Thursday, September 20, 2012

Không nên nhìn lỗi của người

Nói tâm tôi rất an tịnh, tôi không có như thế, trên thực tế, quý vị không biết rằng khi phát hiện ra khuyết điểm của người khác thì bản thân nó đã trở thành khuyết điểm của quý vị rồi. Sự thật này, chân lý này, người bình thường ít khi nhận ra. Có người nói tâm tôi rất an tịnh, tâm tôi rất tốt, hôm nay tôi rất vui, nhưng thật ra đó chỉ là cảm giác nhất thời của quý vị, hoặc là cách nghĩ tạm thời để khống chế mình có được những trạng thái tâm mong muốn. Một khi quý vị phát hiện ra khuyết điểm của người, thì ngay chỗ khởi tâm động niệm đó đã là khái niệm của phiền não rồi đấy!
Tâm trạng quý vị đang vui, nhìn thấy người khác lúc nào cũng rất tốt; khi tâm khởi phiền não, nhìn thấy người khác chỗ nào cũng không ưa nổi. Khi trạng thái tâm mình như thế nào, nhìn người khác cũng có những tính chất tương tự. Đó là những trạng thái của tâm tốt và xấu. Tâm khởi phiền não cũng là vì trong lòng chất chứa đầy những vấn đề tốt xấu. Nói mình tốt, người khác xấu, đó đều là phiền não,vì tốt hay xấu vốn đã là phiền não. Vấn đề là quý vị có chịu thừa nhận hay không mà thôi.
Quý vị không biết, những điều mắt quý vị thấy đều là hư vọng, không toàn diện. Mắt của chúng ta chỉ có thể nhìn thấy phía trước mà không nhìn thấy phía sau, nó không thể có được một cái nhìn thẩm thấu, cho nên luận về công đức, mắt có đến 800 công đức, nhưng không bao giờ nó đạt đến trình độ viên mãn. Nên nói khi quý vị muốn biết thật sự về mình thì trước mặt và sau lưng đều cần phải có một tấm kính, như thế mới có thể nhìn thông được phía sau.
Nguyên nhân gì khiến mình nhìn thấy lỗi của người khác? Đó là vì chúng ta có một cặp mắt, khi có cặp mắt thì cũng đồng thời phát sinh ra cặp tâm phân biệt. Cặp mắt chính là tâm phân biệt; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều là tâm phân biệt của quý vị. Thế nào là tâm phân biệt? Chỉ cần mắt quý vị nhìn thấy vấn đề, phát hiện vấn đề thì đó đều là tâm phân biệt. Phật và Bồ tát có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không? Không có. Trong “Tâm Kinh” nói rất rõ: không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và cũng không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có cảnh giới của mắt, cho đến không có cảnh giới của ý thức; không có vô minh, nên không có sự diệt tận vô minh, cho đến không có già chết… Khi chúng ta phát hiện ra vấn đề của người khác, dùng cái gì để phát hiện? Dùng phiền não để phát hiện. Quý vị tự đeo cho mình một cặp kính màu thành kiến, rồi dùng cặp kính màu này để phát hiện ra lỗi của người.
Chúng ta muốn thật sự hiểu rõ chính mình và cái gì gọi là phiền não thì đầu tiên quý vị phải buông bỏ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chính mình. Có người nói, như thế tôi chẳng phải trở thành một kẻ mù hay sao? Nếu quý vị thật sự trở thành “một kẻ mù” thì quá tốt, mấu chốt ở chỗ là sợ mắt quý vị không mù, tai quý vị không điếc, miệng quý vị không câm. Nếu quý vị có thể trở thành một “người mù, người điếc…”, buông bỏ hết tất cả những thứ này thì tự thân quý vị sẽ không còn khởi phiền não, sẽ không còn nhìn thấy phiền não của người khác. Vì sự xả bỏ đó mà ba ngàn thế giới này đều là của quý vị, tâm quý vị không khởi phiền não thì thiên hạ ắt sẽ được thái bình.
