Sunday, March 1, 2015

Ác nghiệp thứ ba của lời nói là nói lời thô ác

Ác nghiệp thứ ba của lời nói là nói lời thô ác. Khi quý vị nặng lời để làm tổn thương người khác, đó được xem là nói lời thô ác. Thông thường, người ta nặng lời khi nổi giận, cũng có lúc họ nói như vậy để trêu chọc người khác. Mỗi khi quý vị dùng lời lẽ thô ác với ý định làm người khác tổn thương, điều đó trở thành ác hạnh. Điều quan trọng nhất là quý vị phải cố gắng giảm thiểu và từ bỏ nói lời thô ác. Nếu không thể từ bỏ thì ít nhất quý vị cũng phải giảm thiểu. Đó chính là thời điểm quan trọng để thực hành Pháp. Không nói nặng lời với người khác là điều đơn giản và không quá khó; tuy nhiên, khi có người nặng lời với quý vị, việc kiểm soát cảm xúc của bản thân sẽ khó hơn và quan trọng hơn. Khi người khác nặng lời với quý vị, thông thường sẽ có hai tình huống xảy ra: quý vị sẽ nổi giận, hoặc quý vị sẽ rất buồn. Quý vị phải hiểu rằng lời nói không thể khiến bản thân mình đau khổ; điều đó tùy thuộc vào chính quý vị, cách quý vị tiếp nhận lời nói quan trọng hơn. Khi có người nói lời thô ác với quý vị, nếu nhìn nhận những lời nói đó thật nặng nề và nghiêm trọng thì chúng sẽ khiến quý vị đau khổ. Chính vì vậy, Đức Phật luôn khuyên rằng chúng ta không nên phản ứng khi bị lời nói của người khác làm tổn thương.
Ác nghiệp thứ tư của lời nói là nói lời phù phiếm. Khi có thời gian rỗi để trò chuyện, phần lớn thời gian quý vị nói những gì? Quý vị nói những điều không cần thiết, và bàn tán về khuyết điểm của người khác. Mỗi lúc có thời gian rỗi để trò chuyện với nhau, có lẽ phần nhiều thời gian quý vị sẽ nói về khuyết điểm của những người khác. Đó chính là nói lời phù phiếm, và quý vị phải giảm thiểu điều này.
Khi tôi nói về việc giảm thiểu nói lời phù phiếm, có một người phụ nữ nói với tôi nếu cô ta không nói về khuyết điểm của người khác thì cô không có hứng nói chuyện [Rinpoche cười]. Mỗi khi trò chuyện, cách quý vị trò cũng là điều quan trọng. Hôm nay, ở Bangalore, sau một buổi giảng tôi đến ăn trưa ở một khách sạn. Tôi ngồi ở giữa và thấy phần lớn phụ nữ ngồi bên tay phải của tôi, còn nam giới ngồi ở bên trái. Tôi đã quan sát và thấy phụ nữ nói nhiều hơn nam giới [Rinpoche cười]. Sau đó, tôi nghĩ nhóm nữ nói chuyện phiếm nhiều hơn. Về mặt sinh lý thì phụ nữ cũng nói nhiều hơn nam giới.
Đức Phật đã dạy một điều, cấu trúc sinh học ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của nam giới và nữ giới. Ví dụ, khi phụ nữ gặp khó khăn, cô ta thường muốn nói chuyện và chia sẻ với người khác. Đó là cách đương đầu với khó khăn của phụ nữ. Với nam giới, quý vị phải cẩn thận hơn về việc nói nặng lời với người khác. Bởi thông thường, khi nam giới gặp khó khăn, họ sẽ không nói ra, họ cố gắng im lặng; và một khi không còn giữ im lặng được nữa trước hoàn cảnh khó khăn thì họ sẽ rất dễ nói nặng lời. Tuy nhiên, với phụ nữ thì khi gặp khó khăn, họ muốn chia sẻ nên họ sẽ nói nhiều hơn; chính vì vậy phụ nữ phải cẩn trọng hơn về lời nói phù phiếm.
Đức Phật đã đặt ra những điều luật khác nhau đôi chút dành cho tăng và ni. Về cơ bản thì các giới luật đó giống nhau, nhưng cũng có những điểm khác biệt vì cấu trúc sinh học của nam giới và nữ giới đôi lúc làm cho họ có cách suy nghĩ khác nhau. Như tôi đã nói, khi nam giới gặp khó khăn hoặc căng thẳng, đau buồn, họ sẽ cố gắng giữ im lặng, muốn một mình tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Đó là cách nam giới đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng từ cấu trúc sinh học. Khi phụ nữ căng thẳng hoặc gặp khó khăn, cấu trúc sinh học khiến họ muốn nói ra vấn đề của mình. Chính vì phụ nữ thường bày tỏ tâm tư của mình nhiều hơn nên họ phải cẩn thận đối với việc nói chuyện phiếm. Nam giới phải cẩn trọng hơn đối với việc nặng lời với người khác, vì ở họ cơn giận rất dễ bị kích hoạt. Nam giới cần thận trọng với lời nói thô ác hơn là đối với lời nói phù phiếm.
~ Khangser Rinpoche

0 comments:

Post a Comment