Sunday, July 29, 2012

NGUYÊN LÝ HUÂN TẬP TRONG GIÁO DỤC GĐPT

I – DẪN NHẬP :
Huân tập theo nghĩa đen là xông ướp, nghĩa bóng là làm thấm dần dần. Tâm tính con người, thiện hay ác không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được, mà phải trải qua nhiều lần hành động, nói, tư duy mới dần dần thấm vào. Cũng như mặc áo đi trong sương, ban đầu thấy lấm tấm vài hạt, lâu dần cũng bị ướt đẫm.
            II – DUY THỨC LUẬN VỚI KHÁI NIỆM HUÂN TẬP
Theo Duy Thức Luận, những sinh hoạt tinh thần (tư tưởng, tình cảm) đều có thể biến thành những chủng tử huân tập vào tâm thức để biến thành hành động bẩm sinh. Ví dụ :
1-     Danh thân : Khái niệm, ấn tượng về các sự vật.
2-     Cú thân : Khái niệm về ngôn ngữ
3-     Văn thân : Khái niệm, ấn tượng về các lãnh vực văn chương, nghệ thuật.
4-     Thời : Khái niệm về thời gian
5-     Phương : Khái niệm về không gian, phương hướng
6-     Số : Khái niệm về số lượng
7-     Tốc : Khái niệm về sự chuyển động
8-     Thứ tự : Khái niệm về trật tự : trước sau; trên dưới...
Những khái niệm ấn tượng, ảnh hưởng này tùy theo sự huân  tập nhiều hay ít tạo thành những năng khiếu bẩm sinh (trong đó có chủng tử bản hữu và tân huân cộng lại)
Chủng tử là gì ?
Chủng tử nghĩa đen là hạt giống, theo Pháp Tướng tông đó là từ đối lại với Hiện hành pháp, chỉ vào công năng sinh ra tất cả các pháp hữu lậu, vô lậu và các pháp hữu vi trong A-lại-da thức, giống như hạt giống của cây cỏ.
Chủng tử có hai loại :
-         Bản hữu chủng tử : Hạt giống vốn đã có từ trước
-         Tân huân chủng tử : Hạt giống mới huân tập trong đời sống hiện tại.
III - VẬN DỤNG NGUYÊN LÝ HUÂN TẬP:
                        Quy luật vận hành :
                        Chủng tử sinh hiện hành
                        Hiện hành huân chủng tử.
Có thể hiểu đơn giản là : từ tư tưởng (ý) phát sinh thành hành động, hành động ấy lại huân tập chủng tử vào tàng thức để từ đó phát sinh ra thành hành động tiếp theo.
-         Người Huynh trưởng cần phải khéo léo huân tập cho các em qua tất cả các cửa ngõ của tâm ( 6 cửa : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý )
-         Người Huynh trưởng phải làm gương cho các em về mọi mặt (thân giáo). Làm sao cho các em luôn nhìn thấy ở các anh chị một tấm gương sáng, qua tấm gương ấy, các em được huân tập qua cửa ngõ Mắt những hình ảnh cao đẹp. Phải luôn luôn chú trọng tác phong của mình.
-         Phải luôn luôn nói lời hòa nhã, dịu dàng, hợp Chánh pháp (Hòa Nhan – Ái Ngữ) để huân tập cho các em qua cửa ngõ Tai.
-         Các môn HĐTN, văn nghệ, những bài hát cũng là vận dụng phương pháp huân tập.
IV - NGUYÊN LÝ HUÂN TẬP VẬN DỤNG TRONG CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG GĐPT :
Nguyên lý huân tập cần được bao trùm lên tất cả các phương pháp giáo dục, phương pháp nào cũng cần vận dụng nguyên lý huân tập.
1-     Lý giải : Tập cho các em tập trung tư tưởng, suy luận chuyên chú vào các vấn đề theo luận lý Nhân minh : Tôn, Nhân, Dụ (Nguyên lý nhân quả ...)
2-     Quán tưởng : Tập cho các em tập trung tinh thần quan sát, suy luận theo một đối tượng, để từ đó rút ra chân lý của sự vật.
3-     Hoạt động : Đặt các em vào các hoạt động cơ thể tập thói quen tốt. (Thể thao – Giáo dục thể chất...)
V - KẾT LUẬN :
Mục đích của phương pháp huân tập là làm tăng trưởng các chủng tử thiện, loại trừ các chủng tử ác để hòan thành nhân cách tương đối, một mặt giúp cho các em tiến dần trên con đường giải thóat, mặt khác rèn luyện các kỹ năng cần thiết để các em có thể ứng dụng vào đời sống hàng ngày.
Người viết : Có Thì Không 

0 comments:

Post a Comment