Wednesday, December 12, 2012

KẺ MÊ NGU CHẤP _ Pháp Ngữ Lục của Hòa Thượng Thích Đức Niệm

Thưa bạn! Tôi là kẻ đến với Đạo chậm sau. Tuổi đời và kinh nghiệm về cuộc sống cũng chưa được là bao so vơi các bạn ở cùng lứa tuổi tôi. Thế thì đâu dám múa rìu qua mắt  các bậc anh chị, cô bác thâm niên học Phật, để nói chuyện đạo đức? Nhất là cái thân phận đất khách quê người đơn độc lẽ loi, mỗi lần nghĩ đến mẹ cha anh em bà con ở lại quê nhà, lòng tôi quặn đau thương nhớ không xiết! Nếu không có niềm tin nơi Đức Phật từ bi với giáo lý nhiệm mầu vi diệu của Ngài, thì chắc tôi không còn niềm tin lý tưởng để can đảm tiếp tục sống đến ngày nay.
Nhưng Đạo đời muôn ngã, tìm cho ra đường sáng để đi, đạo sáng để tin, giáo chủ vẹn toàn để tôn thờ, vốn đã là điều rất khó. Tìm cho được bậc Thầy sáng suốt để hướng đạo cho mình, một cảnh thiền môn thanh tĩnh để tâm hồn được thoải mái học đạo tu tập, lại càng khó hơn đối với giữa vật chất máy móc ích kỷ thiếu tình người này. Chắc bạn cũng quan niệm như tôi: Có Phật tượng, có kinh sách mà thiếu bậc minh sư giảng dạy đạo lý, chỉ bày phương pháp tu hành, thì người đời làm sao hiểu được lý đạo nhiệm mầu, lẽ sống thăng hoa thánh thiện để đến bờ giác ngộ. Có được bậc Thầy đạo hạnh hiểu biết căn tánh của mình để hướng đạo mình trong cảnh thanh tịnh giải thoát, thì niềm tin của mình mới vững chắc trên bước đường hướng thiện, để thăng hoa cuộc sống.
May mắn thay cho tôi có được chút thiện duyên với Phật Pháp, hằng tuần tôi về Học Viện Quốc Tế, là lúc tôi được sống trong những khóa lễ cầu nguyện thiền vị trang nghiêm, nghe những thời thuyết pháp đầy ý nghĩa đạo mầu sâu sắc khế hợp tình người, với những thời khóa niệm Phật, tọa thiền tu tập, cùng những mẫu chuyện đạo nho nhỏ nhưng lại có năng lực lớn lao thức tĩnh tâm hồn tôi tìm ra được định hướng, hiểu thêm được tâm nguyện của Đức Phật. Những thứ ấy làm cho tôi khó quên. Một trong những chuyện đạo mà Thượng Tọa Đức Niệm giảng, đã tạo cho tôi có được một niềm tin kiên cố, một định hướng sâu sắc, và một lý tưởng để tôi vui sống trong niềm tin lành thiện ấy, nay xin lược kể ra đây để thân tặng các bạn trong mùa Phật Đản:
- Xưa có người đến hỏi Ngài Xá Lợi Phất: Thưa Ngài, con đến đây học đạo với Đức Phật, được nghe giáo pháp nhiệm mầu vi diệu, cõi lòng con được an ổn, tâm hồn con cởi mở thanh thoát. Nhưng trước khi đến gặp Ngài và bái kiến Phật, con cũng lại muốn đến các vị đó để học đạo nữa. Không biết việc làm của con có tạo được nhiều phước đức và hiểu đạo sớm hơn không?
Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Như người muốn đến núi Linh Thứu để ra Phật, cầu hiểu đạo lý giác ngộ nhiệm mầu, nhưng lại phân vân giữa hai lối đi, không biết phải đi thuyền hay đi xe. Vốn người này trước đã đi thuyền, nhưng khi gặp xe, người này liền bỏ thuyền để đi xe với lòng mong ước sớm đến núi Linh Thứu để yết kiến Phật, nghe Phật thuyết pháp. Vừa đi được một quãng đường xe, người này nghĩ bụng rằng, hay tốt hơn ta cũng nên đi thuyền nữa. Như thế có lẽ mau hơn. Nghĩ vậy rồi, người này liền bỏ xe trở lại đi thuyền. Đang đi thuyền lại chuyển đi xe, đang đi xe lại đổi đi thuyền. Cứ như thế kẻ mê chấp kia thay đổi không ngừng, tiêu phí thời gian và sức lực. Đi được một khúc sông, nghe người ta nói đi xe dĩ nhiên mau chóng, tiện lợi hơn. Kẻ mê chấp lại phân vân nghĩ rằng, ta trước kia đã đi thuyền rồi sau ta mới đi xe. Nay ta bỏ thuyền chỉ đi xe không thôi, thế sao cho đành. Tốt hơn, ta nên đi cả hai, thuyền lẫn xe. Như thế ta sẽ không bỏ bên nào, và có lẽ còn mau đến núi Linh Thứu gặp Phật hơn mọi người khác.
