Chiều nay là buổi thỉnh nguyện của thiền viện, sẵn việc Thầy đến đây thăm, có câu chuyện chia sẻ với đại chúng. Thiền viện đang xây dựng, chư huynh đệ mới ra lãnh trọng trách, chúng vào tu cũng mới, các vị tịnh nhân cư sĩ, ở gia đình chỉ biết đi học và vòi vĩnh tiền bạc của cha mẹ để đóng học phí hay ăn quà. Bây giờ phát tâm vào chùa tu, sống đời sống tập thể, làm quen với nếp sinh hoạt thiền môn nên các con còn bỡ ngỡ chưa quen. Nếp sống sinh hoạt tập thể này mang tính cộng trụ, vì vậy Lục hòa là xương sống, là tham mưu chỉ đạo cho cuộc sống của chúng ta.
Lục hòa nói đủ là Lục hòa cộng trụ, gồm có thân hòa đồng trụ tức cùng ở yên một chỗ, khẩu hòa vô tránh nghĩa là lời nói luôn hòa thuận không được tranh cãi, ý hòa đồng duyệt tức tâm ý luôn vui vẻ, giới hòa đồng tu là cùng nhau gìn giữ giới của Phật tu hành chân chánh, kiến hòa đồng giải những suy tư hiểu biết về Phật pháp cùng bàn luận thông suốt, lợi hòa đồng quân tức là chia sẻ như nhau về lợi dưỡng. Tất cả chúng ta cùng sống trong tinh thần lục hòa như vậy chắc chắn vui và tiến mãi trên đường tu.
Có một thời gian Thầy vừa lớn lên cũng bị anh em dị nghị chuyện này chuyện nọ. Thầy không biết quí vị đó tốt hay có ý gì với mình, nhưng một số vị lớn tuổi luôn nhắc nhở rằng những ai dám nói dám làm là người tốt. Thầy cứ tin như vậy và tự nhủ lòng vàng thiệt không sợ lửa. Nhiều vị lo sợ Thầy bị kẻ xấu có ý não hại. Thầy thầm nghĩ mình tu hành có cái gì đâu để mà hại. Hiện thời Thầy chỉ là một tăng sĩ không có sự nghiệp, tài năng, địa vị gì hết. Hại cái gì? Ai có thể hại mặt đất. Do vậy Thầy sống bình thường, nhưng thật ra cái bình thường đó là một sự cố gắng hết lòng của Thầy.
Thầy nghĩ sống trong đại chúng, có lỗi mình sám hối, không lỗi ta cứ an vui bình thản, ai nói gì thì nói. Các con nên nhớ mọi việc chúng ta làm hay nghĩ đều có chư Phật, chư Bồ-tát thiện thần ủng hộ chứng minh. Vì vậy đại chúng chính là môi trường tốt nhất có thể nuôi dưỡng và bảo vệ công phu tu hành của chúng ta. Lúc nào cũng vậy, đức Phật luôn ở trong lòng Thầy. Hồi xưa chưa hiểu về thiền nhưng Thầy thấy đức Phật vô cùng gần gũi và ngài sẵn sàng chỉ đạo, hướng dẫn mình tu hành vượt thoát bể khổ trầm luân. Hồi nhỏ Thầy cô độc lắm nhưng luôn thể hiện sự cương quyết. Đối diện với những câu chuyện, những nhân vật nghịch duyên, Thầy không sợ hãi, cứ tin trong lòng có Phật là qua hết.
Nghèo khó, khen chê, được mất… luôn là những cơ hội để chúng ta vươn lên. Tập sống bình thường trước mọi cảnh duyên tức là tập chủ động lấy mình. Không nên để ý chuyện người, chỉ lo việc bổn phận của mình. Thầy nghĩ điều này các con có thể thực hiện được. Các con cũng nên tin như vậy. Có lúc đối diện với những sự việc mà Thầy dường như tắt lối hết đường đi, bao tử đau dữ dội. Thiên hạ nói bệnh bao tử là bệnh phiền não. Đúng như vậy. Một khi phiền não quấy nhiễu thì đừng nói bao tử mà lục phủ ngũ tạng của chúng ta sẽ rối tung lên. Cho nên thương mình thì đừng đẩy mình vào đường cùng làm chi. Buông hết mọi vọng lự đi, đừng thèm nghĩ ngợi gì nữa, tự nhiên sẽ khỏe thôi. Những lời này là kinh nghiệm sống, các con đừng bỏ qua, hãy cất nó vào tay nãi, về sau sẽ thấy rất cần thiết. Thầy luôn luôn nói thật lòng và tin tưởng các con cũng thật lòng.
