Monday, December 17, 2012

HẠT CHUỖI MỘNG, NGÀY QUA MẤT , NGHIỆP THIỆN ÁC CÒN

HT Thích Thanh Từ giảng
TẤT NIÊN ẤT MÃO 1975
 Chúng tôi thường nói với quí vị mỗi một ngày qua là lần  đi một hạt chuỗi, rồi
ngày khác tới là lần đi một hạt chuỗi. Như vậy hôm nay là cuối năm Ất Mão. Chúng ta đã
lần được bao nhiêu hạt chuỗi rồi? Tức là lần hết ba trăm năm mươi mấy hạt. Vì tháng
thiếu nên không đủ ba trăm sáu mươi mà chỉ có ba trăm năm mươi mấy hạt chuỗi. Quí vị
thấy mấy hạt chuỗi lần qua rồi, nó còn hay không? Tất cả quí vị nhớ ôn lại xem, từ đầu
năm chúng ta đón Giao thừa, lễ Phật ngày mồng một Tết. Giờ đây đón giao thừa nữa, như
ba trăm năm mươi mấy ngày qua kiểm điểm lại đối với chúng ta nó còn hay không? Tất
cả những ai muốn ôn lại thì chỉ còn nhớ mang máng ở trong ký ức của mình, chứ thực tế
thì không còn, chỉ thấy hiện giờ. Mà bao nhiêu ngày qua rồi mất như vậy, tất cả qua rồi
mất hay còn cái gì?
 Tuy nhiên ngày qua chúng ta tìm lại không  được, chẳng khác những hạt chuỗi
mộng chúng ta lần qua rồi mất không còn tìm lại được hạt nào. Nhưng mà trong ba trăm
năm mươi mấy ngày qua chúng ta đã gây những hận thù; đã vay nợ tiền bạc của những kẻ
khác. Đến ngày chót của một năm và ngày mai sang năm mới, những oán thù đó, tiền bạc
của cải ta vay mượn đó có phải trả hay không? Tuy mấy trăm ngày qua chúng ta tìm lại
không được, nhưng những cái gì chúng ta đã tạo, hoặc là vay mượn tiền bạc của cải hoặc
là gây oán thù với kẻ này người nọ, sang năm những cái đó có mất chưa? Hay là người ta
sẽ đem hận khác trả lại cho mình. Như vậy chúng ta thấy nếu một năm qua, ngày tháng
trôi qua nó không dừng lại, nhưng những cái vay mượn, cái hận thù, chúng ta đã gây thì
năm mới khó mà mất. Hoặc ngược lại, nếu một năm qua chúng ta  đã cho người vay
mượn hoặc chúng ta gieo công đức với những người chung quanh, sang năm tới, những
người đó có trả hay là quên ân đức chúng ta đã gieo? Chắc chắn không quên. Như vậy
quí vị thấy mỗi ngày qua rồi mất, nhưng nghiệp chúng ta đã tạo hoặc thiện hoặc ác chưa
mất hẳn. Đó là nhìn ngay hiện tại thực tế cuộc sống sanh diệt của chúng ta. Thời gian trôi
qua không dừng, nhưng việc thiện ác gây ra rồi cũng khó mà mất.  Người Phật tử tu hành trên phương diện sơ cơ, chúng ta phải nghĩ đến ngày qua
không tìm lại được những việc lành việc dữ ngày đó không mất. Dù có trải qua mười năm,
hai mươi, ba mươi năm rồi năm bảy mươi năm đến ngày chúng ta ra đi, tức là cái phút
chót bỏ thân tiền ấm sang thân trung ấm tới thân hậu ấm, nghiệp thiện ác hãy còn. Nếu
kiểm điểm lại năm sáu mươi năm đã sống, thời gian năm sáu mươi năm đã trôi qua không
tìm lại được. Cũng như hôm nay đến giao thừa, nhìn lại ba trăm năm mươi mấy ngày trôi
qua chúng ta không vớt lại được ngày nào hết. Khi chúng ta sắp hấp hối bỏ thân này để
sang thân khác, giờ phút  ấy cũng như đêm giao thừa này, tất cả cái gì trong một  đời
chúng ta đã sống năm bảy mươi năm đã mất, nhưng việc thiện ác chúng ta không phải là
tiêu hẳn. Vào giờ phút ra đi chúng ta không tìm được thời gian đã sống qua, những việc
đã tạo nếu là việc dữ sẽ hướng dẫn chúng ta sang cuộc đời khác chịu đau khổ.
 Vì chúng sanh đương gây tạo nên Phật luôn nhắc nhở và khuyên chúng ta thức
tỉnh tạo những việc lành. Dù đời này có khổ mà biết gây nghiệp lành thì đời sau được an
vui. Đó là phương hướng của người còn đi trong luân hồi.
 Chúng ta còn đi trong luân hồi thì nên chọn con đường luân hồi thiện tức là đi lên
chớ đừng chọn luân hồi ác để rồi phải đi xuống. Cũng như hiện tại chúng ta phải dời chỗ
ở, nên dời chỗ có tiện nghi, có đầy đủ phương tiện sanh sống dễ dàng, chớ không nên tìm
chỗ khổ đau phải đói rét v.v... Đó là chúng ta khôn ngoan biết lựa, sắp đặt cho một cuộc
sống hiện tại và cuộc sống của tương lai. Bằng không, chúng ta cứ mù mù mịt mịt không
biết thiện không biết ác. Rồi cứ như vậy qua ngày, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, đến
ngày cuối cùng phải mang nghiệp đen tối, chịu đọa trong cõi hắc ám. Đó là những người
thật đáng thương, chịu đau khổ không biết đến đời nào ra khỏi.
