Lời nói là một trong những yếu tố chi phối phần lớn cuộc sống của chúng ta. Khi tiếp xúc với ai lần đầu tiên, phong cách nói năng của người ấy có thể để lại trong ta một ấn tượng tốt hay xấu.
Nhiều người cho rằng việc nói năng dịu ngọt là biểu hiện của sự không trung thực, và họ thích giao tiếp với những người có lối nói thẳng thừng, bộc trực hơn.
Định kiến này không có gì để đảm bảo là đúng cả. Bản chất trung thực hay gian trá của một người không quan hệ đến việc người ấy nói năng dịu dàng hay thô thiển. Tuy nhiên, tôi có thể nói chắc điều này: Không ai trong chúng ta lại không thích nghe những lời êm ái hòa nhã hơn là những lời đốp chát, thô lỗ. Tục ngữ ta đã có câu “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cũng là nói lên ý này.
Nói năng dịu ngọt, chọn lựa từ ngữ... không có nghĩa là nói lời gian dối, không đúng sự thật. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. “Lựa lời mà nói” có nghĩa là vẫn cùng một ý tưởng, một quan điểm... nhưng được cố gắng diễn đạt, trình bày theo cách êm ái, hòa nhã nhất.
Phong cách nói năng là một lợi thế không tốn kém, nhưng thường có thể mang lại cho ta những kết quả tốt đẹp không ngờ. Tuy nhiên, trước hết ta hãy thử xét qua trường hợp của những người nói năng “không lựa lời”.
Khi chúng ta nói năng theo cách nặng nề, thô lỗ, không những người nghe cảm thấy bị xúc phạm, mà chính bản thân chúng ta cũng có rất nhiều điều bất lợi.
Trước hết, tâm trạng của ta trở nên nóng nảy, bực dọc theo với ngôn ngữ mà ta dùng. Điều này làm cho ta mất đi một phần sự suy xét, phán đoán sáng suốt. Thêm vào đó, cách nói năng nặng nề sẽ tập nhiễm thành một thói quen, và nó gieo cấy vào tâm hồn ta những hạt giống nóng nảy, bực dọc, làm cho tính tình ta dần dần thay đổi theo hướng xấu đi.
Đối với người nghe, thật không dễ chịu chút nào khi phải chịu đựng những lời nặng nề, thô lỗ. Điều này có thể làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề theo hướng xấu hơn.
Ngược lại, khi ta chú ý lựa chọn cách nói năng hòa nhã, trước hết ta giữ được sự thanh thản, sáng suốt của chính mình. Thói quen nói năng hòa nhã là một trong những phương thức hữu hiệu để tu dưỡng tính tình. Như vậy, chúng ta vừa tránh làm thương tổn người khác mà đồng thời cũng có lợi cho chính bản thân mình.
Khi vấn đề được trình bày theo cách ôn hòa, người nghe sẽ dễ chấp nhận hơn vì điều đó tỏ ra là họ đang được tôn trọng. Ngay cả khi có sự bất đồng, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được một phản ứng êm dịu hơn.
Nói năng hòa nhã cũng là cách rất tốt để ta luôn tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Khi ta nói, ta biết mình đang muốn nói gì và nên nói ra như thế nào. Bằng cách đó, chúng ta ý thức đầy đủ về bối cảnh giao tiếp hiện tại mà không bị chi phối bởi bất cứ định kiến hay sự lơ đễnh nào.
Nói năng theo cách nặng nề, thô lỗ thường là do thói quen tập nhiễm lâu ngày. Nói năng hòa nhã cũng là một thói quen ngược lại mà ta hoàn toàn có thể tạo ra được. Để có được hạnh phúc trong cuộc sống, chúng ta không thể không quan tâm đến việc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
http://rongmotamhon.net/mainpage/detail.php?ID=452&p_id=27&tg=2
Tuesday, September 11, 2012
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment