Thursday, November 8, 2012

TÂM

Dù đã có kiến thức và sự hiểu biết về nguyên lý và luật lệ Ta-bà, nhưng thực tế là ta vẫn tiếp tục vi phạm luật. Thí dụ, tuy biết là hút thuốc là và uống rượu co hại cho sức khỏe và muốn bỏ, nhưng đa số vẫn tiếp tục chiều theo thói quen mà không chế ngự được.
            Lý do là vì ta không thể tự kiềm chế và kiểm soát được con người của chính ta, ta tự động phản ứng tùy vào hoàn cảnh xung quanh theo sự điều khiển và đòi hỏi của thói quen. Những thói hư tật xấu này là tập quán đã được hình thành và phát triển trong quá khứ, chúng là động lực thúc đẩy và điều khiển mọi phản ứng, thái độ và lối ta suy nghĩ.
            Sự thực những tập quán này trải qua vô lượng kiếp đã mọc gốc rễ, hằn nét sâu đậm trong tâm thức, đến nỗi chúng trở nên tự nhiên đối với ta,chúng trở thành cá tính của ta, chúng là ta.
            Do đó, muốn tránh vi phạm luật, ta phải tu (sửa), tức là phải kiểm soát và điều chỉnh cái tâm lại không cho nó đi theo con đường ‘tự nhiên’ hiện giờ. Muốn thực hiện việc này, ta cần có sự hiểu biết về tâm, đường lối nó làm việc, và thói quen thúc đẩy ta phản ứng và suy nghĩ như thế nào. Cũng như người thợ máy xe hơi phải hiểu về xe cộ và cách thức mày móc vận chuyển mới có thể sửa nó được.
            Trước hết ta cần biết sơ qua về tâm, tổng quát về tính chất và cách hành xử của nó. Các nguyên lý cơ bản đã bàn ở chương Một (đối-đãi, tuần-hoàn, bảo-tồn-năng-lượng, đồng-thanh-đồng-khí) sẽ được nhắc sơ ở đây, chúng có thể cho ta những khái niệm cần thiết về tâm vì bốn nguyên lý này chi phối trên cả hai phương diện vật lý và tâm lý.
-       Đối-đãi: Khi liên tưởng về quá khứ, hoặc tính toán việc hiện tại, hoặc mơ mộng đến tương lai, hầu hết những ý tưởng của ta đều nhằm mục đích thỏa thích với những gì đẹp đẻ (Tham) hoặc bực bội vì những chuyện không đúng ý (Sân).
-       Bảo-tồn-năng-lượng: Tất cả những hành vi thân-khẩu-ý của ta là những ‘năng-lực’ được lưu giữ lại ở dạng nhận (chủng tử) theo hai loại:
1)     Thuộc về nghiệp – chỉ tiêu tán sau khi trổ quả hoặc được giải trừ - hoặc
2)     Thuộc về tập quán – sẽ thúc đẩy ta lập lại hành động đó khi gặp đúng hoàn cảnh.
-       Đồng-thanh-đồng-khí: Hoàn cảnh tương tự, đồng tính chất với nhân sẽ là yếu tố tác động và tạo ra cơ hội để hành vi, ý tưởng cũ (tập quán) phát khởi. Thí dụ, ta yêu thích vòng vàng kim cương, nếu bất chợt đi ngang qua tiệm vàng thì ta sẽ muốn vào để xem có gì mới lạ, giá cả đắt rẻ, v.v…
-       Tuần-hoàn: Vì luật bảo-tồn-năng-lượng nên tâm có khuynh hướng tạo thành tật, thói quen và chính những thói quen này lại thúc đẩy ta tiếp tục suy nghĩ và hành động theo chiều hướng cũ.
            Đi vào chi tiết hơn, ta có Ngũ Uẩn phân tích con người qua hai phần, vật lý (thân) và tâm lý (tâm). Và Thập Nhị Nhân Duyên cũng phân tích thân tâm con người, nhưng ở một khía cạnh khác là nhấn mạnh đến sự liên hệ . tương sinh giữa thân và tâm, và sự vận hành của chúng dựa trên định luật duyên-khởi. Ở đây Ngũ Uẩn và thập nhị Nhân Duyên không phân tích thân tâm theo chiều hướng khoa học hiện đại, mà đặt tầm quan trọng ở sự tương quan và tương sinh giữa thân và tâm để thấy được vị trí của cái Khổ với những nguyên do của nó nhằm đưa đến giải pháp cho cái Khổ cũng như làm sáng tỏ cái lý đằng sau các pháp lành.
           
     I.          NGŨ UẨN [Five Aggregate] – Guồng  Máy Tâm
           
            Một cánh rừng không phải là một thực thể đơn thuần mà nó chỉ là một tập hợp của nhiều loại cây cối khác nhau. Cũng vậy, nếu thoáng nhìn sẽ cho rằng con người là một thực thể đơn thuần, nhưng để ý nhận xét thì sẽ thấy con người do hai thành phần cấu thành là thân và tâm. Phân tích sâu xa hơn để thấy được sự cảm nghiệm cá nhân và ‘đường lối hoạt động của tâm’, con người được chia ra làm năm nhóm (ngũ uẩn). Thân gồm có nhóm Sắc, và thâm gồm có bốn nhóm, Thọ-Tưởng-Hành-Thức.
            Ngũ uẩn thông thường được biết theo thứ tự Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức, và sự hoạt động của chúng được giải thích đại khái như sau:
            Sắc: Một hình ảnh hoặc sự vật được mang vào tâm qua sự tiếp xúc của các giác quan (sáu căn) với đối tượng (sáu trần), thí dụ, mắt nhìn thấy vật.
            Thọ: Cảm giác sướng, khổ, hoặc trung tính (dửng dưng, không sướng không khổ) về đối tượng sinh khởi sau khi tiếp xúc.
            Tưởng: Dựa vào cảm giác vừa khởi, tâm đánh giá mức độ nặng nhẹ của tốt xấu / hay dở qua kinh nghiệm quá khứ.
            Hành: Phản ứng theo cảm giác sướng hoặc khổ vừa được đánh giá sẽ là động cơ dẫn đến hành động của thân, khẩu và ý. Tại đây, nghiệp được tạo tác qua hành động có chủ ý này.
            Thức: Sự nhận biết, nhận thức.
            Vì tính cách phức tạp của tâm nên ngũ uẩn được liệt kê theo mấy thứ tự khác nhau: mỗi thứ tự nói lên một khía cạnh vận hành – bởi vì tâm không thật sự vận hành đúng theo một thứ tự nào cả. Ở đây một thứ tự khác sẽ được bàn kỹ hơn là Sắc-Thức-Tưởng-Thọ-Hành, vì vận hành của tâm qua lối nhìn này dễ giải thích và dễ hiểu hơn. Đồng thời, một lợi điểm nữa là căn cứ trên cách thức hoạt động này, ta có thể dễ dàng thấy được những lý lẽ đằng sau các pháp hành thiền.
1)     SẮC [Form]: Gồm có bốn Đại, sáu Căn, sáu Trần. Sắc là phần vật chất, nó bao gồm cơ thể con người và tất cả vật chất, hình tướng xung quanh mà các giác quan có thể cảm nhận được.
      Sắc do bốn nhân tố tạo thành, gọi là Tứ Đại [four elements]:
o      Đất [Earth]: Tạo nên sự cứng, mền cho một khối thể
o      Nước [Water]: Làm cho khối thể gom, dính lại
o      Lửa [Fire]: Tạo nên tính chất nóng, lạnh cho một khối thể
o      Gió [Air]: Làm cho một khối thể chuyển động được
            Sắc cũng bao gồm sáu giác quan gọi là Lục Căn trong con người:
o      Nhãn [eye] : mắt
o      Nhĩ [ear]: tai
o      Tỵ [nose]: mũi
o      Thiệt [tongue]: lưỡi
o      Thân [body]: da thịt
o      Ý [mind]: ý
            Tâm không thể đứng đơn độc mình nó mà phải có vật gì đó để dựa vào. Vật để tâm dựa vào là đối tượng, còn được gọi là trần. Lục Trần là sáu đối tượng của sáu Căn:
o      Sắc [visible forms]: Hình tướng mắt thấy được
o      Thanh [sounds]: Âm thanh tai nghe được
o      Hương [smells]: Mùi hương mũi ngửi được
o      Vị [tastes]: Vị lưỡi nếm được
o      Xúc [tangible things]: Vật thân sờ chạm được
o      Pháp [dharmas]: Ý tưởng, tính chất mà tâm suy nghĩ được / Pháp bao gồm cả năm trần kể trên.
            Chỉ có ý tưởng (pháp trần) là có thể tiếp xúc trực tiếp với tâm. Các trần còn lại phải có các căn làm môi giới, muốn thấy cảnh phải dùng mắt, muốn nghe âm thanh phải dùng tai, v.v…
2)     THỨC [Consciousness]: Công việc của thức là hướng tâm đến đối tượng. Khi giác quan (căn) tiếp xúc với đối tượng (trần), nếu không có sự hiện diện của các thức tương ứng thì sẽ không có sự nhận biết đối tượng – thí dụ như đôi khi mắt có mở trong lúc ta đang ngủ, nhưng vì thức vắng mặt nên ta không nhận biết được vật gì. Thức chỉ là sự nhận biết đơn thuần về đối tượng mà thôi.
o      Ngay khi mắt vừa tiếp xúc với vật thì tâm mới biết là có vật gì đó chứ chưa biết đó là người hay vật hay cây cối…
o      Ngay khi tai vừa tiếp xúc với âm thanh thì tâm mới biết là có âm thanh gì đó chứ chưa biết đó là tiếng nói hay tiếng đàn…
o      Ngay khi mũi vừa tiếp xúc với mùi hương thì tâm mới biết là có mùi hương chứ chưa biết đó là mùi hương gì…
o      Ngay khi lưỡi vừa tiếp xúc với vị thì tâm chưa biết đó là vị ngọt, hay mặn, hay…
o      Ngay khi thân vùa sờ chạm vật thì tâm chưa biết đó là vật gì…
o      Ngay khi ý vừa tiếp xúc với tư tưởng thì tâm mới biết là có tư tưởng chứ chưa biết đó là ý nghĩ gì…
Cũng có sáu thức tương ứng với sáu căn và sáu trần:
 
           
Căn
Trần
Thức
Nhãn
Sắc
Nhãn thức
Nhĩ
Thanh
Nhĩ thức
Tỵ
Hương
Tỵ thức
Thiệt
Vị
Thiệt thức
Thân
Xúc
Thân thức
Ý
Pháp
Ý thức

            Ngoài sáu thức kể trên, một số nơi có nói đến hai thức nữa là Mạt-na thức và Tàng thức. Ở đây ta sẽ tạm dùng Tàng thức trong một số trường hợp để tiện việc giải thích. Khi nhân được tạo tác thì nó được chứa ở đâu? Đó là ý do phải có Tàng Thức. Tàng thức là cái nhà kho tích chứa tất cả các loại nhân mà đã từng tạo tác trong tất cả các tiền kiếp và đang được tạo tác trong hiện kiếp, bất kể thiện hoặc ác, trí tuệ hoặc ngu si, v.v…Trong bài viết này nhiều khi Tàng thức được dùng đồng nghĩa với giòng tâm thức, ý nghĩa của chúng tương đương trên phương diện lưu giữ, như ta nói chủng tử được lưu giữ trong tàng thức, hoặc nói cách khác, chủng tử được ghi khắc trong giòng tâm thức.
3)     TƯỞNG [Perception / identification]: Khi có đối tượng (trần –sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), tưởng có nhiệm vụ tìm lục hồ sơ trong ký ức để nhận biết những chi tiết như tên gọi, hình tướng, tính chất, v.v…của đối tượng. Nếu là một đối tượng mới chưa từng biết qua, tưởng ‘đánh dấu’ ghi nhận đối tượng vào hồ sơ (ghi nhớ vào ký ức) để còn nhận biết nếu lần tới gặp phải. Ngoài ra, những giá trị tốt xấu, hay dở cũng được ghi kèm với đối tượng vào hồ sơ. Kết quả là sự xác định rõ rệt về đối tượng trong ý tưởng.
4)     THỌ  [Feeling / sensation]: Phản tứng của tâm khi có sự xúc chạm với đối tượng qua tưởng. Thọ có chứ năng là làm tâm trực tiếp cảm nghiệm [experience] đối tượng. Tùy theo các giá trị tốt xấu, hay dở được tưởng lôi trong hồ sơ ra mà tự động phát sinh ra các loại phản ứng (cảm nghiệm) khác nhau. Chỉ có ba thứ phản ứng, được gọi là ba loại cảm thọ: Sướng (dễ chịu), khổ (khó chịu) và trung tính (dửng dưng, không sướng không khổ). Xin lưu ý, Thọ chỉ là ba loại cảm giác đơn thuần chứ không phải là các thứ tình cảm như vui, buồn, v.v…
5)     HÀNH [Mental – Formation / Mental Activities]: Chức năng của hành là quyết định và ra lệnh, dẫn đến hành động. Hành có 50 loại bao gồm các thứ tình cảm và ham muốn (thiện và ác), nhưng quan trọng nhất là tác-ý, loại tâm ý thúc đẩy ra hành động qua thân, khẩu, và ý. Và hành động có chủ ý sẽ gây nghiệp. Do đó, có thể hiểu hành nghĩa là tạo tác và được tạo tác.
            Khi xúc chạm với đối tượng, cảm thọ sướng và khổ phát sinh do giá trị tốt xấu của đối tượng đã được định sẵn trong hồ sơ. Giá trị đối tượng tốt đẹp thì khởi lên cảm thọ sướng (tâm Tham); giá trị đối tượng xấu xa thì khởi lên cảm thọ khổ (tâm Sân); đối tượng chưa có giá trị thì khởi lên cảm thọ trung tính (tâm Si [sẽ giải thích rõ hơn ở chương Tham-Sân-Si]). Từ các cảm thọ này, những khuynh hướng và thói quen (tâm Tham-Sân-Si thuộc về hành) in hằn trong tâm thức lại thúc đẩy ta tiếp tục hành động theo chúng qua thân-khẩu-ý và ta tạo nghiệp ở đây.
            Những hành động qua thân-khẩu-ý – là sự phản ứng của thói quen, tiếp đến là sự tái diễn những hành động đã tạo nên thói quen đó. Mỗi lần thói quen lại được lập lại tức là nó được nuôi dưỡng, được tăng cường thêm, như vậy nó càng mạnh mẽ điều khiển ta hành động theo nó. Thí dụ, càng hút thuốc là ta lại càng nghiện, càng nghiện ta lại càng bị thúc đẩy phải hút nhiều lần…
            Người Tây Phương có những câu như: “you are what you eat - bạn là thức ăn mà bạn ăn”, “you are what you think – bạn là những tư tưởng của bạn”. Và ta có thể nói thêm, “you are your actions -  bạn chính là nghiệp của bạn.” Dĩ nhiên, những hành vị, ý tưởng của ta nói lên ý muốn, khuynh hướng của ta, chúng thể hiện cá tính, của ta.

SỰ VẬN HÀNH CỦA NGŨ UẨN
            Trước hết, xin đan cử một thí dụ đơn giản: cảnh sát bắt một kẻ tình nghi về Nha Cảnh Sát, nhân viên ở nha tra cứu hồ sơ đương sự cùng với các dữ kiện cần thiết, và việc xác định đây là kẻ gian hoặc lương thiện dẫn đến hành động sau cùng là thả hoặc tống giam.
            Chia tiến trình trên ra làm năm giai đoạn:
1)     Cảnh sát bắt // kẻ tình nghi
2)     Mang về Nha CS //nhân viên ở Nha chưa biết gì về kẻ tình nghi
3)     Tra cứu hồ sơ // biết được những dữ kiện về đương sự như tên, tuổi, gia cư, nghề nghiệp, quá khứ, v.v…
4)     Xác định //là kẻ gian hoặc thiện
5)     Hành động  // thả hoặc tống giam
            Qua tiến trình được trình bày ở trên ta sẽ thấy cách thức tâm hoạt động gần như không khác quy tắc làm việc của các công việc thường ngày. Chẳng hạn như khi nhìn thấy một vật gì, ta đem so sánh sự diễn tiến của tâm như sau:
1)     Bắt
Sắc
- mắt nhìn thấy vật
2)     Nha CS
Thức
- Mới nhận thức là có vật gì đó nhưng chưa biết nó là gì.
3)     Hồ sơ
Tưởng
- Ký ức làm việc và nhận biết đó là người hay vật, hình thù, màu sắc, v.v…
4)     Xác định
Thọ
- Cảm giác sướng, dễ chịu nổi lên nếu là người . vật mình ham thích
- Cảm giác khổ, khó chịu nổi lên nếu là người / vật mình thù ghét
5)     Hành động
Hành
- Chạy lại vui vẻ hỏi thăm (nếu là bạn)
- Ngắm nghía sờ mó (nếu là vật ưa thích)
- Khó chịu quay lưng bỏ đi hoặc sấn tới hành hung (nếu là kẻ thù)
- v.v…

            THÍ DỤ: Khi tai (căn) tiếp xúc với âm thanh (trần) – sắc – ngay lập tức nhĩ thức sinh khởi mang lại sự nhận biết là có âm thanh. Kế đó là tưởng sẽ tìm trong ký ức (‘hồ sơ’) và cho biết những chi tiết về âm thanh đó, chẳng hạn như đó là tiếng nhạc, bản gì, ca sĩ nào hát, v.v…và kèm theo đó là giá trị hay dở đã được định sẵn về bản nhạc, ca sĩ. Sau khi đối tượng đã được nhận biết rõ ràng, tùy thuộc vào giá trị hay dở mà cảm giác – thọ - dễ chịu hoặc khó chịu hoặc trung tính sẽ khởi lên. Tiếp đến là hành đông – hành , do khuynh hướng đã được huân tập từ trước sai khiến – qua thân-khẩu-ý, chẳng hạn như thích thú lắng tai nghe hoặc trong bụng bực bội nghĩ xấu về kẻ vặn nhạc, và do đó tạo nghiệp.
            THÍ DỤ: Khi mắt (căn) tiếp xúc với hình tướng (trần) – sắc – ngay lập tức nhãn thức sinh khởi mang lại sự nhận biết là có hình tướng. Kế đó là tưởng sẽ tìm trong ký ức (‘hồ sơ’) và cho biết những chi tiết về vật đó, chẳng hạn như đó là con rắn, hổ mang hoặc rung chuông, lớn nhỏ, v.v…và kèm theo đó là giá trị hay dở đã được định sẵn về con rắn. Sau khi đối tượng đã được nhận biết rõ ràng, tùy thuộc vào giá trị hay dở mà cảm giác – thọ - dễ chịu hoặc khó chịu hoặc trung tính sẽ khởi lên. Tiếp đến là hành động – hành, do khuynh hướng đã được huân tập từ trước sai khiến – qua thân-khẩu-ý, chẳng hạn như đứng ngắm nhìn con rắn hoặc sợ hãi bỏ chạy.
            Qua tiến trình tâm vận hành theo thứ tự Sắc-Thọ-Tưởng-Hành ở trên, ta có nhận xét như sau:
1)     Khi sự việc đến gia đoạn hành tức là ta đã tạo nghiệp. Dù vậy, nếu ta có thể ý thức được và dừng lại ở đây thì nghiệp ta vẫn nhẹ hơn là thi hành đến cùng. Thí dụ như ra dừng lại nửa chừng khi đang hành hung (thân), hoặc thóa mạ (khẩu) hoặc nghĩ xấu (ý) kẻ khác.
2)     Khá hơn một bậc là ta có thể ngăn chặn trước không để cho hành xảy ra, tức là ta dừng lại được ngay sau khi giai đoạn thọ, vì như vậy ta sẽ không tạo nghiệp, và không tăng cường thêm cho khuynh hướng Tham-Sân-Si.
3)     Tuy nhiên, cảm thọ sướng hoặc khổ - thí dụ khi gặp người khác phái trong tâm ta khởi lên cảm giác dễ chịu – là những dấu hiệu cho biết là ta vẫn đang bị dưới sự khống chế của những giá trị tốt xấu, hay dở trong ‘hồ sơ’ [tưởng].
            Sáu giác quan chính là cửa ngõ để cảnh trần bên ngoài xâm nhập vào và chúng cũng là nơi để những thứ tình cảm bên trong biểu lộ ra ngoài. Bởi vậy, một khi Căn tiếp xúc với Trần – sắc-  ta không nên buông thả để bị lôi cuốn đến giai đoạn hành mà phải dừng lại càng sớm càng tốt. Đó là ý nghĩa của câu “thu thúc lục căn – kiểm soát sáu căn” mà ta thường hay nghe nói. Tuy nhiên việc này nói thì dễ nhưng thực hiện lại rất khó. Các tập quán (tật, thói quen – Tham-Sân-Si), được huân tập từ bào nhiêu kiếp trước, có một mãnh lực như giòng thác cuốn ra đi thật khó lòng mà cưỡng lại được. Vả lại tâm phóng chạy quá nhanh nên phần nhiều khi ta ý thức được sự việc xảy ra thì đã qua giai đoạn hành mất rồi.
            Vì hành đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo nghiệp, “hành chính là Nghiệp”, nên ta cần hiểu rõ thêm về những chức năng của nó. Hai chức năng chính yếu là hình thành và tác ý.
            Hình thành là những dấu ấn được ghi khắc trong luồng tâm thức (hoặc có thể hiểu là những chủng tử / nhân được gieo vào tàng thức) bởi những hành động (thân-khẩu-ý) được lập đi lập lại nhiều lần trong quá khứ. Nói cho dễ hiểu, đó là những khuynh hướng, tật, hoặc thói quen. Khi đối diện với hoàn cảnh xung quanh, tác ý (ý chí có chủ tâm), điều kiện bởi khuynh hướng sẵn có, là động cơ thúc đẩy ta phản ứng theo chiều hướng những dấu ấn của nó. Phản ứng có tác ý này chính là hành động tái diễn làm hằn sâu thêm cho các dấu ấn. Và tình trạng lòng vòng của hình thànhtác ý này sẽ cứ thế nối tiếp nhau chuyển ngũ uẩn vận hành theo chiều vòng tròn. Nói lại theo cách khác, cái tâm tự điều kiện chính nó – cái tâm phản ứng (hành động) theo điều kiện và hành động đã tạo tác sẽ là điều kiện cho phản ứng trong tương lai.
            Vì hành có tính năng động [dynamic] nên ta có thể thấy nó ở các hiện tượng tâm lý và vật lý khắp mọi nơi, bởi vậy ngũ uẩn là những hiện tượng sống động đang diễn tiến liên tục, ngay cả thân xác (sắc) cũng đang biến chuyển và bị tâm và môi trường xung quanh ảnh hưởng. Bởi vậy, ngũ uẩn là những chuỗi hành động và kết quả diễn tiến theo luật duyên-khởi.
            Nói theo từ ngữ hiện đại, con người (nói chung là tất cả chúng sinh) bị điều kiện [programmed] phản ứng và hành động theo chiều hướng Tham-Sân-Si. Bởi vậy cứ tiếp tục phạm luật và gây nghiệp. Mà các tâm Tham-Sân-Si (thuộc về hành uẩn) bị kích động bởi những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu của Thọ Uẩn, và những cảm giác này lại bị điều kiện bởi giá trị tốt xấu được định sẵn trong hồ sơ. Như vậy, theo sự hiểu biết của ta về sự vận hành của ngủ uẩn thì “tu” nghĩa là chỉnh [reprogram] lại cái tâm không để nó đi theo con đường cũ bằng mấy cách sau đây [sẽ được bàn rõ hơn trong chương Tu Tập]:
-       Ngay sau khi cảm Thọ, ngăn chặn không để Tham-Sân-Si sinh khởi (thay vào đó, có thể khơi động Từ-Bi-Hỷ-Xả) [Hành]
-       Ngăn chặn cảm Thọ sướng-khổ bằng cách xóa sửa giá trị trong hồ sơ [Tưởng]
-       Ngừng lại ở ngay Thức để nhận biết được tánh-Không của vạn phá.
            Đang mùa Xuân thì đương nhiên kế tới là mùa Hạ, điều này ai cũng biết chắc như vậy vì mùa màng vận chuyển theo chu trình đã được định sẵn. Đối với tâm cũng không khác, nó hoạt động theo một đường lối nhất định và nhờ hiểu biết ngũ uẩn tức là những chặng đường nó sẽ đi qua, ta có thể “đón đường” và sửa nó đi theo chiều hướng ta muốn.
            Nhận thấy thân là phần Sắc do duyên sinh, nó là sự kết hợp của Đất, Nước, Lửa, Gió. Tâm là phần Danh cũng do duyên sinh, nó là sự kết hợp của thọ-tưởng-hành-thức. Vậy con người (chúng sinh) hiện hữu là do duyên-khởi, thân và tâm bao gồm những thành phần mà chính chúng phải nương tựa lẫn nhau để sinh khởi. Và nhờ dựa vào tập hợp ngũ uẩn không thực có này mà cái tôi hiện hữu, như vậy cái tôi cũng không thực có.
            Lại nữa, lối vận hành một cách máy móc của ngũ uẩn cho thấy con người phản ứng, biểu lộ tình cảm và hành động hoàn toàn theo điều kiện đã định sằn [conditioned / programmed], có thể nói họ là những người máy [robots] không hơn không kém. Ngũ uẩn và cái tôi đều vô-ngã, chẳng thật có một ai đằng sau những phản ứng, hành động, tư tưởng, hoặc tình cảm đang xảy ra, mà chỉ có những hiện tượng thân tâm nối tiếp nhau trôi chảy được định sẵn bởi điều kiện – những thói, tật, hay những nếp hằn trong giòng tâm thức, hay những chủng tử trong tàng thức.
            Ý thức được rằng chúng sinh xử sự không khác gì người máy chính là điều kiện để ta giảm trừ tâm Tham-Sân-Si.

GHI CHÚ:
            Ta nên hiểu Tứ Đại là sự cảm nghiệm [experience] về bốn đại:
            Đất: Sự cảm nghiệm về tính chất cứng mềm
            Nước:  Sự cảm nghiệm về tính chất lỏng dính.
            Lửa: Sự cảm nghiệm về tính chất nóng lạnh (nhiệt độ)
            Gió: Sự cảm nghiệm về tính chất động, căng thẳng.
            Ta nhận biết mọi vật qua ngũ uẩn, tức là sự cảm nghiệm của thân và tâm. Hoặc nói đúng hơn, ta nhận biết mọi vật qua sự diễn dịch [interpretation] của ngũ uẩn. Bởi vậy thế gian chẳng phải là thế gian, mà thế gian là sự cảm nghiệm và diễn dịch của riêng mỗi cá nhân (vì hồ sơ và các loại tâm thiện và bất thiện của mỗi người một khác) về thế gian.
            Xin nhắc lại là Sắc uẫn có đề cập đến các trần và bốn đại, bởi vậy không phải ngũ uẩn chỉ mang ý nghĩa là thân tâm một chúng sinh mà nó bao gồm tất cả các hiện tượng vật chất lẫn tâm linh trong thế gian; vậy có thể hiểu ngũ uẩn là thế gian. Và khi nói đến thế gian, ta có thể hiểu là đang nói đến con người hoặc chúng sinh.
            Theo lẽ trên, thế gian không phải là đối tượng [object] ở “ngoài kia”, trong khi ta là chủ thể [subject] ở “trong này”; mà chủ thể với đối tượng không lìa nhau. [xem thêm thập nhị Nhân-Duyên]

  II.          THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN [Twelve Conditional Factors] Chu trình tương sinh của Thân & Tâm
A.   GIỚI THIỆU
            Phẩn ngũ uẩn đã được bàn ở trên giúp ta có một khái niệm sơ lược về tâm qua những thành phần cấu tạo nên nó và cách thức nó hoạt động. Nhưng vì thân và tâm luôn luôn đi đôi với nhau nên ta cần nghiên cứu thêm về thập nhị Nhân Duyên. Vì ngoài việc giải thích sự vận hành của tâm với một vài chi tiết mới nhưng trên một khía cạnh hơi khác với ngũ uẩn, thập nhị Nhân-Duyên đi vào chi tiết tiến trình sinh tử, và nó còn diễn tả mối liên hệ giữa thân và tâm và tiến trình của hiện tượng sinh diệt nơi thân và tâm.
            Mười hai Nhân Duyên cũng lại dựa vào lý duyên-khởi để trình bày chu trình tương sinh của thân và tâm diễn tiến theo các điều kiện được định sẵn, thế nên nếu sự sinh hóa của thân tâm luôn luôn thuận tiến theo chu trình thập nhị Nhân Duyên thì hậu quả bao giờ cũng sẽ là KHỔ. Chính vì tâm bị điều kiện (Tham-Sân-Si thúc đẩy) chạy theo chu trình này nên ta bị lôi cuốn, trôi lăn bất tận trong cái vòng tròn sinh tử.

B.   CÁC GIAI ĐOẠN DẪN ĐẾN HÌNH THÀNH CỦA MỘT SỰ VIỆC
          Trước khi đi vào đề tài thập nhị Nhân Duyên ta hãy xét vài thí dụ trong đời sống sau đây:
            Thí dụ: Một căn nhà không thể bỗng nhiên tự xuất hiện, sự có mặt của nó phải hội đủ các nhân duyên cần thiết. Nó phải qua những giai đoạn mà ta sẽ dò ngược lại như sau,
            6/ Căn nhà đã hoàn tất
            5 / Muốn xây cất phải có bản sơ đồ [blue print] của căn nhà
            4 / Bản sơ đồ được vẽ ra từ hình ảnh đã được phác họa trong tâm
            3 / Hình ảnh này do ý muốn (hoặc vì nhu cầu) có căn nhà đưa đến
            2 / Ý muốn có nhà là vì có cảm giác ưa thích
            1 / Tâm phá khởi cảm giác ưa thích vì nhìn thấy những căn nhà vừa ý trước đó

            Xếp lại xuôi theo thứ tự.
1)    Nhìn thấy căn nhà
2)    Cảm giác ưa thích
3)    Muốn có căn nhà
4)    Hình ảnh trong tâm
5)    Bản sơ đồ
6)    Căn nhà hoàn tất
 
            Thí dụ khác. Ta nổi giận vì có kẻ nói lời thô lỗ,
1)     Nghe ai nói về ta
2)     Cảm thấy lời lẽ chối tai
3)     Bực bội phát khởi
4)     Cơn giận kéo đến
5)     Sự giận dữ đã bùng lên trong tâm
6)     Sự giẫn dữ lộ ra mặt
 
Thí dụ khác.
1)     Gặp một người khác phái
2)     Cảm thấy  ưa thích
3)     Muốn gặp lại người đó
4)     Quyết định sẽ gặp lại
5)     Hẹn ngày gặp lại
6)     Gặp lại nhau trong ngày hẹn
 
            Ta nhận thấy ba thí dụ trên, sự giận dữ lộ ra mặt, xây dựng căn nhà, và gặp lại người bạn, đều diễn tiến qua các giai đoạn tương tự như nhau:
            XÚC: Sự giao tiếp của ba yếu tối Căn, Trần và Thức.
                        Nhà _ nhìn thây căn nhà;
                        Giận_ nghe nói về ta;
                        Gặp gỡ_ gặp người khác phái.
            THỌ:Cảm giác Sướng, Khổ và Trung Tính là sự phản ứng qua Xúc
                        Nhà_ Cảm giác ưa thích (sướng);
                        Giận_ chối tai (khổ);
                        Gặp gỡ_ cảm thấy ưa thích (sướng).
            ÁI: Qua cảm Thọ, tùy theo sướng hoặc khổ mà tâm Tham hoặc Sân sinh khởi.
                        Nhà _ muốn căn nhà (Tham);
                        Giận _ bực bội phát khởi (Sân);
                        Gặp gỡ_ muốn gặp lại (Tham);
            THỦ: Bám chấp vào tâm Tham hoặc Sân, ta cầu mong hơn nữa và sự thèm khát gia tăng.
                        Nhà_ hình ảnh căn nhà trong tâm;
                        Giận_ con giận kéo đến;
                        Gặp gỡ_ quyết định gặp lại
            HỮU: Sự bám chấp đó đã thành hình trong tâm (Sơ đồ -blue print).
                        Nhà_ bản sơ đồ;
                        Giận_ cơn giận bùng lên;
                        Gặp gỡ_ hẹn gặp lại.
            SINH: (Kết quả) Tấm sơ đồ được ứng hiện qua sự hình thành vật chất, hoặc thân, hoặc thân tâm.
                        Nhà_ căn nhà xây xong;
                        Giận_ vẻ mặt giận dữ;
                        Gặp gỡ_ gặp lại.

            Và dĩ nhiên bất cứ gì được sinh ra, theo luật Vô-thường sẽ có lúc nó sẽ bị hủy hoại, tan rã và đưa đến khổ đau.

            LÃO-TỬ, SẦU-BI-KHỔ-ƯU- NÃO: Già, chết và các nỗi khổ đau.
                        Nhà_ nó sẽ trở nên cũ kỹ, mục nát, rồi tan rã;
                        Giận_ tuy cơn giận rồi sẽ qua đi nhưng nó vẫn gây ra sự buồn khổ và có thể ốm đau;
                        Gặp gỡ_ sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc phải chia tay_đau khổ.