 Chúng tôi đã nói theo chiều sanh diệt cho quí vị thấy. Chúng ta còn ở trong luân
hồi thì chúng ta nên chọn con đường đi sáng sủa an lành hơn, thời gian qua là không trở
lại. Tuy vậy nghiệp đã tạo thì không bao giờ mất. Cho nên trong kinh Nhân Quả Phật nói:
  Giả sử bá thiên kiếp
  Sở tác nghiệp bất vong
  Nhân duyên hội ngộ thời
  Quả báo hoàn tự thọ Nghĩa là: Giả sử mình tạo nghiệp trải qua trăm ngàn kiếp đi nữa, nghiệp báo cũng
không mất. Nghiệp đó tức là nghiệp lành, nghiệp dữ đã gây. Khi duyên hội ngộ tức là gặp
nhân duyên đến rồi thì phải gánh chịu quả báo chớ không chạy trốn đâu được. Nếu chúng
ta biết rõ nghiệp báo rồi, chúng ta tạo được nghiệp lành thì an hưởng vui, những cái tự tại.
Bằng chúng ta tạo nghiệp dữ, đó là gốc đau khổ, bị lôi cuốn trong vòng khổ đau mãi mãi.
Đó là giai đoạn đầu của việc tu hành.
Đến đây chúng ta tiến lên một bước nữa. Chúng ta đã tự biết mỗi ngày qua là một
hạt chuỗi mộng lần qua kẽ tay rồi không còn nữa. Cứ mỗi ngày qua rồi, thì mất. Như vậy
kết thúc của cuộc đời chẳng qua là một giấc mộng dài. Không có gì hết. Nếu tính những
ngày mộng nhỏ, rồi nhiều ngày mộng ngắn kết lại thành một mộng dài, gọi là tháng, rồi
mười hai tháng, thành mộng dài hơn là một năm. Ba mươi hoặc năm bảy mươi năm kết
thúc lại thành một trường đại mộng. Tức là mộng dài của một cuộc đời. Trong một kiếp
mộng như vậy, nếu chúng ta không thức tỉnh biết nó là mộng, cứ tưởng là thật, chạy theo
nghiệp tạo khổ đời đời không hết.
Đó là cái mê lầm của chúng ta. Vì vậy cho nên đức Phật lúc nào cũng nhắc bảo
chúng ta phải biết rõ cuộc sống không thật, thời gian không thật. Mỗi một ngày qua rồi
mất, không ai kéo lại được, giữ lại được. Nói một cách gần hơn hết là một tích tắc đồng
hồ đi qua rồi không trở lại. Thời gian trôi vùn vụt không dừng. Cuộc sống của chúng ta
thì cứ tiến tới, tiến thẳng tới chỗ cuối cùng là chết. Không ai dừng được, không người nào
có thể duy trì kiếp sống khi duyên đã mãn. Mỗi một cuộc sống là thôi thúc mình đến cái
chết. Quí vị mỗi sáng thức dậy, thử tìm lại cái ngày hôm qua của mình xem nó ở đâu?
Những cái gì qua rồi không thể tìm được, rõ ràng thời gian qua không tìm lại được nữa.
Chúng ta còn mắc kẹt trong thời gian thì chúng ta phải quí tiếc thời gian. Chúng ta cần nỗ
lực làm cái gì lợi ích cho mình cho chúng sanh để khỏi mất thì giờ vô ích. Đó là khi
chúng ta còn cuộc trong thời gian.
 Nếu chúng ta có cái nhìn thấu đáo rõ ràng biết thời gian huyễn hóa, như tôi nói là
những hạt chuỗi mộng hay là những hạt chuỗi nước thì chúng ta cũng ngay nơi thời gian
huyễn hóa đó tìm cho được cái lẽ chân thật, cái không còn sanh diệt, không còn mắc kẹt,
không còn bị lôi cuốn trong dòng sanh diệt của thời gian... Như vậy chúng ta mới là
người thoát ra khỏi vòng sanh tử. Bằng không như vậy thì chúng ta bị cuốn trôi mãi trong dòng thời gian. Vì vậy nên trong nhà Phật, có khi đức Phật chú trọng thời gian vô cùng.
Ngài nhắc chúng ta lúc nào cũng phải quí tiếc thời gian. Có khi Ngài nói thời gian là cái
vô nghĩa, thời gian không có thật. Tùy chỗ mà Ngài đánh giá thời gian. Nếu tính theo
chiều sanh diệt thì thời gian rất là quí báu, lợi dụng thời gian để chúng ta tạo tất cả phước
lành. Còn đứng về chiều vô sanh, thì thời gian biến thành vô nghĩa. Nó không có giá trị gì.
Vì chính thời gian là những hạt chuỗi mộng như tôi thường kể cho quí vị nghe về bà công
chúa đòi xâu chuỗi nước. Chúng ta đừng dại khờ như bà công chúa đó nữa là cứ đòi cho
được xâu chuỗi nước để đeo vô cổ. Nhưng tới bao giờ mới xâu được xâu chuỗi nước.
Nếu bà đứng trước những hạt nước lóng lánh, bà đưa tay ra nắm, thì nắm được chừng
mấy hạt? Vừa nắm nó nó đã lòn dưới kẽ tay rồi rơi mất. Như vậy những hạt nước kia, nó
lóng lánh đẹp thật. Nhưng ở xa mà nhìn thì nó đẹp, bằng khi nắm nó ở tay rồi, thì nó lòn
qua kẽ tay và biến mất. Càng nắm bắt, chỉ mỏi mệt, nhọc nhằn thôi chứ không nắm được
cái gì.
