Tam Lạc:
1. Lạc trung lạc: thân cùng độ đều thù thắng, thân nhẹ, cõi xinh, ấm no, khương kiện...
2. Bất biến hoại lạc: thân mạng trường tồn, cõi nước không thiêu diệt...
3. Bất động trí lạc: định huệ dung thông, chánh tri bất động...
Bát lạc:
1. Sanh Lạc: thác chất liên hoa, thanh tịnh hóa sanh..
2. Vô lão lạc: mãi mãi trẻ trung, không già không yếu...
3. Vô bịnh lạc: hằng hằng khương kiện, không bệnh, không đau yếu...
4. Vô tử lạc: thọ mạng vô cùng, trường sanh bất diệt...
5. Toại nguyện lạc: tùy ý quả toại, y thưc tự nhiên...
6. Vô ái biệt ly lạc: bạn lành hải chúng, thân cận không rời..
7. Vô oán tắng hội lạc: thuần là Thượng-Thiện-Nhân, đồng tâm xứng ý..
8. Vô ngũ ấm thạnh lạc: thân tâm thanh tịnh, thường trụ không dời..
Không đâu khổ bằng Ta Bà, không đâu vui bằng Cực Lạc, vì thế mọi người nên nhàm lìa chốn Ta bà mà nguyện về chốn Cực Lạc.
7. Bốn báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Trong đây nói bốn báu mà chính là gồm bảy báu: vàng ,bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, và mã não. Trong Quán Kinh nói: hoặc có thứ cây thuần bằng vàng, hoặc có thứ cây thuần bằng bạc..v..v.. hoặc có thứ cây thân vàng lá bạc, nhánh lưu ly..v..v.. - Dầu bằng chất thất bửu chớ vẫn là cây sống, cũng như cây bên này bằng chất gỗ.
8. Trong đây nói đất là chỉ thuận theo tiếng nầy mà gọi thế, chớ chính thật cõi Cực Lạc thuần bằng chất vàng.. Tuyệt không có thứ đất bùn cát sỏi. - Tám công đức của nước trong ao bên Cực Lạc: trong sạch, nhẹ nhàng, mát mẻ, ngon ngọt, đượm thuần, êm đềm hòa huỡn, uống vào hết đói khát, và bổ khỏe thân tâm.
9. Người nước Cực Lạc đều có thần túc thông, trong nháy mắt có thể đi trải qua vô lượng thế giới. Đi kinh hành là đi vòng quanh chậm rãi, vừa đi vừa suy gẫm tưởng niệm những pháp lành. Phật, Pháp và Tăng... Đi kinh hành có hai điều lợi ích: (1) Thâu nhiếp tâm tưởng vào chánh niệm, phục trừ tà niệm loạn tưởng cùng biếng lười ngủ nghỉ, và (2) điều hoà thân thể, huyết khí lưu thông, tiêu hóa dễ dàng.
10. Tinh, tấn, niệm, định, huệ: người tu hành có năm đức nầy thời vững chắc trên đường đạo như cây có rễ nên gọi là ngũ căn (cội rễ). Nếu tất cả cảnh duyên không thể khuấy rối làm lay động được, thời năm đức trên gọi là ngũ lực (sức mạnh). Thất Bồ Đề Phần cũng gọi là Thất giác chi (7 đức giác ngộ) là Trạch pháp, Niệm, Tinh tấn, Hỉ, Khinh an, Định, và Xả. Bát Thánh Đạo Phần là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, và Chánh định. — trong cõi Ta bà nầy, những loài chim nhiếp thuộc vào súc sanh đạo, một ác đạo trong lục đạo, do ác nghiệp tội khiên mà chiêu cảm ra khổ báo ấy. Chim bên Cực Lạc thời khác hẳn, không phải là giống vật do tội báo cảm vời sanh ra, mà do thần lực của đức A Di Đà biến hóa ra để làm cho pháp âm được lưu chuyển khắp trong nước.
11. Đoạn nầy là đức Phật tự định danh nghĩa của ba đức A di Đà, vì có hai điều vô lượng: (1) Vô lượng quang, (2) Vô lượng thọ, nên đức Phật bên nước Cực Lạc hiệu là a Di Đà.
12. A-bệ-bạt-trí (Phạn âm) Hán dịch là bất thối chuyển, vào bực này thời một mực đi trên đường Thánh thẳng đến thành Phật, không còn bị thối sụt xuống phàm phu hay Tiểu thừa nữa. Tất cả mọi người được sanh về cõi Cưc Lạc đều vào bực bất thối cả, trong hàng bất thối lại có vô số bậc nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát (vì Bồ tát chỉ còn là Bồ tát trong một đời hiện tại, mãn đời hiện tại thời thành Phật, như hiện nay đức Di Lặc Bồ tát ở cung trời Đâu Suất nội viện là bậc Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát vậy). Các bậc Thượng thiện nhân là chỉ các bậc Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát.
13. Cõi Cực Lạc thù thắng trang nghiêm, phải có nhiều căn lành phước đức mới được sanh về đó. Niệm Phật được nhất tâm bất loạn thời là thành tựu căn lành phước đức rất lớn, đến khi lâm chung đức Phật A Di Đà cùng Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát ..phóng quang đến rước, quyết định đặng sanh cõi Cưc Lạc. - Niệm Phật không còn móng tưởng gì khác, không có mảy may thinh sắc gì khác xen vào, vững vàng không xao động gọi là nhứt tâm bất loạn.
14. Người tu Tịnh Độ phải có đủ ba điều: Tín (tin thật), Hạnh (chuyên tâm niệm Phật) và Nguyện (thiết tha muốn được sanh về cõi Cưc Lạc) Trong ba điều nầy, lòng tin đứng trước cả mà cũng là nền tảng của tất cả căn lành vì thế nên chư Phật ở sáu phương đồng khuyên bảo, cho mọi người sanh lòng tin chắc chắn quyết định.
Hằng hà sa số: là số cát sông Hằng. Sông Hằng là con sống lớn bên Thiên Trúc, nguồn từ dãy núi Hi Mã, chảy ngang xứ Thiên Trúc, đổ vào Ấn Độ Dương. Lòng sông và hai bên bãi có cát rất nhiều và rất mịn. Đương thời đức Phật thường nói pháp gần bên sông, nên phàm khi muốn chỉ một số lớn quá nhiều thời mượn số cát trong sông Hằng mà nói.
Tướng lưỡi rộng dài biểu tượng của sự thành thật. Trong kinh nói người nào chót lưỡi liếm đến đầu mũi, thời người ấy trong ba đời đã qua không hề có một lời nói dối. Lưỡi dài liếm đến đầu mũi còn như thế, huống nữa là rộng dài trùm khắp cả thế giới?
Một thái dương hệ là một tiểu thế giới. Một nghìn tiểu thế giới là một tiểu thiên thế giới. Một nghìn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới. Một nghìn trung thiên thế giới là một thế giới trải qua ba lần nhân cho số nghìn, nên gọi là Tam thiên đại thiên thế giới [1 tiểu thế giới x 1.000 x 1.000 x 1.000 = Đại thiên thế giới].
Đại thiên thế giới của ta ở đây tên là Ta Bà dịch là Kham khổ ngụ ý rằng trong cõi nầy có vô lượng sự thống khổ, mà chúng sanh trong đó vẫn kham chịu được.
15. Ngũ Trược: (1) Kiếp trược: kiếp là chỉ cho thời đại, thời gian. Trong thời đại nào mà có các món trược dưới đây thời là thời đại đục nhơ. (2) Kiến trược: Những điêu mê chấp, tà kiến, điên đảo... (3) Phiền não trược: Các tâm niệm bất thiện như tham, sân, si, mạn bất tín... (4) Chúng sanh trược: Năm ấm (sắc, thọ,) hiệp hội sanh diệt chẳng dừng. (5) Mạng trược: Số thọ rất ngắn, sống nay chết mai, mạng sống trong hơi thở. Bốn món trên đây tánh cách nhiễu não, sai lầm, biến đổi vô thường nên gọi là trược (nhơ đục).
0 comments:
Post a Comment