Gần đây có thông tin cho rằng HT. Tịnh Không khẳng định ngày 21-12-2012 là ngày tận thế rồi khuyên mọi người buông bỏ mọi thứ, chuyên tâm niệm Phật để được vãng sanh. Trong buổi trả lời 10 câu hỏi cho hành giả Tịnh độ tông tại Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hong Kong, ngày 08-2-2012, HT. Tịnh Không khẳng định rằng đó là một sự hiểu lầm về lời giảng của ngài. Dưới đây là nội dung 2 câu trả lời của ngài liên hệ đến năm 2012.
- Hỏi: Có một đồng tu tự ý trích đoạn từ Khoa chú – tập 94 của ngài đề cập về hiểm họa 21-12-2012, rút gọn lại thành 1 VCD, lưu truyền rộng khắp, ngụ ý cho rằng ngài chủ trương cuối năm 2012 là tận thế! Xin ngài cho biết ý kiến?
HT Tịnh Không: Tự động cắt xén không phải là một việc tốt, không nên làm như vậy. Muốn lưu truyền lời dạy của tôi thì phải lưu truyền trước sau đầy đủ. Nếu xem qua hết các bài giảng của tôi về năm 2012 thì sẽ không có vấn đề hiểu lầm gì xảy ra. Cho nên việc này là thuộc về trích dẫn cắt xén, chỉ nghe cái đoạn đó mà không biết những đoạn trước và sau sẽ sanh ra một số hiểu lầm. Nếu bạn nghe toàn bộ lời giảng của tôi thì vấn đề được giải quyết rồi.
Việc hiểu lầm là do cho rằng ngày 21 tháng 12 năm 2012 hiểm họa “nhất định” sẽ xảy ra. Tôi không hề nói như vậy. Tôi trước giờ không hề dám nói từ “nhất định”, tôi chỉ nói tôi đã xem qua rất nhiều tin tức ngoài đời nói về việc này, nói là “có khả năng” xảy tai nạn mà thôi. Dù tin tức bên ngoài nói như vậy, tôi cũng không cho là quan trọng, tại vì sao? Phật đã nói với chúng ta: Pháp vốn dĩ là không cố định, không có định pháp, tại vì sao không có định pháp? Bất cứ sự việc gì trên thế giới đều đang thay đổi mỗi ngày, không có gì là bất biến.
Vận mạng của con người cũng vậy. Các vị xem “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì biết rõ không có gì là “nhất định.” Tiên sinh Viên Liễu Phàm lúc 15 tuổi đã được Khổng tiên sinh đoán mạng rất chính xác, đoán đúng được nhiều năm. Theo lời đoán này, khi được 53 tuổi thì Viên Liễu Phàm qua đời. Trong suốt 20 năm liên tiếp, mỗi năm tiên sinh Liễu Phàm đều có trải nghiệm nhiều sự việc hoàn toàn đúng với lời tiên đoán của Khổng tiên sinh cho nên tâm lý của ông buông xuôi, không khởi một ý niệm nào, ông nói tôi có ý niệm cũng không ích gì, vận mạng đã định rồi.
Vận mạng từ do đâu mà có? Do đời trước tu mà được, trên thực tế mỗi ngày vận mạng của chúng ta cũng đang có sự tăng giảm, thêm bớt. Khởi lên một niệm thiện thì vận mạng của bạn được thêm một điểm tốt, khởi lên một niệm ác thì bị giảm đi một điểm. Đại ý là như vậy, mỗi ngày đều có thêm bớt cộng trừ. Không thể nói “nhất định” được. Phật cũng không thể nói nhất định. Đạo lý này chúng ta phải hiểu.
Hiện tại, các nhà khoa học ngành vật lý lượng tử đã phát hiện ra một số bí mật của vũ trụ, đã công bố với chúng ta. Báo cáo của họ hoàn toàn tương đồng với những gì kinh Phật đã nói, chính là không có định pháp. Phật đã nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Hiện tại khoa học gia lượng tử đã chứng minh: Cái tâm tưởng đó trước một giây cùng sau một giây là không như nhau, thì bạn làm sao có thể nói là “nhất định”? Cách nói khẳng định về sự “nhất định” đã sai quá nghiêm trọng rồi. Mỗi ngày, mọi sự vật đều đang thay đổi.