 Nếu chúng ta cứ dại khờ chạy theo thời gian mong mỏi nắm bắt những cái gì mà ta
cho là hạnh phúc bằng những pháp sanh diệt ở thế gian, thì những hạnh phúc đó luồn qua
kẽ tay cũng như là giấc mộng hay là những hạt sương, những cái bóng vậy thôi. Không
có gì thật.
 Bà công chúa sau khi nắm bắt những hạt nước lóng lánh đó mà không được hạt
nào hết mới chán chê rồi xin với vua cha một xâu chuỗi thật. Bà được vua cha cho một
xâu chuỗi kim cương. Và từ đó về sau bà công chúa không còn mơ xâu chuỗi nước nữa,
vì bà quàng xâu chuỗi kim cương đời đời.
 Chúng ta cũng như vậy. Trước khi chúng ta biết hạnh phúc của nhân gian là cái
sanh diệt là cái ảo ảnh, chúng ta cố nắm bắt nó thì nó luồn qua kẽ tay không bao giờ còn
ở với chúng ta phút giây nào. Biết được như vậy, thấy rõ như vậy, chúng ta mới trở lại
tìm cái chân thật mà đức Phật đã chỉ dạy. Tìm được cái mặt chân thật đó rồi, tức là chúng
ta được xâu chuỗi kim cương, chúng ta mang mãi mãi bên mình mà không bao giờ tan
nát. Từ cái giả chúng ta chuyển sang cái thật, từ cái sanh diệt bước vào cõi vô sanh. Như
vậy đó mới là người biết tỉnh giác. Tỉnh giác được cái giả không còn mê lầm nữa. Người
biết được cái thật sống trở về với nó, đó là người tu theo đạo giác ngộ.
 Chúng ta giác ngộ cái gì?  - Giác ngộ cái giả lâu nay tưởng là thật. Nhận ra cái thật mà lâu nay bị bỏ quên.
Cái thật lâu nay mình bị bỏ quên, rồi đi tìm kiếm. Trong khi mình bỏ quên cái thật chấp
cái giả cho nó là thật là mê. Biết được cái giả gọi đó là giác. Người hiểu đạo Phật rồi rất
là đơn giản, không có cái gì cầu kỳ huyền bí xa lạ hết, mà chỉ thấy rõ ngay nơi mình cái
nào giả cái nào thật. Cái giả mà lâu nay mình lầm, mình chấp nhận nó là mình, là ta đó,
giờ đây mình thấy nó là hư giả. Đó là chúng ta đã giác ngộ. Giác ngộ được phần thứ nhất.
Qua cái giả đó chúng ta tìm được cái thật, nó đương ẩn náu trong cái giả. Đó là chúng ta
đã giác ngộ qua giai đoạn thứ hai. Chúng ta tiến thẳng vào con đường giác ngộ viên mãn
không có sai lạc.
 Tất cả người thế gian đều đi tìm cái mê lầm. Mê lầm cho cái giả làm thật. Chính
chúng ta cũng là nạn nhân đó. Tất cả quí vị kể cả tôi nữa, có thấy cái giả làm thật hay
không? Tại sao thấy cái giả làm thật? Như thân tứ đại chúng ta đang mang đây là thật hay
giả? Có ai động tới nó mình có ưng hay không? Bình thường lúc tỉnh táo thì thấy tứ đại
này là giả hợp, không có thật. Vì nếu thật thì còn hoài như một khối kim cương, mới gọi
là thật. Nay còn mai mất, trong phút giây là tan nát, cái đó cũng như là bọt nước chứ gì?
Vì thế biết nó là giả. Lúc bình tĩnh nghe Phật dạy biết nó là giả, nhưng mà có ai thoi một
thoi thì thấy giả hay thậät? Lúc đó lại thấy thật. Tại sao nó là thật?
 Như vậy là sao? Tại sao mình biết nó giả khi mình bình tĩnh? Để thấy rõ rằng khi
chúng ta bình tĩnh thì trí tuệ sáng suốt thấy nó hư giả. Khi bị cái gì phản ứng mạnh làm
cho nó đau đớn thì lúc đó cái bình tĩnh mất đi, trí tuệ không còn nữa, bản ngã si mê phát
hiện ra, rồi cái giả tướng mình thấy nó là thật. Bởi thấy thật nên mới ăn thua tranh giành
với người ta rồi tạo nghiệp. Cho nên ta theo đạo Phật là phải giữ bình tĩnh. Có bình tĩnh
mới sáng suốt, mà có sáng suốt mới khỏi lầm. Khỏi lầm cái giả làm thật. Thiếu bình tĩnh
thì bị mê lầm. Đó là điều căn bản. Khi chúng ta nghe Phật dạy, nghe quí Thầy giảng thì
coi như tỉnh hết rồi, coi như mình là thánh nhân rồi, nhưng đụng việc với thế gian thì
mình là phàm phu hẳn. Đó là chúng ta chỉ bình tĩnh được khi vô sự, khi có sự là mê. Đó
là điểm tôi nhấn mạnh nhất hôm nay.
 Chúng ta phải làm sao khi hữu sự coi như vô sự. Đó là cái thiết yếu. Đó mới là cái
sức mạnh của người tu hành. Khi vắng vẻ lặng lẽ thì chúng ta tỉnh táo, thấy cái nào giả
cái nào thật rành rẽ, nhưng khi đụng việc, trí tuệ đó mất đi, chúng ta lại nổi sân lên rồi chấp cái giả thành thật. Ngài Vĩnh Gia nói: “Giả sử vòng lửa quay trên đỉnh, định tuệ vẫn
tròn sáng không mất.”
 Như vậy mới thật là tỉnh ngộ. Còn mình tỉnh khi lặng lẽ vắng vẻ, khi ồn náo thì
mình mê. Cái đó chưa phải là thật tỉnh. Tất cả chúng ta ai cũng có thể biết được hết.
 Một là thiếu sự hướng dẫn của thầy của bạn.
 Hai là thiếu ý chí cương quyết mãnh liệt để nỗ lực tu hành.
 Do đó không giác nổi rồi ở mãi trong mê.
 Rất tiếc rằng có nhiều người cả đời chưa bao giờ biết được cái thân này là hư giả,
họ chỉ biết nó là thật, cho nên khi nói nó là giả họ không tin. Đó là vì họ thiếu sự hướng
dẫn của thầy bạn, cho nên họ mê. Có người  được thầy bạn hướng dẫn, vì thiếu ý chí
mãnh liệt nên khi nghe thì tỉnh, khi hết nghe thì mê. Vậy chúng ta nhất là hiện nay, phải
quả quyết và can đảm ngay trong khi chúng ta biết cái đó là giả, cái kia là thật. Quả quyết
rằng cái này là giả không bao giờ mê nó. Cái kia là thật đừng bao giờ bỏ nó. Đừng mê cái
giả và đừng bỏ cái thật để hằng sống và cố gắng sống mỗi ngày mỗi huân, mỗi ngày tập,
lâu ngày mới thuần thục, tự nhiên chúng ta cũng như ngài Vĩnh Gia khi Ngài nói: Dù có
vòng lửa xoay trên  đầu,  định tuệ Ngài cũng không mất. Cho nên chỗ quan trọng mà
chúng ta phải thấy là tâm chúng ta dễ xao xuyến lúc ồn náo. Bây giờ mình phải nỗ lực
thêm, làm sao khi xao xuyến mà chúng ta vẫn cười.
 Ví dụ cụ thể là khi xưa mới tập ngồi thiền nhất là khoảng tám chín giờ tối. Có
những cái loa ở dưới vọng lên núi các bài hát, các bài ca lảnh lót, lúc đó thiền tâm bị phân
tán. Chúng ta nỗ lực hướng dẫn nó, nỗ lực kềm hãm nó, lần lần sẽ làm chủ nó. Đến lúc
nào đó, tiếng ca hát không còn đủ hấp dẫn như xưa nữa. Thấy không? Kết quả rõ ràng
như thế, chứng minh rằng nếu cái gì chúng ta nỗ lực cố gắng thì sẽ vượt qua, không còn
bị lệ thuộc nữa. Mình tưởng rằng mình ngồi thiền trong chỗ yên thì được yên, khi có
động chạy theo tiếng động, rồi mình cảm thấy tiếng động sẽ lôi mình đi, không bao giờ
mình thắng nó. Đừng tưởng như vậy. Mình phải tin tưởng quả quyết rằng khi động chúng
ta vẫn làm chủ được. Ngày nay làm chủ một phần, ngày mai làm chủ một phần, nhiều
ngày như vậy, rồi ngày nào đó tất cả tiếng động đều vô nghĩa đối với chúng ta. Đó là lẽ
chân thật chớ không phải tôi bịa đặt. Tất cả chúng ta nếu cố gắng như vậy thì tất cả tiếng động sẽ vô nghĩa khi chúng ta làm chủ hoàn toàn. Tôi nói ví dụ nhỏ, ngoài ra những việc
lớn cũng như vậy.
 Giả sử chúng ta ở trong cảnh ngộ nào khắt khe mấy hay là ồn náo mấy đi nữa,
miễn tâm hồn chúng ta làm chủ được, tôi tin rằng ai cũng tu được hết. Hồi chúng ta rảnh
rang thì chúng ta ngồi thiền, lúc chúng ta bận rộn hoặc cuốc cỏ hoặc trồng rau chúng ta
cũng tu được như vậy chúng ta thấy lúc nào mình cũng tu được, lúc đó thấy mình vui vẻ
không thiệt thòi gì hết. Bằng cho rằng ngồi thiền mới tu được; cuốc rẫy không tu được thì
sẽ thấy thiệt thòi. Bởi vì có ngày không ngồi thiền được giờ nào, như vậy ngày đó không
tu sao? Cuốc rẫy mà tu được thì không thiệt thòi tí nào hết. Thay vì ngày xưa ngồi một
ngày ba tiếng đồng hồ, bây giờ cuốc rẫy sáu tiếng tu luôn, thì mình lời được thêm ba
tiếng nữa. Phải vậy không? Như vậy mình có thiệt thòi chút gì đâu. Đó là cái mà chúng ta
hiện nay phải tập nỗ lực như vậy. Làm sao trong cái tu của chúng ta không vì hoàn cảnh
mà nó chướng ngại. Đó là cái thiết yếu.
 Tuy nhiên lúc  đầu phải chấp nhận rằng, mình  đang ngồi trong yên mà có tiếng
động thì thế nào cũng bị xao xuyến. Trong khi xao xuyến đó chúng ta nỗ lực mỗi ngày,
nỗ lực càng ngày càng lâu, tiếng động sẽ vô nghĩa với chúng ta. Đến chừng đó chúng ta
mới tự tại trước tất cả tiếng động. Như vậy chúng ta đừng có thối chuyển vì có tiếng động
mà tu không  được. Chúng ta phải nghĩ ai trong chúng ta cũng sẽ được thử thách của
những tiếng động. Nhờ tiếng động mà sau đó không bị chướng. Đó là điều cần phải nỗ
lực. Nếu nỗ lực được như vậy rồi thì sau quí vị sẽ cười, nhớ hồi xưa tiếng động là cái
chướng của mình, bây giờ có tiếng động mình ngồi cũng hay. Như vậy mình không thấy
buồn thấy sợ thấy nản gì  hết. Đó là tôi nhắc rõ chỗ thiết yếu của người tu.