Lúc nhỏ đau bao tử, Thầy không biết uống thuốc gì và cũng không nghĩ phải đi bác sĩ. Thầy nghiền ngẫm suy nghiệm mong tìm ra một thứ gì đó để uống, và nghĩ rằng mình có Phật, Phật sẽ chỉ đạo hướng dẫn Thầy uống thuốc hết bệnh. Như người có chiếc gối, trong chiếc gối có ông tiên. Khi cần người đó cầm chiếc gối lên nói điều ước, rồi bỏ chiếc gối xuống thì mọi việc sẽ được như ý. Thầy nghĩ đức Phật trong lòng cũng vậy, Ngài đầy đủ trí tuệ dẫn đạo cuộc đời mình. Các con biết không, chỉ có tu mới trừ được phiền não, tu mới giải tỏa hết bệnh tật. Bao giờ chúng ta cương quyết thực hiện tâm nguyện của mình nên trình trước Tam Bảo, có thế lực tu mới mạnh và vững.
Về cách trị phiền não như thế này: Phật nói phiền não không thật nhưng bây giờ nó bám trên thân tứ đại, chi phối thân tâm nhọc nhằn đây, làm sao nói nó là giả? Khi nào chúng ta tu đạt đạo, thấy rõ bản chất nó không cố định, không thật, chỉ nhìn nó cười thôi. Hiện tại chúng ta đang sống, đi đứng, ăn uống, tiếp cận mọi cảnh duyên, có đối tác rõ ràng nên nói không thật thì không được, có mà giả có. Các vị Tổ thuộc tông Hoa Nghiêm nói vọng tưởng giả có, vì chúng sanh chấp là thật nên khổ. Phật tổ, thiện hữu tri thức, các bậc thầy luôn răn nhắc phiền não điên đảo là giả, không thật có nhưng để vượt qua nó, chúng ta phải thực sự có lực dụng mới giải tỏa nổi loại dây mơ rễ má này.
Đối với bệnh bao tử, có người khuyên nên ăn cháo nếp, họ bày cách ăn làm sao cho dễ, nhưng Thầy thấy rườm rà quá vì thêm một điều gì đó là thêm phiền não. Chúng ta nên để ý điều này, trong lòng thêm một vấn đề gì dù ngọc ngà châu báu cũng thấy mệt. Cho nên chúng ta cứ cắn răng chịu đựng, sử dụng cái mình sẵn có thì sẽ giảm nhẹ rất nhiều. Thầy hay nói câu: “Trời trưa nắng gắt, gánh nặng đường xa, bước lên đoạn đường dốc ngược càng đi càng đuối sức. Người khôn thì không để bất cứ thứ gì thêm vào gánh, phải thải dần hết đồ trong gánh ra đi cho nhẹ, cuối cùng bỏ luôn gióng gánh”. Nên nhớ đường đã xa dốc lại ngược, dù cho chất thêm ngọc ngà châu báu đều là nặng nhọc thôi.
Nếu biết đem Phật pháp vào trong đời sống thì chúng ta sẽ tìm ra được một lối thoát. Các con vững niềm tin nơi chánh pháp, vâng theo sự hướng dẫn của chư tôn đức Tăng Ni, hành trì Phật pháp chân chánh, chắc chắn sẽ có niềm vui trong công phu tu tập. Khi có niềm vui rồi chúng ta sẽ vững niềm tin hơn nữa đối với chánh pháp. Một người khi phát tâm tu là đã có niềm vui, càng có niềm vui thì càng vững niềm tin, càng vững niềm tin thì càng siêng tu. Trong các con, đứa nào muốn về nhà hay thối thác sự tu là chưa vững niềm tin đối với Phật pháp. Đó là nói về niềm tin trong đời sống, tiến thêm nữa là tin tâm mình.
Lớp thiền sinh đầu tiên mà ngày xưa Hòa thượng Ân sư huấn luyện trên Chân Không chỉ có 10 người. Ngài dạy “Tôi nuôi mấy chú ba năm chỉ muốn mấy chú tin được tâm mình mà thôi”, nhưng không biết mấy ai đã tin được, vì sao? Vì xuống núi chuyện này chuyện kia vướng víu, buồn giận tham sân nổi dậy, trôi dạt tha hương, không còn nhận ra tâm nữa, biết đâu mà tin! Người thực sự tin tâm mình, chỉ cần quay trở về sống được với tâm thì tất cả những thứ kia sẽ biến dạng, không tồn tại nổi.
