Ngày 13-3 Bính Tý (30-4-1996)
Đây là lời nhắc nhở toàn chúng. Sau chuyến đi Hà Nội về, Thầy thấy Phật tử ngoài Bắc cũng như trong Nam đều hướng trọn lòng tin về Thiền viện Trúc Lâm. Người ta đang trông chờ để mai kia được tụi con hướng dẫn chỉ dạy. Thật ra, từ khi Thiền viện được thành lập, người ta không biết tụi con tu như thế nào, mà chỉ biết qua Thanh qui và qua sự giảng dạy của Thầy. Họ nhắm vào đó nên trông cậy nhiều.
Khi đã được mọi người tin tưởng, tụi con từ lớn tới nhỏ đều phải hiểu trách nhiệm của mình là tự lợi và lợi tha. Trong thời gian còn ở đây, tụi con cố gắng tu học, đó là tự lợi. Chính do sự cố gắng đó, những Phật tử xa gần khi tới ở tập tu đôi ba hôm, thấy nề nếp tu hành của mình đáng quí, họ về sẽ kể lại cho nhiều người nghe. Như vậy, từ một người có lòng tin với mình sẽ có nhiều người tin theo, đó là lợi tha. Tuy tụi con không nói với họ điều gì nhưng đã ảnh hưởng không ít.
Thầy cố gây ảnh hưởng tốt cho Thiền viện, bổn phận tụi con là phải tu hành nghiêm chỉnh, giữ đúng theo những gì Thầy dạy trong Thanh qui, để người Phật tử khi tới đây họ tăng thêm lòng tin tưởng. Không phải đợi đến mai kia tụi con ra giáo hóa mới là lợi tha, ngay khi tu tụi con cũng đã có lợi tha rồi.
Lúc Thầy ở Chân Không chưa ai biết đến thiền. Dần dần Thầy cố gắng gầy dựng để người ta biết được chút ít, cho đến khi xuống Thường Chiếu càng ngày càng lan rộng ra. Tới bây giờ, chẳng những trong nước mà nước ngoài cũng biết mình, biết đường lối Thầy hướng dẫn cho tụi con tu. Phật tử tin tưởng vì thấy đạo Phật còn có tia sáng, mai kia sẽ có người hướng dẫn họ tu hành. Cũng như họ tin rằng sau khi Thầy trăm tuổi sẽ có người tiếp tục hướng dẫn họ, tiếp tục hoằng dương Phật pháp và truyền bá Thiền tông.
Vì vậy, Thầy mong tất cả tụi con từ lớn đến nhỏ đều ý thức trách nhiệm của mình, không phải chỉ đơn thuần là an ổn tu thôi mà còn làm mẫu mực cho nhiều người. Thầy đâu ở đời hoài để tụi con ngồi không tu. Đến ngày Thầy mệt mỏi không làm được nữa, lúc đó tới phiên tụi con phải gánh vác mọi việc để cho Phật pháp được lâu dài, và để Phật giáo Việt Nam có được một nền tảng chắc chắn. Những điều làm lợi mình, lợi người đó nói theo từ chuyên môn là tự giác, giác tha. Không phải chỉ riêng một người nào, mà tất cả tụi con đều có trách nhiệm lớn: tự mình an ổn để thành tựu công phu tu và khiến cho mọi người phát tâm mạnh mẽ.
Khi nói chuyện với một số người, họ thấy Thầy có lập trường tu hành rõ ràng, liền đặt câu hỏi: “Ngoài Thầy ra còn có ai thay thế không?” Thầy trả lời: “Hiện giờ chưa có nhưng sau này sẽ có, vì tôi đang chuẩn bị, không phải tôi nghỉ rồi là tắt luôn.” Thầy trả lời vậy để người ta có đủ hi vọng. Hiện giờ Thầy làm cho mọi người biết Phật giáo Việt Nam có Thiền tông tu hành cao cả như vậy, khi Thầy mất đi sẽ có những đồ đệ tiếp nối xứng đáng, không đến nỗi buồn tủi là không có người kế tục.
Do đó Thầy mong tất cả tụi con phải thấy rõ bổn phận của mình là sẽ tiếp nối một việc lớn chớ không phải làm việc tầm thường. Cho nên bây giờ trong sự tu tập hằng ngày tụi con phải sống có nề nếp, có tư cách tốt, phải cố gắng vượt qua những vướng mắc nhỏ nhặt. Nếu không thắng được những cái nhỏ thì mai kia e khó làm được việc lớn. Đó là lời Thầy nhắc nhở, mong tất cả cố gắng.
