Góp nhặt
Thích Trí Siêu
Phần I |
Trước kia, khi nói đến Phật, tôi chỉ liên tưởng đến hình ảnh của Phật Thích Ca. Và mỗi khi tôi mong hay nguyện thành Phật thì tôi ao ước mình sẽ trở thành y hệt như Phật Thích Ca. Ðến khi tôi theo học với các Lạt Ma Tây Tạng, họ dạy rằng các vị Lạt Ma cao cấp như Rinpoché, Tulku đều là Phật. Những lúc đó tôi thường ấm ức trong lòng và nhiều lúc tôi cãi, nói rằng đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, trái tai dài xuống cổ, tay dài tới gối, v.v.... Sao các vị Lama Rinpoché (Phật) kia hình tướng bình thường, chả có gì đặc sắc mà cứ gọi họ là Phật?
Cứ thế tôi tranh luận, cãi lý với các bạn đồng tu. Gyalwa Karmapa thứ 16, tổ của phái Kagyupa, trước khi mất đã ấn chứng rằng Lama Guendune Rinpoché là người chứng được trạng thái Dorjé Chang, tức chứng ngộ hay đạt được phật tánh và đệ tử của Lama Guendune thường gọi ngài là Phật (Boudhha). Ðến khi tôi theo học với ngài ba năm thì hỡi ôi, tôi thấy ngài chả có gì là Phật theo kinh sách Ðại thừa mà tôi đã học. Ngài cười giỡn như người thường và có nhiều câu hỏi ngài trả lời là ngài không biết. Ðối với tôi, Phật là nhất thiết trí, cái gì cũng biết hết, nhất là thấy được những ý nghĩ trong đầu tôi (tha tâm thông), hay là thấy được những kiếp trước của tôi (túc mạng thông). Vậy mà khi tôi hỏi những việc đó, ngài bảo không biết, làm tôi chán nản thất vọng. Chỉ được một điều an ủi là ngài rất từ bi. Nhưng có một lần chúng tôi thấy ngài nổi cơn thịnh nộ, la hét dữ tợn. Lần đó tôi cũng hoang mang đặt câu hỏi, Rinpoché từ bi như vậy mà hãy còn sân, chắc ngài chỉ là bồ tát thôi chứ chưa hẳn là Phật.
Cứ thế mà tôi xét đoán, nghi ngờ ngài là Phật hay không là Phật. Mãi đến khi tôi rời ngài và ba năm sau tôi mới hiểu được và công nhận ngài là người đã giác ngộ.
Như tôi đã nói trong quyển 'Ðạo Gì', Phật của mỗi người mỗi khác, mỗi người sẽ hình dung ông Phật của mình tùy theo phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của mình. Nhưng chính những quan niệm hay khái niệm về Phật này sẽ khiến mình không bao giờ thấy được Phật. Vì ông Phật tự thân không bao giờ giống như ông Phật mà ý thức mình đã từng mơ tưởng.
Càng cố gắng giảng giải, nói Phật là thế này, thế nọ, là tánh giác, là chánh niệm hay là bất cứ cái gì đi nữa cũng không tránh khỏi đưa người vào sự mắc kẹt. Chỉ khi nào những khái niệm về Phật bị sụp đổ thì may ra lúc đó ta mới thấy được hay hiểu được Phật, và khi đó cái chữ Phật hay danh từ Phật không còn là vấn đề, gọi nó là gì cũng được. Tôi nhắc lại, khái niệm Phật cần phải sụp đổ, sụp đổ chứ không phải bỏ qua. Qua kinh nghiệm của tôi, chữ sụp đổ rất quan trọng, vì phải trải qua một lần gây dựng, tôn sùng, bám víu, nâng niu cái lâu đài bằng sắt của mình cho đến khi chính mình trở thành tù nhân của lâu đài. Lúc đó bị rơi vào cơn khủng hoảng, ta vùng vẫy đập phá tìm cách thoát thân, nhưng những bức tường khái niệm kia do chính ta xây quá kiên cố, kiên cố để bảo đảm sự an toàn. Rồi nhờ một nhân duyên nào đó, một hoàn cảnh nào đó, hay là trời xui đất khiến, cái lâu đài kia sụp đổ, ta thấy lại bầu trời tự do, bao la bát ngát. Bầu trời kia từ xưa đến nay vẫn thế, có bao giờ mất đi đâu. Tôi đã mải mê tìm Phật trong những bộ luận như Ðại Trí Ðộ luận, Trung Quán luận, vì tác giả là tổ Long Thọ, một vị tổ lớn, một Ðại luận sư, nếu không học những bộ luận như vậy thì không xứng đáng là một thầy tu trí thức. Trong những bộ đại luận như thế, đức Phật thường được miêu tả một cách thần thánh hóa và lý tưởng hóa, đức Phật có những thần lực như thế này, như thế kia. Nhìn lại các thầy tu khác, tôi thấy chả có ai xứng đáng là Phật cả, và đương nhiên tâm ngã mạn của tôi nổi lên. Thật là nguy hiểm.
