Tuesday, July 24, 2012

Người xưa truyền Pháp Bảo , người nay nhận suy tư


Cổ nhân di Pháp Bảo
Kim nhân tiếp tư lương
Người xưa truyền Pháp Bảo
Người nay nhận suy tư


ÂmNghĩaLuận
Phật Kinh

Như-Lai thuyết pháp bảo
A-Nan ký kinh văn
Phật tử tiếp tư lương
Tụng trì thông sự lý
Hồi chuyển nội tâm não
Giải thoát ngoại sự phiền
Bình thường tâm thị đạo
Cư trần bất nhiễm sanh.
Kinh Phật

Như-Lai nói pháp quý
A-Nan đọc lời kinh
Phật tử nhận suy tư
Tụng trì hiểu sự lý
Chuyển xoay lòng buồn phiền
Giải thoát sự não chướng
Bình thường chính là đạo
Tự tại giữa nhân gian.
Phật nói pháp vi diệu, Ngài A-Nan ghi lại pháp giải thoát, không phải chính để Phật tử tụng cầu phước. Dù có phước nhờ tụng kinh cũng không thể được giải thoát, vì còn chấp sự. Vậy là con Phật biết khéo nương kinh lập định, từ định thông lý, từ lý chuyển giải mê mờ, trí giác hiển bày, trí tuệ phát chiếu thì sự an bình sẽ được ngay.
Tây Phương Cực Lạc

Tây phương giáo chủ mãn bi hoài
Mẫn vật thăng trầm Tịnh-độ khai
Thập niệm tài xưng đang bảo địa
Nhất chân bất muội thượng kim giai.
Tây Phương Cực Lạc

Giáo-chủ Tây-phương trọn bi hoài
Thương chúng trầm luân Tịnh-độ khai
Mười niệm vừa xưng lên đất thánh
Lắng lòng dứt ám thoát trần ai.
Phật Di-Đà là tâm an bình. Phật Di-Đà tu hạnh kiên nhẫn. Muốn tâm an bình phải tu hạnh kiên nhẫn. Hạnh kiên nhẫn tu được thì tâm an bình có và bao nhiêu điều kỳ diệu trong cuộc sống sẽ có từ đây, bằng trái lại nếu tâm hồn cuồng loạn, nôn nóng, náo động thì năng lực yếu đuối, sống theo bản tánh chúng sanh, thì bao nhiêu điều khổ lụy sẽ đến trong cuộc đời.
Sám Hối

Tội tùng tâm khởi tương tâm sám
Tâm nhược diệt thì tội diệc vong
Tôi vong tâm diệt lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chân sám hối.
Sám Hối

Tội từ tâm khởi ngay tâm sám
Tâm xấu diệt rồi tội cũng tiêu
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Thế mới gọi là chơn Sám Hối.
Phật dạy: Con người sanh ra tâm thức chưa khởi động nên không vướng mắc điều gì, gọi là bản lai diện mục trong sáng như như rồi tâm thức phân biệt nhiếp cảnh, cộng thêm sức năng lưu lại của nhiều kiếp qua, nên sanh ra thiện hay ác. Nếu thiện thì an lành, còn ác thì đau khổ. Muốn giải trừ ác thì phải ngay nơi sức năng ác, gọi là tâm xấu mà giải trừ.
Trí -Tuệ

Trí tuệ vi thuyền tinh tiến cao
Linh đồng dụng lực xuất ba đào
Phiêu phiêu trực hướng liên trì hội
Cửu phẩm tùy duyên hưởng quý hào.
Trí-Tuệ

Trí Tuệ là thuyền tinh tấn cao
Khéo chèp vượt khỏi sống ba đào
Quay về thẳng hướng Liên-Trì hội
Năng lực tăng cao định lực giàu.
Để tự nhiên phát khở tam nghiệp, theo sức năng mê mờ có sẳn,  là buông lung, thường đưa đến thảm họa khổ đau. Đề khởi kềm lại chờ yếu tố thời gian, tư duy chính chắn hướng đúng rồi chuyên tâm nhẩn chí thực hành, đó là tinh tấn. Nên nói tinh tấn là con thuyền vượt sóng ba đào, quay về bờ giác.
Ngộ Lý

Trục nhật khán kinh văn
Như phùng cựu thức nhân
Mạc ngôn tần hữu ngại
Nhất cử nhất hồi tân
Tịnh độ châu sa giới
Vân hà lộc lễ tây
Đãn năng hồi nhất niệm
Độc xứ thị Bò-Đề.
Hiểu Lý

Hằng ngày xem kinh văn
Như gặp người bạn cũ
Chớ nói trở ngại luôn
Biết tu mới trở về
Tịnh độ nhiều như cát
Sao chỉ lạy hướng tây
Nhiếp gom về một niệm
Đây thật là Bồ-Đề.
Kinh Phật dạy pháp quay về nội tâm để nhận ra cội nguồn bản thể của mình. Vì vậy xem văn kinh phải nhận được trạng thái như thân quen thì việc nương pháp Phật mới có kết quả. Quay về được nhà cũ thì tài sản nội tâm là vô tận, cho nên nương hướng tây chỉ là tiêu đề hạnh xả bỏ để đường về nhà được trực diện mà thôi.
Vô Trụ

Tác lễ vô trụ hóa vãng sanh
Vô cùng vô tận nghĩa di phong
Thập phương Như-Lai đồng nhiếp thọ
Ly khổ đác lạc xuất hỏa khanh.
Không Chấp

Không chấp lễ lạy được vãng sanh
Nghĩa lý phong phú chẳng tận cùng
Mười phương Như-Lai đồng nhiếp thọ
Thoát hầm lửa khổ được an khương.
Lễ lạy là cử chỉ thể hiện lòng ngưỡng mộ, cung kính và khát vọng. Khát vọng được hành theo gương tốt của tiền nhân. Như vậy thì sự lễ lạy mới không vướng bận và trở ngại đường về nội tâm. Nhà Như-Lai lộ diện và từ nơi đây mọi sự an lanh xuất phát, khổ lụy không còn nữa.
Hiền Ngu

Tự cổ Thánh Hiền vô biệt pháp
Chỉ sanh hoan hỷ bất sanh ưu
Địa ngục ưu khổ
Vô môn tự xuyên
Khởi hoặc tạo nghiệp
Thọ báo tuần hoàn.
Hiền và Ngu

Xưa nay Thánh Hiền không phép lạ
Chỉ sanh vui vẻ không âu lo
Địa ngục đầy ưu khổ.
Không cửa nhưng cứ vào
Mê mờ rồi tạo nghiệp
Chịu quả báo tuần hoàn.
Muốn an lành trong cuộc đời nầy thì phải là Thánh Hiền. Vậy Pháp làm Thánh Hiền là luôn hoan hỷ vui tươi. Cổ nhân cũng đã dạy: Nụ cười là liều thuốc bổ. Tinh thần vị tha, khoan dung, hỷ xả khiến tâm hồn an lạc, trí giác phát sanh, năng lực tăng trưởng thì địa vị Thánh Hiền tức ngay nơi đó
Tự Tính Ứng Dụng

Hiển hách phân minh thập nhị kỳ
Thử chi tự tính nhậm thi vi
Lục căn vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành chánh biến tri. 
Hành Theo Tánh Phật

Rực rỡ rõ ràng suốt cả ngày
Đây là tự tánh sẳn hiển bày
Sáu căn vận dụng chơn thường thấy
Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.
Quay về được bổn tánh có sẳn, nhận được nhà của mình thì Thánh Tài vô tận.Ánh sao bắc đẩu dấu tâm định. Hồng rạng rỡ nhời ngọc báu nhà. Gốc tánh như như kíp nắm bắt. Nghiệp phàm mộng huyễn thoát liền ra.
Tây Phương Tịnh Độ

Tây phương tịnh độ hữu liên khai
Linh giả tùng tư quy khứ lai
Nhất niệm hoa khai thân kiến Phật
Vĩnh vô bát nạn cập tam tai.
Tịnh Độ Tây Phương

Tịnh-độ tây phương sen vàng nở
Linh diệu tánh xưa mở lối về
BÌnh tâm hoa nở gẫn kề Phật
Muôn đời thoát khỏi các đường mê.
Tu hạnh kiên nhẫn kềm tánh nôn nóng hấp tấp thì sự an bình xuất hiện, đó là đường về nội tâm đã mở lối. Hạnh thanh tịnh kết nối, liên hoa hé nở, đài sen thơm ngát đang kề cận một bên và giải thoát an vui đã được.
Tây Phương Cảnh Giới