Như có người tu hành, chúng ta đến bên cạnh người đó, mặc dù trong lòng đang khởi tâm động niệm, đang rất phiền não, nhưng chỉ một thoáng sau tất cả phiền não đều không còn. Gặp người tu hành có định lực, bất luận trong lòng quý vị có bao nhiêu phiền não, khi được ở bên cạnh người ấy, tất cả phiền não của quý vị đều được hóa giải. Chúng ta vì chưa hóa giải được, nên còn phiền não. Phiền não khởi lên không phải từ bên ngoài, mà hoàn toàn ngay chính tự thân. Do đó, điều răn thứ nhất trong quy luật Thiền môn là: Không bao giờ được nhìn lỗi người khác, phải luôn luôn thông hiểu cho người.
Quý vị nói sự thật là như thế, đó chính là lúc mắt quý vị đang phát huy tác dụng, nó có thể nhìn thấy được một số vấn đề: Anh ta đang làm việc trái pháp…đó là căn bệnh của mắt từ xưa đến nay. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” Đức Phật chẳng phải đã nói: Ánh sáng của ngọn đèn kia vì sao có một vòng tròn? Rốt cuộc là ngọn đèn kia phát ra vòng tròn hay chính cặp mắt của quý vị có vòng tròn? Kết quả phát hiện cho thấy do cặp mắt của quý vị có vấn đề, khi trị lành cặp mắt, vòng tròn kia sẽ không còn. Vòng tròn không phải do ngọn đèn sanh ra, mà do cặp mắt của quý vị tạo nên. Vì sao nói vòng tròn do mắt tạo ra? Là vì hạt giống phiền não trong tâm của quý vị đang có mặt và tất nhiên nó sẽ phát hiện ra được những hạt giống cùng loại nơi người khác.
Do sự thay đổi tư tưởng nơi chúng ta nên mới có lỗi lầm nơi người khác. Đó là tư tưởng gì? Ví dụ nói, chúng ta bây giờ xuất gia, tu đạo, giữ giới, khi nhìn thấy người khác không giữ giới, chúng ta phiền não. “Tại sao người ấy không giữ giới? Tại sao người ấy không nổ lực tu đạo? V.v..”, cứ thế không ngừng nhìn thấy lỗi của người. Đổi lại khi chưa xuất gia, chúng ta chưa nhận biết những lỗi này, vẫn cứ cho như thế là rất tốt. Nhưng thái độ giả lơ cũng không phải là thượng sách, những nhận thấy trên dầu sao cũng thuận với chánh pháp, đó là một quá trình nhận thức từng bước, từng bước. Tóm lại, phiền não khởi lên không phải từ bên ngoài, mà là từ trong nội tâm. Khi phát hiện ra lỗi lầm của người khác, quý vị nên dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình, trước phải quán xét tự thân, phải sám hối với chính mình, như thế mới có thể giải quyết được vấn đề.
Lúc trước, chúng ta có nói đến pháp tu nhẫn nhục, thế nào gọi là nhẫn? Tức nhẫn điều không thể nhẫn. Không có năng nhẫn và sở nhẫn (người nhẫn và điều được nhẫn), không có hoàn cảnh, “ngã” của năng nhẫn và “tha” của sở nhẫn đều không tồn tại, đó gọi là năng nhẫn hay nhẫn. Quý vị chỉ có nhận thức với một thái độ như thế mới có thể nhận biết được vấn đề một cách như thật. Mở miệng tuyệt đối không nói lỗi lầm của người, bất cứ lúc nào trong tâm cũng không nên có tâm niệm thị phi. Có loại tâm niệm đó, phiền não nhất định sẽ phát sanh; không có tâm đó, phiền não sẽ không còn lai vãng.