            Đại khái như ba thí dụ trên, trong một ngày nào có thể ta trải qua cả hàng trăm sự việc mà tất cả đều tuần tự xảy ra theo tiến trình Xúc-Thọ-Ái-Thủ-Hữu-Sinh-Lão Tử làm khuấy động các thứ tình cảm buồn, giận, vui, ganh ghét, v.v…và đưa đến những hành động (tạo nghiệp) tương ứng.
            Nói rộng bảy giai đoạn trên thì trong một kiếp người, tất cả những biến cố như thế, từ lúc ta sinh ra đến lúc rời bỏ thân xác, đều được lưu trữ lại trong giòng tâm thức / tàng thức cùng với tất cả những biến cố (nhân) trong kiếp quá khứ mà chưa trổ quả. Đến giây phút ra đi, chúng sẽ được tổng kết, tính toán để vẽ ra bức sơ đồ (hữu) cho kiếp tới. Dựa theo bức sơ đồ, con người, toàn bộ ngũ uẩn mới, sẽ được tạo dựng (sinh hoặc tái sinh), và sau đó ta sẽ già chết (lão-tử, sầu-bi-khổ-ưu-não) để rồi lại tiếp tục chu trình sinh tử bất tận.
            Vậy Xúc-Thọ-Ái-Thủ-Hữu-Lão Tử có thể dùng để diễn tả tiến trình của những sự việc trong đời sống cũng như những biến chuyển sinh hóa trong thân tâm con người. Ngoài ra ta thấy nguyên tắc này hiện hành chẳng những cho những sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc, hoặc những sự việc kéo dài cả tháng hoặc nhiều năm, mà nó còn được áp dụng cho cả một kiếp sống.
            Trở lại giai đoạn đầu, nhìn thấy căn nhà và nghe người nói (xúc), nếu không có tai, mắt, mũi, …tức là sáu giác quan (lục căn / lục nhập) thì ta không thể thấy, nghe, ngửi, v.v…Mà sáu căn và sáu thức lại phải tùy thuộc vào ngũ uẩn, tức là thân và tâm (danh sắc) mới có được. Vậy,
            DANH SẮC là nguyên nhân chính sinh khởi Lục Nhập, và
            LỤC NHẬP là nguyên nhân chính sinh khởi Xúc.
            Kiểm điểm lại ta có chín giai đoạn:
1)    Danh Sắc (thân tâm)
2)    Lục Nhập (sáu căn)
3)    Xúc
4)    Thọ
5)    Ái
6)    Thủ
7)    Hữu
8)    Sinh
9)    Lão-Tử.
 
C.   MỘT TIẾN TRÌNH KHÁC
          Tạm gác tiến trình Danh Sắc-Lão-Tử này lại, hãy xét qua khía cạnh khác. Như đã bàn, ta tạo nghiệp (vi phạm luật Ta-bà) qua hành động (hành) của thân-ngữ-ý với Tâm Tham-Sân-Si đó là vì không hiểu luật (vô minh). Vậy,
            VÔ MINH là nhân duyên chính sinh khởi Hành
            Và ta cũng đã biết hành động gây nghiệp sẽ được lưu trữ lại trong giòng tâm thức hoặc tàng thức (thức). Vậy,
            HÀNH là nhân duyên chính sinh khởi Thức.
            Nhân trong giòng tâm thức /tàng thức khi gặp đủ duyên để trổ quả chúng sẽ biểu hiện – sinh ra – qua phẩn thân thể (sắc) như khuôn mặt giận dữ hoặc vui cười, hoặc thân thể tàn tật, v.v…; hoặc qua phần tâm thức (danh) như vui, buồn, hoặc lòng quảng đại, tâm keo kiệt, v.v…; hoặc cả Danh lẫn Sắc như trường hợp một người (ngũ uẩn) được sinh ra với hình dạng và cá tính nào đó. Vậy,
            THỨC là nhân duyên chính sinh khởi Danh Sắc.
            Liệt kê chúng theo thứ tự,      Vô Minh
                                                            Hành
                                                            Thức
                                                            Danh Sắc
            Ta có tiến trình mới này, khởi từ Vô Minh, trình bày sự hình thành của Danh và Sắc một cách tổng quát và vắn tắt hơn. Nhưng Danh Sắc và Sinh (trong tiến trình trước) đều nói lên cùng một hiện tượng là một thực thể gồm có thân và tâm được hình thành. Cả hai tiến trình cùng có điểm tương đồng nữa là một biến cố thân tâm có thể chỉ diễn ra trong khoảng thời gian tích tắc, mà cũng có thể kéo dài cho cả một kiếp sống.

D.   ĐỊNH NGHĨA THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
           
            Ráp hai tiến trình lại với nhau thành mười hai giai đoạn, mỗi giai đoạn tùy thuộc vào cái ngay trước nó để sinh khởi – chúng được gọi là thập nhị Nhân Duyên:
Tùy thuộc ở Vô Minh,            Hành phát sinh
Tùy thuộc ở Hành,                  Thức phát sinh
Tùy thuộc ở Thức,                  Danh Sắc phát sinh
Tùy thuộc ở Danh Sắc,           Lục Nhập phát sinh
Tùy thuộc ở Lục Nhập,           Xúc phát sinh
Tùy thuộc ở Xúc,                    Thọ phát sinh
Tùy thuộc ở Thọ,                    Ái phát sinh
Tùy thuộc ở Ái,                      Thủ phát sinh
Tùy thuộc ở Thủ,                    Hữu phát sinh
Tùy thuộc ở Hữu,                   Sinh phát sinh
Tùy thuộc ở Sinh,                   Lão-Tử, Sầu-Bi-Khổ-Ưu-Não phát sinh.
 
            Thập Nhị Nhân Duyên được định nghĩa và giải thích theo thứ tự như sau:
1)    Vô Minh [Ignorance]: Là sự mê mờ không sáng suốt, nó được ví như cái màn bao phủ tâm trí ta không biết từ lúc nào, gây ra sự lầm lẫn và cái nhìn sai lạc lạc về bản chất của vạn hữu. Theo nhà Phật, Vô Minh mang những ý nghĩa sau đây:
·       Không hiểu Tứ Diệu Đế, tức không nhận thức.
1.     Chân lý về Khổ
2.     Nguồn gốc của Khổ
3.     Sự đoạn dứt Khổ
4.     Con đường đưa đến đoạn dứt khổ.
·       Không hiểu ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) nên bám và cho rằng chúng là tôi / của tôi.
·       Để cho sáu Căn bị lôi cuốn theo sáu Trần.
·       Không hiểu thập nhị Nhân Duyên
·       Không hiểu Vô-Ngã, cho rằng sự vật có tự tánh, chúng thật có.
·       Không hiểu hoặc có sự hiểu biết sai lầm về các định luật Ta-bà:
-      Không hiểu Khổ, cho rằng có hạnh phúc hoặc có thể tìm được hạnh phúc ở thế gian,
-      Không hiểu Vô Thường, cho rằng mọi thứ là thường còn, cố định
-      Không hiểu Vô-Ngã, cho rằng sự vật có tự tánh (thường kiến) hoặc chẳng có gì cả (đoạn kiến)
-      Không hiểu Duyên-khởi
-      Không hiểu hoặc / và không tin Nhân-quả và Nghiệp
-      Không hiểu hoặc / và không tin Tái-Sinh
·       Nhìn thực tại một cách sai lầm, không nhìn thấy chúng như là [as is] mà chỉ nhận biết chúng qua vọng tưởng mà ta vẽ vời thêm bớt.
            Tóm lại, đám mây mù Vô Minh che lấp làm ta nhận thức sai lầm về luật Ta-bà, và thực tại qua ánh mắt lệch lạ là nguyên do phát sinh đủ các loại tâm Tham-Sân-Si.
2)    Hành [Mental Formations]: [xem ngũ uẩn]. Có nhiều nghĩa: hành động, tạo tác, khuynh hướng, tập quán, nghiệp, điều kiện, tích lũy, sở hữu, cấu thành, xây dựng; và được / bị tạo thành. Hành là những hành động tùy thuộc nơi Vô Mimh mà phát sinh. Nó là những tác ý, hành động mang tính chất Tham-Sân-Si nên dù có là thiện hay bất thiện, chúng vẫn sẽ lưu lại trong giòng tâm thức / tàng thức những dấu vết, những nhân có tiềm năng sẽ trổ quả trong tương lai. Bởi vậy Hành mang ý nghĩa tương đương với Nghiệp, nói cách khác, hành động trong Vô Minh sẽ hướng vào vấn đề nhân-quả và tái-Sinh.
3)    Thức [Consciousness] [ Thức Uẩn trong ngũ uẩn]: Là tất cả các Nghiệp- Hành – từng tạo tác được tích lũy trong giòng tâm thức, bởi vậy Thức tùy thuộc nơi Hành mà phát sinh. Ta nên hiểu Thức không có nghĩa là một thực thể độc lập hoặc một linh hồn bất biến, mà nó là một chuổi các đơn vị Thức liên tục nối tiếp nhau trong một cuộn phim. Đến giây phút lâm chung, khi đơn vị Thức cuối cùng của thân xác cũ chấm dứt thì tiếp theo là đơn vị Thức đầu tiên xuất hiện trong một thân xác mới. Đơn vị đầu tiên này, gọi là Thức Tái-Sinh, có tàng chứa tất cả các dấu vết, các nhân cùng với đặc tính, khuynh hướng của một cá nhân, và kế tiếp là những đơn vị Thức nối tiếp nhau sinh diệt suốt cuộc đời.
4)    Danh Sắc [Name-Form]: Là thân tâm (phần vật chất thuộc thân và Thọ Tưởng Hành thuộc tâm sở [mental factor]). Chúng tùy thuộc nơi tâm Thức mà phát sinh. Con người được sinh ra, phần thân xác nhờ tinh huyết cha mẹ, và phối hợp với phần tinh thần gồm có Thức (Tái-Sinh), Thọ, Tưởng và Hành. Ngũ uẩn này luôn luôn nương tựa và tùy thuộc lẫn nhau.
5)    Lục Nhập [Six Bases]: Khi thân tâm phát triển thì sáu giác quan, mắt-tai, mũi-lưỡi-thân-ý cũng hình thành. Sáu giác quan này là nơi thâu nhận dữ kiện về thế gian qua các đối tượng tương ứng (trần), mắt thấy hình thể, tai nghe âm thanh, .v.v…Vậy Lục Nhập bao gồm hai thứ là căn và trần (sáu giác quan và sáu trần).
6)    Xúc [Contact]: Khi hội đủ cả ba yếu tố là căn (giác quan), trần (đối tượng) và thức thì Xúc – một tâm sở-đồng sinh khởi với chúng. Bởi vậy Xúc là sự giao thông giữa ba cá thể là cá nhân (thức), nội giới (căn) và ngoại giới (trần).
7)    Thọ [Feeling]: Tùy thuộc nơi Xúc mà tự động phát sinh sự phản ứng, Thọ. Thọ không có nghĩa là các thứ tình cảm như vui, buồn, giận, v.v…là cũng không có sự chú ý, lựa chọn, mà là sự cảm nghiệm trực tiếp được ghi nhận theo ba loại, sướng, khổ, hoặc trung tính. Khi nghiệp hội đủ nhân duyên và trổ quả thì sự gặt hái quả là Thọ.
8)    Ái (khát) [Cravings]: Chúng sinh được tạo dựng trên cơ cấu Tham-Sân-Si nên tất cả đều có khuynh hướng về những gì mang lại cảm giác sướng, và lánh xa những gì mang lại cảm giác khổ. Tự sự thèm muốn những thứ sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp mà sẽ mang lại cảm giác sướng (Tham) và sự mong muốn ngăn chặn và lánh xa những cảm giác khổ (Sân), khát Ái sinh khởi. Ngoài ra cảm thọ trung tính cũng gây ra tham Ái vì nó rất gần với thọ lạc.
            Vì khát ai nên ta phải làm những việc như đi làm, gia nhập hội đoàn, kết bạn, v.v…đó là một lối sống được thành lập với mục đích có phương tiện để thỏa mãn nhu cầu. Khi những nhu cầu tiếp tục được cung phụng sẽ tạo nên những tập quán hoặc tật, thói quen, đồng thời những loại khát ái được thỏa mãn sẽ phát sinh những cá tính tương ứng mà có thể là thiện hoặc ác.
9)    Thủ [Clinging]: Đang khát mà uống nước muối sẽ chỉ làm tăng thêm cơn khát, Ái cũng có khuynh hướng tăng trưởng giống như thế và ở cường độ lớn hơn được gọi là Thủ. Thủ nghĩa là bám chặt vào vật ham muốn, và tùy theo loại bám chấp, cá tính tương ứng sẽ được phát triển và hình thành.
            Thủ còn có nghĩa là nhiên liệu – ham mê và bám chấp là nhiên liệu dùng để cấp dưỡng, tiếp tục duy trì sự hiện hữu, duy trì cái tôi.
            Có bốn loại Thủ:
1.     Nhục dục: Ham mê hưởng thụ các thú vui thân xác.
2.     Tà kiến: Bám vào các lý thuyết, tín điều
3.     Giới cấm: Bám vào các nghi lễ, giới luật với sự tin tưởng rằng thi hành nghiêm chỉnh chắc chắn sẽ giải thoát.
4.     Thân kiến: Tin tưởng có một cái tôi độc lập và trường cửu đằng sau ngũ uẩn [không hiểu duyên-khởi].
            Ái được dụ là kẻ trộm thò tay muốn lấy cắp vật. Thủ được dụ là kẻ trộm đã nắm và lấy được vật.
10) Hữu [Becoming]: Về một khía cạnh có nghĩa là sự trở thành. Sâu xa hơn, Hữu nghĩa là cái sinh khởi và cái làm điều kiện cho cái khác sinh khởi. Vì làm điều kiện cho cái khác sinh khởi nên Hữu chính là nghiệp – thiện và ác. Những cái tính được hình thành do Thủ cùng với những Nghiệp đã tạo tác sẽ được soạn lại thành bản sơ đồ [blue print] dùng để tạo dựng kiếp sống kế tiếp. Các dữ kiện được tính toán và bản sơ đồ sẽ chỉ định nơi chốn tái sinh trong sáu cõi. Hữu tạo điều kiện cho sự tái sinh kiếp sau.
11) Sinh [Birth]: Sự xuất hiện của hiện tượng tâm lý (Danh) và vật lý (Sắc), hay ngũ uẩn, ở một trong sáu cõi.
12) Lão-Tử [Aging-Death], Sầu-Bi-Khổ-Ưu-Não [Sorrow-Lamentation-Pain-Grief]. Theo luật Vô-thường, có sinh thì phải có Già-Chết. Và đi cùng với đời sống là buồn rầu, ta thán, khổ thân, lo âu, tuyệt vọng. Nói chung, đây là toàn bộ KHỔ uẩn.
 
