. Sự luyến ái nam nữ sẽ phá hủy toàn bộ yếu tố trách nhiệm. Nhưng tội cho nàng! Tiếng gọi tình yêu lại thúc dục liên hồi như nhịp khúc hành quân, và cũng thiết tha mê hồn như khúc nhạc tình liêu trai thần thoại. Nàng không còn đủ sáng suốt để phân tích lợi hại. Quả thật trong thâm tâm nàng không muốn có sự thắng bại giữa trách nhiệm và tiếng lòng. Vì nếu trách nhiệm thắng thì nàng sẽ tuyệt tình, còn tiếng lòng thắng thì nàng sẽ mất đạo.

Tâm lý nữ giới thường hay hướng ngoại. Một khi đã yêu thì không phân biệt địa vị, hoàn cảnh. Mặc dù biết rằng tình yêu đơn phương của mình là tuyệt vọng nhưng nàng không lùi bước.

Ngày Ðức Phật quang lâm đến, chính đêm ấy nàng xót xa và hờn tủi nhiều. Vì nàng thấy vua, quan, thân hào, nhân sĩ, bá hộ, thương gia, đủ thành phần giai cấp xã hội kéo nhau đến bái kiến Ðức Phật như giòng suối chảy, trong số ấy nhiều nhất là nữ giới, mà nàng biết chắc rằng họ sẽ chuyện trò với Ðại đức Ananđa trước khi vào bái kiến Ðức Phật. Và Ðại đức có bao giờ nghĩ đến nàng đâu.

Suối lệ tuôn rơi lúc nào nàng cũng không hay biết. Ðến khi nước mắt chảy thật nhiều nàng mới cảm thấy dễ chịu, ngực bớt nặng và tim bớt nhói. Có lẽ, nước mắt là người bạn trung thành nhất của nữ giới. Gần như ngoài nước mắt, không còn người bạn nào thân thiết, chung tình và cảm thông hơn.

Sở dĩ có hiện tượng này là vì nữ giới quan niệm tình yêu là cốt tủy của cuộc sống trong khi nam giới chỉ xem tình yêu như là một trong những yếu tố của cuộc sống. Do đó khi đã yêu thì nữ giới sẵn sàng hy sinh thể xác, linh hồn và sẵn sàng nô lệ cho tình yêu không cần cân nhắc.

Chiều hôm sau, nàng bách bộ quanh chùa ngắm cảnh, để tâm hồn được phần nào nhẹ nhàng. Ðứng nhìn cảnh muôn hoa đua nở, lòng nàng đắm đuối, say mê. Ðây hoa thảo đường khoe nhụy đưa hương cợt đùa lũ ong, kia nàng dạ lý lẳng lơ đưa tình với bướm; nọ là đóa sen trắng ấp ủ hương trinh, biểu tượng một vẻ đẹp thanh kỳ, quý phái. Mỗi loài có một vẻ đẹp khác nhau; một đàng thì phóng đảng kiêu sa; một đàng lại dịu dàng thanh nhã. Chung quanh ao sen có băng đá dài để ngồi hóng mát, ngắm cảnh. Nàng thường ra đây ngồi, nhìn những con bướm lượn. Gió chiều thổi nhẹ, đưa hương sen vào bờ, một mùi thơm nhẹ nhàng tinh khiết. Trước cảnh hữu tình ấy nàng cảm thấy phấn khởi. Cảnh vật thiên nhiên lúc nào cũng có giá trị đối với cuộc sống. Nó là người bạn trung thành trong những giây phút vui, buồn. Nếu được sống gần gủi thiên nhiên chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Càng sống xa thiên nhiên càng bị phủ phàng, nghiệt ngã.

Trong lúc nàng mãi thả hồn theo ngoại cảnh, bỗng có tiếng chân người phía sau đi tới. Vội quay đầu nhìn lại, nàng bắt gặp Ðại đức Ananđa và ông chủ chùa. Hình ảnh ấy làm tan biến không khí yên tịnh thần tiên của nàng. Trong giây phút bàng hoàng, nữa mơ, nữa tỉnh, không biết nàng mừng hay lo mà bàn tay và vành môi run lên nhè nhẹ. Khi Ðại đức Ananđa đến gần thì nàng bước lùi, nàng không còn nhớ được rằng phía sau lưng là ao nước. Nàng cứ tiếp tục lùi và vô tình vấp phải cục đất cứng, mất thăng bằng, nàng ngã xuống.

Cả Ðại đức Ananđa và ông bá hộ đều không ai dám đỡ nàng vì nàng là một tỳ kheo ni. Nàng tự gượng đứng lên, quì gối, đầu cúi xuống.

- Này cô, – giọng nói của Ðại đức Ananđa vừa lo lắng vừa thương hại – tôi thành thật xin lỗi vì đã làm kinh động, khiến cô phải khổ sở. Cô có đau lắm không?

Những lời hỏi han đầy lo lắng và nhiệt tình của Ðại đức Ananđa như món thần dược giúp nàng hết cơn đau nhức. Thật vậy, không có gì khiến cho người nữ vui mừng bằng, khi biết người yêu lo lắng và tưởng nhớ đến mình. Họ quên tất cả lỗi lầm quá khứ của người yêu, và rất dễ tha thứ, như trẻ thơ quên khóc, quên la khi được bú sữa mẹ.

Nàng rất cảm động muốn thốt lời cảm tạ, nhưng nghẹn ngào vì quá xúc động. Cuối cùng nàng đành yên lặng.