Ngày 28-3 Bính Tý (15-5-1996)
Hôm nay thỉnh nguyện ai có lỗi đều ra sám hối. Tụi con thấy ở đây kiểm lại dường như khó hơn các nơi khác, phải không? Thầy sẽ nói cho tụi con rõ mục tiêu của Thầy nhắm.
Như vừa rồi ra ngoài Bắc có một số người phát tâm qui y, như vậy chủ trương, đường lối của Thầy càng ngày càng được nhiều người hưởng ứng từ gần đến xa. Tụi con thấy nếu cây to tàng lớn mà rễ cạn thì sẽ lo cái họa gì? Lo có một cơn giông lớn là ngã, phải không? Bởi vì ở ngoài người ta đang phát tâm hướng về Thiền viện mình rất đông, giống như cây có tàn lớn, nếu chư Tăng Ni không có sức tu hành thâm hậu là điều đáng lo ngại. Sự tu hành của chư Tăng Ni là rễ cái. Nếu rễ cái sâu thì dù cho cây tàn lớn cũng không nguy hiểm. Còn rễ cái cạn mà tàn cây quá lớn e nguy hiểm sau này. Bởi vậy tụi con phải ráng nỗ lực tu. Bao nhiêu lòng tin người ta đang dồn về mình, người ta để ý từng lời nói, từng hành động của mình. Nếu tụi con lôi thôi, Phật tử sẽ dễ thối tâm. Càng được nhiều người chú tâm hướng về, trách nhiệm chúng ta càng nặng nề.
Thầy từng tuyên bố với tụi con và với mọi người Thiền viện Trúc Lâm này là lý tưởng tối hậu của đời Thầy. Trước kia đã có những Thiền viện như: Thường Chiếu, Linh Chiếu, Viên Chiếu, Huệ Chiếu... nhưng lúc ấy Thầy không sắp đặt được như ý. Mặc dù trong đó cũng có một số người tu tốt tu hay, nhưng Thầy chưa thực hiện được tất cả những gì Thầy muốn.
Nơi này là lý tưởng tối hậu của Thầy. Chưa có Thiền viện nào mỗi tháng Thầy phải ngồi thỉnh nguyện hai lần như ở đây, nhắc nhở không những chỉ việc tu thôi, mà còn phải dạy tụi con từ lời nói đến hành động sao cho thuần túy đạo đức, để khi mọi người tới đây, tiếp xúc với tụi con lòng tin họ tăng trưởng. Đó là đúng với bản nguyện của Thầy.
Những nơi kia Thầy không nói là lý tưởng tối hậu, vì Thầy không thực hiện được ý nguyện lục hoà, đồng thời các công tác cũng còn bận bịu bên ngoài nhiều. Còn ở đây ròng rã cho tụi con chuyên tu, Tăng Ni khỏi bận tâm lo lắng ăn mặc, thuốc men..., lao động vừa phải để đủ sức khỏe chớ không đặt nặng vấn đề kinh tế. Kế nữa là Tăng Ni ở đây rất ít đi đâu, nhờ vậy tâm hồn không bị dao động, dễ hướng đến chỗ thanh tịnh. Cảnh trí mát mẻ, yên tĩnh, thích hợp cho người tu thiền.
Chỉ còn một điều chót là tụi con thành tâm, nhiệt tình tu cho đạt kết quả, đó là duyên lành cho Phật pháp lâu dài. Thầy muốn Tăng Ni ở Trúc Lâm này là những người mai kia đi ra hoằng hóa làm lợi ích chúng sanh, đúng như những gì Thầy đã ước mơ lúc còn tu học ở các trường cho đến khi ra làm Phật sự.
Bởi vậy ở đây dù một lỗi nhỏ tụi con cũng có thể bị rầy. Ở những chỗ khác thì không ai để ý, không ai nhắc nhở kỹ. Do Thầy đặt Trúc Lâm là lý tưởng cuối cùng của đời Thầy nên Phật tử tin tưởng mà nhắm tới, hướng về. Nếu sự tu tập và việc làm, lời nói của tụi con còn sơ sót lôi thôi, người ta dễ sanh chán nản rồi mất lòng tin, thì lý tưởng của Thầy không thành, Phật tử cũng buồn chán.