Khi bị bệnh, huynh đệ đến giúp đỡ các con thường hay ngại và nói “Tôi không dám làm phiền huynh đệ đâu”, nhưng thực sự một mình rất cô đơn. Khi người ta phụ lo thì không muốn, lúc không ai ngó ngàng tới lại buồn tủi, như thế là mình tự dối lòng. Nên nhớ chúng ta cùng sống trong một mái chùa là đã coi nhau như ruột thịt, cứ thật thà với huynh đệ, không nên ngần ngại. Chúng ta gầy dựng một cuộc sống chân thật bình thường, không nên suy tư đắn đo. Nói thế các con đừng hiểu lầm là Thầy đã hoàn chỉnh. Không, Thầy cũng nhăn nhó, đau đớn, đôi lúc rơi nước mắt mà nuốt ngược vào bên trong. Cho nên Thầy có sáng tác hai câu thơ: “Đường đời vạn lối muôn sầu khổ. Kiên trí ngày đêm nhẫn nhịn nhường”. Đó là cách an ủi động viên bản thân của Thầy những khi gặp khó khăn về thân cũng như tâm.
Chúng ta được sống chung trong một ngôi già lam, xét cho cùng không phải nhân duyên chỉ có trong đời này mà là nhiều đời, cũng từng nguyện từng hứa với nhau như thế nào đó, bây giờ mới cùng tìm đến một nơi, sống tu một chỗ. Phải nói đây là ruột thịt, cho nên người xưa bảo Linh sơn cốt nhục, tức chúng ta cùng một dòng họ Thích, cha là đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Đại chúng cùng nương lời Phật dạy, lấy Lục hòa làm xương sống, siêng năng tu tập ngõ hầu giải tỏa tất cả những gì còn vướng trong tâm, để huynh đệ thật sự nhìn nhau là con một nhà. Chỉ có tu mới giữ được sự an tĩnh, vui vẻ, tươi tắn. Nếu không, phiền não sẽ nổi dậy tấn công chúng ta đi trong đau khổ triền miên.
Trong thời gian Thầy bị đau bao tử, mỗi khi cúi xuống lạy Phật bụng rất đau. Mấy vị biết về Đông y nói coi chừng bị loét bên trong, nếu bị loét phải nằm nhà thương ba đến sáu tháng. Nghe xong, Thầy tự nhủ như vậy là nửa năm nằm trong bệnh viện, ai nuôi, tiền ở đâu, phải làm sao? Vô trong nhà thương xin cơm ăn thì được mà ai nuôi mình đây, rồi tiền đâu mua thuốc men, đóng viện phí, nhất là việc học hành bỏ ngang? Thầy sợ quá nên luôn dặn cái bao tử đừng có bị loét nha. Bấy giờ Thầy nghĩ chỉ ráng tu mới chuyển hóa nổi, không tu cái mặt cứ rầu rầu, quạo lên mất lòng mọi người hết. Tu bằng cách nào? Lúc đó chưa gặp Hòa thượng Ân sư nên Thầy chưa biết tu thiền. Lạy nhiều cúi nhiều không được, nên Thầy tự chế ra một cách tu. Thời gian mọi người nghỉ trưa, Thầy lén lên Chánh điện niệm Phật. Đây là thời gian Thầy niệm Phật nhiều nhất.
Có một Phật tử làm nghề may, cô phát tâm may đồ cúng dường quý thầy. Cô hỏi thăm Thầy:
- Lúc này Thầy có mạnh không?
- Cũng mạnh.
- Thầy tu hành tốt không ?
- Lúc nào mạnh thì tu hành tốt
- Lúc bệnh Thầy tu như thế nào?
- Lúc bệnh càng tu nhiều hơn, cố gắng chuyển hóa những thứ bất như ý của mình bằng lực tu hành.
Cô nghe xong, hơi buồn. Thấy vậy Thầy hỏi:
- Cô sao vậy?
- Con đang có chuyện không vui.
- Vậy tu đi.