Nói như thế, có phải là tôi không muốn sửa đổi, ngăn chặn lỗi lầm của người khác, vì vậy mà đôi lúc khiến cho công việc bị đổ vỡ? Trên thực tế, khởi đầu là do quý vị không chuyển được cảnh, đợi đến khi trong tâm của quý vị thật sự không còn tâm niệm thị phi thì những hiện tượng trên tự nhiên biến mất. Sở dĩ những hiện tượng trên có mặt là do ban đầu quý vị có gieo hạt giống đó, nó nhất định trổ quả cho quý vị xem, nó khiến cho quý vị phát hiện ra vấn đề. Một khi đã phát hiện ra vấn đề, bước đầu tiên quý vị vẫn còn cảm thấy rất thanh tịnh; bước thứ hai thì phát hiện ra người khác sao có quá nhiều vấn đề, quá nhiều sự việc; bước thứ ba quý vị sân si lên, anh làm sao mà trở nên như thế được hỉ? Bước thứ tư quý vị đi đến nước chịu hết nổi.
Khi phát hiện ra vấn đề của người khác thì phiền não tự thân đã nổi lên, đó là điều hiển nhiên. Bất luận quý vị phát hiện ra ưu điểm hay khuyết điểm của người cũng đều là phiền não. Vì có sự phân biệt ta, người, chúng sanh thì đã có phiền não. Có người và ta, là đã có sự đối lập. Nhận thấy có người khác thì cái ta liền phát sinh lên. Cái ta này từ đâu đến? Vì thấy có người khác, nên cảm nhận được sự có mặt của cái ta, nếu khi không có người khác thì cái ta cũng không tồn tại. Cho nên nói hiện tại chúng ta đã phạm phải một sai lầm rất lớn.
Có người nổi sân si, quý vị nói người đó đã làm ảnh hưởng đến mình. Bất luận quý vị nhận thấy cái tốt hay cái xấu của người cũng đều là phiền não của quý vị. Quý vị thấy anh ta hôm nay tốt, ngày mai tốt, ngày mốt thì đã xấu đi rồi. Đối với anh ta thì tốt, đối với người khác thì xấu, luôn luôn có sự phân biệt như thế. Nên nói tốt hay xấu đều do sự đối lập sinh ra, chỉ cần một phương diện khởi này lên thì phương diện kia liền sanh theo.
Tại sao nói nhìn thấy tốt hay xấu đều không đúng? Biết cái xấu, chúng ta không học theo. Nhưng khi chúng ta phát hiện ra chỗ tốt của người, liền khởi lên sự so sánh. Người này tu hành chân chánh, tốt quá, mình sẽ theo học với người ấy. Quý vị nhìn thấy người đó ngồi thiền sao mà trang nghiêm! tụng Kinh sao mà vang vọng! tu hành sao mà tinh tấn! Nhưng quý vị không biết rằng khi nhìn thấy những ưu điểm của người đó, đồng thời cũng nhìn thấy được mặt ngược lại của họ, hay mặt ngược lại tương tự nơi những người khác, người này như thế này, người này như thế kia, rốt cuộc ai là người tốt nhất? Đó là bản thân mình tốt nhất. Chuyển tới chuyển lui, chuyển xuôi chuyển ngược, cuối cùng dừng lại nơi mình. Nên nói chuyển một vòng thì cuối cùng cũng lộ ra “cái tôi” của chính mình, đây chỉ là một sự lừa bịp.
Trong sự tu hành, tuyệt đối đừng nên thấy có tướng nhân (thấy có sự tồn tại của người khác), chúng ta nên quán “chư pháp không tướng” mà xa rời tất cả tướng. Tất cả chúng sanh đều là cha mẹ kiếp trước của mình, đều là chư Phật trong tương lai. Tất cả đều là pháp thân của quý vị, thì quý vị còn có phiền não gì đáng nói nữa chứ? Có quán sát như vậy, mới có thể giải quyết được vấn đề. Nếu như quý vị chưa được như thế, thì chỉ còn cách nương theo thiện pháp thông thường mà đi tới. Quý vị muốn một lần đạt được cứu cánh rất khó, bao giờ cũng có những nơi quanh co khúc khủy, chi bằng ngay tại điểm này quán sát một cách triệt để, học lấy pháp cứu cánh, đây là phương thức lý tưởng nhất.
Và kinh Pháp cú nói:
(50) Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm,
Nên nhìn tự chính mình,
Có làm hay không làm.

Pháp sư Diệu Tường
 
 NGUOIPHATTU.COMM

0 comments:

Post a Comment