Chào các bạn,
Hôm nay chúng ta hãy cùng chia sẻ về nghệ thuật đối thoại. Làm thế nào để có một đối thoại mang đến nhiều lợi ích cho mình?
Đối thoại nhiều lợi ích nhất là đối thoại mang đến đồng cảm, khi xong cuộc đối thoại cả hai người thấy hiểu nhau hơn và gần nhau hơn.
- Tranh luận sùi bọt mép vì anh thích A tôi ghét A không phải là đối thoại (hay ít ra thì cũng không phải là đối thoại ta nên có).
- Ngồi giả vờ ừ ừ dạ dạ nhưng chẳng nghe chữ nào, và đầu thì đang ở cách đó 200km, không phải là đối thoại.
- Ngồi nhìn người đối diện nói và nghĩ trong lòng: “Cách nói chuyện của anh này có vẻ ma đạo, mắt lấm la lấm lét, nói năng kiêu căng…” không phải là đối thoại. Đó là đánh du kích.
Đối thoại thực sự là tìm đồng cảm và chia sẻ đồng cảm. Đó là loại đối thoại tương tự như đối thoại của một đôi bạn nam nữ đang ngồi trong quán nước nói chuyện để chia sẻ và gần nhau thêm—chưa hẳn đã là người yêu, nhưng có thể đi về hướng đó.
Sau đây là một số điểm quan trọng ta cần lưu ý khi đối thoại:
1. Khi nghe câu nào, chữ nào mình không đồng ý (hoàn toàn hay một phần), thì ta thường có thói quen xấu là nói ngay “Không” , “Bậy”, “Sai rồi”, “Không phải vậy”, “Vô lý”, “Xạo”… Nói chung là một từ phủ nhận. Các bạn, đây là một thói quen tồi tệ nhất. Dẹp nó đi.
Nói chuyện mà bắt đầu một câu với một từ thuộc loại đại gia tiêu cực như thế thì sức đẩy người kia ra khỏi mình rất mạnh.
Nếu không đồng ý thì có nhiều cách nói. Ví dụ: Người kia nói “Obama làm hại nước Mỹ”. Nếu không đồng ý lắm thì ta có thể:
- Hỏi thêm chi tiết, dữ kiện, để giải thích tại sao người kia lại kết luận như thế. Vậy thì hỏi: “Sao cậu nói vậy?”
- Chấp nhận ý người kia nhưng làm nhẹ nó một tí: “Ừ, ông này có vẻ rất controversial. Nhiều người Mỹ rất thích ông ta, nhiều người rất kỵ”
- Chấp nhận ý kiến người kia nhưng nhẹ nhàng cho thêm ý kiến của mình: “Ừ, nhiều người cũng nghĩ như chị. Mình lại thấy ông này ít nhất là cho nước Mỹ và thế giới hy vọng cho những người thiểu số đã từng bị chà đạp.”
2. Rất nhiều người có thói quen (mà chính họ cũng không nhận ra) là khi đối thoại thì họ luôn luôn tìm cái gì bất đồng ý để tranh luận hoặc phê phán, thường là rất tiêu cực. Đối với họ đối thoại luôn luôn là đối địch. Tư duy này rất sai lầm, ta cần phải tránh, hoặc dẹp bỏ.
Ví dụ: “Ca sĩ ABC hát rất hay.” “Ôi, con mẹ đó giật chồng người khác mà hay cái gì!”
“XYZ là huấn luyện viên bóng đá rất giỏi.” “Ôi, thằng cha đó mở miệng thì chửi thề liền tù tì như người thất học.”
“Nước Mỹ có guồng máy hành chánh rất trong sạch.” “Ôi, mấy vụ scandal lớn nhất thế giới như Enron cũng từ Mỹ mà ra.”
Các bạn, đừng làm vậy!
- Mỗi khi nói chuyện với ai, ta phải tự bảo ta là “Tôi phải tìm cái gì để đồng cảm với anh/chị này càng nhiều càng tốt.” Đối thoại là để tìm đồng cảm, tức là đồng cảm xúc, chứ không phải tìm điểm bất đồng ý.
- Nếu mình có điểm không đồng ý nhưng chẳng liên hệ gì cả đến vụ việc thì lờ đi. Như là trong ví dụ ca sĩ ABC bên trên, chuyện “giật chồng người khác” chẳng ăn nhập gì đến “hát rất hay” cả, cho nên lờ đi là thượng sách.
- Nếu thấy có điểm không đồng ý, nhưng điểm này (i) có liên hệ đến vụ việc, và (ii) cũng quan trọng cho vụ việc, cần được nhắc đến, thì ta có thể nhắc đến, theo các phương thức đã nói tại phần (1) bên trên.
- Dù sao thì cũng luôn luôn tìm điểm đồng ý và bắt đầu câu nói bằng sự đồng ý. Như “Nhà nước quá trời tham nhũng”. “Ừ mình cũng thấy vậy, nhưng mình có cảm tưởng là mấy lúc gần đây có nhiều cố gắng thanh lọc guồng máy, trừng phạt nhiều người.”
3. Điểm quan trọng nhất là cố gắng nghe được quả tim của người đối diện. Nghe không chỉ bằng tai mà bằng tim là chính.