Hiểm họa, nếu có, do đâu mà sanh ra? Là từ nơi ý niệm bất thiện mà tạo thành. Chúng ta hướng thiện thì tai nạn liền được hóa giải rồi. Năm trước có một số khoa học gia tổ chức hội nghị ở Sydney, Học viện của chúng ta có cử 8 đồng tu đến tham dự. Ngày đầu tiên nghe báo cáo những thành tựu đạt được của các chuyên gia vật lý lượng tử. Ngày hôm sau thảo luận vấn đề của năm 2012. Sau cùng là một vị tiến sĩ Hoa Kỳ báo cáo tổng kết.
Khi tổng kết, các khoa học gia khẳng định năm 2012 không phải là ngày tàn của thế giới, ngày 21 tháng 12 không phải là ngày tận thế. Hy vọng cư dân trên địa cầu từ nay đến thời điểm đó có thể thức tỉnh, mọi người đều có thể làm được “bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm”, các tai nạn sẽ không còn, hoặc được hóa giải.
Cho nên không thể nói “nhất định” có thể xảy ra, nói “nhất định” xảy ra ở mức độ nào đó cũng không đúng. Mỗi ngày, mọi sự vật đều có tăng giảm, thêm bớt. Nếu như, ta có niệm ác quá nhiều thì tai nạn có thể sẽ xảy ra sớm hơn, không phải là ở vào ngày hôm đó, có thể sớm hơn nửa năm, có thể sớm hơn mấy tháng v.v…Ngược lại, nếu ta có niệm thiện nhiều, các ác niệm được thay thế, thì tai nạn sẽ bị đẩy lùi vài năm, mười mấy năm, cho nên không có cái gì là nhất định theo nghĩa bất biến. Khi ta hoàn toàn không có ác niệm, chỉ có niệm thiện khởi lên thì tai nạn sẽ không có, hoàn toàn hóa giải hết.
Những gì Phật nói ra 3000 năm trước, 30 năm gần đây được các nhà khoa học gia phát hiện. Khoa học và Phật giáo giống nhau ở điểm này. Ngày xưa, chúng ta không nghe biết về các báo cáo khoa học. Những gì Phật nói ta đều tin tưởng, Phật không vọng ngữ, nhưng cũng còn ít nhiều nghi hoặc. Thiếu khoa học, ta tin Phật khoảng 99%, vẫn còn có một phần trăm nghi hoặc. Nhờ các báo cáo khoa học, nghi hoặc về Phật mới dứt hết, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Phật. Ý niệm làm chủ tất cả. Đạo lý này ta không thể không biết.
- Hỏi: Có một số người nghe tin năm 2012 tận thế liền buông bỏ thế giới, chuyên niệm Phật vãng sanh, từ bỏ công việc, gia đình, hoặc tập trung lại một chỗ, hoặc ở trên núi, hoặc ở riêng một mình trong phòng v.v… Mọi người tập trung, cùng nhau không ăn, không uống, không ngủ, muốn học theo pháp sư Oánh Kha niệm Phật vãng sanh. Họ còn nói đây là phương pháp tốt mà lão pháp sư Tịnh Không dạy chúng ta tránh khỏi hiểm họa năm 2012, tạo ra ảnh hưởng rất xấu cho quốc gia và xã hội. Trong tâm đệ tử có nghi hoặc, kính xin lão pháp sư từ bi giải thích.
HT. Tịnh Không: Tôi không hề giảng như vậy. Đây là do cắt xén lời văn giảng của tôi mà sanh ra, nếu xem mấy tập tôi giảng trước và sau (đại khái có khoảng 6 đến 7 tập) thì vấn đề này liền được giải quyết.
Bài kệ khai kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Hiểu chính xác nghĩa là rất quan trọng. Ý nghĩa mà tôi giảng về năm 2012, có người không hiểu rõ, đã hiểu sai. Sự hiểu sai là cái ý của chính các vị, không phải là ý của tôi.
Trước nhất, tôi khẳng định đức Phật không chủ trương “tự tu tự lợi.” Nếu như học Phật chân thật là vì chính mình, vì tự tu tự lợi thì Phật Thích Ca Mâu Ni cần gì phải giảng kinh thuyết pháp suốt 49 khổ cực; nếu thế thì tại sao ngài không vào Đại Niết Bàn sớm? Hoặc đi đến thế giới Cực Lạc sớm hơn cho khỏe chứ, cần gì hoằng pháp cho khổ cực vậy? Nên nhớ, nhà Phật dạy từ bi mà từ bi thì phải phụng sự chúng sinh. […]
Giáo dục Phật dạy bảo chúng ta làm thế nào để quay về với tự tánh. Giáo dục truyền thống của chúng ta dạy quay về bổn tánh thì sẽ trở thành thánh nhân. Nếu quay chưa về được đến nơi thì cũng được làm hiền nhân. Đang trên đường quay trở về thì gọi là quân tử. Trong Phật pháp, ai quay về được viên mãn thì gọi là Phật Đà, quay về chưa được đến nơi thì gọi là Bồ Tát , đang trên đường quay về đó là A La Hán, cùng đồng một đạo lý. Đây là thánh học, học vấn của thánh nhân, chân thật làm đến được viên mãn, cứu cánh, triệt để.
Cho nên “Phật pháp ở thế gian thì không thể giác ngộ ngoài thế gian”. Câu nói này quan trọng. Lìa khỏi thế gian thì bạn không thể giác ngộ. Tại sao bạn phải buông bỏ công việc, gia đình, người thân để tự tu cho riêng mình? Đó là bạn không gánh vác trách nhiệm. Buông bỏ trách nhiệm thì chứng tỏ bạn học Phật không thấu đáo, chỉ nghe lời truyền miệng. Bạn nên tránh thái độ học Phật qua lời đồn trong dân gian. […]
Học Phật chính là học trở thành tấm gương tốt ở gia đình, xã hội và thế giới. Dù theo nghề nghiệp nào, bạn nên là tấm gương tốt nhất, là mô phạm của mọi người. Sứ mạng của Phật Thích Ca là giáo dục. Đức Phật là một thầy giáo tốt nhất. Trong 49 năm, ngày nào cũng vậy, đức Phật chưa từng bỏ thuyết giảng và dạy học một buổi nào. Thái độ giáo học cũng giống như Khổng Tử, không phân quốc tịch, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo tín ngưỡng, người đến thì không từ chối, người đi thì không lưu giữ, hơn nữa đều xem là nghĩa vụ, không có nhận học phí, thời gian học tập của bạn dài ngắn tùy theo ý bạn. Đủ hạng người theo học với Ngài, không ai là không được đại hoan hỉ, pháp hỉ sung mãn.
Còn nói “không ăn, không uống, không ngủ” để tu niệm Phật miên mật là trái lời Phật dạy. Nên nhớ Phật Thích Ca mỗi ngày đều vào thành khất thực. Ngài phải ăn cơm, uống nước, nghỉ ngơi, như bao nhiêu người khác. Thời xưa, Ấn Độ ngày đêm chia làm sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời, thời gian nghỉ ngơi là nửa đêm, tính theo thời gian hiện tại là từ 10 giờ tối đến 2 giờ khuya, bốn giờ đồng hồ, thời gian này là nghỉ ngơi. Sinh hoạt có qui tắc. Người tại gia học Phật cũng không ngoại lệ. Tu đó, tu thì phải tu, thậm chí niệm Phật tinh tấn và chí thành, nhưng đừng ép xác “không ăn, không uống và không ngủ.”[…]
Ngày nay, con người còn nhiều vọng tưởng, tạp niệm trong tâm thì làm sao có thể niệm Phật nhất tâm bất loạn được? Nếu có tâm chân thành thì bạn sẽ không viết gởi lên đây những lời hỏi này. Khi tâm bạn thanh tịnh, một vọng niệm cũng không có. Bạn vẫn còn viết hỏi tôi nhiều thứ, có thể thấy rằng công phu của bạn chưa thông.
0 comments:
Post a Comment