Do đó, ở đây Thầy không muốn chúng đông, chỉ chừng bốn mươi người thôi, mà sống có đạo đức, giới luật tinh nghiêm, theo đúng lục hoà và quyết tâm chết sống vì đạo, để cho những người tới thấy có thể phát tâm. Đồng thời đòi hỏi tụi con tu phải sáng đạo. Nếu Thầy nói một đàng trò sống một ngả thì tất cả uy tín của Thầy sẽ theo đó suy giảm, đến khi Thầy mất rồi tụi con làm Phật sự cũng không được.
Cho nên tất cả tụi con ráng giữ quyết tâm tu hành chết sống và giữ thái độ hoà nhã đối với huynh đệ chung quanh. Tuy tụi con hoà mà không đồng, vì mỗi người đều có một nghiệp riêng, có thói quen riêng. Mặc dù không đồng nhưng vẫn hoà hợp chớ không thù nghịch chống đối. Nếu nội tâm mình có thù nghịch chống đối thì thế nào cũng thể hiện ra thành sự bất bình nhau.
Tụi con phải có tâm hoà hợp, sống như nước hoà với sữa. Tất cả những gì hơn thua, phải quấy đều vô giá trị, đều không thật, tụi con phải thấy cho tường tận. Tất cả ngôn ngữ thế gian chỉ tuỳ theo niệm thương ghét mà sanh ra lời hay tiếng dở, chớ không có giá trị thật. Người biết tu coi khen chê, phải quấy như trò chơi. Làm sao trước mọi cảnh, tâm mình thản nhiên không động, đó mới là đạo đức chân thật.
Người ta cứ nghĩ Tăng Ni ở Trúc Lâm này rất thuần thục, thanh tịnh. Nếu có ai đến đây tập tu mà thấy có những điều dở, nghĩa là còn đủ tham sân si, người ta sẽ đánh giá chung cả Thiền viện mình. Nếu ở đây tụi con vẫn thị phi, bỉ thử, nhân ngã thì vô phước cho Thiền viện, cũng là vô phước cho Phật tử.
Cho nên tụi con phải sống và tu sao cho tốt để Trúc Lâm có đủ uy tín. Mai kia Thầy nhắm mắt, người nào từ Thiền viện ra, người ta đều tin đó là những người Thầy đã chọn lựa để làm Phật sự kế tiếp Thầy. Nếu tụi con lơ là, không có được ý chí chết sống với đạo, không có tâm bao dung hoà hợp, mai kia người ta thấy được, sẽ cười tụi con lại còn chê trách Thầy. Thầy đã dồn hết tâm lực trong những ngày tháng cuối cùng mà không ra gì, không đến đâu, như vậy uổng công của Thầy. Nên tất cả phải chấp nhận cái khó. Khó ở đây là khép tụi con vào nề nếp, để xứng đáng với lòng tin của mọi người, ngày sau có thể làm được các Phật sự, chớ không phải tụi con bị khó vì những lý do vô nghĩa.
Sau này người ta tin tưởng, hưởng ứng tu theo đường lối của Thầy ngày càng nhiều, nếu ở đây tụi con tu hành đàng hoàng, thâm hậu, đó là điều rất tốt. Còn nếu mọi người ở ngoài phát tâm tu theo mình nhiều, mà ở đây tụi con tu hời hợt, rời rạc, không có một cái gì xứng đáng để cho người ta học hỏi thì đó là điều nguy hiểm, uổng công Thầy mở rộng mà không gìn giữ được.
Vì vậy hôm nay nhắc nhở tụi con phải ý thức được trách nhiệm chung. Tất cả tụi con ở đây, Thầy đều đem hết tâm lực chỉ dạy nhắc nhở, lo lắng, để tụi con tu thành công, mai sau xứng đáng cho người ta tin tưởng và có đủ khả năng tiếp tục việc làm của Thầy chưa xong. Đó là lời Thầy nhắc nhở tất cả.
Ngày 13-5 Bính Tý (28-6-1996)
Hôm nay thỉnh nguyện chỉ có những lỗi lầm nhỏ không đáng kể, như vậy là tốt.
Bây giờ Thầy nhắc nhở thêm. Tụi con tu là phải nuôi trong tâm mình một ý chí thật mạnh mẽ, như trong lời nói đầu bản Thanh qui đã ghi: phải có tinh thần dứt khoát. Dứt khoát nghĩa là làm cái gì hẳn cái đó, đừng bị cái khác làm trở ngại mất thời giờ. Khi phát nguyện tụi con đâu có nói tu nửa vời, mà là phát nguyện giải thoát sanh tử. Đó là một thái độ hết sức dứt khoát. Nhưng con người có thói quen yếu đuối, làm cái gì trong thời gian ngắn thì lập trường không thay đổi, còn thời gian dài lại dễ quên và lơi lỏng. Nên mỗi tháng Thầy phải nhắc tới nhắc lui cho tụi con nhớ, để việc tu hành có được kết quả.
Ở thế gian, khi người ta lớn lên phải chọn một nghề hoặc một nếp sống nào đó để hướng trọn đời mình theo. Bây giờ tụi con đã chọn một lối đi thì phải vạch một con đường ra khỏi sanh tử. Con đường đó Phật, Tổ đã chỉ rồi, bây giờ mình chịu khó cương quyết đi, bền chí không nản lòng thì có ngày sẽ đến đích. Một khi đã can đảm chọn một lối đi từ buổi đầu, thì từ đây về sau phải luôn luôn tỉnh giác, đừng để những điều nhỏ nhặt, tầm thường làm trở ngại con đường cao cả của mình.
Thầy nghĩ rằng người nào tu cũng quyết chí. Đường đi lâu và dài nên ý chí phải rất mạnh. Tuy nhiên, sức mạnh này cũng có giới hạn, chừng mực, nên một thời gian nó yếu đi. Thầy muốn nuôi dưỡng nó càng ngày càng tăng trưởng nên mỗi tháng phải nhắc, phải rầy để tụi con tỉnh và nhớ những gì mình đã quyết tâm. Đó là tinh thần thỉnh nguyện của mỗi tháng.
Tuy vậy, lâu lâu Thầy có việc phải đi nơi này nơi kia nên không thể nhắc đều. Thầy nghĩ tụi con tu đến nay đã được ba năm, đường lối tu đã nắm vững và lập trường tu cũng đã cứng cỏi rồi, có lẽ lâu lâu Thầy bỏ qua không nhắc, tụi con cũng không đến đỗi bị xao lãng. Dầu sao Thầy vẫn thấy bổn phận của Thầy là phải nhắc luôn luôn để tụi con tiến.
Từ đây về sau Thầy có một hai trường hợp đi xa. Tụi con phải luôn nhớ con đường mình đang đi, nguyện lớn mình đã nguyện, làm sao ngày, tháng, năm nào cũng là những ngày tháng tu hành thanh tịnh. Đừng đợi có nhắc mới ráng tu, không nhắc thì thả trôi giống như lục bình dưới sông, nước chảy lên nó trôi lên, nước chảy xuống nó trôi xuống, suốt cuộc đời cũng không ra gì.
Tụi con là người quyết tâm, dù cho gặp trường hợp thuận hay nghịch vẫn nhất định vươn lên không thối chuyển. Được như vậy thì đời tu mới có giá trị cao cả. Thầy mong tất cả tụi con nhận định rõ ràng dứt khoát và nuôi dưỡng trong thâm tâm mình một ý chí mãnh liệt. Khi đã chọn một con đường thì phải đi đến nơi đến chốn. Mình quyết làm gì thì phải làm cho có kết quả, không bỏ dở nửa chừng. Như vậy mới không uổng một đời tu, lợi ích cho mình và cho người. Nếu tụi con tiến không tiến mà lùi cũng không lùi, cứ lỡ dở như vậy chỉ làm trò cười cho thế gian, làm cho người thân buồn nản.
Tu hành là một việc làm rất cao cả và đầy đủ phước đức, nhưng nếu mình không cố gắng cũng sẽ thành dở xấu. Cho nên, chưa đạt được kết quả thì không bao giờ yên lòng, tụi con phải ráng vượt lên, ráng đi đến nơi đến chốn, đừng tự mãn ta tu vậy đủ rồi, hay hơn người khác rồi. Phải dứt khoát, cố gắng đi cho tới kết quả cuối cùng mới thôi. Như vậy mới xứng đáng người con dòng họ Thích, xứng đáng là người tu hạnh giải thoát sanh tử.
Thầy có ít lời nhắc nhở, mong tất cả tụi con cố gắng!
Ngày 28-5 Bính Tý (13-7-1996)
Qua kỳ thỉnh nguyện, thấy chúng có tâm tự giác ra sám hối, đó là điều tốt.
Giờ đây Thầy có ít lời nhắc toàn chúng để nỗ lực tu hành.
