Thursday, December 8, 2016

Người điếc nghe Kinh - HT Tuyên Hóa

( Ngài là HT Tuyên Hóa đó nha ) 
  Lúc ở Hương Cảng, Ngài có một đệ tử tại gia tên là Lưu Quả Quyên đã trên sáu mươi tuổi. Bà bị điếc nên không thể trò chuyện với ai hay cùng người bàn lời thị phi. Bà thường lần chuỗi tràng, không ngừng niệm Phật. Lúc Ngài giảng kinh, thuyết pháp, bà tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi tối đều leo núi đến chùa đúng 7 giờ để dự khóa giảng. Bà không quản trời mưa hay gió, ngày ngày đều leo lên cả ba trăm bậc thang cấp đến chùa nghe kinh. Người điếc nghe kinh thật hiếm báu vô cùng. Khi buổi giảng kết thúc khoảng 9 giờ hơn, bà lại một mình xuống núi đi trên đường mòn không một ngọn đèn soi lối. Vậy mà bà ta thành tâm, tinh tấn mỗi ngày đều đặn lên Chùa.
Mùa Hè năm 1953, Ngài giảng Kinh A Di Đà. Bà Lưu như thường lệ nhất định mỗi ngày đều sớm đến nghe Kinh. Mồng 2 tháng 5, trước khi khai Kinh đại chúng đồng niệm: “Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát,” bỗng nhiên bà Lưu cả mừng bật nói: A! Các vị niệm Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát, tôi nghe rõ cả.
Từ đó tai bà nghe được như thường. Đây chính do công đức nghe Kinh mà ra, tuy bà không cầu mà vẫn được cảm ứng. Sau khi hết bị điếc, bà càng siêng năng niệm Phật, nhưng ma chướng lại đến; vì đôi khi để thử thách những vị tu hành nghiêm túc. Một khi người tu nỗ lực học Phật, nghiệp báo của những tội lỗi cũ phát hiện nhanh chóng và làm cho sự tu bị trở ngại. Nên có bài học là, “ Người Phật tử muốn thành Phật thì phải chịu sự khảo nghiệm của quỷ ma.”
Bà Lưu chợt mang bệnh kỳ lạ, mà triệu chứng của bệnh này là bà ta chỉ thích ăn. Bà bị ám ảnh bởi thức ăn và bà ăn uống suốt ngày từ sáng cho đến tối không ngừng. Cứ khoảng hai giờ đồng hồ là bà phải ăn một bữa, trong một ngày bà ta phải ăn ít nhất là mười lần. Nếu không ăn, bà cảm thấy càng khó chịu hơn. Các Bác sĩ Đông, Tây đều không tìm ra được nguyên nhân, lại cũng không phải trong bụng bà có sán lãi. Vậy mà Bà đã ráng nhẫn chịu bệnh này trong hai năm. Đến mồng 7 tháng 2 năm 1954, khi Ngài từ Đại Tự Sơn trở về Tây Lạc Viên, bà bẽn lẽn thưa:
- Sư Phụ, trong bụng con có người nói chuyện.
- Bụng bà có người nói chuyện? Vậy có phải là thai nhi đó không?
- Bạch Sư Phụ, con đã ngoài sáu mươi tuổi rồi ạ!
- Vậy nó nói những gì?
- Sáng sớm này, con lấy bột nếp để làm bánh ăn và khi con vừa ăn được một miếng thì có tiếng trẻ nít trong bụng con nói: “Tôi không thích ăn thứ này.”  Con nghe rất rõ ràng và chính xác.
- Vậy bà trả lời sao?
- Con nói: “Mi không thích món nầy vậy mi đòi ăn món nào? Ăn no là đủ rồi, còn kén chọn này nọ làm gì?”  Thế rồi con không nghe nó nói chi cả.
- Nếu những đứa bé trong bụng bà đã biết nói chuyện, vậy thì bà phải mau giúp cho chúng nó ra ngoài. Tối nay khi trở về nhà (khi Hòa Thượng đi vắng, bà Lưu ở lại trông chùa) vào lúc nửa đêm, bà hãy nấu cho một tô mì nóng hổi ngon lành, rồi quỳ trước bàn thờ thắp hương cúng dường và tịnh tâm niệm Phật.
Bà trở về nhà làm y lời Ngài, trong lúc niệm Phật, mơ mơ, màng màng bà thấy có ba đứa bé bụ bẩm khả ái từ trong bụng bà thoáng đi ra, chúng tranh nhau để ăn tô mì hấp dẫn kia. Đột nhiên có một luồng khí và bà thấy Ngài Hộ Pháp Vi Đà dùng hai tay, xách lỗ tai của ba đứa bé mà lôi đi, và bà lập tức cảm thấy trong bụng nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ đó bệnh đói của bà không cần thuốc mà khỏi.
Trong ba đứa nhỏ kháu khỉnh kia, hai đứa là cắc kè tinh còn đứa thứ ba là nhái tinh; tin hay không là do bạn. Bà bị bệnh lạ lùng này là do quả báo đời trước, bà đã không tin có bệnh kỳ quái như vậy. Thế nên đời nay trong một đêm nọ bà mơ thấy có ba đứa bé khoảng hai, ba tuổi mủm mỉn, tròn trịa tai to đầu bự rồi khởi niệm tham ái mà chiêu cảm ba con quỷ nhỏ kia nhập vào. Do đó việc đầu tiên của người tu đạo là phải khử trừ lòng tham ái.

0 comments:

Post a Comment