E.   THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN XẾP THEO ĐƯỜNG THẲNG THÀNH BA THỜI
         
          QUÁ KHỨ: Vô Minh và Hành là những điều kiện, duyên trong quá khứ đưa đến sự sinh khởi của một cá nhân gồm thân và tâm trong kiếp sống hiện tại.
[Nhân quá khứ dẫn đến Quả hiện tại]
Vô Minh
Hành
HIỆN TẠI: Tám yếu tố kế tiếp diễn tả quá trình tiến hóa trong hiện kiếp. Tâm thức sinh khởi thân thể và thân thể lại là môi trường để tâm thức biểu hiện cá tính Tham-Sân-Si của nó, và những hành động phát khởi từ tâm Tham-Sân-Si sẽ là điều kiện khởi sinh những kiếp sống tương lai.
[Quả]
Thức
Danh Sắc
Lục Nhập
Xúc
Thọ
[Nhân hiện tại dẫn đến Quả tương lai]
Ái
Thủ
Hữu
TƯƠNG LAI: Những hành động do tạo tác trong hiện kiếp sẽ ứng hiện trong những kiếp tương lai, và như vậy tiến trình  sinh tử được tái diễn.
Sinh
Lão-Tử, Sầu-Bi-Khổ-Não-Ưu
 
F.    THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN XẾP THÀNH BA NHÓM
Ô NHIỄM (khát vọng): Vô Minh, Ái và Thủ.
NGHIỆP (hành động): Hành và Hữu.
QUẢ (hậu quả): Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Sinh, Lão Tử.
Vì Ô Nhiễm nên tạo Nghiệp để rồi phải lãnh Quả (khổ), và cứ tiếp tục lòng vòng Nhân-Quả như vậy.
·       Hai lối giải thích trên, ba thời và ba nhóm là hai lối nhìn phổ thông.
Ta nên để ý là lối giải thích theo chiều đường thẳng – ba thời -  dễ gây ra ấn tượng
1)     Đây chỉ là tiến trình mười hai nhân-quả chứ không phải là vòng mười hai Nhân Duyên
2)     Có một thực thể độc lập di chuyển từ quá khứ đến hiện tại qua tương lai.
Tất cả đều do duyên khởi nên không thể có điểm khởi đầu, bởi vậy thập nhị Nhân Duyên không phải là một tiến trình có đầu có đuôi và diễn tiến theo thứ tự đường thẳng, đó là lý do và nó được gọi là “vòng” thập nhị Nhân Duyên. Do đó không nên hiểu Vô Minh là điểm khởi đầu, nó được đặt vào hàng đầu vì tầm vóc quan trọng của nó và có lẽ nó là yếu tố thuận tiện nhất để nằm ở vị trí đầu tiên. Vô Minh cũng do điều kiện mà sinh khởi, đó là những ô nhiễm –Tham-Sân-Si. Lối giải thích đường thẳng nêu lên sự việc là mỗi một yếu tố có một nhân tố chính, chẳng hạn như nguyên nhân chính dẫn đến Hành là Vô Minh, nguyên nhân chính dẫn đến Thức là Hành, v.v…nhưng vì duyên khởi nên ngoài nguyên nhân chính, có thể xem các yếu tố còn lại là các nguyên nhân phụ, thí dụ nguyên nhân chính của Sinh là Hữu và mười yếu tố còn lại là nguyên nhân phụ, như vậy tất cả bao gồm những nguyên nhân xa gần được đan kết lại thành mạng lưới chằng chịt.
            Ta sẽ khảo xét lối đường thẳng theo ba thời như sau. Thời Hiện Tại là tương lai đối với thời Quá Khứ, và là quá khứ đối với thời Tương Lai. Như vậy, tuy Vô Minh Hành  đã hoạt động trong quá khứ khởi sinh Thức Danh Sắc …Hữu trong hiện tại, nhưng bắt buộc chúng cũng đang có mặt trong hiện tại để khởi sinh Thức Danh Sắc…Hữu của tương lai. Và hiện thời ta đang tiến dần đến Lão Tử, tức là ta đang trong tiến trình Sinh Lão Tử  đối với Thức Danh Sắc…Hữu của quá khứ. Suy ra mười hai Nhân Duyên đều đang có mặt và hiện hành trong giây phút Hiện Tại.
            Theo nhận xét trên, mười hai Nhân Duyên nằm trong đường thẳng làm ta khó thấy được luật duyên khởi móc nối chúng với nhau, và việc đặt chúng trên một đường thẳng chỉ là để dễ dàng phân tích và để dễ thấy nhân-quả qua ba thời mà thôi.
            Lối phân thành ba nhóm giải thích rằng một nhóm yếu tố này sẽ khởi sinh một nhóm yếu tố khác thay gì một Nhân dẫn đến một Quả theo chiều đường thẳng. Như vậy lối ba nhóm phản ảnh luật duyên khởi rõ ràng hơn.
 
G.  THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN XẾP SONG SONG
Vô Minh
            Mọi thứ đều diễn tiến trong bóng tối Vô Minh, nên Vô Minh luôn luôn có mặt trong mười một Nhân Duyên còn lại.
Hành
            Ý nghĩa chính là tạo tác và được tạo ra (hoặc điều kiện và bị điều kiện), đồng thời Thập Nhị Nhân Duyên là tiến trình luôn luôn biến chuyển nên nó phản ảnh tính năng động của Hành, bởi vậy Hành có mặt trong mười một Nhân Duyên còn lại.
Thức
            Danh Sắc sinh khởi được nhờ đầy đủ điều kiện sẵn trong (giòng tâm) Thức; ngược lại, nhờ có sự hoạt động và tạo tác của Danh Sắc nên Thức mới sinh khởi được.
            Sự sinh hoạt của mười một Nhân Duyên còn lại đều có sự ghi nhận của Thức hoặc bị điều kiện bởi Thức.
Danh Sắc
            Danh Sắc tức là thân và tâm, có nghĩa là nó bao gồm mười một Nhân Duyên còn lại.
            Đến đây ta thấy tiến trình Vô Minh – Hành – Thức – Danh Sắc luôn luôn hiện hành song song với tám Nhân Duyên sau.
            Nhìn lại ba khía cạnh vừa bàn, tiến trình ba thời (đường thẳng) cho thấy tất cả mười hai Nhân Duyên đều đang hiện hành ngay trong giây phút hiện tại, tiến trình ba nhóm cho thấy một nhóm Nhân làm điều kiện sinh khởi cho một nhóm Quả chứ không phải chỉ đơn giản một Nhân cho một Quả, và tiến trình song song cho thấy hai nhóm hiện hành đồng thời với nhau. Ngoài ra, nói theo thời gian tính, thập nhị Nhân Duyên có thể xảy ra đối với bất cứ sự việc gì, trong các quãng thời gian khác nhau, một tích tắc, một ngày, một năm, hoặc một kiếp sống, mà không có sự khác biệt.
            Cộng các sự kiện trên lại sẽ thấy mười hai Nhân Duyên rất phức tạp, chúng đan rối lại với nhau, chúng kết nối chằng chịt với nhau, bởi vậy tìm cách tháo gở để thoát ra khỏi cái vòng xích này không phải là điều đơn giản. Ta thường hay nghe nói chỉ cần bẻ gãy một mặt xích là phá tan được vòng xích thập nhị Nhân Duyên, nhưng sự thực không dễ như vậy.
            Đức Phật có giảng cách thức thoát Khổ dựa theo thập nhị Nhân Duyên bằng cách đi ngược lai:
Tận diệt Vô Minh dẫn đến chấm dứt Hành
Chấm dứt Hành dẫn đến chấm dứt Thức
Chấm dứt Thức dẫn đến chấm dứt Danh Sắc
Chấm dứt Danh Sắc dẫn đến chấm dứt Lục Nhập
Chấm dứt Lục Nhập dẫn đến chấm dứt Xúc
Chấm dứt Xúc dẫn đến chấm dứt Thọ
Chấm dứt Thọ dẫn đến chấm dứt Thủ
Chấm dứt Thủ dẫn đến chấm dứt Hữu
Chấm dứt Hữu dẫn đến chấm dứt Sinh
Chấm dứt Sinh dẫn đến chấm dứt Lão Tử, Sầu-Bi, Khổ-Ưu-Não (=Khổ).
            Tuy nhiên ta đã biết Vô Minh không phải là điểm khởi đầu, vậy ta bắt đầu ở điểm nào? Vả lại mười hai Nhân Duyên đan rối với nhau thành một khối thì ta bẻ mắt xích nào? Các hiện tượng khởi sinh do điều kiện và chấm dứt cũng phải có điều kiện, vậy theo công thức vừa đưa ra ở trên, điều kiện để bẻ bất cứ một mắt xích nào là phải bẻ cái trước nó, muốn bẻ cái trước nó ta phải bẻ cái trước nữa, và cứ thế ta lần ngược lại cái đằng trước mà không thể bắt đầu với một mắt xích nào được.
            Các pháp Thiền tập khác nhau sẽ chú trong vào một hoặc một số mắt xích khác nhau vì một số mắt xích có thể quan trọng hơn cái khác. Nhưng nhìn chung thì cả mười hai Nhân Duyên đều có vai trò quan trọng riêng của chúng và vì chúng liên hệ và nương tựa lẫn nhau nên tất cả cần phải được quán sát và thấu triệt [ sẽ được bàn rõ hơn trong chương Tu Tập].
            Do sự rối mù, không biết đâu là đầu mối để tháo gỡ nên đức Phật mới nói: “…chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp Duyên Khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja…” Cũng vì không thể tìm được đầu mối bởi vậy phương cách để giải tỏa là bẻ gãy toàn bộ mười hai mắt xích cùng một lúc, đó là con đường Đức Phật đã chỉ, Bát Chánh Đạo [ sẽ bàn sau].
 
H.  KẾT LUẬN
            Thập Nhị Nhân Duyên liệt kê những Nhân và Duyên tác động và dựa vào nhau sinh khởi thành những nguyên do trói buộc và điều kiện ta chạy theo chu trình cố định của nó, và hậu quả la Khổ đau. Các Nhân Duyên này diễn tả cách thức Nghiệp được tạo tác, và Nghiệp cộng với tâm Tham-Sân-Si là nhiên liệu cung cấp cho hiện tượng tái-Sinh và cứ thế ta tiếp tục trôi lăn trong vòng sinh tử.
            Ngoài ra, thập nhị Nhân Duyên còn nói lên sự kiện là thân tạo tâm và tâm tạo thân, cả hai làm điều kiện cho nhau, chúng tùy thuộc và nương tựa lẫn nhau mà hiện hữu. Sự nâng đỡ, nương tựa lẫn nhau – duyên khởi – nói lên sự kiện là không phải chỉ có Nhân tác động lên Quả theo một chiều, mà cả Nhân lẫn Quả cùng tác động qua lại.
            Khổ - lão, tử, sầu, ưu, não, …- là một trong thập nhị nhân-duyên có mặt được là do mười một nhân – duyên kia (chính yếu là Vô Minh và Ái) điều kiện. Do phải tùy thuộc vào điều kiện nên Khổ không tự có. Chính vì Khổ không có thực chất, ta mới có thể dựa vào điều kiện để dứt Khổ.
            Tất cả các hiện tượng đều phải tùy thuộc vào điều kiện để sinh khởi và hủy diệt; sự sinh diệt của chúng là sự cảm nghiệm của ta về chính ta và thế gian. Bởi vậy thập nhị Nhân Duyên chính là cơ cấu của sự cảm nghiệm của ta về hiện tượng thân tâm ngay trong giây phút hiện tại, và hiểu được toàn bộ  thập nhị Nhân Duyên đang hiện hành trong Hiện Tại, ta sẽ không thắc mắc về những gỉ trong Quá Khứ hoặc đeo đuổi những gì trong Tương Lai – Quá Khứ và Tương Lai chỉ là những ý tưởng trong tâm thức.
            Vì thập nhị Nhân Duyên là tiến trình của hiện tượng thân-tâm cũng như cảnh-tâm nương tựa nhau mà sinh diệt nên không có một thực thể, một cái tôi độc lập nào tự có. Bởi vậy, bám chấp vào các cảm nghiệm hiện tượng thân-tâm, tin tưởng rằng chúng là tôi, của tôi là điều sai lầm vì không thật có ai là chủ nhân các cảm nghiệm này. Có hiện tượng sinh, tử, và tái sinh, nhưng không thật có ai sinh tử, và không thật có ai đi tái sinh.
            Thế nhưng ngay cả các hiện tượng cũng không thực có, vì do duyên- khởi nên chỉ có sự sinh diệt của hiện tượng diễn tiến theo luật nhân-quả trong mối tương quan của chúng.
            Nói tóm lại, theo luật duyên-khởi, tất cả sự vật trên thế gian – cảnh – thân và tâm – nương tựa lẫn nhau mà sinh khởi chứ không do một Đấng nào tạo dựng hoặc phát xuất từ một nguồn gốc hằng có, cố định nào cả.
 
III.          THAM – SÂN – SI
Con người là một thực thể gồm có hai thành phần:
Thân: : Sắc
Tâm : : Thọ + Tưởng + Hành + Thức
Tuy nhiên, Thọ và Tưởng đều thuộc về Hành, nên rút lại tâm chỉ có hai thành phần:
Tâm : : Thức (tâm vương) + Hành (tâm sở).
Hành uẩn bao gồm đủ các loại tâm mà trong đó các loại tâm bất thiện đều mang tính chất Tham hoặc / và Sân hoặc / và Si.
Tham-Sân-Si là ba loại tâm đại biểu và là gốc rễ cho tất cả các loại tâm bất thiện, bất cứ hành động (thân-ngữ-ý) bất thiện nào cũng có sự hiện diện của ít nhất một hoặc cả ba loại tâm này. Sự sinh khởi của chúng gây bất an cho tâm, chúng điều kiện và khiến ta phản ứng theo các thứ tình cảm mà không tự kiểm soát được.
            Tham là trạng thái thiếu thốn, ham muốn. Muốn gần gũi các thứ mình yêu thích như vật chất, danh vọng, hoàn cảnh và muốn lôi kéo chúng về mình, thuộc sở hữu của mình. Sự cảm nhận lệch lạc do ta đặt giá trị [sẽ bàn sau] tốt đẹp cho đối tượng làm ta thấy nó hấp dẫn, cho rằng nó là nguồn hạnh phúc, rồi cầu mong và bám chấp vào nó – do đó ta bám chặt vào gia đình, vật sở hữu, đối tượng của các giác quan, v.v…Nhìn theo chiều ngược lại, thường ta hay chối bỏ không chịu nhìn nhận tính chất xấu xa của sự vật, chẳng hạn như thân người máu mủ tanh hôi; không nhìn thấy mặt trái của sự vật cũng là lý do làm ta dễ yêu thích đối tượng. Và vì không muốn cũng như khó lòng buông bỏ được nên ta vì vòng sinh-lão-bệnh-tử cuốn trôi từ kiếp này sang kiếp nọ.
            Tham bao gồm đủ các cấp độ nặng nhẹ, thoáng ưa thích, ham muốn, ao ước, thèm khát, bám chấp. Ta nắm lấy sự vật, rồi dính chặt với nó và không buông bỏ được vì ta chỉ thấy sự vui thú mà không hiểu đằng sau đó là sự ràng buộc. Và khi không được toại ý thì Tham là nguyên nhân chính sinh khởi tâm Sân.
            Sân là trạng thái không hài lòng, bất mãn, không muốn gần người, vật, hoặc hoàn cảnh không ưng ý. Qua sự cảm nhận lệch lạc ta cũng lại đánh giá đối tượng là xấu xa, ghê tởm, trong khi ta không thấy hoặc không chịu nhìn nhận cái hay đẹp của nó, bởi vậy ta chỉ thấy cái xấu của đối tượng làm phiền mình, rồi muốn lánh xa hoặc tống khứ nó đi, hoặc khởi ác ý muốn làm hại nó. Nhiều khi ta Sân với cả chính ta và những vật vô tình như cảnh vật, thời tiết, v.v…Hiểm họa của Sân là thiêu cháy thân tâm chính đương sự trước khi gây tai hại cho người và vật. Ngoài ra, cái Sân ngấm ngầm trong trạng thái buồn phiền cũng có tiềm năng tác hại như cái Sân hiển lộ ở người đang giận dữ.
            Sân bao gồm đủ các cấp độ nặng nhẹ, thoáng không ưa, không muốn, trái ý, buồn rầu, khó chịu, bực bội, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, ghét bỏ, căm thù. Sân có tính cách hung bạo, nó bung tỏa ra và thiêu cháy tâm đương sự, hành hạ đương sự, và nó là nguyên nhân dẫn đến phiền não.
            Ta nên lưu  ý, Khổ nghĩa là bất mãn, không hài lòng, nên nó mang tính chất Sân, bởi vậy còn thấy Khổ tức là còn Sân
            Si là trạng thái không biết, hoang mang, nghi ngờ, lẫn lộn; không ý thức được nhân quả của hành vi mình đang tạo tác. Sự thiếu hiểu biết, không nhìn xuyên thấu được bản chất của sự vật sẽ gây ra những nghi ngờ và hiểu biết sai lầm khác, và nó còn gây ra sự ngoan cố ở sự tin tưởng (cuồng tín) vào những sự việc sai lầm. Si có thể được xem như là gốc rễ của tất cả những gì thuộc về bất thiện, nó luôn luôn đi kèm theo các tâm Tham và Sân.
// Tâm sinh khởi và đi kèm với các loại tâm bất thiện, Tà, và nó vắng mặt khi có các loại tâm thiện, Chánh. Nó chỉ là một phần của Vô Minh, trong khi Vô Minh luôn luôn hiện diện và bao trùm tất cả các loại âm Chánh và Tà. Thí dụ, trường hợp ta đang ở lưng chừng giữa vực thẳm (Vô Minh), nếu ta tiếp tục tuột xuống (Tham, Sân, Si) tức là ta càng đi sâu xuống vực thẳm (dày đặc thêm trong Vô Minh), còn khi ta bò lên (Từ-Bi-Hỷ-Xả) đó chỉ có nghĩa là ta tiến dần đến bờ vực thẳm chứ không phải là đã thoát khỏi vực thẳm.//
Cũng theo luật duyên khởi, bộ ba Tham – Sân – Si có sự tương quan rất mật thiết, chúng nương tựa hỗ trợ và tăng cường cho nhau. Khi Tham phát động nó nuôi dưỡng Sân và Si, khi Sân  phát động nó nuôi dưỡng Tham và Si, và khi Si phát động nó nuôi dưỡng Tham và Sân – chúng liên kết với nhau và khóa chặt ta ở cõi Ta Bà.
·       Vì Tâm Tham , tâm Sân và Si sinh khởi. Thí dụ;
-       Thường sau khi đi mua đồ dùng về ta mới ý thức được rằng ta đã sắm nhiều thứ không cần thiết – có thể vì đẹp hoặc rẽ làm lòng Tham nổi lên ta mua ngay lúc đó mà không kịp suy nghĩ (Si).
-       Hai người yêu nhau (Tham) mà không được gặp sẽ sinh ra đau buồn (Sân), có khi bị bệnh tương tư nữa.
·       Vì tâm Sân, tâm Tham và Si sinh khởi. Thí dụ
-       Buồn bực (Sân) vì thua kém bạn bè, ta muốn cho con cái phải đỗ đạt để nở mặt với thiên hạ (Tham).
-       Hoặc vì thù ghét (Sân) kẻ nào, ta chỉ mong và vui thích (Tham) khi họ bị hại.
-       Cơn giận (Sân) bùng lên che lấp mất lý trí (Si), khiến ta làm những việc tai hại mà không tự chủ được.
·       Vì Tâm Si , tâm Tham và Sân sinh khởi. Thí dụ;
-       Vì hiểu biết sai lầm (Si) ta cho rằng tiền tài, danh vọng là những thứ mang lại hạnh phúc nên ta đeo đuổi đạt cho được (Tham).
-       Không hiểu (Si) rằng ‘ác thú’ như cọp, beo, …cũng là một thành phần duy trì quân bình cho hệ thống sinh thái nên ta căm ghét và muốn tiêu diệt chúng (Sân).
-       Hoặc khi chuyện không may xảy đến, nếu không hiểu (Si) là ta đang trả nghiệp thì sẽ dễ sinh buồn bực, bất mãn (Sân).
            Tham và Sân là hai trạng thái đối nghịch với nhau (Âm Dương). Nếu vì chúng là hai đầu của một khúc cây thì Si là khúc cây. Phần nhiều vì  thiếu tỉnh giác ta bỏ đầu này chạy đầu kia mà không biết, va ta vẫn chỉ loanh quanh trong cái vòng Tham – Sân – Si.
            Thí dụ như trong vấn đề ăn chay, khi từ bỏ rượu thịt là ta muốn trừ bỏ sự ham thích hưởng thụ (Tham), nhưng sau đó mỗi khi thấy ai ăn nhậu ta lại cảm thấy ghê tởm, khó chịu (Sân). Thí dụ tu hành là gạn lọc từ bỏ mọi thứ, nhưng rồi ta lại mong muốn chứng đắc cái này cái nọ. Bởi vậy, nếu không khéo thì khi sửa chữa cái này ta lại làm hỏng cái khác.
            Để hiểu rõ hơn về năm giới, Sát-Đạo-Dâm-Vọng-Tửu, ta hãy khảo xét vai trò của Tham-Sân-Si đằng sau năm hành động này qua những thí dụ sau đây.
1)   Sát:  giết hại
-     Tham: giết người vì muốn đoạt của, hoặc lấy săn  bắn làm thú vui.
-     Sân: Hại người vì thù ghét.
-     Si: Giết người hoặc thú vật để tế thần vì cho rằng ta sẽ được hưởng phước.
2)   Đạo:  Trộm hoặc cướp, lấy những gì không thuộc về mình mà không có sự thỏa thuận của sở hữu chủ.
-     Tham: Trộm hoặc cướp vì lòng tham.
-     Sân: vì thù ghét nên trộm hoặc cướp khiến sở hữu chủ đau khổ.
-     Si: Trộm hoặc cướp của nhà giàu đem cho người nghèo, cho rằng đó là việc nghĩa hiệp.
3)   Dâm:  Tà dâm
-       Tham: tà dâm vì tham dục.
-       Sân: tà dâm hoặc ngoại tình vì hận chồng hoặc vợ, “ông ăn chả, bà ăn nem”
-       Si: quan niệm rằng đó là sự đòi hỏi sinh lý tự nhiên, không có gì sai trái.
4)   Vọng: [Có bốn loại] Nói láo, nói lời đâm thọc, nói lời thô ác, nói chuyện phù phiếm.
-       Tham: nói láo để được lợi lộc
-       Sân: nói láo vì muốn hại người
-       Si: cho rằng nói láo miễn sao không hại ai là được rồi
5)   Tửu: dùng chất say như rượu, ma túy.
-       Tham: lấy say sưa làm thú vui
-       Sân: muốn quên đi hoàn cảnh đau buồn
-       Si: Cho rằng cần thiết trong vấn đề giao tế, hoặc cho rằng rượu thịt mới là hảo hán, ‘nam vô tửu như kỳ vô phong”
Nên để ý rằng chỉ cần thoáng “ưa” hoặc thoáng “không ưa” đã là Tham hoặc Sân. Sau đây là bảng liệt kê các tâm Tham-Sân-Si tiêu biểu trong các khía cạnh và mức độ nặng nhẹ khác nhau.
 
A.   THAM [Desirous / Cupidity attachment – Appropriational intent]
Kiêu: [Smugness, Mental inflation]:
Kiêu căng, Cảm thấy hãnh diện, sung sướng với hoàn cảnh giàu sang, quyền tước, tài năng, tuổi trẻ, khỏe, học vấn, v.v…của mình, rồi khinh khi, coi thường người khác. Có thái độ kiêu căng và ngạo nghễ.
Mạn: [Conceit – Arrogance – Deluded pride] + Si:
Tự thổi phòng những khả năng, đức tính, tài sản, nhan sắc, sức khỏe, v.v…của mình rồi dựa vào đó đâm ra ngạo mạn cho rằng mình hay giỏi hơn người. Tâm Mạn làm ta không chịu nhìn nhận cái hay của người, không chịu cảm phục cái giỏi của người; nó ngăn trở ta trong vấn đề tìm hiểu, học hỏi thêm. Các loại mạn thông thường.
1)     Cảm thấy mình hay giỏi hơn với những người thua kém mình ở phương diện nào đó.
2)     Cảm thấy mình hay giỏi hơn người cỡ ngang mình.
3)     Cảm thấy mình còn hay giỏi hơn cả những người tài ba hơn mình
4)     Cho rằng mình thành đạt một cái gì đó mà sự thật là không phải vậy
5)     Cảm thấy mình chỉ thua kém đôi chút đối với người hơn mình rất xa, còn thì mình vẫn hay giỏi hơn rất nhiều người khác.
6)     Cảm thấy hay giỏi ở những khả năng thuộc loại tà ác, thí dụ như mình là người thợ săn giỏi.
Cuống [Pretention, Deceit] + Si:
Cũng do tâm tham luyến của cải danh vọng, ta dối gạt người để lợi mình, ta phô trương những thành đạt mà không hề có, ta giả hành xử như là người đạo đức (đạo đức giả, hyprocrite).
Siểm [Flatter – Butter up]:
Bợ đỡ, nịnh hót người để cầu lợi.
Trạo cử [Restlessness – Flightness of Mind – Ebullient]:
Nghĩa là cái tâm không yên tịnh. Long Tham khiến tâm giao động, chạy theo những gì nó cho là vui thú.
Giãi đãi [ Lethagic negligence – Laziness] + Sân + Si:
Biếng nhác. Vui hưởng trong giấc ngủ,nghỉ, nằm, v.v…và tâm không có ý muốn nhúng vào sự việc gì.
Phóng Tâm [Inattentiveness]
Không lưu tâm, chú ý vào đối tượng. Sự quán sát bị ô nhiễm vì tình cảm, thiếu sự tỉnh thức về các hành vi của thân, khẩu, ý.
Tán Loạn [Desultoriness] + Sân +Si:
Tâm tán loạn chạy theo bất cứ đối tượng tham ái hoặc sân hận hoặc si mê nào.
Phóng Dật [Unconcern – Carelessness]:
Buông thả, phóng túng. Coi thường mọi thứ, không chịu thúc liễm thân tâm uốn nó theo đường Chánh, không chịu bảo vệ tâm bằng cách cẩn mật ngăn ngừa Tham, Sân, Si và Giải Đãi.
 
B.   SÂN: [Averson – Anger]
Phẫn [Harted – Indignation]:
Tâm thù oán, sẽ ra tay làm hại nếu có cơ hội.
Hận [Resentment – Enmity]:
Hờn; Ôm ấp sự oán ghét không chịu tha thứ, trong tâm tính chuyện trả thù.
Nộ [Spite – Rage]:
Có ý muốn tuôn ra lời lẽ khắc nghiệt cay độc vì sự thúc dục của tâm Sân Hận.
Não [Annoyance – Exasperation]:
Phiền muộn, bực tức trong lòng. Khi gặp cảnh trái nghịch, trước giận hờn rồi sau mới buồn bực, hay nhớ lại những cảnh trái nghịch đã qua rồi sanh buồn phiền.
Hại [Harmfulness – Cruelty – Malice]: Có ba loại.
1)     Thiếu lòng từ bi nên có khuyn hướng ngược đãi, hành hạ, làm tổn hại, bức não người , vật.
2)     Không thương thân nên tự làm hại mình.
3)     Vui sướng khi nghe hoặc thấy kẻ khác đau khổ.
Hối [Remorse – Regret – Worry] + Si:
Hối hận về việc đã làm và tiếc nuối việc không chịu làm.
Tật [Jealousy]
Ganh ghét. Vì tâm bám chấp vào sự thành đạt, danh vọng nên cảm thấy không bằng lòng, không chịu nổi sự thành công của người khác, do đó ta sinh lòng đố kỵ ganh ghét. Như vậy, Tật có tính cách khách quan, ta nhìn ở người.
Xan [Miserliness – Avarice – Stinginess]
Bỏn xẻn. Sự tham luyến của cải danh vọng quá độ làm ta không có can đảm chia xẻ của cải. Dâú kín tài sản, sự giàu sang, thành đạt của mình, vì không sẵn lòng hoặc ngại phải bố thí, chia xẽ với kẻ khác. Còn gọi là keo kiệt. Có các loại keo kiệt sau đây: chỗ ở, gia đình, danh vọng, kiến thức. Như vậy Xan có tính cách chủ quan, ta nhìn ở ta.
Phú [Concealment – Slyness – Resist recognizing own faults] + Tham:
Che dấu và không chịu nhận lỗi, vì sợ mất danh giá và quyền lợi nên che giấu tội lỗi của mình. Che dấu yếu điểm của mình vì tâm Tham chấp vào những lợi lộc mình đang hưởng.
 
C.   SI: [Naivety – Stupidity – Ignorance – Lack of instrinsic awareness]
Nghi [Doubt – Indecision]
Một cách tổng quát, Nghi là sự phân vân, không thể quyết định theo bên nào, hoặc lấy một lựa chọn nào giữa mấy cái khác nhau. Ở đây có nghĩa là đức tin bị lung lay, không tin tưởng ở Phật, Pháp, Tăng, và việc tu hành. Sự do dự, nghi ngờ về Tứ Diệu Đế, nhân- quả, các kiếp quá khứ, tương lai gây ra sự bất an cho tâm. Sự lưỡng lự, không quả quyết dứt khoát tạo ra chướng ngại cho việc tu hành.
Trạo Cử [ Restlessness – Agitation]
Tâm lao chao, giao động không yên tịnh giống như trạng thái đống tro bị đá ném phải. Chẳng hạn như khi mặt hồ gợn sóng thì ta không thể nhìn rõ gương mặt mình được, cũng thế, cái tâm giao động sẽ không thấy được hậu quả của các hành bi bất Chánh. Tâm Si gây ra sự mơ hồ lẫn lộn khiến Trạo Cử sinh khởi, và tâm trí loạn động dễ đẩy con người vào đường Tà. Trạo cử có mặt trong tất cả bất thiện tâm.
Hôn trầm [Mental fogginess – Sloth]
Sự mờ tối bao phủ làm cho tâm trí uể oải đờ đẩn không có sức lực, mọi thứ trở nên mờ mịt, không thể nhận biết được đối tượng rõ ràng. Trạng thái co rút lại như lông gà trước ngọn lửa. Tình trạng thân tâm nặng nề, sự lờ đờ, thiếu sức lực khiến tâm trí chìm xuống hoặc gục xuống giống như ngủ gục. Hôn trầm được xem là sự bệnh hoạn đau yếu của tâm thức [citta].
Thụy miên [Torpor – Sleep] 
Cảm giác thụ động làm mê mệt, buồn ngủ. Thụy miên là sự bệnh hoạn yếu đuối của các tâm sở Thọ Tưởng Hành.
Thất niệm [Forgetfulness]
Mất Chánh niệm. Thất niệm là ngay trong giây phút quán sát mà tâm không nhận biết, không thấy rõ ràng bản chất của đối tượng, và nó bị quên vuột mất ngay sau đó. Sự quán sát bị ô nhiễm [Tham Sân Si] vì bị tình cảm xen vào, nghĩa là tâm quên mất đối tượng và nó chạy qua những đối tượng ô nhiễm. Thất Niệm sinh tâm tán loạn.
Bất tín [Disbelieving fact- lack of faith, trust]
Không có sự thành tín, thiếu tin tưởng, không có tâm cầu mong các sự việc tốt lành. Không tin tưởng sự việc dù cho có hợp lý. Không tin ở nhân quả. Không tin ở Phật, Pháp, Tăng . Không tin và không cầu mong giải thoát.
Ác kiến [Deluded view – Opinionatedness – Perspectivality]
Thấy đối tượng là vật để bám vào mà không chịu tìm hiểu sai lầm làm ta bám chấp vào sự hiện hữu chân thật của sự vật; và cái nhìn, sự tin tưởng sai lạc sẽ làm cản trở bước tiến đến giải thoát. Trong khi tâm Si che phủ đối tượng thì Ác Kiến là quan điểm, ý kiến của mình với sự diễn dịch lệch lạc về mọi thứ. Có các loại Ác Kiến sau đây:
-       Thân kiến: chấp ngũ uẩn (thân tâm) nà là tôi, của tôi, cho rằng nó là một thực thể thật có.
-       Biên kiến: chấp một bên. Cho rằng thực tại là chân thật, sự vật có tự tánh độc lập, hoặc có cái tôi (do Thân kiến) là thường hằng (chấp thường); hoặc cho rằng tất cả chỉ là không-zero, và cái tôi sẽ chấm dứt khi chết (chấp đoạn)
-       Tà kiến: Cho rằng luật nhân-quả không liên can gì đến hành vi của mình cũng như không tin ở tái Sinh. Tựu trung, Tà Kiến là những quan điểm dựa trên cơ sở sai lầm
-       Kiến thủ: Bị tình cảm chi phối, ta chấp chặt vào chỗ hiểu biết của mình cho là chính xác và sâu diệu. Nhiều khi biết rằng quan điểm của mình sai lầm nhưng vẫn nhất định không chịu nhìn nhận.
-       Giới cấm thủ: Sự chấp giữ, bị điều kiện bởi cái nhìn sai lạc, theo những giới cấm và tin tưởng cho rằng nhờ đó sẽ được thanh tịnh thân tâm, tẩy nghiệp, v.v…mà thật ra không có lợi ích gì cho việc tu hành và giải thoát, thí dụ như lối ăn mặc nào đó, thái độ và cách hành xử như thế nào đó, v.v…
Vô Tàm [Shamelessness] + Tham + Sân:
Không biết xấu hổ. Hành xử mà không chịu suy xét đến phẩm cách của mình, không tự kiểm soát lỗi lầm nên tự mình không biết xấu hổ với lương tâm và không biết ghê tởm khi làm việc quấy. Cũng như heo ăn đồ dơ bẩn mà không thấy gớm. Ngược lại, một vị Tăng có lòng Tàm thì khi ở tình trạng đang thèm rượu, ông ta sẽ tự kiềm chế không uống vì suy xét đến phẩm hạnh của mình và phẩm giá của Tăng đoàn. Nguyên do của tâm Vô Tàm là sự thiếu tự trọng.
Vô Quý [Non- embarassment – inconsideration] + Tham + Sân
Không biết thẹn với người, hành động không có sự đắn đo, thận trọng. Hành xử mà không nghĩ đến khuôn phép, không tôn trọng kẻ khác, không sợ hậu quả những việc ác mình làm, không sợ người chê cười chỉ trích việc làm bất thiện của mình. Như con thiêu thân bị thu hút bởi ánh đèn cứ đâm đầu vào ngọn lửa mà không biết hậu quả sẽ như thế nào, cũng thế, kẻ vô quý, không hiểu luật nhân-quả, bị thu hút bởi những việc tà ác, nên phóng theo chúng tạo tác nghiệp dữ. Nói tóm lại, vì không có tâm Tàm Quý nên mới làm điều ác.
Tất cả các tâm Tham-Sân-Si kể trên đều thuộc về Hành uẩn trong ngũ uẩn. Xin nhắc lại ngũ uẩn theo thứ tự đã quán sát, Sắc-Thức-Tưởng-Thọ-Hành. Cảm Thọ sướng, khỗ, hoặc vô ký được điều kiện bởi các giá trị được định sẵn trong hồ sơ do Tưởng lôi ra, và rồi Thọ lại là điều kiện sinh khởi Hành – các tâm Tham-Sân-Si. Và ngược lại, giá trị mọi thứ được thẩm định qua tâm Tham-Sân-Si.
 
D.   KẾT LUẬN
Có nhiều người tuyên bố là không cần phải tu hành gì cả, chỉ cần biết đủ, không ham muốn tiền tài, danh vọng, không làm điều gì trái với lương tâm, không làm điều gì hại đến ai, làm sao ăn ở được hiền lành, v.v…là được rồi. Thế nhưng qua nhãn quan của nhà Phật về các tâm Tham-Sân-Si vừa bàn ở trên, sự việc không đơn giản như vậy. Có những tâm Tham-Sân-Si vi tế ẩn sau các hành động Thân-Khâu-Ý mà ta khó ý thức được, bởi vậy dù cho có không ham nhà lầu xe hơi, hoặc “không hại ai” nhưng ta vẫn tạo nghiệp, hành vi của ta vẫn thuộc về Tà. Ta có thể hiểu rõ hơn qua các thí dụ sau.
 Những sinh hoạt như tán dóc, đọc sách, báo chí, xem ca nhạc, phim ảnh, tin tức, v.v…là những sinh hoạt, giải trí rất bình thường, chẳng mấy ai cho chúng là tai hại, nhưng chúng ta phải cẩn thận vì có thể tâm Tham-Sân-Si đang đứng đằng sau những sinh hoạt này. Khi tán dóc, nếu ta không lôi chuyện xấu của người khác ra đàm tiếu vì không ưa hoặc ganh ghét họ (Sân), thì ta cũng ca tụng nhau, khoe khoang cái hay của ta, giòng họ của ta, môn phái của ta, v.v…(Tham), hoặc nói những chuyện không bổ ích gì, chỉ hao tốn thì giờ (Si). Tán dóc tức là nói chuyện phù phiếm, một loại vọng ngữ. Đọc báo chí, xem tin tức là một hình thức giải trí, hàng ngày ta “vồ” lấy tờ báo để xem tình hình thế sự biến chuyển đã đến đâu, không khác gì những độc giả thích thú theo dõi câu chuyện tình hoặc vở truyện kiếm hiệp (Tham). Hoặc ta muốn xem “kẻ thù” – người hay xứ sở nào đó mà ta không ưa – đã bị đánh tan tác chưa (Sân). Có thể nói phần nhiều tin tức chỉ là những sự việc chẳng những không ích lợi mà lại còn là những nguyên nhân quậy khởi tâm Tham-Sân-Si của ta lên, gây ra sự bất an cho tâm. Báo chí tin tức cũng được xếp vào loại tán dóc – vọng ngữ. Xem ca nhạc, phim ảnh, đi ăn chơi cũng là để tìm những giây phút thích thú (Tham), hoặc vì buồn chán, muốn giết chết thì giờ (Sân).
            Hoặc hải đi nhà hàng để thưởng thức món ăn nào đó; hoặc chìm đắm trong một bản nhạc để tìm về, sống lại những kỷ niệm, cảm giác nào đó; hoặc lười biếng không muốn cất nhắc tay chân làm việc gì. Dĩ nhiên, việc ham thích ăn uống, hay say mê nghe nhạc, hay lười biếng, v.v…có thể không hại ai, nhưng chúng sẽ nuôi dưỡng và tăng cường cho Tham-Sân-Si, và chúng sẽ hại chính ta.
            Không phải là ta lên án những hình thức sinh hoạt trên là xấu xa, sự kiện được nêu lên ở đây là chúng chỉ xấu xa khi chúng ta sinh hoạt với tâm địa Tham-Sân-Si. Trường hợp chúng ta phải đọc báo để chó kiến thức về thời sự vì công việc làm thì không có gì tai hại. Hoặc chúng ta quan sát thế sự - chiến tranh, kinh tế, khoa học, v.v… qua báo chí, phim ảnh để chiêm nghiệm các định luật như Khổ, Vô Thường, Vô Ngã…thì trái lại những sinh hoạt trên lại là những việc lợi ích cho tu hành.
            Nhiều khi không thấy Tham-Sân-Si nổi lên, ta cho là đã dứt sạch được chúng – có thể đây là điều lầm lẫn rất lớn…Tham-Sân-Si không nổi lên không có nghĩa là chúng không còn nữa mà có thể là vì lúc đó không có đủ điều kiện để chúng sinh khởi. Thí dụ, khi có đủ cơm ăn, áo mặc thì ta là con người đàng hoàng trong sạch; nhưng đến lúc đói rách thì tư cách chúng ta rất dễ biến đổi, ta sẽ sinh ra hèn hạ, gian trá, v.v…Hoặc khi bị bệch liệt giường, ta không cảm thấy ham muốn gì cả, nhưng đến lúc khỏi bệnh rồi thì Tham-Sân-Si lại hiện diện đầy đủ. Những kẻ già yếu và những kẻ đang nằm trên tử sàng cũng vậy, có thể Tham-Sân-Si không còn làm phiền họ như hồi còn thanh niên, nhưng ta nên hiểu đó là vì một cơ thể già yếu thì không đủ điều kiện để tác động đến Tham-Sân-Si nên chúng phải chím xuống và ẩn ở dạng tiềm năng. Và dĩ nhiên một khi ta tái sinh, Tham-Sân-Si sẽ bị quậy khởi lên do nguồn sinh lực dồi dào trong một cơ thể mạnh khỏe  cung cấp đầy đủ điều kiện cho chúng. Ta cũng nghe nói “phú quý sinh lễ nghĩa” là vậy.
            Có thắc mắc là nếu diệt bỏ Tham-Sân-Si thì ta sẽ trở thành kẻ vô tình như khúc cây, cục đá hay sao? Không đúng vậy, khi Tham-Sân-Si lui đi thì Trí Tuệ, Từ Bi Hỉ Xả sẽ phát triển, hai nhóm này là hai đối cực, chúng ta không thể cùng đứng chung với nhau được. Thí dụ, khi biết (trí tuệ) rằng kẻ làm phiền ta chỉ là một đứa bé con hoặc là một kẻ điên thì sự giận dữ (Sân Si) sẽ khó nổi lên được; sự bình thản không tỏ lộ phải ứng này không có nghĩa ta là một người chai đá không tình cảm, mà thật ra tâm bình thản này thường đi kèm với lòng thương xót (từ bi).
            Thế nên kiến thức về mọi khía cạnh của Tham-Sân-Si rất cần thiết nếu ta không muốn vi phạm luật. Ta có thể thấy được tầm mức quan trọng của nó trong câu đức Phật giảng: “Niết Bàn là trạng thái vắng mặt Tham-Sân-Si”.
 
 
HẾT CHƯƠNG BỐN

0 comments:

Post a Comment