Trong Thanh qui phần đầu nói rõ rằng chúng ta tu phải có tinh thần dứt khoát và ý chí kiên quyết. Hôm nay Thầy nói về kiên quyết cho tất cả trong chúng hiểu. Trên thế gian này muốn hoàn thành một công việc gì, dù lớn hay nhỏ cũng phải kiên quyết, nói theo từ ngữ bây giờ là quyết tâm. Đối với người tu không những quyết tâm mà còn quyết tử, đã quyết định làm một việc gì thì phải cương quyết, dù khó khăn, trở ngại cũng vượt qua, không để nó ngăn trở bước tiến của mình. Nếu quyết chí tu, liều chết tu thì trong thời gian ngắn mà có kết quả tốt. Còn ngược lại, tu lơ mơ cho qua ngày sẽ mất thời gian dài mà kết quả rất ít.
Đọc sử Phật giáo Trung Hoa, chúng ta thấy có ngài Huyền Trang đã để lại tấm gương kiên trì, quyết liệt ai nghe cũng kính nể. Ngài đi thỉnh kinh bằng ngựa, từ Trung Quốc sang Ấn Độ trải qua bao nhiêu nước, bao nhiêu sa mạc, bao rừng núi hiểm trở. Nếu không quyết tâm thì không bao giờ dám đi. Quyết tâm như vậy mà khi đi cũng gặp rất nhiều trở ngại.
Trong sử ghi: Khi Ngài đến sa mạc thì không còn một miếng nước nào, Ngài thầm nghĩ chắc phải chết. Vậy mà Ngài vẫn quyết tâm đi cho đến lúc ngất xỉu vì nắng gắt và quá khát. Chợt có trận gió mát dần, dường như Ngài thấy đức Quan Âm rải nước cho Ngài hồi tỉnh, rồi Ngài đi tìm được nước uống. Sau đó Ngài khỏe lại và tiếp tục vượt hết con đường, đến được Ấn Độ. Nếu ai nhút nhát, sợ hãi không bao giờ làm được việc như Ngài.
Gần nhất, chúng ta thấy đức Bổn sư, khi đi tu cũng quyết chết sống. Nói rằng Ngài là vị Bồ-tát nhất sanh bổ xứ, mà chúng ta thấy đương thời Ngài quyết tâm phi thường. Từ khi ra khỏi cung đi tầm học, tu khổ hạnh, cuối cùng đến cội cây bồ-đề, Ngài thề rằng: “Nếu không thành đạo, dù thịt nát xương tan, ta quyết không đứng dậy khỏi chỗ này.” Nhờ cương quyết như vậy, Ngài đã chứng đạt đạo quả.
Gương quyết tâm của người xưa không phải chỉ một, hai mà rất nhiều. Nếu quyết tâm thì dù con đường khó khăn hay gặp trở ngại gì người ta cũng đến nơi được. Còn nếu tu lừng chừng lấy có, dù hoàn cảnh thuận mấy cũng không đi đến đâu. Bởi vậy trong nhà thiền thường dạy chúng ta trên đường tu phải có tâm quyết tử. Không phải quyết tử với người thù oán, mà là quyết chiến đấu với nội tâm mình.
Trong khi tu, có khi vì tập khí lâu đời làm trở ngại, có khi vì thân bệnh, nghĩ chắc mình tu không được, sanh buồn chán đi đến chỗ thối lui. Có khi tu gặp những hoàn cảnh bên ngoài, như thầy hay bạn xử sự với mình không tốt, rồi chán nản lui sụt. Hoặc ở chỗ khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, nếu mình không cương quyết, không liều chết thì không tiến lên nổi.
Thầy mong trên đường tu, tụi con đứa nào cũng lập chí quyết liệt, thầm quyết định với lòng mình, dù ở hoàn cảnh nào, thân bệnh, người xử tệ, hoặc chướng ngại nội tâm, đều phải vượt qua, thà chết chớ không lùi bước. Nhờ quyết tâm đó, trên đường tu tụi con sẽ thành công không nghi ngờ. Ai còn nhút nhát, sợ sệt, do dự thì không bao giờ tu đến nơi đến chốn được. Đó là điều Thầy đã kinh nghiệm qua.
