Trả lời:
Người có lòng vị tha khi cho hay biếu tặng ai một vật gì thì họ lại nhận được một niềm hân hoan trong lòng, như vậy không phải cho là nhận sao con? Ngược lại, người tham lam ích kỷ thì chỉ biết nhận vào rồi lại sợ mất đi cái mình sở hữu, do đó chỉ biết nhận mà không cho là đã mất đi sự thanh thản trong lòng rồi, phải không con? Vậy con hãy làm người vị tha, đừng nên ích kỷ con nhé!
Câu hỏi:
Thưa thầy! Đêm qua khi con ngả lưng xuống giường, trong đầu con ngổn ngang bao chuyện vui buồn, con chợt nhớ lại câu nói thầy chia sẻ trong mục hỏi đáp: "An lạc để làm gì?" Và ngay lúc đó, chợt con thấy loé lên một câu hỏi trong đầu: "Thọ này là của ai?" Con liền nằm buông xả và thấy rõ các cảm thọ hơn, trên nền các cảm thọ đó, tâm khởi lên để nắm giữ, v.v.. Con thấy thêm được sự khổ, vô thường và vô ngã ngay nơi chính những thọ và tâm đó. Thầy ơi, dường như pháp vẫn âm thầm chỉ cho con thấy sự thật để con đến gần hơn với pháp. Thật là bình dị và diệu kỳ phải không thầy? Từ đây, bài học về cuộc sống mở rộng muôn trùng để con quay lại chính mình mà khám phá. Thầy ủng hộ con thầy nhé! |
|
Trả lời:
Tốt lắm! Đó chính là điều thầy muốn chỉ ra. Không phải là cái ta lăng xăng hành này hành nọ để đạt được điều nó mong cầu, mà chính là khi cái ta lăng xăng tạo tác vắng bặt thì mới thật sự thấy nghe, cảm nhận được pháp luôn mang đến cho con những bài học tuyệt vời. Lắng nghe, quan sát một cách tự nhiên sự vận hành đến đi của pháp nơi thực tại thân tâm mới là ý nghĩa đích thực của "hành", mà thầy gọi là sống tùy duyên thuận pháp.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Trong mục hỏi đáp này có lần Thầy đã trả lời như sau: "Trong thiền tuệ hay thiền quán thì nên theo dõi động tác thở toàn thân, vì như vậy tâm không rơi vào định, mà chỉ thấy trạng thái diễn biến vô thường sinh diệt của động tác thở mà thôi". Con xin Thầy từ bi chỉ dạy: "Theo dõi động tác thở toàn thân" thì thực hành như thế nào? Con thành kính tri ân Thầy.
|
|
Trả lời:
Con lại muốn có một phương pháp để thực hành nữa rồi! Không nên lệ thuộc vào một phương tiện bên ngoài, hãy tập trực diện với những thực kiện đời sống bên trong. Động tác thở là một sự kiện đang diễn ra nơi con, rất rõ ràng, không phải là điều gì xa lạ mà phải lăng xăng tìm kiếm. Do tâm buông lung phóng dật luôn lang thang hướng ngoại tìm cầu ảo ảnh, nên không biết sự kiện thở dang diễn ra ngay nơi thực tại thân tâm. Vậy đơn giản là biết mình đang thở thì đã trở về với thực tại chính mình rồi. Không buông lung phóng dật tức là tinh tấn, không lang thang hướng ngoại tìm cầu để đánh mất chính mình (thất niệm) tức là chánh niệm, soi rõ lại chính mình tức là tỉnh giác. Khi trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm thì tâm liền thấy thân đang diễn ra trong động thái thở (trạng thái của động tác thở trên toàn thân). Càng giản dị càng trực tiếp càng dễ thấy pháp. Đơn giản chỉ có vậy thôi.
|
|
Câu hỏi:
KÍnh thưa Thầy,
Con rất biết ơn về những gì Thầy đã giải thích cho con. Nay con có một thắc mắc. Trong pháp hành nếu như trạng thái tâm mình ở cái biết ngay nơi thực tại, không chấp trước hay vướng mắc các pháp vì là giả tướng, cũng có nghĩa tâm không rơi vào chỗ phân biệt đối đãi nhị nguyên, nhưng trong thực tế cuộc sống mình không có sự phân biệt chấp trước thì rất khó. Ví dụ mình vào nhà hàng nếu tâm không phân biệt món ăn ngon, dở thì mình đâu cần tìm kiếm trên thực đơn làm gì. Như thế thì không thể không dùng tâm phân biệt được, mà đã có tâm phân biệt tức có chấp pháp, có ngã tướng xuất hiện. Kính xin Thầy giải thích để con được hiểu rõ hơn về pháp vô ngã, vô chấp, vô phân biệt của đạo Phật. Và với những đối tượng cần ở sự lựa chọn như vậy, ngay lúc đó mình phải dùng tâm nào?
Con cám ơn Thầy. Con chúc Thầy nhiều sức khỏe.
|
|
Trả lời:
Có hai loại phân biệt: Một của trí tuệ, hai của lý trí. Nếu là của trí tuệ thì phân biệt rõ ràng, vô ngã và không chấp, nếu là của lý trí thì phân biệt chủ quan, hữu ngã và chấp trước. Trí tuệ phân biệt pháp trên lãnh vực thực tánh chânđế, lý trí phân biệt pháp trên lãnh vực khái niệm tục đế. Khi một người đã vượt qua giai đoạn lý trí vọng thức, tâm thanh tịnh trong sáng, không bị tham sân si v.v... chi phối thì dù ở trong lãnh vực tục đế hay chân để người ấy cũng không chấp. Điều này thì con phải tự chiêm nghiệm mà thấy ra chứ nếu con chỉ hiểu trên mặt lý trí thì cũng vẫn chấp trước như thường.
Câu hỏi:
Thưa Thầy,
Con thấy mỗi lần có người trình thầy chỗ thấy hay chỗ chứng của họ đúng với lời dạy của thầy thì thầy chúc mừng, xác nhận là đúng hoặc nói sadhu lành thay. Con e rằng thầy làm như vậy khiến người ấy tự mãn và có khi sinh ngã mạn. Sao thầy không hét hay đánh cho họ một trận như Thiền Sư Lâm Tế để họ khỏi tự mãn mà dừng bước?
Trả lời:
Thầy là thầy chứ đâu phải Lâm Tế mà hét với đánh. Lâm Tế đánh vì sau Lục Tổ, Thiền Tông bị Giáo Tông xen vào muốn biến Thiền thành Giáo do đó nói ra là "há miệng mắc quai" nên phải đánh cho "ngôn ngữ rụng hai lần". Đánh để phá cái biện luận logic của GIÁO NGHĨA, để lìa luôn cái LÝ mà trực chỉ vào SỰ. Còn bây giờ người ta đang trình SỰ thì thầy chỉ nói đúng hay sai thôi chứ đâu phải NGHĨA hay LÝ mà phải hét đánh làm gì? Cũng như khi Huệ Khả trình "Liễu liễu thường tri" thì Tổ Đạt-ma xác nhận: "Đúng, đó là con đường của Chư Phật, con cứ thế mà làm" chứ có la hét gì đâu? Nói chung không có cách nào là nhất định và tuyệt đối, chỉ là tùy duyên mà ứng cho thuận pháp vậy thôi. Còn ngã mạn hay không thì đừng lo, pháp sẽ sẵn sàng điều chỉnh cho họ thôi mà!
Ngày gửi: 02-08-2012 |
Câu hỏi:
Bạch Sư Ông.
Em gái của con, T.H. rất sợ bóng tối và trong đầu luôn luôn tưởng tượng ra ma quỷ và những thứ rất đáng sợ. Tâm của em cũng rất hay bị xáo động nên con và em muốn hỏi Sư Ông có cách nào để giúp tâm luôn an lạc?
|
|
Trả lời:
Các con nên đọc bài Kinh Ân Đức Phật (ITI'PI SO BHAGAVÀ...), hoặc nếu bài kinh PALI dài các con không đọc thuộc thì chỉ niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO thôi cũng đủ hết sợ rồi. Hôm nào các con xin mẹ lên chùa sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mỗi buổi chiều chủ nhật với các bạn thì sẽ đọc Kinh thuộc dễ dàng hơn.
Ngày gửi: 02-08-2012 |
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, thầy thường nói dù tốt hay xấu xảy ra, quan trọng là mình học được bài học cho chính mình. Nhưng con nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi bài học xảy ra cho con.
Con đến với chồng con bằng một tấm lòng trong trắng, còn chồng con thì lừa dối con. Khi mọi chuyện vở lở, con đã vì thương chồng mà bỏ qua tất cả, vẫn yêu thương chiều chuộng anh ấy. Nhưng trong khi con luôn nhẹ nhàng thì chồng con luôn gắt gỏng, trong khi con tận tình thì chồng con luôn hờ hững. Chồng con cứ nghĩ đem tiền về là đủ. Con rất buồn khổ, con luôn mong một cuộc sống vợ chồng trong đó vợ vợ chồng là hai người bạn có thể chia sẻ tâm sự mọi điều. Nhưng ở đây chỉ có con chia sẻ với chồng mỗi khi anh ấy có chuyện gì buồn bực, còn nếu con kể chuyện của con thì anh phớt lờ hoặc la lối mà thôi. Bây giờ thì con kết luận là tại anh không yêu thương con nên mới như vậy và con quyết định sẽ chỉ im lặng sống vì con cái. Anh và con cái rất yêu thương gắn bó nên con không muốn ly hôn vì sợ các con sẽ khổ. Nhưng nhiều lúc con cảm thấy cuộc đời mình buồn và bế tắc. Nhiều lúc con sợ con bị trầm cảm và con định uống thuốc (vì con là bác sĩ). Nhưng thầy ơi, thầy có thể chỉ cho con bài học này là gì không và con phải sống tiếp cuộc đời này như thế nào?
|
|
Trả lời:
Hãy nhẫn nại chịu đựng khổ đau nữa đi con, khi hội đủ nhân duyên thì con sẽ bừng ngộ thôi mà! Cũng như khi con chữa bệnh, bệnh nhân nào thiếu nhẫn nại sẽ than với con: "Sao tôi uống thuốc hoài mà vẫn chưa lành, bác sĩ?". Lúc đó chắc con cũng sẽ trả lời như thầy thôi, phải không con? (Nếu có thời gian thầy sẽ trả lời đầy đủ bên mụcthư thầy trò).
|
|
Ngày gửi: 01-08-2012 |
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy ạ! Thầy dạo này có khoẻ không? Con xin trình lên Thầy một vài trải nghiệm gần đây của con về đạo và xin Thầy chỉ dạy thêm.
Dạo này con ít nghiên cứu kinh điển, nhưng tâm con luôn sáng suốt, bình yên lạ kỳ. Con ít ngồi thiền như trước. Con chỉ sống với con người thật của mình trong đời sống hàng ngày và con nhìn vào cái cảm xúc của con: buồn biết buồn thì thật kì lạ, cái buồn tan biến. Và một điều con vui nữa là hình như con gần thấy được con đường giải thoát rồi Thầy ạ! Nó cứ lúc ẩn lúc hiện trước mắt con. Tâm con không còn ham muốn gì hết. Ngay cả ý muốn xuất gia cũng không còn vì trước đây con dùng cái "ta" để mà muốn đi tu giúp đời, nhưng bây giờ con tập sống ngay hiện tại và lúc đó tâm con không còn bị phân vân giữa việc tại gia hay xuất gia nữa Thầy ạ! Đó có phải là sống tùy duyên thuận pháp không Thầy? Tâm con rất bình an. Con có đi đúng đường không thưa Thầy? Bữa trước con nằm mơ thấy con ngồi chung với rất nhiều loài chim, bồ câu, chim cút. Không biết giấc mơ này có ý nghĩa gì không Thầy? Con rất mong Thầy thương và chỉ dạy cho con. Con thành kính cảm tạ Thầy. Kính chúc Thầy mãi mãi vui vẻ, là tấm gương sáng cho chúng con noi theo ạ. Con rất thích hỏi và thích cách dạy của Thầy bằng việc trả lời câu hỏi.
|
|
Trả lời:
Như vậy là được, con cứ thế mà học bài học sống tùy duyên thuận pháp rồi mọi chuyện sẽ được pháp chỉ bày cho con đúng thời đúng chỗ. Đã "vâng ý Cha" rồi thì đúng sai cũng đều là bài học cả, con còn phân vân gì nữa. Nhớ là dù đạt được trạng thái tốt đẹp tới đâu thì cũng đừng vội vàng thỏa mãn hay kết luận, như vậy sẽ có cơ hội cho bản ngã vô minh xen vào đấy! Chiêm bao thì con biết là chiêm bao thôi chứ không cần giải mộng làm gì, rồi một lúc chín mùi con sẽ tự thấy ra thôi, đừng quan tâm mà bị phân tâm đó.
|
|
|
0 comments:
Post a Comment