Nhưng khi đến núi Linh Thứu thì Đức Phật đã thuyết pháp xong, và Ngài đã đi hóa độ nơi khác với những đại đệ tử của Ngài, nên kẻ mê chấp kia đã không yết kiến được Phật, và không được nghe Phật thuyết pháp.
Ngài Xá Lợi Phá hỏi kẻ mê chấp kia rằng: " Có khi nào nhà ngươi thấy kẻ miệng vừa nhai thức ăn, lại vừa hát trên sân khấu mà tiếng tăm giọng điệu hát của họ được mọi người nhiệt liệt tán thưởng không?". Người học đạo cần phải chọn lựa pháp môn tu rồi chuyên tâm hành trì và tập sống đời hỷ xả vị tha, thì mới đạt được đạo quả Vô Thượng Bồ đề.
Học đạo mà ccố chấp, cầu giác ngộ giải thoát mà để tình cảm thế gian ngự trị tâm hồn, không biết dùng trí tuệ để phân định hướng đi cho mình, chẳng khác nào người ngu khăng khăng giữ chặt chiếc áo bẩn rách trên mình chứ không chịu thay đổi để mặc chiếc áo mới sạch sẽ có sẵn. Người tu hành mà không biết chọn lựa phương pháp và sống đời hỷ xả với tâm hồn rộng mở, ý chí quả cảm, không biết dùng trí tuệ để hướng đời mình, không biết lựa chọn pháp môn để tu, chọn người lành để kết bạn, tìm minh sư học đạo, chẳng khác nào kẻ mê chấp không chịu bỏ củi gai để nhận lấy quế trầm, không chịu lìa bỏ con đường hẻm tối tăm để bước lên đại lộ quang minh. Kẻ ngu mê chấp như thế trọn đời cam phận đi xe bò, bỏ xe ngựa, giữ xe đạp, bỏ xe hơi. Kẻ này thường có quan niệm đạo nào cũng tốt!
Cổ nhơn dạy rằng: Hạng người mê chấp như vậy, tuy có hành đạo, có tham gia những công tác phước đức, nhưng chỉ có thể hưởng được quả vị phàm phu Tiểu thừa hoặc phước báo hữu lậu cõi nhơn thiên là cao lắm rồi, chứ khó đạt được đạo quả Vô Thượng Bồ đề, giác ngộ giải thoát.
Nhưng tâm nguyện của Phật quyết đưa chúng sanh đến quả vị Bồ Tát, quả vị Phật, chứ không muốn để lưu trệ ở Tiểu thừa phàm phu.
Tổ Qui Sơn dạy rằng: "Như Sư thật bất minh, đương biệt cầu lương đạo". Nghĩa là: Trên đường hành đạo, nếu thầy mình không đủ khả năng hướng dẫn mình, thì xin bái biệt Thầy để đi tìm minh sư khác, cho hạnh nguyện và đạo quả sớm viên thành. Nhưng Thầy mình là bậc minh sư, lại bỏ đi nghe lời kẻ khác thì đó là kẻ thác loạn, không bao giờ chơn chánh thể nhập được căn bản cội nguồn của đạo giác ngộ.
Chúng ta phải tinh tấn trong niềm tin và vận dụng hết ý chí kiên nhẫn với lý tưởng đã tôn thờ, thì chúng ta mới có cơ hội đạt được đạo giác ngộ giải thoát ngay trong đời hiện tại này chứ không tìm đâu xa. Kinh Pháp Hoa dạy rằng:
Nhược nhơn tán loạn tâm,
Nhập ư tháp miếu trung,
Nhứt niệm Nam Mô Phật
Giai dĩ thành Phật đạo.
Nghĩa là:
Nếu người tâm tán loạn,
Còn biết vào chùa tháp,
Thành tâm niệm Mô Phật
Đều được thành Phật đạo.
Tu mà còn chấp chặt, thì dù tu trăm nghìn kiếp cũng khó có thể thấy được Phật tánh chơn tâm, khó thoát khỏi kiếp trầm luân sanh tử khổ lụy.

0 comments:

Post a Comment