 Tất cả chúng ta rõ đâu là mê. Mê cái gì? Như khi nãy tôi đã nói một lần: Mê là lầm
nhận cái giả làm thật. Mê là vì chúng ta chạy theo cái giả mà quên cái thật. Ngay nơi bản
thân chúng ta, chúng ta cứ chấp vọng tưởng làm tâm mình, chấp tứ đại làm thân mình rồi
cứ tưởng cả ngày cả tháng cả năm. Suốt đời cứ chạy theo vọng tưởng, theo thân tứ đại, lo
bảo bọc  bồi dưỡng cho nó đủ thứ hết để rồi nó hoại.
 Giả sử quí vị có trồng hai cái cây, cây chuối chẳng hạn. Khi quí vị trồng nó trổ
bông có trái, cho kết quả như ý của quí vị thì quí vị mới săn sóc. Nếu khi trồng mà nó èo
uột, hư gãy, biết rằng không thể nào cứu được, thì quí vị làm sao? Thôi thì bỏ liều cho nó gãy nó mục. Không thể giữ được thì phải bỏ liều. Nhưng cái thân quí vị có bỏ được
không? Ai cũng biết không giữ được mà không dám buông nó. Phải vậy không? Biết cái
không bao giờ giữ được mà bao giờ cũng cố giữ. Thở thoi thóp sắp tắt thở mà cũng nói
còn nước thì còn tát. Không bao giờ bỏ được. Như vậy để thấy rõ rằng chúng ta bám vào
nó, cho đến phút cuối cùng cũng còn bám. Bám vào mà không có tí nào bảo đảm hết mà
vẫn bám. Không phải tôi bảo quí vị cố tình bỏ nó, nhưng mà chúng ta mang nó như là
mang bè qua sông. Nhớ chúng ta nuôi thân này là kẻ đeo bè qua sông. Giữa sông nó có
hư có đứt dây, thì chúng ta ràng nó lại, khi tới bờ thì bỏ lên bờ. Khi tới bờ chúng ta không
thấy nó quan trọng nữa. Chúng ta thấy nó là giả, nhưng cần nó đưa đến chỗ giác ngộ viên
mãn nên chúng ta phải nương nó. Khi chúng ta nương nó thì phải biết rõ nó là cái không
giữ được, biết rõ ràng như vậy, đừng bao giờ quên. Không thì cứ nhớ nó là thật không thể
mất. Thân nhân của chúng ta cũng thế. Quí vị nào độ năm mươi tuổi trở lên kiểm điểm lại
coi còn được mấy vị. Ông cố còn không? Ông nội bà nội còn không? Ba má chưa chắc là
còn. Phải vậy không? Như vậy biết lớp người trước đã tan hoại, mình cũng đang tan hoại.
Tại sao khi đó cứ cho thân này là thật, cái không giữ được, biết rồi nó sẽ tan hoại, mà
mình cứ cho là thật, cố bảo vệ, gìn giữ, tạo bao nhiêu cũng vì nó. Đó là cái lầm lớn lao
của chúng ta. Cho nên người tỉnh giác biết rõ thân này là hư giả nhân duyên hòa hợp
không thật, kể cả cái vọng tưởng điên cuồng của mình.
 Quí vị suy nghĩ điều này, suy nghĩ việc nọ. Cái suy nghĩ đó là ai suy nghĩ? Mình
suy nghĩ phải vậy không? Tôi đặt câu hỏi: Thí dụ quí vị đang suy nghĩ điều thiện, nghĩ
giúp người này người kia, cho rằng cái suy nghĩ thiện này là mình. Một lát có ai chọc tức,
mình muốn hại người đó, thì cái suy nghĩ ác là ai? Nếu cái suy nghĩ thiện là mình, vậy cái
suy nghĩ ác là ai? Rồi một lát suy nghĩ thấy người kia gương mặt dễ ghét quá. Gặp người
khác thấy gương mặt dễ thương. Vậy thấy dễ thương dễ ghét là ai thấy. Nếu nghĩ thương
là mình, nghĩ ghét là ai? Vậy mình có bốn năm thứ mình sao? Cái nào cũng mình thì cái
nào là mình thật?
 Quí vị nhìn rõ ràng mỗi một niệm sanh diệt, sanh diệt vô thường, từng đợt từng
đợt như dòng nước chảy. Nó không có thật. Mới niệm thương đây rồi  đến niệm ghét,
niệm buồn niệm giận xen lẫn nhau. Cái dòng sanh diệt chập chồng với nhau không thật.
Mình chấp đó là tâm mình thật. Chấp cái thân tứ đại hư giả là thật, chấp cái tâm sanh diệt từng đợt, từng đợt là thật. Như vậy chấp cái sanh diệt hư giả là mình thì sẽ đi trong con
đường nào? Bám vào cái  sanh diệt thì phải đi trong sanh diệt. Sanh diệt tức là mê. Mê thì
dĩ nhiên mình phải đi trong luân hồi không chối cãi gì được hết. Nếu chúng ta cứ lầm
chấp vọng tưởng, cho  đó là mình, chấp thân tứ đại này là mình thì suốt  đời suốt kiếp
không biết bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp mình mới thoát khỏi luân hồi. Chỉ bao giờ mình biết
quả quyết rằng cái vọng tưởng đó là hư giả không thật thì chừng đó mình mới tìm cái
chân thật. Như khi nãy tôi kể chuyện bà công chúa nắm bắt những hạt nước. Nắm bắt nó
luồn qua kẽ tay không được hạt nào hết, chừng đó bà mới biết những hạt nước không thể
nắm được. Bà không còn ham mê những hạt nước nữa, mới đòi nhà vua cho xâu chuỗi
kim cương. Chừng quàng xâu chuỗi kim cương vào cổ mới chắc là xâu chuỗi thật. Còn
bao nhiêu hạt nước lấp lánh mà mình bám vào đó đều là hư giả.
 Cũng như vậy, khi nào chúng ta thấy rõ thân hư giả này là không thật, vọng tưởng
hư giả không thật, biết rõ nó không thật rồi thì bước qua giai đoạn thứ hai. Tức là tìm cái
chân thật trong cái hư giả đó. Được cái thật trong cái hư giả đó rồi chúng ta mới thấy
mình từ trước đến giờ là kẻ ngu si. Mình lầm cái giả là cái thật, rồi bỏ quên cái thật. Cho
nên trong kinh Phật nói: “Chúng ta có hòn ngọc báu cột trong chéo áo mà quên.” Quên
hòn ngọc trong chéo áo rồi đi ăn xin, đi đầu làng xó chợ, sống vất vưởng qua ngày lấy đó
làm đủ làm dư. Không biết mình có hòn ngọc quí để lấy ra xài. Kẻ có của báu bỏ quên
chịu nghèo khổ là kẻ tỉnh hay mê? Đó là kẻ mê. Chúng ta cũng vậy. Biết được cái thân hư
giả này rồi, chúng ta mới tìm  được cái chân thật của chúng ta.  Đó là tỉnh. Còn bằng
chúng ta bỏ quên cái chân thật đó, chấp nhận cái thân hư giả này là mình, đó là kẻ mê. Vì
vậy đức Phật nói rằng: Chúng ta là kẻ si mê. Nếu trong đời chúng ta tự biết rõ cái giả
không mê lầm nữa, và tìm ra cái thật, như vậy mới thật là con người cầu đạo giải thoát.
Cũng như lời của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói:
 “Cùng Thích tử, khẩu xưng bần, Thật thị thân bần đạo bất bần.” Người dòng họ
Thích là kẻ bần cùng luôn luôn tự nhận mình là bần đạo. Như vậy mà có thật là bần hay
không? Thật sự thân tuy bần nhi đạo bất bần. Thân bần thật nhưng đạo không bần. Tại
sao thân này bần? - Là vì mặc áo vá. Còn tại sao không bần? - Vì mình có chứa hạt châu
vô giá.  - Vô giá trân. Như vậy tại sao chúng ta nghèo? - Vì chúng ta là kẻ ăn mày mặc áo
vá. Cho nên luôn luôn xưng là bần đạo. Tuy bên ngoài chúng ta nghèo, mà bên trong tìm được hạt châu vô giá. Hạt châu vô giá dùng hoài không hết. Đó mới đúng là người cầu
đạo. Biết rõ mình có một của quí vô giá cho nên không chạy theo hư giả, để tìm cái của
báu chân thật. Tìm được của báu chân thật, mới là người giác ngộ, người cầu đạo chân
chánh. Chúng ta cứ chạy theo cái bên ngoài hoài thì không bao giờ tìm thấy được cái kho
báu nơi mình. Đó là chỗ thiết yếu của chúng ta trong khi tu hành.
 Vậy ai đã phát tâm tu hành theo đạo Phật nên nhớ rõ ràng Phật là giác. Tu theo
Phật là đi trên con đường giác ngộ của Phật. Tu theo đạo Phật mà không giác được gì hết
thì không phải tu theo đạo Phật. Cũng như tôi nói đi về Sài Gòn, tức nhiên mình đi trên
con đường về Sài Gòn. Đã đi trên con đường về Sài Gòn mà không tiến được cây số nào
hết, thì cái đó gọi là đi về Sài Gòn không? Tức gọi là ngồi, hoặc là ở một chỗ, hoặc là đi
con đường khác. Chớ thật tình mình đi trên con đường về Sài Gòn thì mỗi một giờ, mỗi
một ngày đã tiến đi rồi. Ngày nào ngày nào cũng có tiến trên con đường đó không dừng.
Cũng vậy, chúng ta theo đạo giác ngộ thì ngày nào năm nào chúng ta phải có giác mới
được. Nếu chúng ta không giác thì không phải tu theo đạo Phật. Như vậy quí vị cảm thấy
mình có giác hay không? Thật sự quí vị có giác chớ sao không giác. Tại vì mình quen
tưởng giác ngộ như lúc đức Phật thành đạo, phải có được tam minh lục thông. Tưởng
mình không có tam minh lục thông gì hết thì không gọi là giác, chớ sự thật không phải.
Ngày xưa quí vị chưa tu, quí vị có bao giờ nghĩ thân này là giả đâu? Bao giờ cũng cho
thân này là thật, rồi tranh hơn tranh thua, duyên đủ thứ hết. Hiện giờ quí vị có nghe Phật
dạy, có nghe giảng kinh, nhận thân này là giả, tức là có giác ngộ rồi. Tuy nhiên mới là
tỉnh thôi lúc mê thì quên. Trong nhà Phật gọi cái giác ngộ đó là bệnh rét cách ngày. Ngày
thì mạnh sân sẩn, ngày thì trùm chăn. Cái giác đó chưa là thuần giác. Nhưng dù sao cũng
là giác. Bởi vì sao?
 Bởi đức Phật dạy: Tu thành Phật phải được Vô thượng chánh đẳng chánh giác,
nghĩa là cái giác của đức Phật, không ai hơn và hằng mãi. Chánh đẳng là chân chánh viên
mãn không dừng không có một chỗ hở. Đạt được giác ngộ, đó là thành Phật. Còn chúng
ta giác ngộ cách ngày cách giờ, cái giác ngộ đó được gọi là Phật chưa? Cũng là có giác
nhưng chưa phải là Phật con, cũng là Phật cháu, Phật chắt. Cũng có một chút trong đó
chớ chẳng phải vô phần. Như vậy chúng ta không có mặc cảm rằng chúng ta chưa từng
giác. Chúng ta biết được hoàn cảnh xã hội, hay là tất cả sự việc chung quanh là duyên hợp nên cũng là hư giả. Biết như vậy tuy chưa thường xuyên, nhưng có biết chút nào là
có giác chút ấy. Như vậy chúng ta có giác chớ không phải không giác. Lại nữa, chúng ta
lâu nay chấp nhận những vọng tưởng điên cuồng là mình là tâm của mình, giờ đây biết là
vọng tưởng thì chúng ta có giác rồi. Giờ phút nào chúng ta có biết như vậy là giờ phút
chúng ta giác. Nếu kiểm điểm lại so với năm rồi, năm nay quí vị tiến nhiều chưa? Tiến
khá lắm chứ, phải vậy không? Tu lâu mà không tiến là tại mình quên, mình thấy sao cái
đó nó thường quá, chưa có hào quang, phải vậy không? Chưa biết bay cho nên mình cho
là không giác, chớ sự thật đã tiến rồi. Có khi cái giác đó cách khoảng thưa thì một giờ,
nhặt thì nửa giờ, hoặc là mười phút chẳng hạn. Chỉ cách khoảng như vậy, khi xưa cả năm
chưa từng giác lần nào, phải vậy không? Như vậy là mình đã tiến bộ khá nhiều đừng bi
quan.
 Tôi đã chỉ sự thật cho quí vị thấy việc tu hành không phải là không tiến nhưng vì
mình không kiểm điểm nên thấy không tiến. Tại mình tưởng là không tiến chớ không
phải là mình không tiến đâu. Vì vậy tất cả chúng ta nếu là kẻ tu hành cầu đạo giác ngộ thì
chúng ta phải thấy rõ rằng mỗi ngày, mỗi ngày chúng ta phải giác, không thể mê được.
Nếu giác càng nhặt là tiến bộ của chúng ta, còn giác thưa là lui của chúng ta. Có nhiều vị
than thở với chúng tôi, biết vọng mà vọng cứ sanh hoài làm sao? Vọng nó sanh thì sanh,
nó sanh thì đừng chạy theo nó. Biết vọng đừng theo nó là giác rồi. Trăm lần vọng thì có
trăm lần giác, không có buồn không có sợ. Đó là tôi nói về tâm.
 Giờ đây đến thân cũng vậy. Nếu có bệnh hoặc chướng ngại gì đi nữa, mình biết
thân này là hư giả, thì ngay nơi thân này tỉnh giác.
 Giác thân giác tâm là cái giác căn bản. Mình biết rõ ràng thân tâm không lầm rồi,
tìm ra cái thật nữa thì quí báu vô cùng. Đó là quí vị đã nắm được hòn ngọc vô giá trong
tay. Nếu chưa tìm được hòn ngọc đó, khi biết thân hư giả, đó là quí vị từ bỏ con đường
giả để trở về con đường thật. Tuy chưa nắm được, nhưng đã tiến một bước rồi. Đó là sự
thật, cho nên tất cả quí vị nào hiểu đạo rồi thì tự nhiên nhìn thấy mình tu có vẻ chín chắn
hăng hái chứ không thối chuyển. Bởi vì mình biết có giác, mà có giác như đánh giặc với
phiền não. Còn có đánh tức là mình chưa thua. Người thua là người xếp giáp chạy dài
mới thua. Mình còn đánh, dù chưa có thắng hoàn toàn nhưng cũng còn đánh chớù chưa
phải là kẻ thua trận. Giặc mình còn đánh là thắng hay thua? Vừa dấy vọng, biết vọng là nó hết. Đó là mình thắng được giặc rồi, phải như vậy không? Có giặc nào mình giết nó
mà nó còn kéo mình, nó không mất. Có thứ giặc nó kéo mình đi xa một chút mới mất.
Quí vị kiểm lại là kẻ toàn thắng chớ không phải thua đâu. Tại vì giặc nhiều quá nên thắng
lâu. Nếu một hai chú thì mình thắng nhanh có lẽ thành Phật rồi, phải vậy không? Tại vì
có triệu triệu chú thành ra mình cứ đánh hoài mà chưa hết. Tất cả quí vị cứ tin tất cả
những chú giặc của mình là những đứa giả. Ông chủ mới là người thật. Kẻ thật đánh với
kẻ giả lo gì không thắng. Tin quả quyết như vậy thì việc tu tiến của mình sẽ thành công,
chắc chắn thành công một trăm phần trăm. Đó là tôi nói quí vị thấy rõ việc tiến tu của
mình. Khi nhớ việc tiến tu của mình, chúng ta không nên quên hiện giờ là ngày ba mươi
Tết, tức là qua một năm nhìn lại, chúng ta có già trẻ gì không?
 Một năm qua, tất nhiên chúng ta nhận xét chậm lụt mấy đi nữa, cũng thấy mình có
già nhiều rồi. Nếu nhận xét tinh vi thì mình già đi từng giây phút huống nữa một năm.
