Thursday, December 26, 2013

HT Thích Thanh Từ dạy cách tu quán chiếu

Quán có hai:
1.- Tu Quán
- Tâm ở trong định dùng tuệ phân biệt quán tướng hơi thở ra vào vi tế như gió trong hư không; da, thịt, 
gân, xương v.v. ba mươi sáu vật trong thân không thật như bẹ cây chuối; tâm thức vô thường sanh diệt 
từng sát-na, không thật có ta và người; thân tâm và sự nhận chịu đều không tự tánh; đã không có người thì 
định nương vào đâu? Ấy gọi là tu Quán. 
2.- Chứng Quán 
- Khi quán như trên, biết hơi thở ra, vào khắp các lỗ chân lông, tâm nhãn mở sáng thấy ba mươi sáu vật và 
các loài trùng trong thân, toàn thân trong ngoài đều bất tịnh, biến đổi từng sát-na, tâm sanh buồn mừng 
được Tứ niệm xứ, phá tứ điên đảo, gọi là chứng Quán. Quán tướng đã phát, tâm duyên quán cảnh phân biệt phá dẹp, biết niệm lưu động không phải đạo chân thật; khi ấy nên xả Quán, tu Hoàn. 

Hoàn có hai: 
1.- Tu Hoàn 
- Ðã biết Quán từ tâm sanh, hoặc từ phân tích cảnh sanh đều không hợp bản nguyên, phải phản quán, quán 
lại tâm năng quán. Tâm quán này từ đâu mà sanh? Là từ quán tâm sanh hay từ không quán tâm sanh? Nếu 
từ quán tâm sanh tức đã có quán, nay thật không phải thế. Vì sao? Vì ba pháp Sổ Tức, Tùy Tức, Chỉ trước 
chưa có pháp nào là Quán. Nếu từ không quán tâm sanh, cái không quán tâm diệt rồi mới sanh hay không 
diệt mà sanh? Nếu không diệt mà sanh tức hai tâm đồng có. Nếu diệt rồi mới sanh, nó đã diệt mất thì không 
thể sanh quán tâm được. Nếu chấp cũng diệt cũng không diệt sanh, cho đến không diệt không không diệt 
sanh đều không thể được. Phải biết quán tâm vốn tự không sanh, bởi không sanh cho nên không có, không 
có nên tức là không, không nên không có quán tâm. Nếu không có quán tâm thì đâu có quán cảnh. Cảnh và 
trí cả hai đều mất là lối trọng yếu để trở về nguồn vậy. Ðó gọi là tu Hoàn. 
2.- Chứng Hoàn 
- Tâm tuệ khai phát, không gia công lực mà tự thầm vận chuyển hay phá dẹp phản bổn hoàn nguyên, gọi là 
chứng Hoàn. Hành giả phải biết, nếu rời cảnh trí muốn về không cảnh trí, không khỏi sự trói buộc của cảnh 
trí, vì còn theo hai bên vậy. Khi ấy, nên xả Hoàn an tâm nơi Tịnh đạo.