Quyết tâm chính là ý chí, lập trường. Người có ý chí và lập trường thì làm mọi việc đều đạt kết quả, bằng không sẽ bị gió này gió nọ thổi đùa nghiêng ngả, bị thối lui hoặc không thể yên ổn. Cho nên khi đã đặt mình trên con đường tu rồi, tụi con nên nghĩ: một là tu để được giác ngộ, tự lợi lợi tha, hai là chết trên con đường đó, chớ không có ý nghĩ thứ ba rằng lỡ mình tu không được thì làm cái gì. Đừng bao giờ có ý nghĩ đó, chỉ một lòng tu. Nếu có chết trong ý niệm quyết liệt đó thì đời sau sẽ tiếp tục không nghi ngờ. Phải đi đến đích để làm lợi ích cho đời cho đạo, đó là quyết định của mình, không có con đường nào khác.
Tóm lại, trên đường tu, điều kiện thiết yếu là phải lập tâm quyết tử, tu đến chết thôi. Chỉ một con đường đó, hoặc chết hoặc thành công, chớ không có con đường thứ ba.
Ở thế gian người nào có ý chí và quyết tâm đều làm được việc lớn. Trong đạo cũng vậy, người có ý chí và quyết tâm thì sẽ thành công trên đường tu. Thầy mong tụi con đứa nào cũng phải có lập trường và ý chí vững chắc, không để bị lung lay dù gặp bất cứ trận gió nào.
Ngày 12-6 Bính Tý (26-7-1996)
Hôm nay trong buổi thỉnh nguyện hầu hết chúng đều được thanh tịnh không lỗi lầm, đó là điều rất tốt. Chúng ta tu ở đây gần tròn ba năm. Trên phương diện tu hành mỗi vị đều có nỗ lực, có cố gắng rất nhiều, nhưng cũng không tránh khỏi bệnh thâm căn cố đế là chấp ngã.
Chúng ta hầu hết ai cũng mang bệnh chấp ngã rất nặng, đó là gốc của luân hồi sanh tử. Chấp các ý kiến của mình là chấp ngã về tâm. Còn chấp ngã về thân gọi là ái thân, bởi ái thân nên khi thân này bại hoại liền tìm thân khác, không bao giờ dừng được.
Vì vậy đức Phật dạy mình tu trước phải thấy rõ thân này là vô thường bại hoại, là khổ, không, vô ngã. Thuyết vô thường, khổ, không, vô ngã của Phật dạy cốt đi tới trọng tâm dẹp ngã. Muốn dẹp ngã, trước hết phải thấy các pháp là vô thường, bại hoại, đó là khổ. Kế đến, pháp đó bại hoại tức thành không, mà thành không thì đâu còn cái gì là ta, nên tới cuối cùng là vô ngã.
Vô thường, khổ, không, vô ngã là pháp Phật dạy tất cả Tăng Ni, Phật tử ứng dụng tu hành. Vì vậy chúng ta tu là phải nhớ luôn luôn, đối với thân là tướng vô thường sanh diệt, không có giá trị gì hết. Ngày nay nó còn, mai sẽ bại hoại, không có gì bảo đảm. Đã không bảo đảm thì có gì quan trọng để hơn thua, phải quấy. Cho nên từ vô thường, rồi khổ, tới không, để chúng ta không còn một tí chấp nào về bản ngã.
Chấp ngã đưa tới đủ thứ bệnh. Từ chấp ngã là si đưa tới ái thân là tham. Do ái thân nên động tới thân mình liền nổi sân. Như vậy tham sân si, nói theo thông thường, hoặc là si tham sân, ba thứ theo nhau luôn luôn, vì vậy mà chúng ta tạo bao nhiêu thứ nghiệp sanh tử luân hồi.
Giờ đây chúng ta tu hạnh giải thoát thì phải phá si, tức là phá cái tâm niệm chấp thân này là thật, chấp tâm suy nghĩ của mình là thật. Phá được cái chấp thân, chấp tâm, không còn thấy nó thật, đó là phá si. Thân tâm không thật thì còn cái gì để cho mình mến yêu, nên ái ngã theo đó cũng hết. Không mến yêu nên không còn tham. Không tham thì có gì để nổi sân! Vì sân là do đụng tới bản ngã của mình, nay rõ bản ngã không thật thì còn gì nữa mà sân.
Cho nên Phật thường dạy chư Tỳ-kheo, nếu thấy thân này như đất, người ta đi, người ta giẫm đạp, hoặc đổ đồ dơ lên trên đất, đất cũng không oán hờn. Lại phải quán thân này như nước, tất cả đồ dơ người ta tuôn xuống nước, nước cũng không giận, không chống trái.