Ví dụ: Một người phụ nữ vừa mới có đứa con trai năm tuổi bị đụng xe chết. Chị ngồi nói chuyện với bạn, nhìn ra trời, lặng im, nước mắt lưng tròng và nói: “Ông trời kỳ quá.”
Nếu bạn không nghe được một biển nước mắt, một lòng tin mãnh liệt vào Ông trời, một khiêm cung vô cùng với Ông trời, và một lạc lõng chới với với Ông trời, trong bốn chữ nghe ra chẳng nói gì “Ông trời kỳ quá”, thì bạn chưa biết nghe bằng quả tim tí nào.
Phải tập lắng nghe bằng quả tim, nhìn người đối điện, nhìn thân ngữ của họ, lắng nghe từng chữ họ nói và cố hiểu cảm xúc trong tim họ. Cho đến lúc ai nói ra điều gì bạn cũng có thể cảm giác được cảm xúc mạnh mẽ của họ trong tim bạn–họ buồn trong tim, bạn cảm được buồn trong tim; họ khóc trong tim, bạn cảm được khóc trong tim…
Nói chuyện với người mà mình chưa biết thông tin bên sau thì thường là khó cho mình hiểu và cảm xúc hơn, nhưng nếu bạn tế nhị bạn có thể cảm được bề mặt, rồi từ đó tìm hiểu sâu hơn.
Ví dụ: Cùng ví dụ người phụ nữ có con chết bên trên nhưng bạn lại không biết được là chị ấy có con vừa mất, nhưng nhìn chị ấy rất buồn bạn có thể thấy được là có gì đó rất u uất. Như vậy bạn có thể hỏi rất tế nhị: “Hình như chị có tâm sự buồn?” (Chú ý: Câu này viết có dấu hỏi, nhưng cách nói không phải là cách hỏi. Đây là cách mở cửa lòng mình để chị ấy có thể chia sẻ tâm sự nếu chị ấy muốn, nhưng không ép buộc và tò mò tọc mạch như một câu hỏi “Chị có chuyện buồn phải không?”)
4. Đừng phán đoán khi nghe cảm xúc. Cố cảm xúc theo người nói, hơn là phán đoán.
Ví dụ: Một người tâm sự là ly dị cả 3 đời chồng, và mỗi lần ly dị là một lần rất đau khổ. Ta hãy cố gắng cảm nhận được nỗi đau của chị này mỗi lần ly dị, thay vì phán đoán thầm: “Ly dị liền tù tì vậy thì đau khổ gì? Nếu có thì cũng chỉ là hời hợt thôi.”
Phán đoán là ổ khóa của ngục tù tư tưởng. Nó làm ta mù lòa và chẳng hiểu được ai cả, chẳng hiểu được điều gì sâu xa cả.
5. Đừng bao giờ cố thuyết phục ai điều gì cả.
Chia sẻ với họ, đồng cảm với họ, hiểu và chấp nhận điều họ cảm xúc, chia sẻ tâm sự và cảm xúc của mình với họ, và nếu họ đồng ý thì họ đồng ý, nếu họ không đồng ý thì họ không đồng ý. Đừng push. Đừng thúc đẩy, ép buộc…
Hiểu biết và đồng ý đôi khi cần nhiều thời gian. Có khi người ta đồng ý ngay. Có khi vài ba ngày sau họ mới đồng ý. Có khi vài ba năm sau. Có khi vài ba chục năm sau. Có khi không bao giờ.
Cố thuyết phục quá chỉ làm cho người kia cảm thấy bị ép buộc khó chịu, cảm như mình không tôn trọng cảm xúc của họ, và như thế họ sẽ xa cách mình.
Ta tìm đồng cảm chứ không tìm đồng ý trong đối thoại. Hai người có hai ý khác nhau, như người thích ăn mắm tôm ghét nước mắm và người thích nước mắm ghét mắm tôm, không thể đồng ý cùng thích một món, nhưng có thể đồng cảm về cảm xúc của nhau.
Khi đối thoại, ta tìm điểm ta có thể đồng ý với người đối thoại, để ta có thể đồng cảm với người ấy. Nhưng ta không buộc người ấy phải đồng ý với ta, vì cứ đẩy như vậy thì sẽ mất đồng cảm.
Tóm lại, khi đối thoại, ta phải luôn luôn tự nhắc thầm là ta đối thoại để:
1. hiểu được người đối diện, không chỉ là câu chữ bên ngoài mà là cảm xúc sâu thẳm bên trong,
2. và ta chia sẻ lòng ta với người ấy để có đồng cảm (mà không cần đồng ý),
3. và ta luôn bắt đầu bằng đồng ý với họ và giảm bất dồng ý của ta đến mức tối thiểu,
4. và ta nghe bằng quả tim ta, nghe quả tim của người ấy, nghe mà không phán đoán, nghe để đồng cảm mà thôi.
Hậu quả của đối thoại như thế là ta gần mọi người hơn, mọi người gần ta hơn, và ta đã tạo ra được rất nhiều năng lượng tích cực cho thế giới từ liên hệ thân ái sâu sắc giữa ta và mọi người.
Chúc các bạn một ngày đầy cảm thông.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
http://dotchuoinon.com/2010/09/29/d%e1%bb%91i-tho%e1%ba%a1i-th%e1%ba%bf-nao/
Friday, July 29, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment