Monday, October 31, 2011

Những điều đáng suy ngẫm trong cuộc sống


Từ xưa đến nay biết bao nhiêu ngôn từ, Danh nhân, Triết gia định nghĩa về hai từ “hạnh phúc” (happiness) mỗi người một quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Vậy, chúng ta thử tìm hiểu hạnh phúc như thế nào? Là niềm hạnh phúc chân thật đem lại niềm an lạc cho mình và cho người qua những điều đáng suy ngẫm sau:
1. Sống trong hiện tại

Phật hỏi đệ tử:

- Cuộc sống người ta được bao nhiêu?
Các đệ tử thay nhau trả lời:
- 80 năm.
- Sai.
- 70 năm.
- Còn sai.
- 60 năm.
- Sai.
- Vậy người ta sống bao lâu?
Phật mỉm cười đáp:
- Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở.
 (Kinh Tứ Thập Nhị Chương)
Lời bình
Qúa khứ đã đi qua rồi, tương lai những gì chưa tới chỉ sống phút giây hiện tại, phút giây mầu nhiệm nơi ta
Tịnh tâm quán niệm, kiếp vô thường
Thân người giả tạm, giống hạt sương
Kiếp người chỉ sống, trong hơi thở
Tu mau kẻo trễ, tỉnh mộng trường (Trí Giải)

2. Sau khi chết người ta đi về đâu?



Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku.
- Bạch thầy, sau khi chết, người ta đi đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao thầy không biết?
- Vì tôi chưa chết.
- ???
Lời bình:
Con người thường thắc mắc chết đi về đâu? Bạn đừng lo lắng chết đi về đâu, quan trọng là bạn sống sao tốt đẹp ngay bây giờ,
Không làm các điều ác
Hãy làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó lời dạy chư Phật
Tu sĩ đi về chùa
Thầy giáo, học sinh phải đến trường
Người bán cá phải đến chợ
Người làm nông phải ra đồng
….
Vì vậy giữa kiếp này và kiếp sau là sự kết nối với nhau như là sự thay đổi chiếc áo mới, quan trọng bạn chọn cho mình chiếc áo thế nào (cũ hay mới) điều đó mới quan trọng. Gieo nhân nào gặt quả đó, nghiệp lực chính là tác nhân dẫn dắt chúng ta đến nơi mà chúng ta đã gieo nhân: làm ác phải đọa luân hồi lục đạo, làm thiện được vãng sinh về cảnh giới an lành. Hãy sống trọn hôm nay đừng suy nghĩ chuyện ngày mai xảy ra với mình.

“Ở đời sống đạo hãy tùy duyên

Tâm trí an vui chẳng lụy phiền
 Ngoại cảnh sáu trần không dính mắc
Nội tâm bát thức hãy điềm nhiên
Niệm tưởng khởi lên liền buôn xả
Chân tâm vắng lặng thấy bình yên
Ấy là chân thật cho cuộc sống
 Không bị lụy phiền cảnh đảo điên (Trích “Bước Chân Xuất Thế”)
"Trong hạnh phúc, trong phiền lụy, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất, cũng như trên đất ta có thể vất bất luận thứ gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ đất không giận, cũng không thương" cố gắng tu hành tìm về mục đích chúng ta cần đi đến.
YourHands
3. Định mệnh nằm trong bàn tay


Thời xưa, có vị tướng quyết tấn công địch dẫu quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng xu và nói lớn với quân sĩ:

- Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo.Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng còn ngửa thì quân ta sẽ bại.
Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh. Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống đất.
- Sấp rồi ! Chúng ta sẽ thắng ! Hãy xông lên chà nát quân thù ! – Ba quân reo hò phấn khởi.
Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân:
- Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh.
Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xoè tay đưa đồng tiền ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp.

Lời bình:
Nhân quả, nghiệp báo rất công bằng: không phân biệt hay thiên vị bất kỳ một ai...gieo nhân ác lãnh thọ quả báo ác trôi lăn sinh tử luân hồi, làm thiện hưởng được phước báo, tu hành tinh tấn giải thoát, chứng đắc Niết bàn. Vì vậy, vận mệnh của bạn nằm trong lòng bàn tay của bạn 
Tự mình là vị cứu tinh   
Tự mình nương tựa vào mình tốt thay
Nào ai cứu được mình đây?
Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên
Thành ra điểm tựa khó tìm
. (Pháp Cú 160)
earth
4. Thiên đàng địa ngục đều do tâm tạo
Có một bà lão biệt danh “mụ già hay khóc”. Trời mưa, mụ cũng khóc, trời không mưa mụ cũng khóc. Có người hỏi bà:
- Bà lão ơi, sao bà lại khóc?
- Tôi có hai con gái, cô chị bán giày vải, cô em bán dù. Khi trời nắng ráo, lão nghĩ tới con em bán dù không được. Khi trời mưa, lão lại lo cho con chị, mưa gió không có khách nào chịu mua giày.
- Lão nên nghĩ rằng khi trời đẹp đứa lớn sẽ bán được, khi trời mưa đứa nhỏ bán dù rất chạy.
- À, ông có lý.
Từ đó, “mụ già hay khóc” thôi khóc. Bà lão cười suốt ngày dù trời mưa hay nắng.
Lời bình:

Thiên đường hay Địa ngục không ai mở ra cho mình mà do chính mình tạo ra nó. “Vạn pháp duy nhất tâm” hoặc “tướng tự tâm sinh” tâm làm thiện (ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, bố thí cũng dường,…tu tập diệt trừ phiền não để tâm được thanh tịnh thì cửa Cực lạc mở ra, nếu tâm làm ác (sát, đạo, dâm, vọng) thì cửa Địa ngục mở ra. Vì vậy Cực lạc hay Địa ngục đều ở nơi tâm:
"Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tạo tác
Nếu với ý nhiễm ô (ác)
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như chiếc xe theo chân con vật kéo". (Dhp 1)

" Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tạo tác
Nếu với ý thanh tịnh (thiện)
Nói năng hay hành động
An lạc bườc theo sau
Như bóng không rời hình". (Dhp 2)
5. Phật tại gia

 
Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi:

- Cậu đi đâu đấy?
- Tôi đi cầu Bồ Tát.
- Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không?
- Tìm Phật ở đâu bây giờ?
- Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật.
Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng.

Lời bình:
Người ta tìm chân lý nhưng điều cần là thực thi ngay trong lòng, "Phật tính trong mỗi chúng sinh"
Cha mẹ chính là vị Phật và Bồ tát tại nhà, “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế” muốn thành Thánh Nhân trước tiên phải hiếu thảo với Cha mẹ, "hiếu hạnh vi Phật hạnh" muốn tìm hạnh phúc chính nơi tâm của bạn
Tâm ta vốn có Bồ đề,
Ươm mầm đạo hạt trở về Tây Phương.
Ngũ dục, ảo ảnh mộng trường,
Nhấn chìm nhân thế, vấn vương tâm mình.
Tham, sân, si vốn vô minh
Diệt trừ tận gốc tâm mình đã mang.
Quay về Tuệ giác muôn ngàn,
Tâm hồn thanh tịnh Niết bàn Như-Lai.
Từ bi trải khắp trần ai,
Nhất tâm niệm Phật, ngự đài sen tươi.
Hương thơm đức hạnh nơi người
Đóa hoa hiện thể cuộc đời xuất gia
Kiếp người mau sớm ngộ ra,
Niết bàn, sinh tử, chính là nơi tâm. (Trí Giải)
moon


6. Ngón tay chỉ mặt trăng

Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng:

- Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói:
- Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu.
- Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được? – Jincang rất ngạc nhiên.
Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp:
- Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này, chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không?
Lời bình:                              
Suốt thời gian bốn mươi chín năm (hoặc 45 năm) Đức Phật thuyết Pháp độ sinh,  giáo lý là phương tiện, cứu cánh là Niết bàn. Cũng giống như như ngón tay chỉ mặt trăng. Muốn thấy chân tướng mặt trăng, cần phải nương ngón tay. Nhưng nếu lại chấp chặc vào ngón tay thì muôn đời không thể nào thấy được mặt trăng. Vì thế kinh nói: "Nhứt thiết tu ta la giáo như tiêu nguyệt chỉ". Nghĩa là tất cả kinh điển Phật dạy như ngón tay chỉ mặt trăng là vậy. Qua sông cần bè, đến bờ bỏ chiếc bè, ngón tay chỉ mặt trăng ý nói: ngôn ngữ phương tiện, chân lý là cứu cánh, mượn phương tiện ngôn ngữ để diễn đạt cứu cánh, khi ngộ chân lý rồi lìa xa ngô ngữ “ý nghĩa bất ý ngữ” Cái chân lý tuyệt diệu thì không thể dùng ngôn ngữ văn tự để diễn bày, cũng như người muốn đạt đạo thì không thể đơn phương dùng ngôn ngữ văn tự mà thể đạt được. Lão Tử cũng đồng quan điểm này, khi ông nói" "Ðạo khả đạo phi thường đạo". Cái đạo mà dùng lời nói ra được thì đó chưa phải là cái đạo chơn thường. Thế nên kinh Phật nói "ngôn ngữ đạo đoạn" là ý nghĩa này đây.

Truyện sưu tầm
Lời bình: Trí Giải
Ngưỡng Quan

0 comments:

Post a Comment