Trong Thiền tông, có một thiền sư nói: mỗi khi nói đến chữ Phật, ông ta phải đi xúc miệng ba lần. Quý vị có thấy ông ta vô lễ với Phật không? Hay vì ông ta là thiền sư nên muốn nói sao cũng được?
Quý vị có hiểu vị thiền sư này chăng? Nếu hiểu thì chả có gì đáng nói. Còn không thì đừng nên bắt chước ông ta và cũng đừng phán xét hay chỉ trích.
Một người giác ngộ tự tánh của mình, không nhất thiết phải có một tư cách gì đặc biệt, khắc thường cả.
Một người giác ngộ rồi có thể trở thành một đạo sư, một tổ sư, hay một gã ăn mày, một người thợ mộc, một tướng lãnh vv... Việc làm của họ vượt ngoài những khuôn khổ cố định cứng ngắc của ý thức bình thường. Việc làm của họ có thể gọi là 'xứng tánh tác phật sự'. Một khi thuận theo tự tánh mà sống thì làm việc gì cũng là phật sự hết, ngay cả những việc mà ta quen gọi là bất tịnh như đánh răng, xúc miệng, đi tiêu, đi tiểu cũng đều là phật sự.
Một người giác ngộ rồi có thể đi đứng thong thả, chậm rãi, chánh niệm, nhưng cũng có thể chạy hùng hục, vội vàng, hấp tấp. Có người luôn mỉm cười từ bi, nhưng cũng có người cau có khó chịu. Lịch sử Thiền tông đã cho chúng ta thấy đủ loại tư cách khác nhau của các Thiền sư giác ngộ.
Hỏi: Người mới tu có cần khái niệm không?
Ðáp: Người mới tu rất cần nương vào những khái niệm có sẵn của truyền thống để tiến bước. Và đến một lúc nào đó thì phải vượt qua tất cả những khái niệm. Ðiều này có vẻ mâu thuẫn nhưng cũng là lẽ đương nhiên. Thiền sư Lâm Tế có nói: 'Nếu ông không có gậy, ta sẽ cho ông một cây gậy. Nếu ông có gậy thì ta đoạt lấy của ông'. Khi bám víu vào một giáo lý, một khái niệm nào đó, cho nó là chân lý thì ta không thể thấy chân lý được nữa. Bởi vì không có một chân lý duy nhất mà có nhiều chân lý.
Thí dụ người tu Tịnh Ðộ thì cho giáo lý Tịnh Ðộ là hay nhất, đúng nhất. Nhưng không có giáo lý hay nhất và đúng nhất. Vì hay nhất, đúng nhất đối với Ai? Chỉ có giáo lý thích hợp với mình trong một thời gian và hoàn cảnh nào đó.
Giống như việc uống thuốc và đi ăn nhà hàng. Người bị nhức đầu uống thuốc Aspirine thì thấy dễ chịu rồi đi đâu cũng mang theo Aspirine trên mình, gặp ai cũng khoe là thuốc Aspirine tốt, uống vào dễ chịu, bớt đau ngay. Nhưng nếu gặp người đau bao tử mà đưa cho họ Aspirine thì hỏng bét, vì Aspirine sẽ làm lở bao tử và làm họ đau hơn.
Ði ăn nhà hàng cũng vậy, người thích ăn món này, người thích ăn món kia. Ngay cả khi ăn cùng một món, người này bảo nên cho nhiều dấm vào mới ngon, nhưng đối với người khác thì phải cho nhiều ớt vào mới ngon. Vậy thế nào mới thật là ngon? Mà ngon là ngon đối với ai chứ? Chúng ta cần phải ý thức điều này và không nên bắt ép người khác phải theo ý mình.
Ðối với các Ðạo sư và quý thầy cũng vậy. Không có thầy nào hay nhất, giỏi nhất. Hay nhất, giỏi nhất là dựa trên tiêu chuẩn nào? Của ai?
Ðức Dalai Lama, mỗi lần ghé qua Pháp, trong những buổi giảng công cộng, ngài đều nhấn mạnh: 'nền tảng của tất cả đạo giáo là tình thương và lòng vị tha, sự khoan dung và tôn trọng kẻ khác. Bao nhiêu chiến tranh trên thế giới đều bắt nguồn từ sự ích kỷ, cố chấp vào ý kiến của mình cho là đúng và muốn kẻ khác phải tuân theo.
0 comments:
Post a Comment