Và Thầy hướng dẫn cho cô ấy tu giống như Thầy, sau một thời gian cô hết buồn. Khi chúng ta gặp điều khó khăn mà càng phấn chấn tu thì càng có niềm vui, phiền não, bệnh tật sẽ không làm nhọc mình. Tu được như vậy là có đạo lực. Một khi chúng ta tu đắc lực, tin tưởng lời dạy của chư Phật sẽ hóa giải những cù cặn trong thân tâm. Đây gọi là điều trị bệnh tật bằng công đức hành trì. Nếu chúng ta không biết hóa giải mà chỉ dồn nén phiền não vào bên trong giống như lấy đá đè cỏ, cỏ không chết chỉ nằm xuống và chờ cơ hội bộc phát lên mạnh mẽ hơn mà thôi. Cũng vậy tập khí cố chấp, oán hận, tất cả những cù cặn, phiền não sẽ không bao giờ hóa giải được nếu mình không biết tu. Nhiều người đem lời Phật tổ dạy ca tụng cho Phật tổ nghe, sáng trưa chiều tối đều tụng Bát-nhã mà thấy cái gì cũng còn nguyên, chưa “không” được cái nào cả thì chưa thể gọi là vâng lời Phật dạy.
Tất cả kinh sách, huấn thị của Phật Tổ đều phải được tiêu dung qua công phu tu hành đích thực của chúng ta thì mới có giá trị. Người đã có công phu thực sự tự nhiên toát lên công đức, phong cách dễ mến dễ gần. Cho nên người tu hành là vui, thoải mái, không có phiền não, luôn luôn trang nghiêm và hòa nhã. Hòa thượng Trúc Lâm dạy từng bước tu hành, trải qua từng giai đoạn công phu, chúng ta sẽ có được những phút giây tiểu ngộ. Tiểu ngộ là những cái ngộ nho nhỏ.
Các con đọc kinh thấy chư Phật, chư Bồ-tát giác ngộ, bậc đại nhân giác ngộ, các bậc Thầy của mình giác ngộ là đại ngộ. Chúng ta tu hành cảm nhận được thâm ý của Phật tổ, thấy trong lòng vui thích, đây cũng là ngộ nhưng chỉ nho nhỏ thôi. Kết nối từ lúc bắt đầu đến thiền viện tu hành cho tới 10 năm, 15 năm và bây giờ là đã 30 năm rồi, nếu người nào có sự giác ngộ liên tục, triệt để, đó là triệt ngộ. Đối với chúng sanh thời nay, đại ngộ triệt ngộ không phải là không, nhưng với điều kiện phải kiên quyết, dứt khoát, thẳng đường lối nhà thiền đã vạch sẵn thì sẽ được kết quả mỹ mãn. Phật tổ đã lên tới mức thượng đỉnh, chúng ta đang bò dưới này, nhưng tin tưởng sẽ có ngày mình cũng lên tới đỉnh. Vững niềm tin như vậy nhất định chúng ta sẽ tu hành tới nơi tới chốn.
Đó là vài kinh nghiệm nho nhỏ mà Thầy thể nghiệm từ bản thân. Hồi xưa trước khi lên Chân Không gặp Hòa thượng, vào khoảng thập niên 70 Thầy chưa biết mình có khả năng giác ngộ, tiểu ngộ hay đại ngộ. Lúc đó lăng xăng quá, mặc dù cũng hiểu lời Phật dạy phải có công phu tu hành mới thẩm thấu lẽ đạo, mới thật sự an ổn nhưng trên thực tế mình chỉ đọc tụng suông. Lúc làm chú tiểu cỡ 10 tuổi Thầy đã biết tụng kinh và được nhiều người mến mộ lắm. Trong chùa quê mỗi lần đọc những bài sám, bài kệ, bài kinh ngắn, Thầy được người ta cho năm đồng, ba đồng, xoa đầu khen “Ráng tu nghe con”. Thầy thích lắm. Vào chùa cùng mấy huynh đệ nhỏ, đi tụng kinh người ta rất thương, lớn lên quen biết được nhiều Phật tử ủng hộ và có tình cảm làm mình lao xao. Thầy phải nhờ sự tu hành hóa giải, mới dần qua hết những giai đoạn rối rắm thời tăng trẻ.
Trong thời tụng kinh phải có sự hòa hợp. Hòa hợp thế nào? Người xướng giọng trầm thì chúng ta tụng giọng trầm, đánh mõ nhanh chúng ta tụng nhanh. Nếu xướng cao xướng bổng chúng ta cũng phải tụng cao, đánh mõ chậm phải hòa âm chậm. Khi đang tụng, nếu chỉ nghe tiếng của mình thôi thì phải điều chỉnh ngay, tự ý thức sửa lại. Cho nên ngay trong thời tụng kinh là đã tu rồi. Hòa thượng Trúc Lâm dạy tu trong các thời, tu trong mọi hoàn cảnh, bây giờ Thầy rất cảm thông lời này. Nhớ lại hồi nhỏ Thầy thật buồn cười, đi đám được người ta cho đồ ăn cho tiền nên Thầy nghĩ mình làm thầy đám như vậy cũng khỏe, cũng đủ quá rồi. Làm thầy đám một thời gian, lớn lên có người ủng hộ cất chùa mình ở, có gì khó đâu. Tuổi thơ của chúng ta tuy khờ dại, nhưng lại hết sức chân chất, ngộ nghĩnh, dễ thương, phải không các con.
Không phải thành công trong cuộc đời là có danh vị mà là yên vị với những gì mình đang có. Phúc duyên của mình tới đâu chúng ta hưởng tới đó, đừng mong muốn vọng cầu hơn nữa. Như vậy là an vui hạnh phúc. Người hiểu thấu điều này cũng có thể gọi là người hiểu đạo. Bây giờ trước nhất các con tự kiểm lại bản thân và tự lệnh cho mình phải tu. Bởi vì chỉ nhờ tu hành mới hóa giải, mới tẩy sạch độc tố phiền não. Hòa thượng Trúc Lâm dạy: Biết vọng không theo tức là không chấp nhận vọng tưởng phiền não, biết nó giả liền buông. Vọng tưởng dấy khởi biết rõ không thật, nó sẽ không đủ sức kéo lôi chúng ta. Các con an ổn trong công phu tu hành nên vui vẻ, tăng tiến, không để vui buồn, bực bội… làm bận rộn tâm mình.
Hòa thượng Trúc Lâm nhắc chúng ta phải sống với tánh giác. Tánh giác là gì? Là tánh Phật. Phải sống được với tánh Phật của mình mới có thể làm chủ các dấy niệm. Dấy niệm khởi lên phải buông bởi nó không thực, nó chính là phiền não, chúng ta không chấp nhận thì nó tự rút lui thôi. Ngược lại nếu chúng ta chạy theo nó là tạo nghiệp nhân đi trong luân hồi không lối thoát. Hòa thượng dạy chúng ta phải biết thương mình. Thương mình là sao? Biết mình đã lầm, chạy theo luân hồi sinh tử bây giờ dừng lại để dòng luân hồi sinh tử chấm dứt. Vậy thôi.
Tóm lại, nếu chúng ta có công phu tu hành thì phiền não không làm gì được, đồng thời dây mơ rễ má của luân hồi sinh tử ngang đây cắt đứt. Có Phật tử hỏi Hòa thượng: Người tu Tịnh độ phát nguyện niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc, người tu thiền không cầu gì hết, vậy khi chết sẽ đi về đâu?”. Dĩ nhiên không về đâu hết, nên mới nói tự tại, ra khỏi trần lao. Tuy nhiên, chỗ này các con cẩn thận nha, công phu chẳng ra gì, chưa làm chủ được mình thì phiền não, tham sân, cố chấp, bệnh tật, bao nhiêu những thứ bất như ý nó đón dẫn mình đi. Những thứ đó dẫn đi thì chỉ có vô ba ngã địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà thôi. Hòa thượng nói người tu thiền tự tại muốn đi đâu thì đi, nhưng chúng ta đã tự tại chưa? Nên biết chỗ này hết sức quan trọng, cần phải chính chắn suy xét, chính chắn dụng công.
Tu là giải tỏa bệnh tật, những cù cặn trong tâm sạch hết, đó mới là pháp lực từ công đức hành trì. Cho nên các con phải hành trì, có công đức mới hóa giải được phiền muộn trong đời này và những đời sau. Ni chúng cố gắng phát huy tâm Phật của chính mình, tin vào chất Phật trong ta để nỗ lực phấn phát trí tuệ nơi mỗi người. Chúng ta đã chọn pháp môn tu thiền, đi đúng tinh thần của Hòa thượng Trúc Lâm, được sự ủng hộ của đạo tràng Phật tử, có được phương tiện tu hành tối thắng như thế này, mong đại chúng cố gắng làm sao bước được những bước thật vững. Đây là giai đoạn ban đầu, nếu ai hơi chao đảo một chút thì các duyên khác xen vô sẽ thấy ngán, thối tâm. Do đó các con đừng bao giờ bỏ thêm thứ gì vào gánh của mình, bởi đã quá nặng lắm rồi.
Nên nhớ một khi chúng ta đã gầy dựng được tinh thần giác ngộ thì tất cả mọi phiền não sẽ rơi rụng từ đây. Thầy mong như vậy và tin Thầy trò chúng ta sẽ được như vậy.
Tuesday, July 19, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment