Quán niệm đối tượng tâm ý
Bài tập thứ mười sáu: kinh dạy: “mỗi khi tâm thức mình có si mê, hành giả biết rằng tâm thức mình có si mê, mỗi khi tâm thức mình không có si mê, hành giả biết rằng tâm thức mình không có si mê”. Si mê tức là nhận thức sai lầm về các pháp. Để giúp ta đối trị nhận thức sai lầm, Bụt dạy ta thực tập phép giới phân biệt quán để chọc thủng màn lưới ác kiến. Ác kiến cũng là một từ ngữ dùng để gọi những kiến thức sai lầm.
Phép quán này liên hệ tới tâm ý và đối tượng tâm ý. Đối tượng tâm ý là các pháp. Các pháp gồm có sáu giác quan, sáu loại đối tượng và sáu thức. Sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu loại đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Chữ pháp ở đây thu nhiếp mọi ý tượng, mọi khái niệm và tất cả những gì thuộc phạm vi ký ức và kinh nghiệm. Sáu thức tức là nhãn thức (cái thấy), nhĩ thức (cái nghe), tỷ thức (cái ngửi), thiệt thức (cái nếm), thân thức (cái xúc chạm) và ý thức. Tất cả các pháp (hiện tượng) đều được hàm chứa trong mười tám phạm trù ấy gọi là thập bát giới, gồm cả ba phần tâm lý, sinh lý và vật lý. Tất cả đều là đối tượng tâm ý mà ta gọi là tâm pháp. Khi tâm quán sát tâm thì tâm cũng thành đối tượng của tâm.
Tính chất căn bản của các pháp là duyên sinh, nghĩa là phát hiện, tồn tại và tan rã theo luật duyên khởi. Trong kinh, Bụt dạy: “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”. Đó là nguyên lý duyên sinh diễn bày một cách đơn sơ đến cực điểm nhưng sâu sắc vô cùng. Theo nguyên lý này, không một pháp nào có thể tự mình sinh khởi, tồn tại và tiêu diệt. Sự sinh khởi của một pháp được dựa trên sự sinh khởi, tồn tại và hoại diệt của các pháp khác. Nói một cách đến nơi đến chốn là của tất cả các pháp khác. Các pháp không tự mình sinh khởi, tồn tại và hoại diệt một mình được, vì vậy Bụt dạy rằng các pháp không có thực thể riêng biệt cho nên có khi chúng được gọi là không. Không ở đây chỉ có nghĩa là không có tự thể, không có thực thể riêng biệt.
Trong đời sống hàng ngày, ta có khuynh hướng nhận thức sự vật như những thực thể biệt lập với nhau và cái này nằm ngoài cái kia. Ví dụ một chiếc lá mà ta thấy đang ve vẩy trên cành cây phía trước mặt. Ta nghĩ chiếc lá ấy có mặt biệt lập với các chiếc lá khác, biệt lập với cành cây, thân cây, rễ cây, biệt lập với mây, nước, đất, trời. Kỳ thật chiếc lá ấy không thể có mặt ngoài sự có mặt của những thứ mà ta xem là biệt lập với chiếc lá. Chiếc lá ấy thực ra là một với các chiếc lá khác, là một với cành, thân và rễ cây, là một với đám mây, dòng nước, mặt đất, khí trời và ánh sáng. Thiếu một trong những thứ đó, chiếc lá không thể nào có mặt. Nhìn sâu vào chiếc lá ta thấy sự có mặt của tất cả những thứ đó, chiếc lá và những thứ đó cùng có mặt với nhau. Đó là nguyên lý tương tức (interbeing) và tương nhập (interpenetration) mà kinh Hoa Nghiêm nói tới. Đó là nguyên lý một là tất cả, tất cả là một “cũng được nói tới trong kinh Hoa Nghiêm”. Và đó cũng là hình thức diễn đạt đầy đủ nhất của đạo lý duyên khởi. Sự vật không có mặt ngoài nhau, sự vật có mặt trong nhau và với nhau. Bởi lý do đó nên Bụt nói: “cái này có vì cái kia có”.
Trong tư thế thiền toạ cũng như trong nếp sống chánh niệm hàng ngày, ta đem định lực quán chiếu vạn pháp theo tinh thần này để thấy được tự tính duyên khởi của vạn vật. Mỗi hiện tượng trong vũ trụ đều cần được quán sát như thế, kể cả những ý nghĩ, những câu hỏi, những cảm thọ của ta và của những người quanh ta.
Phép quán gọi là giới phân biệt quán bắt đầu từ sự phân biệt các pháp thành chủng loại như sáu căn, sáu trần và sáu thức nhưng từ đó người hành giả phát kiến được sự thật về duyên sinh, thấy rằng không có pháp nào có thể tự mình phát sinh, tồn tại và huỷ diệt, trái lại phải căn cứ trên và tuỳ thuộc vào các pháp khác. Cuối cùng hành giả sẽ thấy được tính cách bẩm sinh và bất diệt của các pháp, nghĩa là thấy trong chiều sâu của chúng, các pháp không thự sự có sinh có diệt có còn có mất. Vì vậy, phép quán duyên sinh là con đường vương đạo đưa hành giả thoát khỏi cảnh giới sinh tử. Người học Bụt mà không thực tập phép quán này thì chưa đạt tới tinh tuỷ của đạo Bụt.
Các pháp (hiện tượng) có thể liệt kê thành mười tám giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức), nhưng cũng có thể được xếp vào năm phạm trù gọi là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là các hiện tượng sinh lý và vật lý, thọ là những cảm giác hoặc dễ chịu hoặc khó chịu hoặc trung tính, tưởng là những tri giác đưa tới khái niệm và ngôn từ, hành là những trạng thái tâm lý phát hiện và hình thành trong ta, và thức là tác dụng tư duy, nhận thứ, tỷ giảo, chứa chất và hồi tưởng của tâm thức. Nền văn học Abhidharma và học phái Duy Thức trong đạo Bụt đã giảng giải kỹ lưỡng tính chất và đường lối vận hành của năm loại hiện tương (sắc, thọ, tưởng, hành và thức) này. Tâm Kinh Bát Nhã cho biết Bồ Tát Quan Thế Âm nhờ quán chiếu năm uẩn cho nên đã thấy được tự tính duyên sinh của các pháp và phát hiện được tính cách bất sinh và bất diệt của chúng cho nên đã vượt thoát được sinh tử. Kinh Bát Nhã nói đến tự tính không (không tính, sunyata) của các pháp, tự tính này cũng đồng nghĩa với tự tính duyên sinh. Vạn pháp nương dựa trên nhau mà phát sinh và tồn tại, không có pháp nào có tự thể riêng biệt cho nên nói rằng tự tánh vạn pháp là không. Không có nghĩa là không thể tự mình có mặt một cách riêng lẽ vậy.
