Friday, November 9, 2012

TU TẬP

Bất cứ môn học nào cũng thế, lý thuyết và thực hành phải đi đôi, cả hai đều quan trọng ngang nhau. Nói cho đầy đủ, ta phải thi hành cả ba giai đoạn, Văn (nghe giảng, học hỏi), Tư (suy nghiệm, nghiền ngẫm) và Tu (thực hành, thực tập). Trên bước đường tu tập ta phải nghe, học để biết những gì cần làm và những gì cần tránh; rồi nghiền ngẫm để hiểu cho rõ lý lẽ, khỏi bị nghi hoặc; và bắt tay vào phần thực hành để kiểm chứng. Và cứ thế ta lập đi lập lại ba giai đoạn này ở các cấp độ cao hơn.
            Tất cả các đề tài đã bàn ở các chương trên được thu gọn vào hai công thức Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Hai công thức này giải thích tu là gì, lý do tại sao phải tu, và ngoài ra Bát Chánh Đạo sẽ trình bày đầy đủ phương thức tu tập, nó chính là con đường tu tập.

A.   TỨ DIỆU ĐẾ [Four Noble Truth]
            Cách thức làm việc của một vị y sĩ được tiến hành qua bốn giai đoạn dựa trên luật nhân-quả:
1.     Xác nhận là bệnh nhân có bệnh
2.     Chấn đoán và xác định nguyên do gây bệnh,
3.     Bệnh tật có thể chấm dứt được bằng cách tận diệt nguyên do gây bệnh,
4.     Phương cách chữa trị căn bệnh.
            Tương tự như quy tắc chữa bệnh của vị y sĩ, đức Phật đề ra Tứ Diệu Đế nói lên sự thật là tất cả chúng sinh đều bị cùng một căn bệnh và có phương thuốc chữa trị.
a)     KHỔ  - Có sự khổ đau.
b)    TẬP – Có sự phát sinh của KHỔ - nguyên nhân gây ra Khổ là tham ái [attachment] (cùng với các nguyên nhân phụ).
c)      DIỆT – Có sự chấm dứt KHỔ - trừ bỏ nguyên nhân là tham ái thì Khổ chấm dứt.
d)    ĐẠO – Có con đường dẫn đến sự chấm dứt KHỔ - phương pháp tận diệt tham ái.
            Chúng ta lang thang và quanh quẩn trong cõi Ta-bà chỉ vì không thấu hiểu và trực nghiệm được Tứ Diệu Đế - Bốn Chân Lý Thâm Diệu. Được gọi là chân lý vì chúng là những sự thực mà có ai khám phá ra hay không và mọi người có biết hay không biết, chúng vẫn hiện hành và chi phối tất cả chúng sinh ở tất cả mọi nơi mọi thời. Cũng như định luật ‘trọng lực’ [gravity – sức hút của quả đất] nếu không có nhà bác học khám phá ra nó, nó vẫn ảnh hưởng đến tất cả mọi vật và sẽ không bao giờ thay đổi.
1.     KHỔ - nghĩa là sự bất thỏa mãn, bất toại ý vì mọi vật  vô-thường, không có tự tính, và không được toàn hảo [xem chương Hai]. “Có sự khổ đau” nên hiểu qua hai khía cạnh như sau:
a.      Có sự Khổ đau – một cách khách quan ta công nhận là có hiện tượng khổ đau (tánh nó là Không) chứ không nói là tôi hay anh hay ai khổ cả (vô-ngã)
b.     Khổ đau cần được thấu hiểu – Sự hiện diện của vấn đề khổ đau này cần phải được nhận biết và thấu hiểu, sự việc xảy ra như vậy đấy. Bình thường ta không muốn hiểu biết về nó và sự phản ứng của ta là than thở, đổ thừa, lo trốn tránh hoặc mong diệt trừ nó.
2.     Nguyên Nhân – gây ra Khổ là sự tham ái [attachment], nó là tâm bám chấp bao gồm Tham-Sân-Si. Ái là nhân duyên thứ tám trong thập nhị nhân-duyên, ở đây nên hiểu rằng nó là nguyên nhân gần nhất chứ không phải là nguyên nhân duy nhất hoặc đầu tiên. Ái có tính cách là ‘khát’ và khát ái sinh khởi do sự bám chấp vào hiện tượng và cái tôi không thực có, lầm tưởng chúng là thực tại chân thực; sự kiện này cũng là do cái nhìn sai lạc tức là do vô-minh gây ra. Tâm tham ái vị kỷ bao gồm tất cả các sự cầu mong bám chấp từ nhục dục (qua các giác quan), tài vật, quyền thế, danh vọng, đến những ý tưởng, quan điểm, học thuyết, tín ngưỡng, muốn trở thành thế này thế nọ, muốn sự vật phải như thế này thế nọ, muốn trừ bỏ cái này cái nọ, v.v…
            Ái là nguồn nhiên liệu duy trì sự tái sinh [xem thập nhị Nhân-Duyên]. Ái dùng thân xác làm phương tiện tìm kiếm lạc thú để thỏa mãn nhưng đến lúc chết thì thân xác tan rã trong khi Ái vẫn còn, cho nên nó cần phải có một thân xác khác, mà đã có sinh thì có tử bởi vậy chúng sinh Khổ đau trôi lăn trong vòng sinh tử chỉ vì tham ái. Vì Ái là cầu mong, bám chấp nên nó mang cả ba tính chất Tham, Sân (thí dụ như mong muốn hại ai) và Si (vì có quan hệ với vô-minh). Vậy Ái không phải chỉ có nghĩa là  mà nó có thể hiểu rộng ra là Tham-Sân-Si [xem chương V].
3.     Muốn chấm dứt Khổ thì đơn giản là phải trừ bỏ nguyên nhân gây ra Khổ, tức là Ái (Tham-Sân-Si). Và nhìn vào thập nhị Nhân-Duyên để thấy rõ hơn các nguyên nhân gần và xa của Khổ (mười một Nhân-Duyên trước nhân-duyên Khổ):
Vô Minh
Hành
Thức
Danh Sắc
Lục Nhập
Xúc
Thọ
Ái
Thủ
Hữu
Sinh
KHỔ: Lão-Tử, Sầu-Bi-Ưu-Khổ-Não
4.     Giải pháp là con đường dẫn đến sự thoát KHỔ, đó là phương pháp thanh lọc thân tâm bằng cách phát triển Trí Tuệ và Từ-Bi-Hỷ-Xả, tận diệt vô-minh và Tham-Sân-Si ở tất cả mức độ thô và tế [gross & subtle]. Con đường này gọi là Bát Chánh Đạo (con đường gồm có tám yếu tố chân chánh).
 
B.   BÁT CHÁNH ĐẠO [Eight-Fold Path]
            Khi bị cảm cúm, ngoài việc uống thuốc ra ta còn phải kiêng cữ ngăn chặn nguồn tiếp tế không để bệnh trở nặng thêm, nghĩa là phải để ý thêm những việc chẳng hạn như tránh ra gió máy, cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức, bớt ăn lại và uống nước nhiều hơn, v.v…Trường hợp những người mang bệnh nặng thường phải áp dụng biện pháp quyết liệt hơn nữa.
// Thí dụ: Có một phụ nữ người Đài Loan là người có địa vị trong xã hội và thành công trong nghề nghiệp. Nhưng bất chợt bà ta khám phá là bị bệnh ung thư và bác sĩ phán là bà có ba thán để thu xếp mọi thứ. Sau khi hiểu rõ căn bệnh, bà dẹp hết công ăn việc làm và dọn về một làn nhỏ ven biển. Bắt đầu từ đó, đầu óc không còn bị căng thẳng vì việc làm, bà hoàn toàn thay đổi lề lối sinh hoạt, cách thức ăn uống. Ngày ngày ba ra biển hóng gió, dành thời giờ để tĩnh tâm và vận động cơ thể. Vì biết được bà là người trí thức nên dân làng bắt đầu nhờ bà giảng dạy một số lớp học. Thế là từ một đời sống bon chen, chỉ lo tích lũy và chỉ biết có riêng mình, bây giờ bà không còn sống cho cá nhân bà như trước nữa mà sống với mục đích mang lại lợi lạc cho người xung quanh. Khoảng một năm sau bà về gặp lại bác sĩ thì bệnh ung thư không còn nữa.//
            Phật Pháp tuy diễn giả vể cái KHỔ, nguyên do là những ràng buộc bởi chính ta gây tạo, nhưng không dừng ở lại đó mà tích cực chỉ cho chúng ta lối thoát. Công việc chữa trị bệnh KHỔ cũng không khác việc chữa bệnh, tất cả các yếu tố sau đây đều góp phần vào việc điều trị: Thiền định cộng với việc thay đổi tư tưởng, quan niệm, lối sống, thái độ, cách hành xử,…Nói cách khác, song song với thiền định là thang thuốc, ta phải có sự hiểu biết và tư duy đúng bằng cách thay đổi lối nhìn qua tư tưởng, quan niệm, sự hiểu biết và phải kiêng cử không nuôi dưỡng Tham-Sân-Si và tránh gây thêm nghiệp bằng cách thay đổi lối sống,  thái độ, hành xử. Đấy là phương thuốc chữa bệnh KHỔ, gọi là Bát Chánh Đạo, là pháp tu sửa toàn bộ cơ cấu của lối sống, cải cách cả thân lẫn tâm qua ba phương diện:
1.     Lối nhìn, sự hiểu biết – Huệ - phân biệt được Chánh Tà, nhìn thấy rõ tình huống của mình và biết được cần phải làm gì và giải quyết ra sao; ở mức độ cao thì Huệ là Trí Huệ giải thoóa:
Chánh Kiến
Chánh Tư Duy
2.     Kiêng cữ - Giới-cũng như kiêng cữ để bệnh đừng nặng thêm, Giới hạnh ngăn ngừa ta tạo thêm nghiệp qua Thân-Ngữ-Ý, đồng thời không tạo thêm cơ hội và mô trường để Tham-Sân-Si phát triển:
Chánh Ngữ
Chánh Nghiệp
Chánh Mạng
3.     Thang thuốc – Định – đi thẳng vào việc sửa  tâm theo con đường Chánh, diệt trừ gốc rễ Tham-Sân-Si.
Chánh Tinh Tấn
Chánh Niệm
Chánh Định
            Xin nhắc lại, Chánh nghĩa là những gì phá bỏ được những ràng buộc của Ta-bà –vô minh, Tham-Sân-Si, tà kiến, …- và hướng đến Trí Tuệ giải thoát. Sau đây là đại ý của tám yếu tố trong Bát Chánh Đạo.
1)     Chánh Kiến [Right View]: Cái nhìn, sự hiểu biết đúng. Ở cấp sơ khởi đó là sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế (cộng với Bát Chánh Đạo), nếu nói rộng ra sự hiểu biết đúng bao gồm các đề tài đã bàn trong bài: Khổ, vô-thường, nhân-quả / Nghiệp, tái-sanh, duyên-khởi, ngủ-uẩn, thập nhị Nhân-Duyên, vô-ngã, Tham-Sân-Si. Ở trình độ này, chánh-Kiến là bản đồ vạch rõ vị trí của ta đang ở đâu, tình hình như thế nào, có những vấn đề gì, giải quyết ra sao, mục tiêu là gì,…nó là mũi tên chỉ ta hướng đi đến mục tiêu, và điểm quan trọng là trên đường đi trường hợp bị lệch lạc sai đường thì chánh-Kiến sẽ là mực thước điều chỉnh và giữ ta đi đúng hướng. Bảy yếu tố còn lại chỉ được gọi là Chánh khi thực hành theo hướng chánh-Kiến.
Sau khi trải qua phần tu tập thực hành (Bát Chánh Đạo), ở cấp độ rốt ráo thì chánh-Kiến là sự thấu triệt thực tướng của bản thân mình, trực nhận được thực tại tuyệt đối của vạn vật như nó là, vạn vật đều là Không (Không có tự tánh). Lúc bấy giờ chánh-Kiến là Trí Tuệ phá trừ Vô-minh, chánh-Kiến chính là mục tiêu.
2)     Chánh Tư-Duy [Right Thought / Understanding]: Suy nghĩ đúng, tư tưởng chân chính – tư tưởng liên hệ đến xuất gia, xã bỏ. Tư Duy còn có nghĩa là tác ý, động cơ [intention, motivation]. Ở trình độ sơ cơ, để phát triển chánh-Tư Duy, tư tưởng của hành gia phải luôn luôn xoay quanh các đề tài trong Chánh-Kiến. Thí dụ, trong mỗi hành động của Thân-Ngữ-Ý hoặc khi có sự việc gì xảy ra ta đều xét xem Khổ nằm ở đâu, vô-thường ở đâu, nhân-quả, v.v…Rèn luyện như vậy cho đến khi thấm nhuần thì chánh-Tư Duy là những tư tưởng không vị kỷ, không dính mắc trong Tham-Sân-Si, và chúng được lồng trong Từ-Bi-Hỷ-Xả.
3)     Chánh Ngữ [Right Speech]: Tư tưởng chân chính sẽ dẫn đến lời nói chân chính. Chánh-Ngữ (trái ngược với Vọng Ngữ) là kiêng cữ những lời nói gian dối, đâm thọc, thô ác và nhảm nhí. Chánh-Ngữ là những lời nói chân thật, hòa nhã, thanh tao, hữu ích phát sinh từ tâm Từ-Bi thay vì từ Tham-Sân-Si. Sự thật phải được tôn trọng vì hành giả là người đi về hướng chân lý để tìm chân lý thì không thể gian dối được.
4)     Chánh Nghiệp [Right Action]: Kiêng cữ ba loại hành động là sát sinh, trộm cướp, tà dâm. Hoặc nói một cách tổng quát, chánh-Nghiệp là hành động qua thân không do Tham-Sân-Si thúc đẩy.
5)     Chánh Mạng [Right Livelihood]: Nghề sinh sống chân chính không mang lại sự thiệt hại cho xã hội, cho chúng sinh. Hành giả không nhúng tay vào những nghề để nuôi mạng sống như buôn bán võ khí, nô lệ, độc dược, thú vật (để giết thịt), chất say (ma túy,  rượu).
6)     Chánh Tinh Tấn [Right Effort]: Sự nỗ lực;
a.     Ngăn ngừa không để phát sinh những ý tưởng Tà chưa phát sinh,
b.     Diệt trừ những ý tưởng Tà đã phát sinh,
c.      Khai triển những ý tưởng Chánh chưa phát sinh,
d.     Trau dồi và bảo tồn những ý tưởng Chánh đã phát sinh.
Chánh –Tinh Tấn, sự nỗ lực ‘cải Tà quy Chánh’, còn được gọi là Tứ Chánh Cần. Chánh Tinh Tấn hỗ trợ cho Chánh-Niệm.
7)     Chánh Niệm [Right Mindfulness]: Khi Tứ Niệm Xứ [xem phụ lục; phần Căn Bản sẽ chỉ bàn đến pháp Thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát], bốn lãnh vực – sinh hoạt của thân, cảm giác, các trạng thái tâm, và các đối tượng của tâm – bao gồm tất cả các hiện tượng thân và tâm cùng các đề tài trong Chánh-Kiến, được quán chiếu một cách đặc biệt [Minh Sát] trong sự cảnh giác và chú tâm thì gọi là Chánh-Niệm’Quán chiếu một cách đặc biệt’ nghĩa là xuyên qua các hiện tượng thân-tâm, hành giả trực nhận được ba Pháp-Ấn: khổ, vô-thường, vô –ngã. Được kiên trì bằng sự nỗ lực của Chánh-Tinh-Tấn, Chánh-Niệm thanh tịnh hóa thân tâm bằng cách ngăn chặn và diệt trừ tâm Tà trong khi phát triển và vung bồi tâm-Chánh. Đó cũng có nghĩa là sửa [reprogram] cái tâm lại chuyển hướng cho nó đi theo con đường Chánh, hoặc nói cách khác, lấy con đường Chánh làm điều kiện để tâm theo đó mà vận hành. Chánh Niệm còn được gọi là Thiền Quán.
8)     Chánh định [Right Concentration]: Nếu cái kính hiển vi không đứng yên một chỗ gom ánh nắng lại một điểm trên tờ giấy thì tờ giấy không bốc cháy được. Cũng vậy, nếu tâm bị giao động không gom lại được để an trụ trên đối tượng thì hành giả không thể đào sâu vào các tầng lớp bên trong và như vậy sẽ không thể thấy rõ được bản chất chân thực của đối tượng. Định nghĩa là trạng thái tâm tập trung và an trú trên một điểm duy nhất. Chánh-Định là đạo luyện tâm định để hổ trợ cho chánh niệm chứ không phải để dùng vào những việc như chữa bệnh, tăng cường sức khỏe, hưởng sự an lạc trong các tầng định, v.v…Đề mục cho thiền định không hỗn tạp nhiều thứ vì tâm sẽ dễ bị chi phối nên khó ổn định được; đối tượng thường chỉ tinh thuần một thứ, chẳng hạn như chỉ theo hơi thở, hoặc chỉ một màu đỏ, v.v…Có 40 đề mục phổ thông [xem phụ lục] thường được áp dụng để phát triển định. Tập định sẽ trải qua bốn tầng Thiền và lên trên nữa là bốn tầng Định. Chánh Định còn được gọi là Thiền Chỉ.
            Cả tám yếu tố đều thiết yếu cho việc tu hành vì chúng tương trợ lẫn nhau nên không thể bỏ sót một yếu tố nào. Nói tóm lại, Bát Chánh Đạo là con đường chuyển hóa con người từ Tà sang Chánh, nó là công thức cải cách toàn diện cả thân lẫn tâm từ thô đến tế. Nó là phương pháp tháo gỡ “cuộn chỉ rối” mà ta đang vướng kẹt, phương pháp giải tỏa vòng xích thập-nhị-Nhân-Duyên mà ta đang bị trói buộc. Vậy tu hành không phải là việc diệt trừ Khổ mà là sự tận diệt nguyên nhân gây ra Khổ - Vô Minh – và Tham-Sân-Si – bằng cách thực hành Bát Chánh Đạo – con đường dẫn đến trí huệ giải thoát.

C.   GIỚI – ĐỊNH – HUỆ
            Luật Pháp xã hội được đặt ra với mục đích phòng ngừa vấn đề phá rối trật tự ngõ hầu duy trì an ninh trong xã hội. Giới trong Phật Pháp mang ý nghĩa rộng lớn hơn ở chỗ ngoài việc ngăn chặn ta vi phạm luật pháp trong phạm vi xã hội, chúng còn là những điều răn cấm cho riêng cá nhân ta cần phải tuân theo để tránh những hành động của thân-khẩu-ý đi sái với quy luật Ta-bà. Vậy Giới giữ vai trò là cảnh giác và ngăn ngừa những khuynh hướng khả dĩ gây tạo nghiệp Thiện hoặc Ác mà sẽ trói buộc ta lẩn quẩn trong vòng tròn Ta-bà. Chẳng những vậy, khi giữ Giới ta tránh không phương hại đến người và vật xung quanh tức là ta mang lại sự an ổn cho kẻ khác, và sự quan tâm đến kẻ khác là hình thức phát triển tâm Từ-Bi của mình. Giới bao gồm Chánh-Nghiệp và Chánh-Mạng (Thân), Chánh-Ngữ (Ngữ) và chánh-Tư Duy (Ý).
            Nói chung, “Thiền” [Meditation] là từ ngữ mang ý nghĩa bao quát về pháp hành, trong khi “Định” [concentration] rất dễ bị lẫn lộn với chánh-Định. Ở đây nên hiểu Định là một nhóm gòm có cả ba yếu tố - Tinh-Tấn, Chánh-Niệm và Chánh-Định.
//Trong trường hợp này, nếu lấy chữ “Thiền” thay cho “Định”, như một số học giả và hành giả ngoại quốc đã dùng, thì sẽ giúp cho người học đỡ bị bối rối hoặc hiểu biết sai lạc.//
            Xin nói sơ thêm về định theo nghĩa chánh-Định. Tâm định nghĩa là tâm có khả năng an trú trên một đối tượng mà không lay động bởi ý tưởng hoặc cảnh vật bên ngoài. Thí dụ như trong một căn phòng trống chỉ có một vật duy nhất, bởi vậy khi nhìn vào phòng ta không thấy vật gì khác ngoài vật đó, và vì nó là vật duy nhất nổi bật nên ta không bị phân tâm và cũng vì thế nên ta dễ thấy rõ được những chi tiết, tính chất của nó.
            Kiến thức thế gian không phải là Trí Huệ theo nghĩa nhà Phật. Các nhà bác sĩ, bác học, luật sư tuy là những người học rộng biết nhiều, nhưng họ vẫn bị Tham-Sân-Si sai sử, vẫn bị phiền não quấy nhiễu, và không biết đường nào giải quyết vấn đề sinh tử. Bởi vậy, họ vẫn thuộc thành phần vô-minh, không có trí-huệ. Trí-Huệ ở mức độ sơ khởi là sự hiểu biết trên lý trí về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các định luật Ta-bà. Trí-Huệ rốt ráo là sự trực nghiệm thế gian là vô-thường, Khổ, và vạn-Pháp, kể cả thân-tâm, đều vô-ngã. Nói vắn tắt, trí-huệ là sự ‘ trực nhận bản chất của thực tại, của vạn pháp như nó là’. Người có trí-huệ sống trong thế gian nhưng không nhiễm mắc thế sự.
            Mối liên hệ giữa Giới, Định, và Huệ rất chặt chẽ, không thể thiếu cái nào trên con đường tu hành – bộ ba này chính là con đường tu hành – Bát Chánh Đạo.
            Những kẻ từng làm điều phạm pháp thường lo sợ sẽ có ngày bị khám phá và bị buộc tội, còn không thì cũng chẳng được yên ổn với lương tâm mình. Tương tự, nếu không nhờ Giới ngăn chặn ta làm điều sai quấy, tạo tác Tà nghiệp, ta sẽ sống trong tâm trạng bất an, và đến khi trả nghiệp phải đối đầu với nghịch cảnh cũng sẽ làm tâm bất an, ta sẽ khó lòng Định. Trong số các đại đệ tử đức Phật có vị đắc quả A-la-hán do pháp hành chuyên về giữ giới luật. Vậy Giới trợ giúp cho Định và Huệ.
            Xin nhắc lại, Định là sự nỗ lực (chánh-Tinh Tấn) cùng với tâm an định (chánh-Định) và sự quán xét đúng đắn (chánh-Niệm). Cũng như ngọn nến không bị gió lay động nên sự sáng tỏ của nó giúp việc quán sát và nhận biết cảnh vật xung quanh được dễ dàng và không lầm lẫn (Huệ). Khi Tham-Sân-Si tạm lắng xuống thì trạng thái tâm an định nó sẽ mang lại phần nào sự an lạc và sáng suốt, đồng thời sự đòi hỏi được xoa dịu, và như vậy tránh được tình trạng vọng động dẫn đến những hành vi bất Chánh (Giới). Vậy Định trợ giúp cho Giới và Huệ.
            Nhờ có sự hiểu biết – trí-Huệ - (thí dụ như hiểu luật Nhân-Quả) ta sẽ dễ giữ Giới vì hiểu rõ lý do; và nhờ hiểu thấu sự vật, không có sự hoài nghi, không bị hoang mang về chuyện thế gian, về những chuyện không đáng thắc mắc, tâm sẽ an định và dễ dàng quán sát (Định) Vậy Huệ trợ giúp cho Giới và Định.
            Theo như ba yếu tố Giới, Định và Huệ được bàn ở trên, một yếu tố sẽ trợ giúp cho cả hai yếu tố kia, và ngược lại, nếu một yếu tố không được trao giồi, tôi luyện, nó sẽ gây trở ngại cho hai yếu tố kia. Khởi đầu việc tu hành, một yếu tố sẽ được chú trọng hơn hai yếu tố kia tùy theo cá tính khác biệt của từng cá nhân, và sau đó không nhất thiết phải theo một thứ tự nào mà cả ba – nói rõ hơn là Bát Chánh Đạo – nên đồng song hành với nhau. Cũng có thể tùy trường hợp, một yếu tố sẽ là yếu tố chủ động trong một thời điểm nào đó.

D.   THIỀN CHỈ (Chánh Định) và THIỀN QUÁN (Chánh Niệm)
            Thiền nghĩa là Pháp lành, bất luận là phương pháp gì, dùng để thanh lọc các ô nhiễm (Tham, Sân, Si) trong tâm, chuyển tâm tự trạng thái Tà sang Chánh, phát triển trí – huệ - trọng yếu là trực nhận được tánh-Không – dẫn đến giải thoát. Tất cả các pháp thiền đều không nằm ngoài hai loại là thiền Chỉ và thiền Quán.
            Chỉ nghĩa là dừng, đứng lại một chỗ. Thiền Chỉ là pháp hành gom tâm lại không cho nó lay động, giữ nó an trú trên đối tượng; do tâm không bị chi phối bởi cảnh vật bên ngoài cũng như những tư tưởng bên trong nên đạt đến trạng thái vắng lặng, sự định tâm. Thiền Quán là quán sát tất cả các hiện tượng tinh thần (Tâm) lẫn vật chất (Thân và cảnh) để có thể phát triển trí-huệ, trực nhật được thực tại như nó là.
            Nói vắn tắt,
Thiền Chỉ là Chánh Định dẫn đến Định
Thiền Quán là Chánh Niệm dẫn đến Huệ (Trí-Huệ giải thoát).
            Mục đích tối hậu của việc tu hành là đạt đến trí huệ để phá trừ vô-minh bởi vậy không thể không hành thiền Quán được. Thế nhưng cả hai thiền Chỉ và thiền Quán đều quan trọng trong công việc tu tập như chim bay phải có đủ cả hai cánh. Như đã thí dụ về ngọn nến không bị gió và kính hiển vi không lay động, Định là dụng cụ trợ giúp cho Thiền Quán vì nếu tâm bị giao động, không an trú được trên đối tượng thì hành giả khó lòng quán sát được đối tượng và không thể quán sát ở mức độ sâu xa vi tế.
            Chữ ‘Định’ trong câu “Định sinh Huệ” mà ta thường nghe nói phải là cái ‘Định’ bao gồm Chánh Tinh-Tấn, Chánh-Định, và Chánh-Niệm [như đã bàn trong Bát Chánh Đạo]. Còn nếu đây chỉ là cái ‘Định’ (trạng thái vắng lặng, không bị giao động) của Thiền Chỉ thì nó sẽ không tự động sinh ra Huệ.
// Thí dụ ta lấy tảng đá đặt lên bãi cỏ thì cỏ dưới tảng đá sẽ ngưng mọc và có vẻ như bị chết, thế nhưng khi dời tảng đá đi thì cỏ lại mọc trở lại vì gốc rễ nó vẫn còn.//
// Thí dụ ta để yên một ly nước thì dât bụi sẽ lắng xuống, thế nhưng khi động đến thì ly nước lại bị vẫn đục trở lại vì đất bụi chỉ tạm thời nằm yên dưới đáy.//
            Ta có thể hiểu tảng đá đặt trên cỏ và bụi đất lắng động trong ly nước là Định, còn cỏ (và gốc rễ) và đất bụi trong ly nước là phiền não (Tham Sân Si). Ta thấy Định chỉ tạm thời đè nén Tham-Sân-Si xuống và khi buông Định ra chúng sẽ phát tác trở lại, như vậy Định không trừ được Tham-Sân-Si, không sinh được Huệ, mà trí-Huệ, dùng để nhổ cỏ tận gốc rễ, lược sạch đất bụi, hay tận diệt gốc rễ Tham Sân Si, phải được phát triển qua thiền Quán.
            Thêm thí dụ sau đây làm tỏ rõ vai trò và sự liên hệ giữa Đinh, Thiền Quán, và Huệ.
            Ban đêm thấy có con rắn đang nằm ngoài sân nên ta đâm sợ hãi, tưởng tượng ra đủ thứ chuyện về con rắn và không dám đi đâu. Đánh bạo, ta có thể lấy đèn pin mạo hiểm ra ngoài và rọi vào con rắn xem nó ra làm sao, nhưng vì ngọn đèn pin không sáng đủ nên ta chỉ thấy mập mờ không biết rõ nó là loại rắn gì, lớn nhỏ thế nào, hay là nó cũng chẳng phải là con rắn mà là một con gì khác, vật gì khác. Rốt cuộc ta vẫn mang tâm trạng hoang mang sợ hãi. Nhưng trường hợp ta có cái đèn pha thì khi sợi dây thừng phơi bày nguyên hình dưới ánh đèn sáng như ban ngày, ngay lập tức, tất cả những hoang mang nghi ngờ vụt tan biến và những sợ hãi tưởng tượng được thay thế bằng sự an lạc tự tại.
            Chú thích: Vì màn đêm (vô minh) che phủ nên sợi dây thừng (thực tại) bị nhìn lầm thành con rắn (thế gian)gây ra những sợ hãi, tưởng tượng (Tham, Sân, Si, Vọng Tưởng). Mang đèn pin (định lực) ra ngoài sân để xem xét (quán), nhưng vẫn không thấy rõ vì ánh đèn pin không đủ sáng (định yếu) nên vẫn còn hoang mang sở hãi (Tham Sân Si, Vọng Tưởng). Nhưng khi đén pha (định lực mạnh) để rọi xét (quán) thì thấy rõ con rắn chỉ là sợi dây thừng (thấy rõ thực tại như nó là, không còn cái nhìn sai lầm, huệ), ngay lập tức nạn nhân bừng tỉnh (giác) và những hoang mang sợ hãi (Tham Sân Si, vọng tưởng) được thay thế bằng an lạc tự tại (Niết Bàn).
            Thí dụ trên cho thấy những điểm quan trọng sau. Định lực càng mạnh thì việc quán sát càng dễ dàng và nếu không có định lực thì khó có thể quán sát sự vật. Nếu có định lực mạnh mà không đem dùng để quán sát thì cái nhìn sai lầm về thực tại vẫn sẽ còn đó. Nếu có định lực mạnh mà không rọi vào đúng đối tượng (như đèn pha không rọi đúng vào con rắn) thì cũng sẽ không thể giải tỏa được cái nhìn sai lầm.
            Trí-huệ là ánh sáng phá tan bóng tối vô minh, bởi vậy đối tượng cho thiền Quán không phái là đề mục nào cũng được, mà phải là những đề mục có liên hệ đến định luật ta-bà và có thể thanh lọc được thân tâm để hành giả trực nhận được bản chất của thực tại, của vạn pháp. Các đề mục tổng quát đã thực tại, của vạn pháp. Các đề mục tổng quát đã được liệt kê ở phần Chánh Kiến, còn các đề mục trong Chánh Niệm (Tứ Niệm Xứ - xem phụ lục) sẽ hướng dẫn ta đi sâu hơn vào chi tiết ở trình độ cao hơn.
           
E.   CUỘN CHỈ RỐI
            Xin nhắc sơ lại sự tương quan và nương tựa lẫn nhau của mọi sự theo luật duyên-khởi qua một số các đề tài đã bàn: ngũ uẩn, thập nhị nhân-duyên, bát-chánh-đạo và tứ-diệu-đế.
            Về ngũ uẩn, trong Sắc uẩn, bốn Đại (Đất-nước-lửa-gió) nương vào nhau để sinh khởi; trong khi căn và trần phải ỷ dựa lẫn nhau để hiện hữu. Bốn uẩn còn lại (Thọ-Tưởng-Hành-Thức), mỗi một uẩn phải nương vào một hoặc cả ba uẩn kia để tác hiện. Và cả năm uẩn (thân và tâm) phải nương vào nhau để sinh hoạt.
            Tám yếu tố trong bát-chánh-đạo hỗ trợ và ỷ dựa lẫn nhau qua sự tương quan về Giới-Định-Huệ như đã bàn.
            Tứ-diệu-đế - Tập là nhân, Khổ là quả, Đạo là nhân, diệt là quả; Khổ-Tập là nhân, Diệt-Đạo là quả.
            Mười hai nhân-duyên diễn tả tiến trình tương sinh giữa thân và tâm. Chúng cũng đan kết và nương tựa lẫn nhau, mỗi một nhân-duyên đều có sự liên hệ với mười một nhân-duyên còn lại. Dựa theo sự tương quan của chúng, ta liệt kê sự móc nối của một số nhân duyên sau đây:
Vô-Minh ¬ ® Hành
Vô-Minh ¬ ®   Ái
Vô-Minh gây ra những loại tâm Tham Sân Si, và những hành động Tham Sân Si lại bồi dưỡng cho Vô-Minh. Ngược lại, những loại tâm hiện như tâm Xả, tâm Từ, sẽ làm Vô Minh suy yếu.
Hành ¬ ® Thức
Những hành động qua thân-khẩu-ý sẽ được ghi lại trong giòng tâm thức và từ trong giòng tâm thức chúng sẽ là điều kiện thúc đẩy ta hành động.
Thức ¬ ® Danh Sắc
Trong giòng tâm thức chứa đầy đủ điều kiện để tạo nên Danh Sắc và những sinh hoạt của Danh Sắc sẽ lưu lại dấu vết trong giòng tâm thức.
Danh Sắc: Danh ¬ ® Sắc
Thân và tâm nương nhau để đồng sinh khởi.
Danh Sắc ¬ ® Sinh
Lục Nhập: Căn ¬ ® Trần
Căn (chủ thể [subject]) và Trần (đối tượng [object]) nương nhau để đồng sinh khởi.
Xúc: Căn ¬ ® Trần ¬ ® Thức ¬ ® Căn
Căn, Trần và Thức (tinh thần và vật chất / chủ thể và đối tượng) nương nhau để đồng sinh khởi.
            Thực tế ta đang đối diện với khổ đau, ai cũng đều biết và đều tìm cách thoát khổ. Song thoát khổ lại là vấn đề cực kỳ khó khăn, chính vì luật duyên khởi chi phối làm ta lâm vào tình trạng rối mù, chẳng biết đầu mối ở đâu mà tháo gỡ. Định luật duyên khởi vạch rõ sự tương quan giữa tất cả sự vật và sự nương tựa lẫn nhau của chúng. Nhưng cũng vì vậy mà mọi thứ đều ở trong tình trạng đầu đuôi lẩn quẩn, chồng chéo và quấn rối vào với nhau. Ta may mắn gặp được Phật Pháp, con đường giúp ta giải quyết vấn đề, thế nhưng chính ngõ thoát này cũng không đơn giản và thẳng tắp rõ ràng vì nó không nằm ngoài luật duyên khởi – nó cũng lại như cuộn chỉ rối, cái này chỉ vào cái kia, cái kia chỉ vào cái nọ - nên gây hoang mang không ít cho người tu. Sự kiện phức tạp, đan kết chằng chịt trong Phật Pháp cần được hiểu rõ, nó sẽ giúp ta có được cái nhìn toàn diện của vấn đề, và như vậy sẽ đỡ được tâm trạng mơ hồ bối rối.
            Biểu đồ dưới đây cho ta thấy mối tương quan và sự nương tựa lẫn nhau giữa các thành phần của các nhóm khác nhau. Chẳng hạn như Đạo đế (trong Tứ-Diệu Đế) chính là Bát Chánh Đạo, nhưng dưới Bát Chánh Đạo, Chánh-Kiến đòi hỏi phải hiểu biết về Tứ Diệu Đế. Như vậy Tứ Diệu Đế tựa và chỉ vào Bát Chánh Đạo, và Bát Chánh Đạo tựa và chỉ vào Tứ Diệu Đế.


 
 
 
F.    TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP
            Nếu không muốn nhận lãnh hậu quả mà ta đã gieo nhân thì ta có thể hóa giải nghiệp bằng cách áp dụng luật nhân quả và nguyên lý Đồng-Thanh Đồng-Khí và Lực & Phản Lực.  Thí dụ ta lỡ đánh ai đó gãy chân thì muốn cái nhân ác này triệt tiêu đi ta phải tạo ra một nhân thiện, cái nhân cùng loại (cũng về chân cẳng) và đối nghịch (giúp đỡ thay vì làm hại) với nhân ác, chẳng hạn như đóng góp công sức tiền của vào những nghiên cứu chế tạo chân giả cho người què hay giúp người què có được tiện nghi tốt hơn trong đời sống.
            Nhưng có một trở ngại lớn là ta không biết được những nhân ta đã từng gây tạo từ vô lượng kiếp trong quá khứ thì làm sao áp dụng được luật nhân quả để hóa giải chúng? Một cách là ta cứ làm việc thiện, bất cứ việc thiện gì, vì theo luật duyên khởi mọi thứ lòng vòng liên quan đến nhau nên có thể chúng sẽ ảnh hưởng và sẽ làm suy giảm phần nào hậu quả của các nhân ác. Nhà Phật có giảng là nếu ném nắm muối (nghiệp ác) vào thau nước (phước ít) thì cả thau sẽ mặn chát; nhưng nắm muối sẽ không ăn thua gì nếu bỏ vào cái ao (phước nhiều).
            Lý lẽ trên nghe có vẻ đươn giản, nhưng thật ra không dễ dàng vì nhiều khi hoàn cảnh không cho phép, như trường hợp ta không thể có thì giờ, khả năng hoặc phương tiện tài chánh để thực hiện. Dĩ nhiên ta sẽ tạo được một ít phước lành, nhưng vì không tạo đúng các nhân thiện cùng loại và đối nghịch nên sự suy giảm của các nhân ác có lẽ không đáng kể, trong khi đó có thể nhân ác vô số đang chờ dịp để trổ quả. Bằng chứng là những vị thánh và ngay cả đức Phật cũng không thể giải sạch hết nghiệp của mình được. Như vậy có nghĩa là không có cách nào bảo đảm có thể hóa giải hết nghiệp xấu.
            Nếu không thể giải hết nghiệp được thì phải có cách chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp ở đây sẽ được hiểu là tuy nghiệp xấu phát tác nhưng nó sẽ không ảnh hưởng gì đến ta – nói đúng hơn là ta chuyển tâm, tức là ta sửa đổi lại những giá trị tốt xấu đã được định sẵn trong tâm. Thí dụ ta làm cho kẻ nào đó phải tán gia bại sản, để hắn lâm vào tình trạng nghèo khốn cho bõ ghét. Đương nhiên là trường hợp ta bị mất mát tài vật và ở trong hoàn cảnh nghèo khó, ta sẽ đau khổ vì đối với ta mất mát và nghèo khó mang tính chất xấu xa, ta tin rằng chúng sẽ mang lại khổ đau cho ta và cũng như mọi người khác. Tìm cách góp nhặt tài vật và trốn tránh cái nghèo không phải là giải pháp vững chắc, mà giải pháp bảo đảm là chuyển tâm, tức là thay đổi lối nhìn, thay đổi giá trị. Nếu lối nhìn của ta thay đổi, vật chất không phải là nguồn hạnh phúc thật sự, cái nghèo không phải là điều xấu xa, thì chúng không thể gây khổ đau cho ta được.
            Ta trân quý viên kim cương, nhưng ngay khi biết được nó là thứ giả, ta liền liệng bỏ không thương tiếc. Trường hợp được biếu chiếc xe Mercedes, ta thật yêu quý và chăm sóc nó nhưng khi khám phá  ra là bên trong nó trống rỗng, không máy móc thì sự yếu quý cũng tiêu tan ngay lúc đó. Do đó muốn chuyển tâm hay sửa đổi giá trị, điều quan trọng là làm sao thấu rõ bản chất của sự vật là ‘trống rỗng’, không thực chất.
            Theo công ước thế tục thì sự vật có giá trị tương đối của chúng, tuy nhiên ở khía cạnh tuyệt đối (chân đế) thì chúng không mang giá trị tốt xấu gì cả, chúng không có thực chất, chúng không thực có. Chỉ vì cái nhìn sai lạc (vô-minh), không hiểu các định luật ta-bà (vô thường, nhân quả, tái-Sinh, duyên khởi, vô ngã, tánh-Không) nên ta bám chấp vào những giá trị đã được quy định mà ta cho là chân thật.

G.  THỰC HÀNH
            Như đã bàn, cách thức chữa trị bệnh Khổ phải hội đủ ba yếu tố: Giới-Đinh-Huệ; việc chữa trị lại được áp dụng theo công thức văn-tư-tu, và văn-tư tu sẽ được tiếp tục lập lại ở các cấp độ cao hơn.
            Nói chung, hành giả giữ Giới theo khuôn thước của chánh-Ngữ, chánh-Nghiệp, và chánh-Mạng (kể cả chánh-Tư Duy). Đi vào chi tiết, đối với giới tăng lữ, có 250 giới luật cho tăng và 350 giới luật cho ni. Nếu nói văn tắt thì tất cả những giới luật này là phương tiện giúp kẻ tu hành ngăn ngừa không để tâm Tham-Sân-Si sinh khởi; chẳng hạn như giới điều ngăn cấm tăng ni không được  phép bước chân vào làng xóm sái giờ (ngoài giờ khất thực), lý do là vì khi không có việc chính đáng thì sẽ dễ ngồi lê la tán dóc về các chuyện như chính trị, thời trang, trái gái, v.v…ngăn ngừa như vậy sẽ không tạo cơ hội để khởi động và làm tăng cường cho các tâm Tham-Sân-Si.
            Theo lẽ trên, điểm quan trọng của việc giữ giới vẫn chỉ để nhắm vào Tham-Sân-Si. Khi tăng đoàn được thiết lập, ban đầu, lúc chưa có các loại tạp nhạp trà trộn vào, đức Phật không ban giới luật gì cả vì tăng sĩ đều tự giác và ý thức được quy tắc tu hành. Họ luôn luôn canh chừng cẩn mật, kiểm soát động cơ đằng sau các hành vi thân-khẩu-ý và có do tâm Tham-Sân-Si sai khiến hay không, và sự đề cao cảnh giác trong mọi lúc chính là trì giới và nó cũng là thiền-Quán (chánh-Niệm).
            Huệ (chánh-Kiến, chánh-Tư Duy) đạt được trên phương tiện kiến thức do Văn và Tư (tham vấn, học hỏi và suy nghiệm); đạt được trên phương diện thực nghiệm do Tu (thực hành chánh-Định và chánh-Niệm [thiền Chỉ và thiền Quán]).
            Ta đã biết tất cả các pháp Thiền đều thuộc về thiền-Chỉ hoặc thiền-Quán. Thiền-Chỉ (chánh-Định) tương đối đơn giản, chỉ cần an trú tâm trên một đối tượng [xem 40 đề mục phổ thông ở phần Phụ Lục], hoặc nói cách khác, ta gom tâm, tập trung trên đối tượng; tức là gạt hết các tư tưởng khác ra ngoài và chỉ còn thấy có đối tượng mà thôi. Đối tượng thường là vật đơn thuần [simple, pure] như nước hoặc lửa, hoặc chỉ một màu nào đó, xanh hoặc đỏ, v.v…để hành giả không bị phân trí, nhờ vậy tâm không bị giao động, định lực mới phát triển. Có định lực mạnh ta mới thực hành thiền Quán sâu xa được.
            Ở đây ta sẽ bàn kỹ hơn về Thiền Quán (chánh-Niệm). Cách thức quán sát các định luật được lập lại, và một phần pháp thiền Tứ-Niệm-Xứ [xem phụ lục] được trình bày sơ qua vì mục đích chính của nó cũng là để đi sâu vào các định luật. Nhiệm vụ quan trọng của thiền Quán là phát triển trí-huệ về ba Pháp Ấn: thấu suốt cái Khổ, thể nghiệm Vô-thường, và trực nhận tánh-Không / vô –ngã.
            Nói thì dễ nhưng thực hành không phải là chuyện có thể xong được trong một sớm một chiều. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, gia đình và sau đó là xã hội đã ‘giáo dục’ cho ta về những gì phải trái, tốt xấu, v.v…Thật sự là ta đã bị ‘nhồi sọ’ những tư tưởng, lối nhìn cũng như lối sống và ta đánh giá mọi thứ theo chiều hướng của thế gian. Được huấn luyện như thế trải qua vô lượng kiếp những tập khí (giá trị trong hồ sơ) này trở nên thật kiên cố với gốc rễ thật sâu dày. Dù cho sự việc là trắng nhưng quanh ta ai cũng bảo là đen thì đến một lúc nào đó ta sẽ tin tưởng theo họ và cũng thấy nó là đen. Như chuyện thân mẫu thày Tăng Tử (Thày là học trò Đức Khổng Tử, nổi tiếng là người hiền).
// Có kẻ trùng danh với Tăng Sâm (Tăng Tử) giết người. Một lần có người hớt hải chạy qua báo cho bà thân mẫu của Thày, lúc đó đang ngồi trong nhà dệt cửi. Tin tưởng rằng con mình không thể đi làm một việc xấu xa như thế, bà vẫn ngồi điềm nhiên làm việc. Một lát  sau, thêm một người nữa chạy qua kêu là Tăng Sâm giết người, nhưng bà vẫn chẳng quan tâm đến. Đến khi người thứ ba hô hoán Tăng Sâm giết người thì bà hoảng hốt quăng thoi bỏ chạy.//
            Một số trở ngại nữa là nếu không có sự hiểu biết toàn diện và không áp dụng đúng cách thì kết quả gặt hái sợ là sẽ không được viên mãn, và vẫn dễ bị sa ngã. Thí dụ, một số hành giả áp dụng định luật vô-thường để giảm trừ tâm ái dục, khi gặp phái nữ thì không nhìn thấy đó là những cô gái đẹp mà quán trong tâm họ là những bà già xấu xí. Sự việc diễn tiến như thế cứ tạm coi như là tốt đẹp, tuy nhiên nếu các ‘bà già’ cứ xán lại nói chuyện vui vẽ thì chẳng mấy chốc hành giả chỉ còn biết đó là những tiên nữ mỷ miều khả ái. Thí dụ, những hành giả thực hành hạnh nhẫn-nhục nếu chỉ  biết chịu đựng thì đấy chỉ là lối đè nén tâm Sân chứ không phải là dùng trí-huệ để giải quyết vấn đề.
            Bây giờ muốn đi ngược lại những quan niệm, thói tật thế gian, ta sử dụng công thức “lấy độc trị độc”  - áp dụng cách thức ‘nhồi sọ’. Phải đến kẻ hàng xóm thứ ba mới lay chuyển được bà thân mẫu Tăng Tử, bởi vậy chỉ nêu lên một lý do thì rất khó tự thuyết phục được chính mình. Thay vì chỉ quán về vô-thường khi chạm trán các ‘bà già’, hoặc chỉ cố gắng nhẫn-nhục khi bị hành hung, ta quán sát tất cả các định luật, và dựa vào đó đưa ra cả chục lý do để khẳng định sự sai lầm của lối nhìn thế gian. Mỗi khi gặp thuận cảnh hoặc nghịch cảnh, ta quán sát [thiền quán] tất cả các định luật ta-bà – Khổ, vô-thường, nhân-quả, tái-Sinh, duyên-khởi, tánh-Không.
·       Thí dụ khi ta bị hành hung, hoặc thấy, nghe về những chuyện bất công:
-       Luật nhân-quả đang tái tạo sự quân bình, ta đang nhận lãnh hậu quả do nhân đã gây ra trong quá khứ.
-       Cái khổ có thật không? ‘Ai’ đang chịu khổ? [vô-ngã]
-       Thật ra ta mới là kẻ hưởng lợi, vì đây là dịp để trả nghiệp [nhân quả] và thực hành hạnh nhẫn nhục.
-       Đáng thương cho kẻ hại ta, họ sẽ phải gặt hái nghiệp ác trong tương lai [nhân quả ]
-       Rồi sự việc cũng sẽ qua đi, nhiều khi ta với kẻ thù sẽ lại là bạn thân sau này, hoặc đã từng là bà con quyến thuộc trong những kiếp trước, hoặc sẽ tái sinh làm bà con quyến thuộc sau này. [vô thường, tái sinh]
-       Nếu không vì Khổ (sân hận / tham lam) thì họ đã không gây phiền nhiễu cho ta, họ không có sự lựa chọn.
-       Do luật duyên khởi nên phải có những điều kiện dẫn đến việc ta vị hại và hành động của kẻ làm hại.
-       Xét theo luật duyên khởi và nhân quả, không phải là có kẻ hận thù ta một cách vô cớ. Có thể ta đã làm việc gì gây tổn hại đến hắn, người thân của hắn; có thể ta với hắn không liên can gì đến nhau, nhưng chỉ vì tâm đố kỵ, nên sự giàu sang phú quý của ta làm hắn bực bội ganh ghét; hoặc chỉ vì ta là người Việt mà hắn lại không ưa dân Việt, và tâm thù ghét người Việt của hắn phát khởi từ kinh nghiệm không mấy tốt đẹp với những người Việt hắn va chạm trước đó, v.v…
-       Chỉ có một chuỗi hiện tượng diễn biến của thân tâm chứ không thật có kẻ bị hại và kẻ làm hại [vô-ngã]
-       Tâm Từ nhìn theo luật tái –sinh – kẻ hại ta có thể đã từng là con cái ta trong những kiếp trước. Mặc dù con cái hư hỏng hỗn hào, gây buồn phiền cho cha mẹ, nhưng với lòng thương yêu bao la, cha mẹ vẫn cam chịu, vẫn thương yêu và sẵn sàng hy sinh cho chúng.
-       Hoặc kẻ hại ta có thể đã từng là cha mẹ ta trong những kiếp trước. Nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, sự hy sinh và lòng thương yêu vô bờ bến của cha mẹ, và nhiều khi cha mẹ chịu gây tạo ác nghiệp chỉ vì muốn mang lại sự  no ấm hạnh phúc cho con cái, thì đối với những công ơn to tát như thế, những thiệt thòi kẻ thù gây tổn hại cho ta thật không thám vào đâu cả [tái-Sinh].
·       Thí dụ khi gặp người khác phái:
-       Đã trải qua vô lượng kiếp sống thì thế nào người này cũng đã từng là bố, mẹ, hoặc anh, em, bà con với ta rồi [tái sinh].
-       Có thể bây giờ họ trông đẹp đẽ, nhưng được bao lâu? Sau này trông sẽ ra sao? [vô-thường].
-       Vẻ xấu / đẹp của người khác phái cũng chỉ là do ta tin tưởng ở cái giá-trị xã hội đã gán đặt như vậy.
-       Dưới lớp da mịn màng chỉ là máu mủ tanh hôi [bất tịnh].
-       Có thể bây giờ tính tình họ thùy mị, quân tử thật dễ thương, nhưng họ còn những tính (xấu) nào nữa và có được mãi vậy không? [vô thường]
-       Nhiều khi đã từng là kẻ thù với nhau và bây giờ gặp lại để thanh toán mòn nợ củ [tái sinh và nhân quả]
-       Bây giờ chỉ có một mình nhưng sau này khi có hai mình và cả đám con cháu, tức là ta tự tạo thêm những vướng bận [duyên]; chẳng những vậy, vì muốn vợ / chồng con được no đủ, ta bị ràng buộc vì công ăn việc làm [Khổ], đâm ra hèn hạ và nhiều khi phải làm những chuyện phi pháp có hại cho kẻ khác [tạo nghiệp]
-       Trường hợp con cháu ta hư hỏng (chẳng có gì bảo đảm là chúng sẽ ngoan ngoãn, nên người) sẽ mang lại sự phiền muộn [Khổ]
-       Nói tóm lại, hạnh phúc mà ta cầu mong và bám chấp qua sự liên hệ với người khác phái sẽ làm cho cái tôi [ngã] ngày càng lớn mạnh (chồng / vợ tôi, con cái tôi, gia đình tôi, v.v…)Hạnh phúc có được này phải nương tựa vào những yếu tố khác [duyên-khởi] nên nó không có thực chất [vô-ngã / tánh-không] và nó nằm ngoài sự kiểm soát của ta [Khổ].
Sau đây là phần thực hành căn cứ trên sự vận hành của ngũ uẩn [xem chương ngũ uẩn]:
SẮC-THỨC-TƯỞNG-THỌ-HÀNH
            Vì không hiểu biết về các định luật nên giá trị mà ta thẩm định cho mọi thứ cũng bị sai lầm. Những giá trị không trung trực này được ghi nhận kèm theo các sự kiện trong ‘hồ sơ’, và khi được TƯỞNG lôi ra chúng sẽ kích động những cảm THỌ sướng-khổ, rồi thúc đẩy ta khởi tâm Tham-Sân-Si và tạo nghiệp ở HÀNH.
            Việc tu tập cũng không khác gì dọn cái nhà kho, ta phải làm việc:
1)   Thải bỏ đồ ra ngoài (sửa đổi, tẩy xóa giá trị trong hồ sơ ở giai đoạn THỨC và TƯỞNG), đồng thời
2)   Ngăn chặn không mang thêm đồ vào (không để Tham-Sân-Si sinh khởi ở giai đoạn HÀNH). THỌ đóng vai trọ rất quan trọng (Thọ được nhắc đến trong ngũ uẩn, thập nhị nhân-duyên, Tứ-Niệm-Xứ), nó là dấu hiệu chỉ cho ta biết hồ sơ vẫn còn những giá trị gì, và nếu nhận biết nó kịp thời thì ta có thể tự kiềm chế không để bị đẩy qua giai đoạn HÀNH. Dừng lại trước giai đoạn HÀNH rất cần thiết, vì như vậy, ngoài việc ngăn chặn không gây tạo thêm nghiệp, những tâm Tham-Sân-Si cũng sẽ không có cơ hội để tăng trưởng được; những khuynh hướng như buồn-vui-giận-ghét, v.v…sẽ tăng trưởng mỗi khi được lập lại, cũng giống như vết hằn của con đường mòn sẽ càng sâu đậm hơn sau mỗi lần đi qua.
            Chuyển tâm cũng là Tu-Tâm – nghĩa là sửa đổi tâm, mà sửa đổi tận gốc rễ là sửa đổi hoặc xóa tẩy giá trị trong hồ sơ, và như vậy sẽ không có gì để bám chấp, để phân biệt. Khi Tưởng lôi hồ sơ ra mà không có giá trị đính kèm- hoặc giá trị được hiểu là mang tánh-Không, đã bị vô hiệu hóa bởi tánh-Không – thì Thọ không sinh khởi, Thọ không sinh khởi thì Hành (Tham-Sân-Si) không sinh khởi, Hành không sinh khởi thì không tạo nghiệp.
1)     Sau đây là giai đoạn Hành, ngăn chặn không mang thêm đồ vào:
SẮC – THỨC – TƯỞNG – THỌ - HÀNH
Sau khi một sự việc gì xảy ra (không nhất thiết là xảy đến cho cá nhân ta mà có thể là những sự việc và hiện tượng ta chứng kiến về những người và vật xung quanh, thí dụ như mục kích hai kẻ giận dữ cãi nhau, hoặc nghe nói chiến tranh bùng nỗ ở xứ nào đó, hoặc có kẻ vui mừng vì được thăng quan tiến chức, hoạc lụt lội, chết đói, .v.v…), cảm Thọ sưởng khổ khởi lên cho ta biết hồ sơ vẫn mang giá trị tốt xấu, nếu có bắt kịp và dừng lại được ở Thọ, hoặc khi đang ở HÀNH, hoặc khi đã xong giai đoạn HÀNH, ngay lập tức ta đều quán sát sự việc theo các định luật như trên. Trường hợp không thuận tiện ngay lúc đó, ta quán biến cố này vào dịp khác, chẳng hạn như vào giờ thiền buổi tối.
2)     Sau đây là giai đoạn Thọ, vừa ngăn chặn vừa sửa đổi:
SẮC – THỨC – TƯỞNG – THỌ - HÀNH
Khi có cảm THỌ [dễ chịu (lạc), khó chịu (khổ) hoặc vô ký (không sướng không khổ)] sinh khởi – tức là vẫn có giá trị tốt xấu, hay dở trong hồ sơ (Tưởng) – ta lại nghiệm xét sự vật theo định luật; và khi đi vào chiều sâu (thường là qua các pháp thiền quán), ta sẽ nhận thấy chỉ có tinh thuần những cảm giác sướng khổ đến rồi đi do duyên khởi, chúng chẳng là sở hữu của ai, và chỉ có cái tâm đang ghi nhận chúng chứ cũng chẳng có ai đang kinh nghiệm chúng cả. Dừng lại được ở đây ta sẽ không bị đẩy qua Hành.
3)     Sau đây là giai đoạn Tưởng,  sửa đổi giá trị, thải bỏ đồ ra:
SẮC – THỨC – TƯỞNG – THỌ - HÀNH
Tùy ở các cấp độ thiền định thô thiển hoặc sâu xa, cách thức sửa đổi giá trị trong hồ sơ là ta thường xuyên quán sác các định luật trong mọi sinh hoạt hàng ngày, nhất là mỗi khi có sự việc gì xảy đến ta hoặc kẻ khác, và trong giờ thiền tọa (ngồi thiền).
Các cách thức sau đây trong pháp thiền Tứ-Niệm-Xứ cũng giúp ta đánh giá lại mọi thứ:
a)     Quán Thân:
            Thấy rõ tất cả hiện tượng vật chất kể cả thân xác đều do TỨ-ĐẠI [bốn yếu tố căn bản] cấu thành [duyên khởi], bởi vậy chúng không có gì đáng yêu quý [chỉ có giá trị tương đối] và chẳng có ai làm chủ chúng cả [tánh-Không].
            Chỉ có ý định (tâm) phát khởi rồi theo sau là những tư thế đi-đứng-nằm-ngồi (thân), tức là chỉ có những hiện tượng thân-tâm diễn tiến chứ không có ai đang đi-đứng-nằm-ngồi, bởi vậy không có lý do gì để bám chấp vào thân xác này.
            Do 32 thành phần (tóc, thịt, mỡ, xương, tim, gan, v.v…) dơ bẩn tạo nên cơ thể, bởi vậy cơ thể này và cơ thể khác đều không có gì đẹp đẽ đáng để bám chấp, yêu quý.
            Chín giai đoạn tan rã của tử thi cho thấy cái thân xác dơ bẩn tạm bợ này rồi sẽ đến lúc hủy hoại, nó chẳng đáng yêu quý và chẳng có ai là chủ nhân của nó cả.
// Ở trình độ hiện thời ta cần nhìn thân xác là dơ bẩn (bất tịnh) để đối trị lại với giá trị đẹp đẽ ta gán đặt cho nó. Cách thức này tạm thời dùng để trị tâm bám chấp, vì chẳng có gì thật sự dơ sạch – dơ sạch cũng chỉ là tên gọi, tánh của chúng là Không. //
b)    Quán Tâm:
            Chỉ có hiện tượng tâm (vui, không vui, giận, không giận, buồn ngủ, v.v….) sinh rồi diệt [vô-thường] do duyên khởi [tánh không] chứ chẳng thật có ai chủ động đằng sau.
4)     Sau đây là giai đoạn THỨC, thải bỏ đồ:
SẮC – THỨC – TƯỞNG – THỌ - HÀNH
Ngay khi vừa nhận biết – THỨC- sự vật, chẳng hạn như thấy vật gì hoặc nghe âm thanh gì, hoặc ngửi, nêm, chạm, ta ghi nhận là chỉ có sự thấy (“thấy, thấy, thấy, …”) hoặc chỉ có sự nghe (“nghe, nghe, nghe,…”). Như đức Phật đã từng dạy một vị bà la môn, “Trong cái thấy chỉ có sự thấy, trong cái nghe chỉ có sự nghe, trong…”. Ngăn chặn tại THỨC tức là “thu thúc lục căn”, ta không đeo đuổi đối tượng qua TƯỞNG, THỌ, HÀNH để rồi sinh khởi vọng tưởng. Theo phương pháp này [pháp Thiền của Tứ-Niệm-Xứ] hành giả dừng lại ở ngay THỨC để nhận biết là không thật có ai đang nghe, thấy, …mà chỉ có đối tượng – hình tướng, âm thanh, v.v…hoặc sự thấy, sự nghe, .v.v…và cái tâm đang ghi nhận đối tượng, với mục đích là thấy rõ cả đối tượng lẫn cái tâm ghi nhận đều là hiện tượng do duyên khởi, chúng không thật có.
            Lưu ý: Một tên gọi khác thường được dùng thay cho thiền Quán (chánh-Niệm) là ‘tỉnh thức’. Theo nghĩa tỉnh thức, hành giả thường được hướng dẫn là trong mọi giây phút phải nhận biết những hành vi cử chỉ của mình, thí dụ như đi thì biết là mình đang đi, rửa bát biết mình đang rửa bát, gánh nước bổ củi biết mình đang gánh nước bổ củi, v.v… tức là hành giả sống trong giây phút hiện tại, không tưởng về quá khứ mà cũng không nghĩ đến tương lai. Như vậy, phiền não không bị quậy khởi và vọng tưởng không bị phát sinh, do đó hành giả được hưởng giây phút an lạc trong hiện tại, đồng thời không gây tạo thêm nghiệp dữ. Nhưng nếu pháp tỉnh thức này dừng lại ở đây và chỉ có vậy thì vẫn chưa đúng nghĩa của pháp thiền-quán. Tỉnh thức theo lối này chỉ là sự chú ý hoặc chú tâm vào công việc làm của mình, nó không tận diệt được gốc rễ của Tham-Sân-Si, không phát triển được Từ-Bi-Hỷ-Xả và không dẫn đến trí-huệ giải thoát. Một kẻ trộm đang lẻn vào nhà một nạn nhân nào đó thì chắc chắn là hắn dang sống trong hiện tại, sự tỉnh thức đều hiện diện trong mỗi bước chân của hắn (sợ rằng sự tỉnh thức của ta trong các buổi thiền tập cũng không tinh thuần bằng), nhưng dĩ nhiên là hắn sẽ chẳng phát huy được trí huệ gì cả và sự ‘tỉnh thức’ này sẽ chẳng giúp hắn thánh thiện gì hơn.
            [Những pháp thiền Đại Thừa và Kim Cang Thừa sẽ được bàn trong tập hai – Thảo Luận].

H.  KẾT LUẬN
1)     TU LÀ GÌ?
            Tu là sửa. Sửa, hay chuyển hóa, cái tâm từ nẻo qua đường chính. Việc sửa đổi đòi hỏi sự hiểu biết về định luật Ta-bà, cách thức hoạt động của tâm và phương pháp tu tập.
2)     TU NHƯ THẾ NÀO? PHƯƠNG PHÁP?
            Bát Chánh Đạo (Giới-Định-Huệ).
3)     TẠI SAO TU?
            Nếu tu tập đúng theo quy tắc chánh-Niệm thì nhất cử nhất động, trong tất cả các hành vi thân-khẩu-ý, ta đều phải để ý xem chú ý ở đằng sau là gì. Nói cách khác, ta phải kiểm soát những hành động của ta do động cơ nào – thanh tịnh hay không thanh tịnh – thúc đẩy. Có những kẻ đi học chỉ để có được công ăn việc làm tốt đẹp, đời sống thoải mái. Cũng có những người khác đi học với mục đích giúp ích cộng đồng, xã hội sau này. Cùng một việc làm nhưng khác động cơ. Vậy động cơ [motivation] thúc đẩy ta tu hành là gì? Nếu tu hành chỉ để thoát thân cho riêng ta thì cũng là điều tốt rồi, tuy nhiên tất cả chúng sinh đều có sự liên hệ mật thiết với nhau nên động cơ tu hành của ta cần phải rộng lớn hơn nữa.
            Ta tu với mục đích là tự giải thoát và để hướng dẫn cho người đi sau.
            Nói chung, muốn thành công trong công việc gì ta cần phải có ý định kiên quyết. Và trên đường đi, để tránh trường hợp bị lung lạc thối thất giữa chừng, nhất là con đường tu hành, con đường dài gần như vô tận, ta buộc mình vào sự quyết tâm hay nguyện vọng này bằng cách phát nguyện. Như đứa bé tự bảo là nhất định sẽ trở thành nhà bác học thì nó không dễ gì bị chuyện khác lôi cuốn, và nhờ chí nguyện mạnh mẽ đó, sự khó nhọc của việc học đã nhẹ đi được phần nào rồi. Nói riêng về việc tu hành, ta phát khởi ước nguyện cao thượng nhất là đạt đến vị Phật để được lợi ích tối đa cho mình và cho chúng sinh.
            Phát nguyện tu hành đát đến quả vị Phật để cứu giúp chúng sinh tức là phát bồ đề tâm, tức là ta đi con đường bồ-tát-đạo [xem chương Bồ Tát]. Bồ Đề Tâm được đặt trên cơ sở Từ-Bi-Hỷ-Xả (bốn vô lượng tâm), vì nếu không có hoặc không chịu đạo luyện bốn loại tâm ‘vô lượng’ này thì việc phát bồ-đề-tâm chỉ có tính cách trên lời nói chứ không có thực chất. Một cách tổng quát, ta đã biết cách phát triển Từ-Bi-Hỷ-Xả là quán chiếu Khổ và các định luật Ta-bà (ngoài ra, cũng có các pháp quán đặc thù của Nguyên Thủy và Mật Tông Tây Tạng).
            Nhìn từ một khía cạnh thì tâm xả lại là nền tảng cho ba tâm kia, từ-bi-và hỷ. Xả nghĩa là buông bỏ, đối nghịch với ‘chấp’ – nắm, bám víu. Và tâm xả cũng có nghĩa là tâm bình đẳng, vì nếu tâm còn phân biệt tốt xấu, thân sơ, v.v…ta sẽ thiên vị và vướng vào chấp trước. Bởi vậy, nếu không có tâm xả thì khó lòng phát triển được các tâm từ-bi-và hỷ. Xả lại phải dựa vào trí huệ, loại trí huệ nhìn thấy điểm tương đồng (‘mẫu số chung’ [common denominator] của chúng sinh – tất cả đều tìm cầu hạnh phúc và xa lánh khổ đau – và của vạn pháp – tánh Không. ‘Bình Đẳng’ ở đây là nói theo hai nghĩa này.
4)     LÀM THẾ NÀO để luôn luôn đi đúng đường?
            Phải trao dồi Chánh-Kiến.
5)     LÀM THẾ NÀO để tương lai, các kiếp sau này vẫn được tiếp tục con đường tu hành?
            Thực hành Sáu-Ba-La-Mật [xem chương Bồ Tát] sẽ giúp ta phát triển trí huệ  và tạo phước, như vậy sau này ta đỡ phải bận tâm về phương diện vật chất, đồng thời dễ gặp được hoàn cảnh thuận lợi, chân sư và các bậc thiện tri thức (những người cũng đi trên con đường đạo) hướng dẫn. Điều này dễ hiểu, đức Phật có giảng, khi một cành cây bị cắt xuống, nếu đang chĩa về hướng nào thì nó sẽ rớt về hướng đó; bởi vậy, trong kiếp này nếu triệt để dồn hết tâm trí hướng về đạo thì nó sẽ là động lực dẫn dắt ta tiếp tục trên con đường đạo trong những kiếp sau.
6)     HÃY VẮN TẮT và ĐƠN GIẢN nói lại những điểm chính yếu về THIỀN TẬP  cho người sơ cơ.
            Chương Tu Tập ở trên đã đề ra một cách sơ lược nguyên tắc về cách thức tu tập dựa trên trên những bối cảnh đã được bàn qua ở các chương trước. Các pháp thiền tập, ngoại trừ một số pháp đặc biệt, tuy có sai biệt về phần hình thức (vì cá tính khác nhau của chúng sinh), nhưng nói chung chúng đều phải thực hành theo đúng nguyên tắc. Tuy nhiên chúng ta gặp phải vấn đề là pháp môn tu tập thì quá nhiều, trong khi phần đông sơ cơ như chúng ta lại không có Thày hướng dẫn trực tiếp. Do đó chúng ta rất dễ bị hoang mang bối rối.
            Để đơn giản hóa [simplify] vấn đề, bước đầu tu tập(kể cả về đường dài) chúng ta cần nên tập trung vào ba điểm sau đây:
a)     Thay đổi quan niệm, lối nhìn (Chánh-Kiến)
b)    Sám hối:
            Quay trở lại câu hỏi là làm sao để biết được những nghiệp xấu ác ta đã từng gây tạo trong những kiếp quá khứ? Và ta phải hóa giải như thế nào?
            Xét theo luật nhân-quả, những tai họa, rủi ro, hoặc những hoàn cảnh bất hạnh như nghèo hèn, phải sống ở vùng không an ninh, v.v…mà ta gặp phải chính la những dấu hiệu cho biết ta đã từng là kẻ keo kiệt, kêu mạn, gây bất an cho kẻ khác, v.v…Biết vậy, thay vì than thân trách phận, ta sám hối. Và khi bị những kẻ gian ác hãm hại, ta phải hiểu là họ hại ta như thế nào thì ta đã từng hại kẻ khác đúng như thế. Nhờ họ mà ta thấy được tội ác ta đã gây tạo trong quá khứ. Bởi thế, thay vì căm hận và nguyền rủa kẻ ác, hoặc tìm cách báo thù, ta sám hối.
            Nghiệm xét trên phương diện tái-sinh, với chuỗi sinh tử trải qua vô lượng [innumerable] kiếp, có lẽ ta chưa từng bỏ qua một hành động sai quấy nào. [Như trường hợp Ngài Mục Kiền Liên, một bậc A-la-hán, đã từng giết bố mẹ trong một kiếp trước]. Bởi vậy, những gian trá, đồi bại [corruption], tội ác, v.v…mà ta chứng kiến hàng ngày không phải là để ta lên án, mà chúng đều là những nhắc nhở để ta sám hối.
            Sám hối nghĩa là:
            a) nhìn nhận lỗi lầm mình đã phạm.
            b) thật tâm ăn năn hối lỗi.
            c) quyết tâm không tái phạm lỗi lầm này nữa [Kinh Nhật Tụng có chỉ cách thức sám hối].
c)     Đem Đạo vào Đời:
                        Nghĩa là áp dụng Phật Pháp vào đời sống. Trong ngày ta cố gắng tỉnh thức [be mindful of] để kiểm soát các hành động (Thân), lời nói (Ngữ) và tư tưởng (Ý) có phải do động cơ Tham-Sân-Si thúc đẩy hay không? Đời sống luôn luôn biến động và rất phức tạp, nên có thể việc nhận bắt được tâm Tham-Sân-Si trong các sinh hoạt hàng ngày không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, đến cuối ngày ta có thể bỏ ra chút ít thời giờ kiểm điểm lại các hành vi thân-ngữ-ý trong ngày và tìm cho ra động cơ Tham-Sân-Si đằng sau; rồi xét xem tâm Tham-Sân-Si sinh khởi vì ta đang bám vào những giá trị gì, có những mong đợi gì ở người khác, v.v… để thấy rõ cái nhìn và những giá trị sai lầm của ta.
            Tham và Sân là hai tâm trạng đối lập nhau được sinh khởi bởi những giá trị có tính cách đối-đãi như hay / dở, tốt / xấu, v.v…do ta định sẵn. Nếu ta kiên trì thực hành theo ba điểm trình bày ở trên thì tâm Tham-Sân-Si sẽ phải giảm trừ dần và khoảng cách giữa giá trị tốt và xấu, hay và dở, v.v… sẽ phải thu hẹp lại. Tu tập như thế tức là Thiền Quán và đấy cũng là bước đầu để ta vượt ra ngoài vòng ảnh hưởng của đối-đãi.


0 comments:

Post a Comment