Saturday, February 13, 2010

Những điều Đức Phật dạy về hóa giải bất hòa

Bài Viết - Tùy Bút - Bài Viết Chuyên Đề
Written by Bhikkhu Basnagoda Rahula - Thị Giới dịch

h1Đối với Đức Phật, việc hóa giải những bất hòa cũng quan trọng không kém việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa những người sống chung. Cộng đồng Tăng già mới thành lập của Ngài bao gồm cả nam và nữ đến từ mọi thành phần xã hội, những thành viên trong cộng đồng đó có những khác biệt lớn về nhiều phương diện và điều không thể tránh là sự phát sinh những mâu thuẫn.


Với cái thấy xuyên suốt, Đức Phật đã cho những người sống chung những bài học quý báu để ngăn ngừa và hóa giải những mâu thuẫn xảy ra giữa họ. Mặc dù lúc đó Đức Phật nhắm đến những đệ tử xuất gia, những lời khuyên của Ngài cũng áp dụng có hiệu quả cho những cộng đồng xã hội khác và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Sau đây, chúng ta lần lược trình bày và phân tích những lời dạy của Ngài.

Năm sự khéo léo trong việc trao đổi

Những lời dạy của Đức Phật về sự khéo léo trong cách giải quyết tốt đẹp những bất hòa được Ngài Xá Lợi Phất giải thích rành mạch(1).

Đức Phật dạy, có năm sự khéo léo trong giao tiếp đem đến nhiều kết quả tốt đẹp. Theo Ngài Xá Lợi Phất, không tuân theo năm cách xử sự này sẽ đem đến những hậu quả tiêu cực và đáng ân hận - và hầu hết người nói sẽ gặp phản ứng từ người nghe. Sau đây, chúng ta khảo sát năm phương pháp mà Đức Phật và Ngài Xá Lợi Phất coi như thiết yếu trong việc hóa giải những bất hòa trong đời sống hàng ngày.

1. Nêu vấn đề đúng thời


Đúng thời là một điều kiện quan trọng trong việc truyền đạt của Đức Phật. Ngài tự nhận là một “người nói đúng thời” và thường nhấn mạnh rằng sự thất bại hay thành công trong cuộc trao đổi tùy thuộc rất lớn vào thời điểm(2). Theo Ngài Xá Lợi Phất, đúng thời là điều kiện thiết yếu trong việc hóa giải những mâu thuẫn giữa người với người.

Với những bằng chứng được ghi lại, Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử loài người nhấn mạnh sự quan trọng của việc đúng thời trong lời nói. Đó là vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch. Tư tưởng gia Hy Lạp tiền Socrate là Protagoras đề cập đến khái niệm này lần đầu tiên trong lịch sử Tây phương vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch.

Khái niệm “nói đúng thời” của Đức Phật mang một ý nghĩa rộng rãi. Điều cần chú ý đầu tiên là trạng thái tinh thần của người nghe. Cuộc đối thoại giữa Đức Phật và bà Gotami, người có đứa con duy nhất chết khi còn nhỏ, chứng tỏ sự quan trọng của tác nhân này(3). Gotami ôm đứa con đã chết đến cho nhiều vị thầy thuốc để mong được cứu, nhưng tất cả các thầy thuốc đều trả lời rằng đứa bé đã chết, không ai có thể cứu sống được. Quá thất vọng và đau buồn, bà ôm con đến chỗ Đức Phật, người được coi là “vị thầy vĩ đại nhất”, cầu khẩn Ngài cứu sống đứa bé. Thấy sự đau đớn khôn cùng của người mẹ, Đức Phật quyết định không nói ngay về sự thật. Ngài bảo bà đi tìm một nắm hạt cải ở nhà nào chưa từng có người chết. Vì biết rằng bà sẽ phản ứng và và đau đớn khi nghe sự thật, Ngài đợi đúng lúc để nói cho bà về sự thật không vui rằng cái chết là phổ biến cho mọi người, không ai có thể tránh khỏi, không ai có thể thay đổi. Và điều đó đã giúp bà giảm đi nỗi đau và đạt đến trí tuệ.

Các nhà tâm lý xác nhận rằng một người đang lúc không vui ít muốn lắng nghe. Một trẻ vị thành niên khi mang về một giấy báo điểm thấp có thể sẽ phản kháng mãnh liệt trước lời khuyên của cha mẹ rằng hãy cố gắng để khá hơn trong kỳ học tới. Một người vợ hay chồng về nhà sau một cuộc chạm trán không vui với cấp trên có thể thấy những lời cau có của người kia nhức nhối khó chịu hơn. Trao đổi khi người nghe ở trong trạng thái vui vẻ có thể đem lại những kết quả tốt đẹp hơn.

Sự thoải mái về thể xác cũng phải được kể vào nguyên tắc đúng thời. Đức Phật bảo đệ tử của Ngài cho một người muốn nghe pháp đang đói được ăn trước khi Ngài thuyết pháp cho người đó(4). Đức Phật biết rằng thuyết pháp cho một người đang đói sẽ đem lại ít lợi lạc hơn. Và trước khi nói pháp cho một đệ tử xuất gia, Đức Phật đã hỏi han về chứng bệnh của vị đó đang mang(5). Chúng ta thấy rõ ràng rằng điều kiện thể xác cũng là một yếu tố để có một tinh thần khỏe mạnh; do đó “đúng thời” cũng có nghĩa là thời điểm khi người nghe có tình trạng cơ thể thích hợp.

Mục tiêu của “đúng thời” là đem lại sự vui vẻ và lợi ích cho cả người nghe và người nói. Chờ đợi thời điểm thích hợp để truyền đạt không có nghĩa là tìm cơ hội tốt nhất để tạo tác động lên người nghe. Sự hiện diện của những động năng ích kỷ và lạm dụng đi ngược lại lời dạy của Đức Phật. Ngài lặp đi lặp lại rằng người nói nên được hướng dẫn bằng tâm từ bi, hoàn toàn không có động cơ lợi dụng.

Chọn thời điểm thích hợp nhất để nói là sự khéo léo có sức mạnh rất lớn trong việc hóa giải những bất hòa trong mối quan hệ.




0 comments:

Post a Comment