Sunday, January 15, 2012

ĂN CHAY VÌ LÒNG TỪ BI

clip_image001

Trong các kỳ trước chúng tôi đã đề cập đến nhiều nguyên nhân và mục đích khác nhau thúc đẩy người ta từ bỏ việc ăn thịt chúng sinh mà chuyển qua ăn thực phẩm rau đậu.  Những nguyên nhân gần và những nguyên nhân xa.  Gần như bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân người ăn chay, giúp người ăn chay ít bệnh tật hơn như khoa học ngày nay đã chứng minh. Xa hơn là để bảo vệ môi trường sống, giúp cho hệ sinh thái, nguồn nước và không khí thở trong lành hơn và giảm thiểu quả địa cầu ấm nóng gây bão lụt xảy ra hàng năm ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong kỳ này, chúng tôi đề cập đến một lý do khác thúc đẩy người ta ăn chay. Lý do ăn chay này không những chỉ có mặt trong cộng đồng Phật giáo mà còn có mặt ở khắp mọi nơi, mọi cộng đồng không phân biệt tôn giáo và sắc tộc.  Đó là ăn chay vì tôn trọng sự sống, không gây tổn thương đến mạng sống của các loài vật hữu tình và nhất là vì muốn làm giảm bớt đi những nỗi khổ đau và chết chóc không cần thiết mà con người, một sinh vật thông minh hơn, gây ra cho chúng.

Điển hình như tổ chức bảo vệ súc vật PETA ở Mỹ có mục đích bảo vệ loài vật tránh sự ngược đãi bạo hành của con người. Các thành viên của tổ chức, tình nguyện ủng hộ tiền tài, nhân lực và tự nguyện ăn chay vì lý tưởng của tổ chức. Họ cho biết không thể nào nhẫn tâm hay vô cảm trước nỗi khổ đau của con vật, không thể nào ăn thịt chúng khi thấy chúng giẫy dụa trên các dây chuyền xẻ thịt và biến chế thực phẩm. 

Cũng như một bác sĩ người Pháp – Bs. Jérôme Bernard-Pellet, người chuyên đi thuyết trình kêu gọi mọi người nên ăn chay. Khi được hỏi « Ông là một bác sĩ, vậy vì lý do gì mà ông ăn chay ? ». ông đã trả lời một cách thật trịnh trọng như sau : «- Bà có biết không, gia đình cha mẹ tôi làm nghề chăn nuôi súc vật để giết thịt. Tôi đã thấy quá nhiều máu chảy và sự đau đớn. Tôi không còn ăn thịt được nữa ».

Một trường hợp khác, thi hào Pháp thuộc thế kỷ XIX tên là Alphonse de Lamartine đã ăn chay từ khi còn rất nhỏ, ông ăn chay vì một hôm « ..theo mẹ đi ngang một lò sát sinh, ông thấy máu chảy lênh láng ra đến tận đường đi, mùi tử khí và mùi máu hôi tanh không chịu nổi. Khi về đến nhà thì ông xin mẹ được ăn chay ». [1]

Như vậy, có một tầng lớp ăn chay vì lòng nhân từ hay nói rộng hơn là vì lòng từ bi của họ đối với loài vật hữu tình. Họ không ăn thịt bởi vì họ tin tưởng loài vật có quyền được sống và được đối xử như con người. Loài vật không thể là thức ăn cho con người. Loài vật là một loại chúng sinh tình thức đều có bản năng ham sống và sợ chết như con người.  Nếu như chúng bị tổn thương hay bị giết hại đều sinh khởi sự sợ hãi, thống khổ, sinh khởi sự phẫn nộ, oán hận và chống trả.  Ví như con người giết hại lẫn nhau, đôi bên sẽ tạo thành kết thù, kết oán, mưu hại lẫn nhau.