Quán chiếu sự vật một cách sâu sắc, hành giả phát kiến được tự tánh duyên sinh của sự vật và do đó phát kiến được tự tính không của sự vật. Nhờ thấy được như thế nên hành giả vượt được những ý niệm có và không, sinh và diệt, một và nhiều, đi và tới, và siêu việt được sinh tử. Những ý niệm có không, sinh diệt, một nhiều, đi tới, v.v... sẽ được phá tung khi ta chứng nghiệm được tự tính duyên sinh của vạn vật. Phá được khái niệm sinh tử là một mục tiêu chính yếu của thiền quán.
Những ngày trước khi cư sĩ Cấp Cô Độc từ trần, Bụt có phái hai đại đức Xá Lợi Phất và A Nan thường xuyên tới thăm và hướng dẫn cho cư sĩ thực tập. Ngồi bên giường bệnh của cư sĩ, đại đức Xá Lợi Phất khai thị như sau:
- Cư sĩ Sudatta, ông nên quán tưởng như sau: mắt không phải là tôi.
Cư sĩ Cấp Cô Độc thở và quán tưởng theo lời hướng dẫn ấy.
Đại đức dạy tiếp:
Tai không phải là tôi... mũi, lưỡi, thân, ý không phải là tôi. Những gì tôi thấy không phải là tôi, những gì tôi nghe không phải là tôi, những gì tôi ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ cũng không phải là tôi… cái thấy không phải là tôi… cái nghe, tỷ giác, vị giác, xúc giác, ý thức không phải là tôi…
Cư sĩ Cấp Cô Độc quán chiếu như thế để dần dần thấy được tự tính duyên sinh của vạn vật, để thấy rằng mình không bị hạn chế trong phạm vi sáu căn, sáu trần và sáu thức, rằng cái sinh không thực sự làm cho mình từ không trở thành có và cái tử không thực sự làm cho mình từ có trở thành không.
Thực tập tới đó, cư sĩ Cấp Cô Độc khóc, nước mắt chảy ràn rụa trên hai má ông.
Đại đức A Nan Đà hỏi:
Sao, cư sĩ có tiếc nuối không, cư sĩ quán chiếu không thành công sao?
Cư sĩ Cấp Cô Độc trả lời:
Thưa đại đức A Nan Đà, con có tiếc nuối gì đâu, con quán chiếu thành công lắm. Sở dĩ con khóc là vì con cảm động quá. Con phụng sự Bụt và gần gũi các vị cao đức hơn ba mươi năm nay, vậy mà chưa bao giờ con được nếm giáo lý vi diệu thậm thâm như hôm nay.
Cư sĩ Cấp Cô Độc, giáo lý này các vị xuất gia được nghe đức Thế Tôn giảng dạy luôn.
Thưa đại đức A Nan Đà, đệ tử cư sĩ chúng con cũng có người có thể nghe, hiểu và hành trì giáo lý thậm thâm này. Xin đại đức A Nan Đà bạch với Bụt để người cho phép giới cư sĩ chúng con được nghe, hiểu và hành trì giáo lý thâm diệu đó.
Đoạn văn trên về cư sĩ Cấp Cô Độc được trích từ kinh Majjhaima Nikaya 143, cho thấy người tại gia cũng có thể thực tập quán chiếu tự tính duyên khởi và tự tính không để siêu việt được sinh tử như người xuất gia. Đời sống bận rộn của phần đông cư sĩ thường chỉ cho phép họ có đủ thì giờ để cúng dường và làm việc phước thiện và do đó những người này không được thừa hưởng những giáo lý siêu việt nhất của đạo Bụt. Chúng ta phải cứu chữa tính trạng đáng kể ấy.
Kinh nói đến những lúc mà tâm ý không si mê lầm lạc. Những lúc ấy là những lúc mà nhận thức về vô thường, duyên sinh và vô ngã có mặt. Những lúc ấy là những lúc tâm ý an trú trong chánh kiến. Chánh kiến là một trong tám phép của sự hành trì chân chính, gọi là Bát Chánh Đạo.
Trong phần dạy về phép quán niệm các đối tượng tâm ý, kinh nói đến yếu tố giác ngộ trạch pháp trong bảy yếu tố giác ngộ (thất bồ đề phần). Trạch pháp là quyết trạch về các pháp, nghĩa là nghiên cứu tường tận về cội nguồn và tự tính của các hiện tượng, vật lý cũng như tâm lý. Trạch pháp quán cũng có nghĩa như giới phân biệt quán. Hiểu được cội nguồn và tự tánh các pháp trong chiều sâu của chúng tức là đạt đến tâm ý không mê muội.
Trong các phép quán mà ta đã đi qua, phép nào cũng có tác dụng quán chiếu cội nguồn các pháp. Rõ rệt nhất là các phép quán thứ tám (quán sát về sự liên hệ duyên sinh giữa thân thể và vạn hữu trong vũ trụ như đất, nước, gió, lửa, v.v...) và phép quán thứ mười hai (quán sát để thấy được gốc rễ và bản chất những cảm thọ trong ta).
Trong tư thế thiền toạ, chúng ta tập trung tâm ý vào đối tượng quán chiếu (có khi là một hiện tượng vật lý, có khi là một hiện tượng sinh lý, có khi là một hiện tượng tâm lý) và nhìn sâu vào đối tượng đó để tìm tới cội nguồn và tự tính của nó. Hơi thở có vai trò nuôi dưỡng sự duy trì trí định lực của chúng ta trên cùng một đối tượng. Nhìn kỹ và nhìn sâu cố nhiên sẽ đem tới cái thấy. Cái thấy này là hoa trái của thiền quán vậy.
Bài tập thứ mười bảy: trong phần nói về phép quán niệm sáu giác quan và sáu loại đối tượng, kinh có nói đến danh từ nội kết. Nguyên tiếng phạn là samyojana, có khi được dịch là kết sử … kết có nghĩa là kết tụ lại thành một khối. Sử có nghĩa là có tác dụng ràng buộc và sai sử.