Ðại đức Ananđa hỏi tiếp:

- Cô có đau lắm không? Tôi cảm thấy ái ngại quá!
- Bạch Ðại đức, không sao.
- Cô đến ở đây có an vui không?
- Bạch Ðại đức, tạm an.

Ông bá hộ xen lời:

- Thưa sư cô, nếu sư cô cần chi trong tứ sự, tôi xin tình nguyện cúng dường.

Nói xong, Ðại đức và ông bá hộ lại tiếp tục đi. Nàng nhìn theo Ðại đức Ananđa mà tâm hồn như chết lặng. Nhưng sực nhớ cử chỉ lo lắng vừa rồi của Ðại đức, nàng cảm thấy vô cùng sung sướng và ước gì được té năm mười lần trong một ngày. Mất tự chủ, nàng tự động bước theo Ðại đức. Ði được một khoảng đường nàng dừng bước. Ðộng tác nàng lúc ấy trông thật đáng thương. Cuối cùng, nàng quay về tư phòng với tâm hồn u ẩn. Nàng thèm gặp gỡ, chuyện trò với Ðại đức Ananđa, như người chết khát thèm nước. Khi muốn gặp nhau, thì người ta dùng đủ phương cách, kể cả thủ đoạn bất chánh để đạt sở nguyện, vì yêu là mù quáng.

Nàng đóng cửa nằm như người bịnh nặng. Sú-nan-đà, một cô ni ở gần, gỏ cửa hỏi:

- Có sao không Cô-ki-là?
- Cám ơn Sú-nan-đà, tôi chỉ hơi nhức đầu và cảm thấy khó chịu trong người.
- Có uống thuốc chưa?
- Dạ có.
- Có cần tôi giúp chi cứ nói, đừng ngại nhé!
- Vâng. Cám ơn Sú-nan-đà. Cô có quen biết Ðại đức Ananđa không?
- Biết chớ, ai mà không biết Ðại đức, họa chăng người ấy không biết Ðức Phật. Bộ cô có chuyện gì liên hệ với Ðại đức phải không?
- Vâng, tôi muốn nhờ cô hoan hỉ thỉnh cầu Ðại đức quang lâm đến đây để tôi được nghe lời chỉ giáo sau cùng. Vì tôi cảm thấy mạng sống không bảo đảm. Ðức phật có dạy: sanh, bệnh, thời giờ, địa điểm và cảnh giới là những diều bất định. Do đó, xin cô thương tình đến thỉnh cầu Ðại đức theo lời khẩn thiết của tôi như vầy: Cô-ki-là tỳ kheo ni, xin đê đầu đãnh lễ Ðại đức, giờ đây nàng đau rất nặng, không ngồi dậy được, xin Ðại đức mở lòng từ bi đến thăm bệnh nhân lần cuối. Sự quang lâm của Ðại đức sẽ là một điều rất hạnh phúc cho nàng.

Trời đã về chiều. Bóng chùa và những bóng cổ thụ nghiêng mình ngã dài khiến vị trí quanh chùa trở nên mát mẻ u nhàn. Trên cành, chim hót líu lo. Có cặp thì đứng sát gần nhau, vừa rỉa lông vừa chuyện trò ríu rít. Loài phi cầm tuy không đủ khôn ngoan như loài người, nhưng đời sống vô cùng hạnh phúc, trong khi loài người mệnh danh là thông minh, tài trí, nhưng đã có mấy ai hạnh phúc, thanh nhàn. Sự thật, hạnh phúc là do sự an phận, mà loài người vì quá thông minh nên quá nhiều dục vọng. Hậu quả dục vọng là khổ sở, lo phiền. Tìm hạnh phúc trong ái nhiễm chẳng khác gì tìm dầu trong đá sỏi. Hãy ra khỏi nhà lửa tham dục thì lập tức có sự mát mẻ, an lạc. Ði tìm hạnh phúc ngoại giới cũng như người khát tìm nước ở sa mạc. Cái triết lý tìm hạnh phúc là tìm ở nội tâm. Trước hết phải nhìn thẳng sự thật khổ đau và truy tìm nguyên lý khổ đau là hạnh phúc. Ví như bệnh nhân muốn được sống an vui, lạc thú thì trước hết phải truy tầm bịnh căn phục dược. Sự hoàn toàn bình phục là điều hạnh phúc.

Lời khẩn cầu của Cô-ki-là được chuyển đến Ðại đức Ananđa khiến Ngài lấy làm bâng khuâng, thầm nghĩ:

- Có lẽ nàng bị té ban chiều mà sanh ra bệnh? Thật là tội! Nàng yêu mình trong khi mình không thể yêu nàng. Tình yêu của nàng ví như trẻ thơ thấy mẹ nằm chết, cứ kêu réo bảo trả lời. Bản tánh nữ nhi vốn yếu mềm hơn nam giới, nhưng có một điều là nam nhi phải đầu hàng vô điều kiện đó là sự chịu đựng đau khổ.

Ðại đức Ananđa nhờ một vị tỳ kheo đi với mình đến chổ ở Cô-ki-là để thăm bệnh. Nhưng khi trông thấy bệnh tình Cô-ki-là thì Ðại đức bớt lo lắng một phần lớn. Trí tuệ bén nhạy của Ðại đức đã soi thấu được bệnh căn của nàng. Nhưng Ðại đức tự nhủ: đây là cơ hội tốt nhất để mình giác ngộ nàng. (xem tiếp bài Tình yêu – độc chất phá hoại toàn bộ cơ cấu nội tâm)

http://www.quangduc.com/

0 comments:

Post a Comment