Tây-phương nhất lộ hảo tu hành
Thương vô điều lãnh hạ cô khanh
Khứ thời bất dụng trước hài miệt
Vi hữu liên hoa bộ bộ sanh.
Cảnh Giới Tây Phương

Tây phương một cõi khéo tu hành
Trên không nổi núi dưới không hầm
Lúc đi khỏi phải mang giày dép
Đầy những hoa sen mỗi bước sanh.
Con đường về Tây Phương là con đường đầy gian lao khó khổ, nếu không khéo léo thì khó vượt qua. Tuy nhiên, nếu tu đúng hướng, đúng hạnh thì con đường trở về kề cạnh một bên. Chỉ cần dừng lại là xong cả. Rắc rối chương duyên biến mất rồi. Đừng nghĩ đừng lao theo mộng huyễn bình thường an lạc sẽ đến nơi.
Trí Giả

Trí giả liễu tri chư Phật pháp
Dĩ như thị hành nhi hồi hướng
Ai mẩn nhất thiết  chư chúng sanh
Linh ư thật pháp chánh tư duy.
Người Trí

Người trí thấu rõ mọi pháp Phật
Vậy nên tu hành để hồi hướng
Với lòng thương xót tánh chúng sanh
Quay về nghĩ đúng nơi chân lý.
Mê là chúng sanh, giác tức Phật muốn giác không thể diệt mê vì giác đang ở trong mê. Vì thế, nên tu tập từ từ chuyển mê thành giác.
Văn Chung

 Lục thức thường hôn chung dạ khổ
Vô minh bị phú cửu mê dung
Trú dạ văn chung khai giác ngộ
Lãn thần tịnh sát đắc thần thông.
Nghe Chuông

Sáu căn ám ảnh khổ đêm dài
Mờ tối xui nên biếng nhác hoài
Hôm sớm nghe chuông bừng tỉnh ngộ
Thần thông hiển hiện dạ khoan thai.
Sáu căn khổ luy là do mê mờ chủ động. Muốn thể hiện sự giác ngộ cũng nhờ nơi sáu căn. Nhờ tiếng chuông bên ngoài, thức tỉnh tiếng chuông an lành bên trong thì tinh thần khởi động, bao sự kỳ diệu sẽ đến với ta.
Chân Lý

Quán kiến đế chân vô uế trược
Dĩ độ tử sanh thoát trầm luân
Phật tâm xuất chiếu thế gian an
Vị trừ ưu não vo chúng khổ.
Lý Chơn

Thấu rõ lý chơn không vọng huyễn
Vượt vòng sống chết thoát trầm luân
Phật nhà xuất hiện an tâm thức
Phiền não giải trừ chúng khổ tan.
Lý chơn là lý thật tế xuất phát từ tâm thức an lành của mình. Lý chơn không bị vô thường chi phối, vì tâm thức an lành chính là thể tánh của Phật. Thể tánh Phật hiển hiện thì phiền não giải trừ, mọi khổ não sẽ tự tan biến.
Tụng Kinh

Tụng kinh dong dị giải kinh nan
Khẩu tụng bất giải tổng thị nhàn
Năng giải bất y kông phí lực
Nhật tụng vạn quyển dã đồ nhiên.
Tụng Kinh

Tụng kinh dễ mấy ai hiểu lý
đọc không thông tổn phí hơi nhiều
Chẳng hành dẩu hiểu bao nhiêu
Ngày muôn vạn quyển như khiều bóng
trăng.
Tụng kinh không phải chỉ để cầu phước. Chư thiên hộ pháp hộ trì người tụng kinh rất nhiều, nhưng phải tụng để được định, có định phát trí, nhờ trí hiểu rõ lý Phật dạy rồi thực hành theo. Như vậy mới đúng ý đức Phật để lời dạy lại cho Phật tử nương tựa tu tập.
Liễu Ngộ Thân Tâm

Liễu ngộ thân tâm khai huệ nhãn
Biến hóa linh thông hiện thật tướng
Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên
Ứng hìẹn hóa thân bất khả lượng.
Hiểu Rõ Thân Tâm

Hiểu rõ thân tâm bừng mắt tuệ
Muôn ngàn biến hóa rất linh thông
Hết mọi hành vi đều tùy biến
 Hóa thân ứng hiện tính sao cùng.
Muốn hiểu rõ thân tâm nên tu tập pháp Quán Thế Âm. Giải trừ nội chướng hiển hiện trí giác, tạo thành năng lực tự tại tùy duyên ứng xử, không còn bị ngoại duyên câu thúc, ứng xử mọi việc chướng ngại tùy theo nghiệp duyên của mỗi người mà có sự liễu ngộ khác nhau.
Tâm Tự

