Saturday, February 13, 2010

Những điều Đức Phật dạy về hóa giải bất hòa - Page 2

2. Chỉ đề cập đến sự kiện

Đức Phật nói thêm rằng tránh những lời buộc tội sai lầm là bước thứ hai trong việc làm tốt cuộc đối thoại và giảm bớt những mâu thuẫn trong mối quan hệ. Theo Ngài Xá Lợi Phất, người nói cần luôn tâm niệm: “Tôi sẽ nói điều gì đã xảy ra, không nói điều gì không xảy ra”(6). Sự khéo léo này cũng bao gồm việc tránh cường điệu, phóng đại những lỗi lầm và những yếu kém của người nghe, cũng như những lời kết tội không có thật khác.

Dưới nhãn quan tâm lý học, chúng ta thổi phồng những yếu kém hay lỗi lầm của một người chính yếu là để lôi kéo sự chú ý của người đó, hoặc bày tỏ sự tức giận của chúng ta. Để nhấn mạnh sự săn sóc thích hợp cho một đứa con, người vợ có thể nói với chồng: “Con bị cảm cúm do anh không đắp kỹ cho nó”. Để trút giận, người chồng có thể trả đũa: “Cô lúc nào cũng nói chuyện ngớ ngẩn”. Trong trường hợp đầu, điều thật sự xảy ra là đứa trẻ bị bịnh cúm; lý do người vợ đưa ra chỉ là một sự gán cho. Trường hợp thứ hai, câu trả lời của người chồng là một câu nói chung chung, một luận điệu chung chung về một sự việc riêng lẻ. Cả hai đều nói những lời cường điệu. Cả hai đều không nói đúng chính xác “điều xảy ra”.

Sự cường điệu thể hiện dưới nhiều hình thức trong đời sống hàng ngày. Một người mẹ thấy một chiếc dĩa tuột khỏi tay người con gái có thể la lên: “Mày không bao giữ được cái gì”. Một người vợ đọc kết quả xét nghiệm sức khỏe hàng năm của chồng có thể nói: “Ông không chịu tập thể dục. Đó là lý do lượng mỡ trong máu tăng cao”. Tất cả những lời nói này đều là những lời thổi phồng, cường điệu, hoặc gán thêm.

Cách phát ngôn này một cách nào đó có vẻ xoa dịu cho người nói - mặc dù không xoa dịu chút nào cho người nghe. Có thể một người sẽ cảm thấy sự căng thẳng trong tâm của mình nhẹ bớt bằng việc tấn công bằng lời nói vào người đã tạo ra sự căng thẳng. Nhưng hầu như điều đó chỉ làm tăng thêm phản ứng ương ngạnh của người nghe. Người nghe cho rằng những lời của người nói là những lời kết tội vô căn cứ hay là những lời lăng mạ. Phản ứng đó tạo ra sự khó khăn trong việc đưa đến một cuộc đối thoại lành mạnh giữa người nói và người nghe.

Đức Phật khuyên chỉ nên nêu ra sự kiện, không thêm vào sự kiện những giải thích theo ý riêng. Khi đó hoàn cảnh sẽ thuận lợi hơn để hóa giải những mâu thuẫn một cách thân tình. Điều xảy ra đã xảy ra. Để cứu vãn mối quan hệ, tốt nhất là đừng để cho sự bất hòa lại xảy ra lần nữa.

Đề cập đến sự kiện không có nghĩa là luôn luôn phải nói về sự kiện đã xảy ra. Đức Phật nói: “Cho dù sự việc là thật, ta không nói sự thật đó khi không được người nghe đồng ý”(7). Một số sự thật nói ra không có mục đích ích lợi nào, nói ra có thể là vô ích. Để đem lại kết quả tích cực trong thái độ và cách cư xử của một người, chúng ta nên chỉ đề cập đến sự kiện, không gán ghép vào đó bất cứ điều gì khác.

3. Nói lời ôn nhu


Dùng lời nói ôn nhu, theo Ngài Xá Lợi Phất, là một khía cạnh quan trọng khác trong việc truyền đạt có kết quả việc giải tỏa những mối bất hòa. Theo Ngài, người nói nên có một thái độ dứt khoát trong việc sử dụng ngôn ngữ: “Tôi nguyện nói lời ôn nhu, không nói lời lỗ mãng, thô bạo”. Tránh sử dụng lời nói lỗ mãng cũng là một trong năm giới của người Phật tử tại gia. Sự nhấn mạnh này nói lên vai trò quan trọng của lời nói ôn nhu trong mối liên hệ hàng ngày.

“Nói lời ôn nhu” ở đây cũng chuyên chở một ý nghĩa rộng rãi. Nó bao gồm mọi thứ liên quan đến ngôn ngữ: lời nói, câu nói, giọng nói, cách nói.

Theo Đức Phật, khi chúng ta nói lời thô bạo để giải quyết mâu thuẫn, sự vô minh và sân hận thống trị tâm thức chúng ta. Ý nghĩ cho rằng sự thô bạo sẽ làm cho người nghe chịu hiểu phát xuất từ một tâm thức vô minh. Sự thật, ngôn ngữ lỗ mãng chắc chắn sẽ làm cho người nghe phản ứng và chống lại. Một số người nghĩ rằng dùng những lời lỗ mãng để buộc người nghe không nói được, họ thuyết phục được người nghe chấp nhận những ý kiến của họ. Một đứa trẻ giữ im lặng và không phản ứng khi bị cha mẹ la rầy có thể dường như đã được thuyết phục, nhưng sự thật, sự im lặng của đứa trẻ có thể là một phản kháng mạnh mẽ, nói lên sự thất bại của cha mẹ. Ngôn ngữ lỗ mãng có thể đem đến một cảm giác thỏa mãn tạm thời, nhưng nó không bao giờ giải quyết được sự mâu thuẫn.

Tâm lý học hiện đại giải thích rằng sự nóng giận, tác nhân thúc đẩy phía sau của những lời nói lỗ mãng, là một phản ứng trước những tình huống đe dọa. Nói lời giận dữ là một kỹ thuật để triệt tiêu nguồn gốc của một mối đe dọa, không phải để giải quyết sự mâu thuẫn. Ngôn ngữ, giọng điệu hung dữ biểu lộ một sự tấn công. Cảm giác rằng người nói đang tấn công mình bằng lời là cảm giác tồi tệ nhất đối với người nghe về khả năng có thể đối thoại. Ít ai khoan thứ với một sự tấn công; họ tự vệ hoặc tấn công lại. Sự thô bạo được hướng dẫn bởi lòng tức giận ít khi đưa đến kết quả tốt trong việc giải quyết những bất hòa.

Có người cho rằng lời nói hòa dịu phản ảnh sự yếu nhược, và có thể bị người nghe lợi dụng. Sự hiểu sai lạc này bắt nguồn từ việc hiểu sai khi cho rằng ôn hòa là thiếu khả năng hay nhút nhát. Tuy nhiên, lời lẽ ôn hòa không nằm trong ý nghĩa đó. Đức Phật luôn luôn dùng lời lẽ ôn hòa, nhưng Ngài cũng thấy rằng lời nói cứng rắn, dứt khoát là cần thiết. Lời nói thô bạo là một thái cực và yếu nhược là thái cực kia. Theo Đức Phật, chúng ta có thể không ở trong một thái cực nào và vẫn có thể dùng những lời lẽ dứt khoát để giải quyết những mâu thuẫn một cách có hiệu quả.

Trong Dhammapada (Pháp cú), Đức Phật khuyên nên kiểm soát lời nói, tránh những lời nói tức giận(8). Thái độ đó sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi trong việc hóa giải những mâu thuẫn bất hòa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.



0 comments:

Post a Comment