Đây là tôi nói nhận xét chậm lụt nhất thì qua một năm, chúng ta cũng thấy già nhiều sinh
lực có giảm đi, sự chiến đấu cũng có kém đi một chút. Năm nay yếu đi một chút, năm tới
yếu đi một chút mà mình không nỗ lực thì thành công hơi khó. Nên nhớ qua một năm
mình suy yếu đi, trí tuệ cũng yếu, tinh thần cũng yếu, vậy chúng ta phải nỗ lực, nhất là
những vị sáu mươi tuổi trở lên. Con đường của mình sắp tới giai đoạn chót rồi. Muốn làm
một cuộc đua đến giai đoạn chót phải chạy nước rút. Không thể chần chờ được. Vì vậy
mà ai đã sáu mươi tuổi rồi thì nhớ một năm qua là chúng ta phải nỗ lực bằng mấy lần
năm trước. Như vậy năm rồi có nỗ lực hơi ít thì dự bị cho năm tới đây phải nỗ lực bằng
hai bằng ba mới được. Không thể chần chờ vì bọn ma quân còn đông quá, nếu mình chần
chờ thì nó thắng mình chớ mình không thể thắng được nó. Vì vậy quí vị phải nỗ lực hơn.
Không cứ phải quí vị già sáu mươi tuổi trở lên mới nỗ lực, quí vị bốn năm chục tuổi thì
sao? Không biết mình có sống tới sáu mươi tuổi hay không. Có thể đến sáu mươi nhưng
chưa chắc, cần phải nhớ là mạng sống trong hơi thở. Phải nỗ lực như những người đã lớn
tuổi. Đừng ỷ lại đời còn dài đi từ từ cũng được, cần nỗ lực chớ không lôi thôi được.
 Như vậy, chúng ta thấy phải nỗ lực, nỗ lực thì mới có tiến và bảo đảm một ngày
nào chiếc bè này rã, chúng ta bước lên bờ. Bằng không thì không bảo đảm. Ai dám tin
rằng ngày mai cũng còn an ổn khỏe mạnh như ngày nay. Khi đã thở ra mà không hít vào
thì  đã hết cuộc  đời. Cho nên tất cả chúng ta phải nỗ lực, rất là nỗ lực mới  được, chớkhông phải nỗ lực tầm thường. Do đó tôi nghĩ rằng, nhớ đến ngày ba mươi, đêm giao
thừa thì chúng ta nên nhớ đến cái phút thở hào hển, bà con chung quanh kẻ chấp tay niệm
Phật, người thì lau nước mắt chờ đưa chúng ta qua thế giới khác. Nói như vậy để quí vị
đừng chần chờ nữa. Chớ thấy sum hợp đầy đủ, thì vui tưng bừng lên, rồi không biết làm
sao nữa. Nhớ tới  đêm giao thừa thì chúng ta phải nên nhớ đến ngày  đến giờ mà mọi
người thân chúng ta đang lau nước mắt khóc tiễn chúng ta đi từ thân này bước qua thân
khác. Có nhớ như vậy thì đêm giao thừa sẽ là đêm thôi thúc đậm đà trong lòng chúng ta.
Còn không nhớ như vậy thì ý nghĩa đêm giao thừa nó yếu ớt đi. Khi nhớ tới một năm qua
là chúng ta già đi một phần, chúng ta phải nỗ lực phải làm sao tiến tới tiến mãi, không lùi.
 Từ trước tôi nói sự thật của tôi thấy và với tâm niệm mà tôi đã đọc được qua quí vị
để nhắc nhở quí vị cố gắng trong sự tiến tu.
 Giờ đây tôi nói qua các vị Thiền sư cho vui. Bởi cái thấy của các Thiền sư lúc nào
cũng tương tự chớ không khác nhau mấy. Tôi dẫn một Thiền sư Trung Hoa, ngài Quang
Giác  đời Tống. Một hôm  đến ngày Xuân có người hỏi Ngài có cảm tưởng gì về con
người thì Ngài làm một bài thơ như sau:
  Khứ niên phùng thanh Xuân
  Châu nhan ánh đào lý
  Kim niên phùng thanh Xuân
  Bạch phát yểm song nhỉ
  Nhân sanh thất thập niên
  Tật nhược đông lưu thủy
  Bất liễu bản lai tâm
  Sanh tử hà do ly
 Dịch:
  Năm trước gặp thanh xuân
  Má hồng khoe đào lý
  Năm nay gặp thanh xuân
  Tóc bạc đầy cả mái
  Người đời tuổi bảy mươi
  Nhanh như dòng nước chảy   Chẳng ngộ tâm xưa nay
  Sanh tử làm sao khỏi
 Thiền sư mỗi năm qua thấy thân trẻ biến thành già. Kể cả bảy mươi năm trôi
nhanh như dòng nước chảy. Nếu không ngộ được bản tâm xưa nay, làm sao thoát khỏi
dòng luân hồi sanh tử. Chúng ta là con cháu trong nhà Thiền cần phải thấy như thế. Có
được cái thấy này, chúng ta mới thức tỉnh tiến tu chóng thoát ly sanh tử.
 Vậy mong tất cả quí vị cùng chúng tôi, chúng ta dự buổi tiệc trà đạm bạc đêm giao
thừa này, là một ấn tượng đánh thức chúng ta tỉnh giác cuộc đời là vô thường, phải nỗ lực
tiến tu đừng để trôi qua vô nghĩa.
 Chúc quí vị sang năm mới thường tỉnh giác.

0 comments:

Post a Comment