Tại thế vi nhân thân
Tâm vi Như Lai tạng
Chiếu diệu thả vô phương
Tâm chi cánh tuyệt khoáng.
Chữ Tâm

Thân chiếc bóng trên đời
Tâm kho báu Như Lai
Không phương nào không sáng
Tìm kiếm bặt tâm hơi.
Tâm là gốc, thân là cành nhánh, cành nhánh tốt nhờ gốc rễ sâu dày. Gốc xấu cành nhánh sẽ èo uột yếu đuối. Tu tập là quay về sửa sai bồi dưỡng ngay gốc là bản tâm. Từ bản tâm an lành có sẵn, nếu chạy tìm kiếm sự an lành bên ngoài thì không thể nào có được.
Pháp Tu

Thủ bả thanh miêu kháp mãn điền
Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên
Lục căn thanh tịnh phương vi đạo
Thối bộ nguyên lai thị hướng tiền.
Pháp Tu Tập

Tay nắm mạ xanh cắm khắp đồng
Cúi nhìn đáy nước thấu trời xanh
Lục căn thanh tịnh chính là đạo
Lùi bước ấy là vượt tiến lên.
Si mê sâu dày tâm hồn náo động thấy sự việc không rõ ràng nên tác động hướng sai sanh khổ lụy. Muốn giải khổ phải nhìn rõ sự việc, muốn rõ sự việc phải an tịnh tinh thần, tinh thần được an tịnh thì si mê giải. Đây chính là đi ngượ mà tiến lên.
Niệm Phật

Niêm Phật dong dị tín tâm nan
Tâm khẩu bất nhất tổng thị nhàn
Khẩu niệm Di Đà tâm tán loạn
Hầu lung hảm phá dã đồ nhiện.
Niệm Phật

Niệm Phật dễ mấy ai thành tín
Tâm chẳng đồng khẩu niệm nhhư không
Di Đà miệng niệm tâm rong
Dù cho rát họng phí công một thời.
Niệm Phật là nhớ đến Phật, nhớ gương lành của Phật, khát ngưỡng hạnh tốt của Phật để tập trung được định, có sức năng giải trừ phiền não mê mờ, an tịnh tâm thức, trí giác hiển hiện, thực hành nhân lành đến giải thoát. Nếu niệm Phật chỉ để cầu xin ngoài lý nhân quả thì tâm bị vọng cầu, không thể nào có kết quả.
Thành Chánh Giác

Như Lai thành chánh giác
Nhất thiết lượng đẳng thân
Hồi hỗ bất hồi hỗ
Nhãn tình đồng tử thần.
Thành Đạo

Đức Như Lai khi thành chánh giác
Muôn thân bỗng hóa lượng bằng nhau
Dù cho thích hợp hay không thích
Ánh mắt trẻ thơ cũng sạch làu.
Đức Phật dạy Ngài tu tập chỉ một pháp một hạnh, đến khi thành tựu thì tất cả các pháp các hạnh đều thành. Chúng ta tiếp nhận rồi tùy theo trình độ, nghiệp duyên, sở hướng mà tu tập một pháp, một hạnh theo lời Phật dạy, nhất định sẽ được giải thoát hiệu lực.
Chân Tâm

Cữu hổn phàm trần vị thức kim
Bất tri hà xứ thị chân tâm
Nguyện thùy chỉ đích khai phưong tiện
Liễu kiến Di Đà đoạn khổ tầm.
Chơn Tâm

Lăn lóc tìm châu giữa bụi đời
Chơn tâm nào đã thấy tăm hơi
Ngưỡng mong chỉ lối bày phương tiện
Rõ tánh Di Đà khổ hận rơi.
Con người quý báu nhất là tâm an lành. Mất tâm an lành như mất châu báu. Chơn tâm do vọng tâm dấy khởi sanh mê mờ, nếu chỉ giong ruổi chạy tìm bên ngoài thì làm sao được. Biết hương tu quay ngược lại an tịnh tinh thần, lắng tâm an lành thì khổ hận dứt.
http://www.thuongson.net/phapbaolysu.htm

0 comments:

Post a Comment