Nội kết được chia làm nhiều loại. Mê muội, tham ái, sân hận, kiêu mạn và nghi ngờ là năm thứ nội kết nặng nề nhất gọi là năm độn sử. Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến thì ít nặng nề hơn và dễ phá trừ hơn, vì vậy được gọi là năm lợi sử. Khi mắt chạm sắc, tai chạm thanh, mũi chạm hương, lưỡi chạm vị, thân chạm xúc và ý chạm pháp, tuỳ theo cách thức tiếp nhận của tâm ta mà nội kết thành hình hay không thành hình. Khi có người nói nặng với ta, nếu ta có đủ hiểu biết và không cố chấp thì ta không cảm thấy bực tức, và do đó trong tâm ta nội kết không thành hình. Nội kết ấy có bản chất sân hận. Khi ta hiểu lầm một câu nói hay một sự việc thì bản chất của nội kết này là mê muội, và mê muội có thể là chất liệu cho bực tức, kiêu mạn, tham ái và nghi ngờ. Mê muội là chất liệu của mọi nội kết. Tên thật của nó là vô minh (avidya), sự thiếu sáng suốt.
Nội kết thường có tính cách của khổ thọ. Nhưng nội kết có khi cũng có tính cách của lạc thọ. Khi ta tham đắm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, những nội kết có tính chất tham ái được hình thành, và bản chất ban đầu của chúng có thể là những cảm giác dễ chịu. Nhưng vì ta tham đắm cho nên ta bị ràng buộc, và khi những nhu yếu của sự tham muốn không được thoả mãn thì ta lại có những khổ thọ. Từ rượu, thuốc lá, nha phiến, cho đến miếng ngon, bóng sắc, âm nhạc, những lời ngợi khen, v.v... những đối tượng ấy của sáu căn đều có thể tạo ra nội kết trong ta, và những nội kết này có thể bắt đầu bằng những lạc thọ. Đã có nội kết rồi thì bị những nội kết ấy sai sử, bắt đi tìm lại những đối tượng ấy và những lạc thọ ấy. Tình yêu cũng là một loại nội kết, bởi vì trong tình yêu thông thường ta biết có chất liệu của sự đam mê. Trong văn chương tình yêu được gọi là một “bệnh” (lovesickness, bệnh tương tư), có khi là một “tai nạn” (bị tiếng sét tình ái, tomber amoureux, falling in love). Nguyễn Bính nói: “Chao ôi, yêu có ông trời cứu”. Tình yêu có thể được chuyển hoá để tính chất đam mê, ích kỷ và độc tài trong ấy được thay dần bằng khả năng hiểu biết và khả năng đem lại hạnh phúc cho người mình thương, khả năng thương yêu mà không đòi hỏi điều kiện và sự đền trả. Công trình chuyển hoá này cũng là công trình chuyển hoá nội kết.
Những nổi khổ đau trong ta cũng là những nội kết phát sinh từ mê muội, tham ái, sân hận, kiêu mạn và nghi ngờ. Nếu những phiền não này không được chuyển hoá thì những khổ đau kia vẫn còn nguyên vẹn. Trong cuộc sống hàng ngày, những hạt giống khổ đau có thể được liên tục gieo trồng vào tâm thức ta do chính bản thân chúng ta, với hay không với sự hợp tác của người khác.
Người khác có thể nói hoặc làm những điều có khả năng gây nên nội kết nơi ta, nhưng nếu ta có sẵn hạt giống hiểu biết, rộng lượng và từ bi thì những điều họ nói và làm không thể gây nội kết nơi ta được. Vì vậy rốt cuộc tất cả đều tuỳ thuộc nơi cách thức ta tiếp nhận những gì xảy ta trong đời sống hàng ngày. Nếu ta vững chãi, thảnh thơi, có hiểu biết và từ bi, và nhất là không vướng vào ngã chấp, thì những điều người khác làm người khác nói sẽ không đủ tác dụng gây nội kết trong ta.
Sống theo phương pháp của kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, ta tập ý thức về sự phát sinh, tồn tại và chuyển hoá của những nội kết: “Vị ấy có ý thức về những nội kết chưa phát sinh nay đang phát sinh, ý thức về những nội kết đã phát sinh nay đang được khử diệt, ý thức về những nội kết đã khử diệt và không còn tái sinh nữa” (tụng bản I). Trong đời sống hàng ngày, ta thực tập chánh niệm để nhận diện được những nội kết mới phát sinh để tìm cách chuyển hoá chúng. Nếu ta cứ để cho các nội kết cứ tồn tại và lớn mạnh trong ta thì có lúc ta sẽ bị chúng trấn ngự. Lúc ấy công việc chuyển hoá sẽ trở nên rất khó khăn và cuộc đời của chúng ta sẽ rất đau khổ. Một nội kết có chất sân hận hoặc tham đắm hoặc nghi ngờ … khi mới phát sinh cần được ta lưu ý tới để mà chuyển hoá. Khi mới phát sinh, hạt giống nội kết còn yếu, công việc chuyển hoá còn chưa khó khăn. Trong lúc sống chung, ta nên giúp nhau để chuyển hoá nội kết của nhau, để có thể ngăn ngừa khổ đau và bảo vệ hạnh phúc cho nhau. Bằng cách thực tập hiểu biết và xử dụng ngôn ngữ từ ái, chúng ta có thể giúp cho nhau rất nhiều. Khi ta sống chung, hạnh phúc không còn là một vấn đề cá nhân nữa: nếu người kia không có hạnh phúc thì ta cũng khó có hạnh phúc. Vì vậy hoá giải nội kết nơi người kia tức là tạo hạnh phúc cho chính mình vậy. Vợ có thể gây nội kết cho chồng, chồng có thể gây nội kết cho vợ, và nếu những nội kết ấy tiếp tục được gây cho nhau thì một ngày nọ hạnh phúc sẽ không còn. Vì thế mỗi khi có một nội kết mới gây, người vợ phải biết rằng mình có nội kết mới gây. Người ấy không nên bỏ qua. người ấy phải có thì giờ quán chiếu về nội kết của mình. Người ấy có thể nhờ chồng giúp đỡ để chuyển hoá nội kết: “anh ơi, em có nội kết, anh hãy giúp em”. Điều này có thể làm được, khi tâm trạng hai người nhẹ nhàng chưa có nhiều nội kết. Vợ hành xử như thế mà chồng cũng hành xử như thế.
