Wednesday, August 1, 2012

Thấy thân giả dối có phải quan niệm chán đời không?


Ða số người nghe trong kinh Phật nói "xem thân như huyễn hóa" cho là tâm trạng bi quan, yếm thế. Trái lại, nhà Phật thấy thân như huyễn hóa là sức mạnh để làm lợi ích chúng sanh. Như nói "Bồ-tát lấy thân như huyễn độ chúng hữu tình như huyễn", bởi Bồ-tát thấy thân hình không thật nên sẵn sàng lăn xả vào làm việc lợi ích chúng sanh, dù gặp khó khăn nguy hiểm cũng không ngán sợ, vì thân như huyễn có mất cũng không gì quan trọng. Thấy chúng hữu tình như huyễn nên độ chúng sanh mà không chấp nhân ngã. Thấy thân như huyễn, khiến người ta mạnh mẽ lên, không còn hãi sợ, trước vạn vật biến thiên mà tâm hồn mình vẫn an nhiên tự tại... Ta hãy nghe bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng
Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.
Biết bao lời Phật, ý tổ trong các kinh, luận thấy thân như huyễn đạt tinh thần vô úy như thế.

THẤY THÂN HUYỄN HÓA LÀ ÐÚNG LẼ THẬT

Phật giáo nói thân này do tứ đại hòa hợp thành nên không chắc thật bền lâu. Tứ đại là đất, nước, gió, lửa, bốn thứ này bủa khắp trời đất vạn vật nên nói là đại. Chất cứng trong thân là đất, chất ướt là nước, chất động là gió, chất ấm là lửa. Bốn chất này thiếu một thì thân phải hoại. Song bốn chất này luôn luôn thù địch chống đối nhau. Lửa không ưa nước, đất không ưa gió, ngược lại cũng thế. Khi lửa thạnh hơn nước sanh nóng bức đau đầu; gió thạnh hơn đất sanh nhọc nhằn đau nhức. Chúng hằng chống đối nhau, nên lúc nào thân này cũng sẵn sàng bệnh hoạn hay chực tan rã. Ta khéo điều hòa thì thân còn an ổn, không khéo chúng sẽ băng hoại. Sự băng hoại của thân thật bất định, một mạch máu bể, một cái sẩy chân, một luồng gió độc, một viên đạn xuyên qua... là mất mạng. Sự hòa hợp của tứ đại thật là khó khăn không bảo đảm lâu dài, vì chúng mang bản chất thù địch nhau. Như bốn người thù địch nhau chung làm một công tác, nếu thiếu một trong bốn người thì công tác phải đổ vỡ. Thử hỏi, chúng ta dám bảo đảm bốn người này hòa hợp lâu dài chăng? Và công tác họ đang làm có thể thành tựu viên mãn không? Thật không ai dám hứa điều đó hết, vì thấy rõ tính chất thù địch của chúng. Sự hòa hợp của bốn kẻ thù, dù ai ngu tối mấy cũng biết rất tạm bợ mỏng manh. Thế thì, nói thân tạm bợ hư dối là nói đúng sự thật không còn nghi ngờ gì nữa.
Chẳng những sự hòa hợp của chúng rất tạm bợ mỏng manh, chính khi đang hòa hợp, chúng cần phải vay mượn tứ đại bên ngoài hỗ trợ mới được tồn tại. Sự vay mượn tứ đại bên ngoài bị thiếu hay ngưng trệ, nguy cơ tan vỡ xuất hiện ngay. Lỗ mũi chúng ta đang hít thở là mượn gió, miệng ta uống nước, ăn cơm là mượn nước, mượn đất và lửa. Sự vay mượn ấy được thuận chiều ổn thỏa thì thân an vui khỏe mạnh. Sự vay mượn bị trở ngại khó khăn là thân đau đớn nguy kịch. Quả thật cuộc sống an vui hạnh phúc là do sự vay mượn và tống trả một cách an ổn điều hòa, ngược lại là sự sống bất hạnh. Sự sống còn là nhờ vay mượn, làm sao dám nói thân này là thật, là lâu dài?
Thế mà người đời bị si mê nhiều kiếp, cứ nghĩ thân này là thật, là lâu bền, là của ta. Thậm chí đất nước gió lửa bên ngoài là của thiên nhiên trời đất, mà một khi mượn vào xài, liền chấp của mình. Như lỗ mũi vừa mượn không khí đem vào chưa đến một phút, thở trả ra liền nói hơi của tôi. Nước, đất cũng chấp như vậy. Một vật gì vừa qua thân này đều nói là của tôi, không ngờ cái tôi này cũng vay mượn nốt. Bao nhiêu đó đủ thấy, cái si mê chấp ngã của chúng ta thật quá nặng nề. Vì chấp ngã nên mù quáng, không thấy lẽ thật. Bởi vậy nên nghe nói thân này như huyễn hóa liền hằn học chống đối ngay.
Nếu thân này là thật, phải có bảo đảm tồn tại trong thời gian bao lâu. Quả thật không dám bảo đảm, làm sao nói thân này là thật được. Có người ra chợ mua hàng, thấy món hàng vừa ý muốn mua, song còn ngại đồ giả. Chàng ta hỏi cô bán hàng: Ðây là đồ thật hay đồ giả? Cô bán hàng đáp: Ðồ thật! Tôi bảo đảm ông đồ tốt lâu bền... có thật mới dám bảo đảm, nếu giả đâu dám bảo đảm, trừ kẻ bướng. Thân này đã không, có ai dám bảo đảm, nói giả dối là hợp lý còn gì nghi ngờ. Song nói giả dối hay huyễn hóa để chỉ sự có mặt của nó rất tạm bợ không lâu bền, không chủ tể, chớ chẳng phải không ngơ, không có gì hết. Có người bảo đạo Phật nói thân như huyễn hóa, tại sao các người tu theo Phật vẫn ăn, vẫn mặc v.v... và v.v...? Biết thân huyễn hóa là thấy nó có một cách tạm bợ ngắn ngủi, dễ tan hoại, chẳng phải là không, sự ăn mặc đối với nó là lẽ thường có gì phải nghi. Thấy được lẽ thật tạm bợ của thân này, chúng ta phá được cái chấp ngã sai lầm vô lý, dừng tay, không tạo nghiệp ác, đem lại sự cảm thông tương trợ lẫn nhau, để được chút an vui trong cuộc đời tạm bợ.

Trích trong  Bước đầu Học Phật
của Hòa thượng Thích Thanh Từ

0 comments:

Post a Comment