Đất, nước, gió, lửa là tứ đại bên ngoài, khi kết hợp thành thân này gọi là tứ đại bên trong. Tứ đại bên ngoài không tranh chấp, sao tứ đại bên trong lại hơn thua tranh chấp? Quán như thế để tu hạnh nhẫn nhục, dù cho có gì trái ý, ngược với sở thích của mình, mình vẫn an nhiên, không bực bội, tức tối. Đó là làm cho cái ngã càng ngày càng mòn mỏng bớt.
Thầy nói cho tụi con thấy tinh thần tu của đạo Phật, kể cả Đại thừa và Tiểu thừa đều tu như vậy. Còn về Thiền tông lại càng rõ nét hơn, bởi vì không có một Thiền sư nào thấy thân này là thật hết. Thí dụ chúng ta đọc bài thơ của Thiền sư Vạn Hạnh, Ngài thấy thân người chỉ như bóng chớp, có rồi không. Rồi qua các vị Thiền sư khác, không có bài kệ nào nói thân này thật. Do vậy, chúng ta mới đào sâu, biết được Thể chân thật bất sanh bất diệt của chính mình. Còn nếu thấy thân giả tạm này và tâm sanh diệt huyễn hóa này là thật thì không bao giờ thấy được cái thâm sâu, chân thật của chính mình.
Vì vậy Thầy nhắc tất cả tụi con từ lớn đến nhỏ, đều phải nhớ rõ ràng thân này là hư huyễn, ảo hóa không thật, còn mất bất thường. Tâm sanh diệt cũng hư vọng, nên gọi là vọng tưởng. Không thật thì còn cái gì mà chấp. Không chấp cái hư dối mới thấy được cái chân thật. Cái chân thật này ai cũng có, cho nên Bồ-tát Thường Bất Khinh không dám khinh ai. Bây giờ chúng ta khinh người này dại, người kia khờ..., đó là chúng ta cũng chỉ nhìn trên tướng giả của thân tâm, còn Thể chân thật không ai hơn ai thì có gì để khinh!
Hiểu như vậy rồi chúng ta tu mới dễ, còn không thì hay sanh bệnh. Càng tu lại càng sân, càng chấp ngã. Hồi mới đi tu gọi là xả thân cầu đạo, dù ai chê, ai chửi bới mình cũng coi thường. Nhưng tu riết lên cao rồi, ai nói động liền nổi giận. Như vậy tu lâu là tiến hay lùi?
Hồi mới tu cái gì cũng xả, tu lâu rồi động tới nổi sân. Như vậy mới thấy vô tình chúng ta xả cái ngã thế gian rồi lại chấp cái ngã trong đạo. Ngã trong đạo chấp mình là Hoà thượng, Thượng tọa, là thầy của nhiều người, có chùa to, Phật lớn... rồi tự nhiên thấy mình quan trọng, cái ngã sống lại hồi nào không hay.
Cho nên chúng ta phải khéo cảnh giác, đừng để mê lầm phủ che. Chúng ta phải vạch nó ra để thấy được lẽ thật. Tu lâu cái ngã càng cao là sai lầm, chúng ta không thể như vậy được. Do đó, Thầy mong toàn thể đại chúng phải ý thức được trên đường tu làm sao mỗi ngày chúng ta mỗi mòn mỏng bản ngã. Nếu còn nặng quá thì không bao giờ chúng ta ngộ nhập được Tâm thể chân thật. Có chăng chỉ là thoáng qua thôi chớ không nhập nổi. Đó là lời nhắc nhở của Thầy.
Kế đây, Thầy nhắc thêm về chuyện xả thiền. Ở đây không phải chỉ riêng tụi con tu, còn có các Phật tử và những vị tôn giáo bạn tới xin tập tu. Nếu tụi con mỗi đứa xả theo mỗi ý là không được. Tất cả nên cẩn thận, khi xả thiền làm động tác nào cũng phải đúng cách và có chừng mực để người khác tới có thể quan sát học hỏi.
Khách tập tu ngồi chung trong Thiền đường nên tụi con nhập thiền, xả thiền ra sao họ nhìn theo bắt chước. Đừng nghĩ đã có quí Cô lớn dạy họ rồi, mình làm đúng sai gì chắc họ không quan tâm. Tụi con là hình ảnh cụ thể gần nhất, rất quan trọng. Bởi vậy hành động nào tụi con cũng phải dè dặt, từ việc tụng kinh, ngồi thiền cho đến cuộc sống hằng ngày. Trách nhiệm chúng ta rất nặng, tụi con đừng xem thường, nhiều khi xem thường quá người ta mất niềm tin, tổn phước.