Như ta đã biết, nội kết nào cũng có chất liệu vô minh. Nếu quán chiếu và thấy được tính chất vô minh trong cách thức mình tiếp nhận nội kết hoặc tính chất vô minh trong cách thức người kia gây ra nội kết thì ta có thể chuyển hoá được nội kết. Trong các bài tập thứ mười hai (quán chiếu về gốc rễ và bản chất của cảm thọ), thứ mười ba (quán chiếu về tâm tham dục), thứ mười bốn (quán chiếu về cái giận) và thứ mười lăm (quán từ bi), chúng ta đã thấy rằng khi rọi ánh sáng duyên sinh vào tâm ý và sự việc thì ta thấy được gốc rễ và tự tính của những tâm ý và sự việc ấy và ta chuyển hoá được chúng và thoát khỏi những cảm thọ khổ đau mà chúng đã gây nên. Bản chất của thiền quán là nhìn và thấy được tự tính của các pháp. Sự chuyển hoá của nội kết là kết quả của cái thấy ấy.
Bài tập thứ mười tám: bài tập này nhằm tiếp xúc và chuyển hoá những nội kết bị chôn vùi và đè nén trong ta. Tiềm ẩn trong tâm thức ta có thể có nội kết của những ham muốn, giận hờn, sợ hãi, mặc cảm và hối hận bị đè nén lâu ngày. Những nội kết ấy tuy bị đè nén nhưng luôn luôn tìm cách biểu lộ ra trong cảm giác, tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của ta. Ta có thể quán chiếu những nội kết của ta một cách dễ dàng hơn khi các nội kết này có biểu hiện thành cảm thọ một cách dễ dàng trên mặt phẳng ý thức. Nhưng nếu nội kết bị đè nén, chúng không biểu hiện được một cách gián tiếp trên tư tưởng, cảm thọ, ngôn ngữ và hành động của chúng ta thôi, vì vậy chúng ta không biết được sự có mặt của chúng ta, trong khi ấy chúng vẫn âm thầm sai sử ta và làm cho ta khổ sở. Đạo Bụt có danh từ tuỳ miên (anusaya) có hàm chứa nghĩa lý này. Tuỳ là đi theo, miên là nằm ngủ. Những nội kết này nằm ngủ trong chiều sâu tâm thức ta nhưng vẫn theo sát ta và sai sử ta một cách khó nhận biết.
Cái gì đè nén chúng và không cho chúng biểu hiện? Đó là ý thức và lương tâm của ta. Ta biết rằng những ham muốn ấy, những giận hờn ấy không thể được xã hội, hoàn cảnh và chính lương tâm ta chấp nhận, cho nên trong đời sống hàng ngày ta đã tìm cách dồn ép chúng xuống, đẩy chúng vào một vùng xa xôi của tâm thức để ta có thể lãng quên. Tâm lý học hiện đại gọi chúng là những ẩn ức (refoulé). Con người thường có khuynh hướng trốn tránh khổ đau, và trong ta có những cơ chế tự vệ (mécanesme de défense), chính những cơ chế này đẩy những khổ đau tâm lý, những mâu thuẩn xung đột (conflits) và những xung động không được xã hội và lương tâm chấp nhận (impulsions inacceptable) vào vùng vô thức để ta có thể tạm thời yên ổn với ta. Nhưng những ẩn ức lâu ngày này luôn luôn tìm cách phát hiện, và sản phẩm chung kết (produit terminal) của các cơ chế tự vệ đó là những câu nói, những hình ảnh tâm ý và những cách hành xử có tính cách bất thường không thích hợp với xã hội, và sau cùng là những triệu chứng của những bệnh tâm thần.
Đương sự có thể biết ngôn ngữ, tư tưởng và cách hành xử của mình là có hại, nhưng vẫn không làm gì hơn được vì những thể lực kia quá mạnh, mình không thể kiểm soát nổi.
Ta lấy ví dụ một cô gái một mặt muốn đi lấy chồng, một mặt lại không muốn bỏ mẹ ở nhà sống một mình. Cô gái có hiếu, có thương mẹ thật, nhưng trong cô cũng có ước mong được sống cuộc sống lứa đôi với người cô yêu. Tuy nhiên cô không chịu được ý tưởng cô là một người con bất hiếu, một người con đành đoạn bỏ mẹ mà đi khi mẹ đang ốm yếu và cần người phụng dưỡng. Hai thứ ước muốn và tình cảm trở nên hai lực lượng xung động và gây mâu thuẩn xung đột trong cô. Cơ chế tự vệ của cô đẩy những khổ đau ấy vào vô thức, và cô nghĩ rằng cô đã bỏ ý định lấy chồng để dồn hết cuộc đời mình mà phụng sự cho mẹ. Tuy nhiên ước muốn lấy chồng của cô vẫn còn đó, và xung đột tâm lý vẫn còn là nội kết trong cô, vì vậy nội kết đã tìm cách phát hiện. Cô trở nên bực bội, gắt gỏng, cô nói những câu bâng quơ mà chính cô cũng không hiểu, cô mơ thấy những điều mà chính cô cũng không hiểu. Cô không có hạnh phúc, và bà mẹ cô vì vậy cũng không có hạnh phúc. Nỗi lo sợ con gái bỏ mình đi lấy chồng đã ám ảnh bà mẹ lâu ngày mà chính tâm lý ấy đã tự động làm cho bà đột nhiên trở thành yếu đuối và càng lúc càng thêm yếu đuối mà bà không biết. Nghe con gái nói sẽ không đi lấy chồng nữa mà chỉ ở lại sống mãi với mình, bà rất vui, nhưng trong thâm tâm bà, bà cũng khổ đau vì sự việc cô con gái không được đi lấy chồng. Mâu thuẩn đó trở thành nội kết cũng làm cho bà đau khổ mà bà không biết, và vì vậy bà cũng trở nên bực bội, gắt gỏng, nói những câu mà chính bà cũng không hiểu, mơ thấy những điều và làm những cử chỉ mà chính bà cũng không hiểu tại sao. Cố nhiên bà không có hạnh phúc, mà con gái bà vì vậy lại càng không có hạnh phúc. Sự hy sinh của cô gái không đem tới hạnh phúc cho bà mà còn làm cho cả hai khổ đau. Khổ đau có thể kéo dài mãi mãi.
Phương pháp trị liệu khổ đau do những nội kết bị dồn nén gây ra là phải quán chiếu các nội kết ấy. Mà muốn chiếu chúng, trước tiên ta phải tìm cách đưa chúng vào được trong vùng ý thức trước đã.
Phương pháp của kinh Lĩnh Vực Quán Niệm là thực tập hơi thở ý thức để nhận diện những cảm thọ, tư tưởng, lời nói và hành động của mình, nhất là những cảm thọ, tư tưởng, lời nói và hành động phát khởi một cách tự động để phản ứng lại những sự việc đang xảy ra. Những phản ứng này có thể có nguồn gốc từ các nội kết bị chôn dấu. Ý thức được những gì ta cảm, ta nghĩ, ta nói và ta làm ấy, ta hỏi: “tại sao ta thấy khó chịu khi nghe giọng nói đó?” “tại sao ta lại liên tưởng đến mẹ ta khi ta thấy người con gái kia?” “tại sao ta vừa nói với ông ta câu nói đó?” “tại sao ta không thích nhân vật ấy trong truyện phim?” “ông ta hao hao giống ai mà ta đã ghét trong quá khứ?”
Nếu ta thực tập như thế thì ta sẽ khám phá được gốc rễ của những cảm thọ, tư tưởng, lời nói và hành động của ta và ta từ từ đưa được những nội kết bị chôn vùi vào vùng ý thức. Trong lúc thiền toạ, nhờ ta đóng cửa các giác quan để đừng tiếp tục nghe, thấy và suy luận cho nên những nội kết bị chôn vùi lại có dịp xuất hiện trong ta dưới hình thức những cảm thọ hoặc những hình bóng hiện ra trong ý thức. Có người nghĩ đó là bị ma phá. ‘Ma’ ở đây là những tuỳ miên trong tiềm thức đang được phát hiện. Ban đầu có thể đó chỉ là một cảm giác lo âu, sợ hãi hay khó chịu mà ta không thấy được duyên cớ. Nhưng ta hãy thắp sáng chánh niệm và sẵn sàng tiếp nhận cảm giác ấy. Khi cảm thọ ấy bắt đầu lộ diện và tăng thêm cường độ, có thể ta sẽ cảm thấy không được an lạc và thoải mái và do đó ta không muốn tiếp tục tiếp xúc với nó nữa. Ta muốn dời sự chú tâm sang một đối tượng quán chiếu khác. Hoặc ta muốn chấm dứt thiền toạ, lấy cớ rằng ta hơi mỏi mệt, hoặc hơi buồn ngủ, để lúc khác sẽ tiếp tục, v.v... Đó là hiện tượng mà tâm lý học bây giờ gọi là đối kháng (résistance). Âm thầm, ta sợ đưa những niềm đau bị chôn dấu kia vào vùng ý thức, bởi chúng sẽ làm ta khổ đau. Có những người thực tập thiền toạ rất nhiều giờ trong một ngày, nhưng không thực sự dám đối diện và đón mời các niềm đau kia lên ý thức. Họ tự đánh lừa một cách vô thức rằng những vấn đề đó không quan trọng, và vì vậy họ chú tâm sang những chủ đề thiền quán khác: vô thường, vô ngã, tiếng vỗ của một bàn tay, chủ đích của tổ Bồ Đề Đạt Ma từ phương Tây lại . . . Cố nhiên những chủ đề này là quan trọng, nhưng chúng phải được cứu xét trong ánh sáng của những vấn đề thật (les vrais problèmes) của ta thì chúng mới thật là những chủ đề đích thực của thiền quán.
Hành giả biết rằng phương pháp quán chiếu của đạo Bụt không phải là phương pháp đàn áp cảm thọ mà là phương pháp bảo trợ cảm thọ với tinh thần từ hoà và bất bạo động. Hành giả biết rằng chừng nào chánh niệm của mình còn được duy trì thì mình còn không bị cuốn theo hoặc đắm chìm trong cảm thọ hoặc trong những xung đột nội tâm. Chánh niệm được hành giả nuôi dưỡng bằng hơi thở có ý thức, sẵn sàng đón nhận những nội kết và những xung đột ấy biểu hiện lên trên mặt phẳng ý thức, đón nhận một cách từ ái như một bà mẹ sẵn sàng ôm con vào lòng với tất cả tình thương. “ Chánh niệm có mặt và ta biết ta có đủ sức tiếp xúc với nội kết trong ta”. Trong hoàn cảnh ấy, nội kết sẽ phát hiện dưới hình thức những cảm thọ và những hình ảnh trong tâm ý mà ta phải nhận diện và tiếp xúc thật sâu sắc và thật đầy đủ trong chánh niệm ta. Ta không trách móc, không phê phán, không tự chê trách ta vì đã có những cảm thọ ấy hoặc những hình ảnh ấy. Ta chỉ nhận diện, chấp nhận và quán chiếu chúng để thấy được cội nguồn và tự tánh của chúng. Nếu cần đau xót ta cứ đau xót, nếu cần buồn khổ ta cứ buồn khổ, nếu cần giận dữ ta cứ giận dữ, tuy nhiên với chánh niệm có mặt, ta đã không đánh mất ta trong những đau xót, buồn và giận dữ ấy mà còn có thể làm an tịnh được chúng và do quán chiếu cuối cùng ta chuyển hoá được chúng. Trốn chạy chúng thì không có cơ hội tiếp xúc và chuyển hoá chúng.
Phương pháp của kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm rất mầu nhiệm ở chỗ hành giả có thể tiếp xúc trực tiếp với cảm thọ của mình và có thể chuẩn bị để đón mời cảm thọ ấy xuất hiện trong vùng ý thức nếu cảm thọ ấy còn đang là những khối nội kết bị đè nén và chỉ tìm cách phát hiện gián tiếp trên tư tưởng, cảm thọ, ngôn ngữ và hành động của ta mà thôi. Hành giả có thể tự trị liệu cho tâm lý mình mà không cần đến một trị liệu gia tâm lý. Hành giả cũng có thể nhờ thầy nhờ bạn giúp đỡ mình và khai thị cho mình, bởi vì họ là những người cùng tu và thế nào họ cũng có những nhận xét về những lời nói và cách hành xử của mình trong đời sống hàng ngày. Ngày xưa Bụt được ca ngợi là một vị y vương, vua của các thầy thuốc, vì người đã trị tâm bệnh cho hàng ngàn người, trong đó có vua A Xà Thế của nước Ma Kiệt Đà. Người thực tập thiền quán có thể học phương pháp chữa trị từ đạo Bụt để chữa trị cho mình và cho kẻ khác. Trong xã hội mới, nhiều người vì sống thiếu chánh niệm và vì không biết hoá giải nội kết cho nên lâu ngày những nội kết này trở nên sâu nặng, do đó tinh thần trở nên giao động, bất an và hư nhược. Những bất an (anxiety) và hư nhược (depression) ấy được biểu hiện trong cách nói năng và hành xử hàng ngày. Cách nói năng và hành xử ấy càng ngày càng có tính cách không thích ứng với xã hội, vì vậy những người kia bắt đầu gặp những khó khăn về mặt giao tế, làm ăn và cộng tác với kẻ khác. Những khó khăn này làm cho họ thất bại thêm lên trong xã hội và cũng làm cho nội kết của họ càng lớn và cách hành xử của họ càng ít thích ứng với xã hội. Cuối cùng họ sẽ mất sở làm, mất bạn, ly dị, v.v... và rút lui về trong thế giới của mặc cảm chủ quan của mình.
Nếu biết sống tỉnh thức trong từng giây phút, hành giả sẽ chứng kiến được những gì đang xảy ra trong cảm thọ và tri giác trong giờ phút hiện tại, và sẽ không để cho nội kết trở nên sâu dày trong tâm thức. Nếu biết quán chiếu cảm thọ, hành giả cũng có thể tìm thấy cội nguồn của những nội kết lâu ngày để chuyển hoá chúng.
Bài tập thứ mười chín: bài tập này nhằm đối trị mặc cảm tội lỗi và sự sợ hãi. Trong tâm lý học đạo Bụt, tâm hối (kaukritya) là một tâm trạng bất định, nghĩa là có thể có lợi hoặc có hại cho sự tu học. Nếu đó là khả năng nhận diện điều sai lạc mà mình đã làm và quyết tâm sẽ không còn tái phạm trong tương lai thì đó là một tâm niệm thiện. Nếu đó là mặc cảm tội lỗi cứ theo dõi và ám ảnh hành giả mãi thì đó là một trở ngại cho sự tu học.
Ai cũng có lỗi lầm trong quá khứ, nhưng không phải những lỗi lầm ấy không xoá bỏ được. Quá khứ không còn, ta không thể trở về quá khứ để sửa chữa lầm lỗi, nhưng quá khứ đã làm nên hiện tại và đã trở nên hiện tại. Nếu ta dùng chánh niệm để tiếp xúc được với hiện tại thì ta cũng tiếp xúc được với cái quá khứ đã trở thành hiện tại ấy. Nếu ta chuyển hoá được hiện tại thì ta cũng chuyển hoá được quá khứ. Chúng ta biết rằng tổ tiên, cha mẹ và anh em chúng ta đều có liên hệ mật thiết với chúng ta, và những khổ đau và hạnh phúc của ta có liên hệ tới họ, cũng như những hạnh phúc và đau khổ của họ có liên hệ với ta. Nếu ta chuyển hoá được ta thì ta cũng chuyển hoá được họ. Sự giải thoát và an lạc của ta chính là sự giải thoát và an lạc của tổ tiên và cha mẹ ta, vì vậy nắm lấy hiện tại để chuyển hoá là phương thức duy nhất để làm cho những người ta thương được an lạc và giải thoát. Và đó cũng là phương thức duy nhất để hàn gắn lại những đỗ vỡ đã gây ra trong quá khứ. Phép sám hối của đạo Bụt được dựa trên nguyên tắc lỡ lầm do tâm phát khởi và lỡ lầm cũng do tâm mà được xoá bỏ (tội tùng tâm khởi tùng tâm diệt). Nắm lấy hiện tại để chuyển hoá, ta tạo niềm vui và hạnh phúc cho ta và cho mọi người, sự chuyển hoá này tạo an lạc thực sự cho hiện tại và cho tương lai chứ không phải chỉ là một tâm niệm hối tiếc suông. Nắm lấy hơi thở và chánh niệm để sống cho tỉnh thức và để tạo an lạc cho mình và cho người ngay trong giờ phút hiện tại, hành giả giải thoát được mặc cảm tội lỗi và không còn bị tê liệt trong mặc cảm đó. Người kia vì vô ý đã làm cho một đứa trẻ thiệt mạng: mặc cảm tội lỗi này có thể đi theo ông ta suốt đời. Nhưng nếu người ấy thực tập chánh niệm, tiếp xúc được với giây phút hiện tại, ông ta có thể cứu được rất nhiều em bé đang có thể mất mạng ngay trong giờ phút này. Có nhiều em bé chỉ vì thiếu một viên thuốc mà chết, có nhiều em bé chỉ vì thiếu sự quan tâm của ta mà chết. Hàng ngày có cả hàng chục ngàn em bé chết như thế trên thế giới. Tại sao ta không đi cứu các em đang chết mà lại cứ tự giam mình để chết dần chết mòn trong ngục tù của sự hối hận do ta tạo nên?
Sợ hãi cũng là một nội kết quan trọng trong ta, mà chất liệu cũng là vô minh, sự thiếu hiểu biết về tính chất vô ngã của tự thân. Cảm giác không an ninh và sự sợ hãi những điều có thể xảy ra cho mình và cho những người thân của mình là những cái ai cũng có, nhưng đối với một số người thì cảm giác đó và sự sợ hãi đó đã trở nên quan trọng quá mức, khiến họ không còn có khả năng sống thảnh thơi và an lạc, dù là một cách tương đối. Trong đạo Bụt đại thừa, Bồ Tát Quan Thế Âm được miêu tả là người đã vượt ra khỏi mọi sợ hãi và thường hiến tặng cho chúng sinh món quà quý giá vô cùng gọi là vô uý thí. Vô uý (abhaya) nghĩa là sự không sợ hãi. Sự không sợ hãi này là kết quả của công trình thiền quán về tự tính không sinh, không diệt, không thêm và không bớt của vạn pháp. Tâm Kinh Bát Nhã được trì tụng như một văn bản nói về vô uý. Quán chiếu được tự tính duyên sinh và vô ngã của vạn vật thì thấy được tính cách không sinh và không diệt ấy và vượt thoát được sự sợ hãi.
Vạn vật vô thường, bệnh tật và tai nạn có thể xảy ra cho chúng ta và cho những người thân của chúng ta bất cứ lúc nào. Sống trên đời, ta phải chấp nhận sự thực ấy. Nếu ta sống có chánh niệm trong từng giây phút, nếu ta sống một cách sâu sắc những ngày tháng của chúng ta và tiếp xử đẹp đẽ với những người chung quanh ta thì chúng ta không cần gì phải sợ hãi, và chúng ta không có gì phải hối hận dù có gì bất trắc xảy ra. Nếu ta biết sinh và diệt là hai mặt của sự sống thì ta thấy được rằng sinh là để diệt và diệt là để sinh, và nếu đất mẹ đã đưa ta ra đời một lần thì đất mẹ sẽ đưa ta ra đời trăm vạn lần khác, do đó ta sẽ không sợ hãi buồn khổ mỗi lần đất mẹ đưa hai cánh tay ra đón mời ta trở lại. Người giác ngộ cỡi trên sóng sinh tử mà đi một cách thản nhiên.
Có những người vì tiếp nhận nội kết quá nhiều từ hồi thơ ấu nên cứ bị cảm giác không an ninh luôn luôn theo dõi và ám ảnh. Người lớn đã khủng bố họ, đã làm tội tình họ, đã khai thác họ khi họ còn tấm bé. Đối với những người này, sự tiếp nhận và hành trì giới luật (căn bản là năm giới) là một phương tiện bảo vệ hữu hiệu nhất. Việc hành trì giới luật sẽ tái lập được thế thăng bằng trong nội tâm và ngoài hoàn cảnh. Hành giả biết rằng sự hành trì giới luật là phương tiện hàn gắn hữu hiệu nhất trong vết thương quá khứ và sẽ ảnh hưởng tốt trên xã hội trong hiện tại và trong tương lai. Thực tập chánh niệm để hộ trì sáu căn, để an trú và tiếp xúc với sự sống trong giây phút hiện tại là phương pháp thiết lập an ninh hữu hiệu nhất trong đời sống hàng ngày. Thêm vào đó sự có mặt của những người bạn cùng giữ giới và cùng thực tập chánh niệm là một lưng dựa vững vàng cho họ.
Bài tập thứ hai mươi: bài tập này có chủ đích gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống của an lạc và giải thoát trong ta. Nếu nội kết là những hạt giống của khổ đau thì an lạc và giải thoát là những hạt giống của hạnh phúc. Tâm lý học đạo Bụt nói đến hạt giống (bija) như bản chất của các loại tâm ý, như nội dung của tâm thức.
Trước hết ta nói đến những hạt giống sẵn có ngay khi ta mới ra đời. Ta có thể nói rằng đây là những hạt giống do tổ tiên và cha mẹ trao truyền, hoặc là những hạt giống của các kiếp trước (tổ tiên chúng ta cũng là tiền thân của chính chúng ta). Có những hạt giống của Bụt, Bồ Tát, Duyên giác, Thanh Văn, Thiên, Nhân, Atula, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh …. nghĩa là đủ tất cả những hạt giống tốt và những hạt giống xấu. Thêm vào đó là những hạt giống đã được gieo trồng từ thuở tấm bé, trong môi trường gia đình, học đường và xã hội. Hạt giống xấu là hạt giống của khổ đau và hạt giống tốt là hạt giống của hạnh phúc.
Theo luật duyên sinh, các chủng tử không có tính cố định. Các chủng tử nương vào nhau mà thành lập, vì vậy trong cái một có cái tất cả và cái tất cả là do những cái một tạo thành. Một hạt giống xấu cũng chứa đựng trong nó mầm mống của những hạt giống tốt. Một hạt giống tốt cũng chứa đựng trong nó mầm mống của những hạt giống xấu. Cũng như có ngày mới có đêm, có trái mới có phải, có dưới mới có trên, có một mới có nhiều, có sinh mới có diệt, có âm mới có dương. Vì lẽ ấy các chủng tử đều có thể được chuyển hoá từ xấu sang tốt và từ lành sang dữ. Điều này cho chúng ta thấy rằng vào những lúc tối tăm và đau khổ nhất trong cuộc đời, ta phải biết rằng những hạt giống của an lạc của hạnh phúc vẫn có mặt trong ta, và vì thế ta không nên bao giờ tuyệt vọng. Nếu ta biết tiếp xúc với những hạt giống an lạc và hạnh phúc tiềm ẩn trong ta, nếu ta biết tưới tẩm và chăm sóc chúng, chúng sẽ nẩy nở và mang lại những hoa trái của an lạc và giải thoát.
Kinh luôn luôn nhắc tới hai mặt tương phản của tâm ý: “khi có tham dục, biết rằng có tham dục, khi không có tham dục, biết rằng không có tham dục” “khi có sân hận, biết là có sân hận, khi không có sân hận, biết là không có sân hận” “ khi có giải thoát, biết là tâm có giải thoát, khi không có giải thoát, biết là tâm không có giải thoát”. Không có tham dục là một tâm ý tốt, gọi là vô tham. Không có sân hận là một tâm ý tốt, gọi là vô sân. Vô tham, vô sân và giải thoát là những hạt giống tốt trong tâm, cần được tưới tẩm và chăm sóc. Kinh điển hay nói tới tâm như là ruộng đất trên đó các thứ hạt giống được gieo, vì vậy ta có các từ tâm điền và tâm địa.
Quán chiếu không phải chỉ là quán chiếu về các hiện tượng sinh, lão, bệnh, tử, tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến. Chúng ta phải có thì giờ để quán chiếu về những đối tượng lành mạnh, an vui và giải thoát để có dịp tiếp xúc với những hiện tượng này và làm cho hạt giống tốt sinh sôi nẩy nở trong tâm điền. Bụt, Pháp, Tăng, Từ, Bi, Hỷ, Xả, Chánh niệm, Trạch pháp, Tinh tiến, Khinh an, Hỷ lạc và Hành xả v.v... là những đề tài quán chiếu rất phổ thông trong đạo Bụt.
Ta hãy lấy một ví dụ: Hỷ. Hỷ là niềm vui. Niềm vui này không phải chỉ là niềm vui phát sinh từ niềm vui của kẻ khác mà cũng là niềm vui lành mạnh của chính mình. Đó là một trong bốn vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ và Xả. Ta có hạt giống của Hỷ nơi ta. Ta biết rằng nếu ta có niềm vui thì đời ta mới có hạnh phúc và ta mới có gì để san sẻ với kẻ khác. Nếu ta không có niềm vui thì ta có gì để san sẻ với họ? Nếu hạt giống của nụ cười và niềm vui bị vùi lấp trong ta dưới nhiều lớp khổ đau, thì làm sao ta có thể mỉm cười và phân phát niềm vui cho kẻ khác? Vì vậy bài thực tập này nhằm tiếp xúc được với những hạt giống tốt trong ta để giúp chúng có cơ hội phát triển.
Đời đầy khổ đau nhưng đời cũng đầy dẫy những mầu nhiệm. Tất cả đều vận hành trên nguyên lý vô thường và vô ngã, nhưng ngoài mùa Đông còn có mùa Xuân, ngoài bóng tối còn có ánh sáng, ngoài tật bệnh còn có sức khoẻ, ngoài nắng hạn và bão lụt còn có gió thuận, mưa hoà. Mắt ta, tai ta, trái tim ta, nụ cười ta, hơi thở ta đều là những hiện tượng mầu nhiệm. Chỉ cần mở mắt là ta thấy được trời xanh, mây trắng, liễu lục, bông hồng, dòng sông xanh, đồng lúa vàng và đôi mắt đen láy của em bé. Chỉ cần lắng tai là ta nghe được tiếng chim hót, tiếng rù rì của hàng thông hay tiếng sóng vỗ rạt rào. Tất cả đều vô thường, tất cả đều giả hợp, nhưng vẫn là mầu nhiệm. Trong ta và quanh ta có rất nhiều pháp (hiện tượng) có tính chất mầu nhiệm như thế, và chúng cũng có tính chất tươi mát và trị liệu. Nếu ta tiếp xúc được với chúng thì ta cũng tiếp nhận được tính chất tươi mát và lành mạnh của chúng. Từ ngữ an lạc thường được dùng để chỉ cho sự bình an và hạnh phúc của nội tâm. Nếu tâm ta có an lạc thì ta sẽ từ từ làm cho thế giới có thêm bình an và hạnh phúc. Bình an (peace) và hạnh phúc (joy) trên thế giới không bao giờ tuyệt đối, tuy vậy chúng luôn luôn có mặt tới một mức độ nào đó. Trời xanh, mây trắng, mưa thuận, gió hoà, sự ổn định chính trị, tự do ngôn luận, pháp luật được bảo vệ, trẻ con được đi học buổi sáng, bông hoa đang nở, sức khoẻ của chúng ta, v.v... đó là những yếu tố tích cực của bình an và hạnh phúc, có mặt bên cạnh những yếu tố tiêu cực như bất công xã hội, kỳ thị chủng tộc, trẻ em thiếu ăn, kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí, phóng xạ nguyên tử, v.v . . . ý thức về những gì hư xấu và nguy hiểm đang xảy ra là một điều cần thiết, bởi vì do đó mà ta có thể tìm phương cứu chữa. Nhưng nếu ta suốt ngày chỉ biết tiếp xúc và lo lắng về những gì xấu và nguy hiểm thì con người ta sẽ xanh xao, ốm mòn, và một ngày nào đó ta sẽ không còn niềm vui và nguồn sống để phụng sự. Vì vậy ta phải biết tiếp xúc với những yếu tố an bình và tích cực trong ta và xung quanh ta. Ta phải có khả năng tiếp xúc với những gì mầu nhiệm và an lạc trên thế gian và thừa hưởng những thứ ấy. Nếu ta không có khả năng tiếp xúc và thừa hưởng thì những mầu nhiệm và an lạc kia dù có mặt cũng không có ích lợi gì. Ta phải có khả năng tiếp xúc với bông hoa, em bé, trời xanh mây trắng, dòng suối reo, tiếng chim ca, ly nước trong, nhành liễu ủ rũ. Ta phải dạy cho các em biết thưởng thức những mầu nhiệm và quý báu có mặt trong sự sống. Biết thưởng thức, ta sẽ biết bảo vệ những gì mầu nhiệm và quý báu ấy. Đó chính là công tác căn bản để bảo vệ hoà bình và hạnh phúc cho ta và cho con cháu ta.
Có những người tuy biết trên lý thuyết rằng bông hoa trước mặt là mầu nhiệm nhưng không có cách gì tiếp xúc tiếp được với bông hoa, vì khổ đau trong tâm đã bít lấp đường lối đi về bông hoa. Những người ấy trong quá khứ đã không cho mình cơ hội để tiếp xúc với những hạt giống an lành khoẻ mạnh trong tâm thức và vì vậy đã để cho khổ đau bít lấp. Chúng ta vì vậy phải biết thực tập tiếp xúc với những gì lành mạnh và vui tươi trong đời sống hàng ngày. Giới thứ bảy của dòng tu Tiếp Hiện có nói đến sự cần thiết thực tập hơi thở ý thức để trở về tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trong đó có những yếu tố an lành, tươi mát và có tính cách trị liệu. Có khi ta cần sự nâng đỡ của những người bạn cùng tu để có thể trở về tiếp xúc với những mầu nhiệm đó. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, đó là câu ngạn ngữ nói về sự cần thiết của một đoàn thể tu học. Đoàn thể này gọi là Sangha mà ta thường dịch là tăng già. Trên đường tu tập ta cần sự nâng đỡ của đoàn thể ấy, và đó là ý nghĩa của câu “con về nương tựa Tăng”.
Có được một người bạn an lạc, có quân bình, có khả năng hiểu được mình và nâng đỡ mình trong những lúc khó khăn, đó là một điều may mắn lớn. Trong giai đoạn mà ta cảm thấy bất lực, bi quan và chán nản, ta phải tìm về người bạn đó. Bên cạnh người ấy ta có thể thiết lập lại quân bình và ta lại có thể tiếp xúc với bông hoa, nghĩa là những gì mầu nhiệm đẹp đẽ tươi mát có mặt trong ta và chung quanh ta. Ta phải biết lợi dụng sự quân bình ấy mà thực tâp để làm lớn mạnh những hạt giống an lành tươi mát đã yếu ốm vì lâu ngày không được ta tưới tẩm và săn sóc.
Những hạt giống của hiểu biết của thương yêu của an lạc và của giải thoát cần được tiếp tục gieo trồng và tưới tẩm bằng cách sống hàng ngày của chúng ta, đó là cách sống theo chánh niệm. Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm cống hiến cho ta những cách sống như thế. Bằng cách thực tập hơi thở, nụ cười, thiền hành, thiền toạ, bằng cách nhìn, cách nghe, cách quán sát trong chánh niệm mà ta làm lớn mạnh những hạt giống ấy của hạnh phúc. Thế giới của Từ, Bi, Hỷ và Xả là thế giới của hạnh phúc thật sự. Có niềm vui (Hỷ) và có khả năng buông thả (Xả), ta mới có thể ban phát hạnh phúc (Từ) cho người khác và làm vơi bớt những nổi khổ đau của họ (Bi).
0 comments:
Post a Comment