Đối với những người Phật giáo, ngoài việc giữ giới cấm sát sinh như giới luật nhà Phật qui định, ăn chay còn là một phương thức tu tập hằng ngày, gieo trồng hạt giống từ bi và phát triển tâm từ bi đến với muôn loài chúng sinh từ gần đến xa, từ lớn đến nhỏ [2]. Một số người Phật giáo quá khiêm nhường khi cho rằng họ “ăn chay cũng giống như bò ăn cỏ, ăn chay chẳng phải là tu”. Họ nói vậy thôi, thực sự với người Phật giáo, thức ăn chay, mặc dù chỉ là rau, đậu, quả, củ (xét về phương diện vật chất), nhưng chính là thực phẩm (xét về phương diện tinh thần) nhắc nhở hằng ngày nuôi dưỡng tâm Từ bi và tâm Từ bi lại chính là mảnh đất mầu mỡ giúp cho Trí tuệ nẩy mầm và phát triển.

Ăn chay, một phần nhỏ là để cứu vớt những con vật vô tội, còn phần lớn là để phát triển tâm từ bi đối với những con vật đang bị hành hạ và chịu đau đớn diễn ra hàng ngày ở mọi nơi. Hãy xem những thước phim video được quay lén trong các trại chăn nuôi và trong các lò sát sinh mới thấy rằng những nơi đó là một trời địa ngục.  Người ta thúc đẩy, đánh đập từng con bò, hết con này rồi tới con khác tiến vào lò sát sinh, hoặc hàng trăm hay hàng ngàn con gà đang bị đẩy vào máy để cắt cổ và nhổ lông…[xem video và ảnh bên dưới]

Trong các cơ sở chăn nuôi súc vật công nghiệp, gà mái đẻ phải chịu những nghiệt ngã nhất của đời sống. Từ ba đến năm con gà được nhốt giữ trong một hộp lưới hình chữ nhật có kích thước khoảng hai gang tay bề rộng và ba gang tay bề dài (12 inches x 18 inches) mà chung quanh bằng giây kẽm; những hộp như vậy được sắp chồng lên nhau. Đèn điện được thắp sáng trung bình 20 giờ một ngày để chúng ăn nhiều, đẻ nhiều. Hầu hết gà đều bị cắt mỏ để không cho chúng cắn lộn nhau vì bị căng thẳng thần kinh do sống trong một môi trường chật hẹp. Khoảng 95 phần trăm trứng được sản xuất bởi các nhà máy gà đẻ này.  Gà làm thịt (broiler chickens) được sản xuất bởi các cơ xưởng tương đối khá hơn gà mái đẻ nêu trên. Sau khi nở, gà được chuyển đến xưởng chăn nuôi mà mỗi xưởng có thể chứa đến nhiều ngàn con. Khi gà con lớn dần, sự khủng hoảng tinh thần cũng gia tăng theo vì không đủ chỗ để xoay trở. Nhiều chú ở giữa một đám gà ngàn con thường bị chết vì ngộp thở.  Gà được nuôi khoảng bốn tháng tức cân nặng chừng 3,5 pound là được chuyển đến lò sát sinh để làm thịt bán ra thị trường. Mỗi năm Hoa Kỳ nuôi và giết khoảng 7 tỷ con gà để làm thức ăn cho con người.

Heo cũng được nuôi giữ trong những điều kiện chật hẹp tương tự. Họ nuôi chúng với kỹ thuật mới về di truyền tính (genetic engineering), làm cho heo thật mau lớn với phí tổn thật ít. Thực phẩm của chúng thường trộn đủ loại thuốc. Heo cái chịu đựng thê thảm nhất; chỉ năm ngày sau khi sanh ra heo con, mẹ con chúng bị tách rời khỏi nhau ngay, để heo mẹ được cho thụ tinh nhân tạo, tiếp tục chu kỳ đẻ mới. Heo con được nuôi khoảng năm đến sáu tuần là bị giết để chế tạo món thịt ba chỉ (bacon), một số khác nuôi đến 18 tuần là bị giết để chế thành món ham ăn sáng và pork chop.

Cũng như heo, bò con vừa sinh ra là bị tách rời ngay ra khỏi bò mẹ, nhiều khi không có cơ hội ngậm vú mẹ lấy một lần trong cuộc đời, bò mẹ cũng không có cơ hội âu yếm liếm lên mình đứa con bé bỏng, đáng thương mà nó đã mang nặng đẻ đau, đưa vào cuộc đời. Bò con cái nuôi riêng để thành những máy đẻ mới, còn bò con đực, ta thường gọi là bê, được nuôi trong những chuồng rất hẹp bề ngang để bê không thể nhúc nhích được vì người tiêu thụ muốn thịt mềm. Chúng bị nhốt trong bóng tối suốt 100 ngày và được cho ăn bằng các thực phẩm lỏng nhân tạo không có chất sắt cốt để cho con bê thiếu máu, khi hạ thịt chúng có mầu hơi tai tái mà nhiều người thích ăn. Cũng chỉ vì chiều cái ý thích nầy của thực khách mà cuộc sống của những con bê trở nên khốn khổ, tù tội và tiêu chảy suốt đời, do ăn loại thực phẩm lỏng đặc biệt để thịt được mềm.

Còn bò sữa cũng vô cùng đau đớn vì thường xuyên bị chích thuốc kích thích tố BGH (bovine growth hormone) nhằm sản xuất thật nhiều sữa để cho con người uống. Kích thích tố BGH tạo nên sức ép lớn từ cảm giác đến cơ thể, các bộ phận bị ép lớn và rộng thêm ra, từ chân cẳng đến bầu sữa, bầu vú sữa lớn đến nỗi họ phải dùng những túi nâng vú để nâng đỡ sức nặng và để cho vú khỏi chạm đất. Năm 1930 trung bình một con bò vắt sữa sản xuất được 12 pounds sữa, đến năm 1988 sự sản xuất gia tăng đến 39 pounds và ngày nay 49 pounds một ngày.

Nỗi đau khổ khi sống của những con gà, con heo, con bò nói trên không diễn tả hết được thì khi chết cũng khó mà diễn tả được nỗi thất đảm của chúng. Những con bò khi bị chuyển lên xe tải đưa về lò sát sinh là chúng đã bắt đầu sợ hãi. Có những con không chịu lên hay xuống xe tải nên bị kéo bằng giây cable, trông rất là thảm thương, chúng cứ ghì lại, nước mắt ứa ra như là có linh cảm sắp lên đoạn đầu đài. Đã thế, trong chuyến đi cuối cùng trước khi sang thế giới bên kia, những con vật khốn khổ này còn bị bỏ đói vì với khoảng 24 giờ đồng hồ, thực phẩm chúng ăn chưa kịp chuyển thành thịt, không đem lợi nhuận về cho chủ nó.

Như ngày nay khoa học đã chứng minh, hầu hết súc vật đều có bộ não và hệ thống thần kinh như con người. Chúng cũng có những cảm giác, biết nóng lạnh, sợ hãi và giận giữ như chúng ta. Khi sợ hãi chúng cũng giống như con người là nhịp tim đập mạnh, áp xuất máu lên cao, hơi thở hổn hển. Chúng đều muốn sống như chúng ta. Vậy có nên vì ngon miệng mà chúng ta đẩy biết bao sinh mạng vào hoàn cảnh khốn khổ như vậy suốt cả cuộc đời chăng? 

Tâm Diệu

[1] Hoang Phong, Đi nghe buổi thuyết trình về ăn chay của bác sĩ Jerom Bernard Pellet

[2] Kinh Từ Bi

BBT Thư Viện Phật Học cảm ơn Tâm Diệu đã gởi bài chia sẻ đến quý đọc giả

0 comments:

Post a Comment