Không phải có khách mình mới tu, mới nghiêm chỉnh. Tụi con vẫn sống thực như lâu nay chớ không giả bộ, nhưng phải dè dặt, đừng nói năng, hành động quá trớn, vì nhiều khi tụi con sống với nhau thường chủ quan, sơ sót chút ít không để ý. Vậy nên phải cẩn thận. Trong giờ thiền, từ cách ngồi đến cách xả, hoặc choàng khăn, đội mũ, đều thanh thản mà nghiêm trang. Tâm niệm của chúng ta không ai thấy, người ngoài chỉ thấy hình tướng và nghe lời nói của mình, nên hành động và lời nói là cái họ đánh giá trước tiên, còn chuyện ngộ đạo hay không ngộ đạo ở tâm mình người ta chưa thấy được. Cho nên khi tới đây, quan sát mọi hành động, cách cư xử và nói năng của tụi con, người ta đánh giá ngay.
Khi làm một hành động từ lớn đến nhỏ, tụi con lúc nào cũng đàng hoàng khoan thai, không nên hấp tấp. Tu đâu không biết mà đi vội vàng, nói hấp tấp, làm cẩu thả, người ta sẽ cười, đó là chưa có đạo lý thật. Cho nên phải bình tĩnh, điềm đạm, khoan thai. Có gì cũng từ từ nói, từ từ giải quyết, đừng vội vã quá. Làm cái gì cũng vừa phải, dù nói chuyện vui hay có chuyện gì không vừa ý mình cũng điềm đạm. Bởi vì trong cuộc sống tu hành, người ta thường nói các vị Thiền sư rất bình tĩnh, điềm đạm, nếu khách vô đây trông thấy các Thiền sinh thô tháo, hấp tấp, người ta sẽ cười.
Về lời nói, nếu thấy có giá trị, hợp thời, đúng lúc mới nói, không thì thôi, để giữ cho tâm sáng suốt thanh tịnh. Đừng phát ngôn bừa bãi, người ta thấy mình không biết thúc liễm.
Tụi con đừng xem thường hình thức, hình thức cũng làm cho người mới đến đánh giá mình. Nên từ hình thức đến nội tâm, tất cả khéo giữ gìn, để cho sự tu hành của mình vừa thanh tịnh, an ổn, mà người ngoài nhìn vào cũng hoan hỉ, quí mến và học theo. Thầy nghĩ mỗi lần có khách như vậy tụi con lại được tiến bộ hơn. Đừng nên quan niệm: “Tôi hiểu đạo, tôi thấy đạo đủ rồi.” Chúng ta sống trong hoàn cảnh một trăm người chưa được một người biết tu Thiền. Nếu tụi con tu Thiền mà không có đức hạnh bằng tu Tịnh độ thì người ta sẽ cười mình. Hoàn cảnh chúng ta muốn mở mang, đòi hỏi phải đủ về phần đạo lý của nội tâm và có oai nghi đức hạnh. Hai cái đó không thể thiếu một.
Vậy tụi con phải cố gắng tối đa để xứng đáng với trách nhiệm mình đang nhận. Đó là lời Thầy nhắc nhở hôm nay.
Ngày 28-7 Bính Tý (10-9-1996)
Ở đây có vị chưa thông suốt về thỉnh nguyện. Khi bắt đầu thỉnh nguyện, tụi con nghe Tri sự đọc bản nội qui, rồi kiểm tra lại nơi nội tâm, hành động mình trong một tháng, nếu có lỗi mới ra sám hối. Trong trường hợp tâm chạy theo cảnh, hay dính mắc gì đó mà trong nội qui chưa nêu, thì tụi con tự biết ráng tu cho hết, khỏi ra thỉnh nguyện. Nếu phạm giới luật, lục hoà và nội qui mới ra sám hối, còn không thì thôi. Đó là Thầy nhắc chung cho tụi con được rõ.
Bây giờ Thầy nhắc thêm vài điều, tụi con cố gắng tu hành để mau được kết quả như sở nguyện. Tất cả tụi con đến đây đều với ý chí cố gắng tu, để từ ba đến năm năm có kết quả tốt, xứng đáng với tâm nguyện tu hành của mình. Khi vào đây, buổi đầu tụi con ngỡ ngàng vì nếp sống nơi này không giống các chỗ khác, phải luôn luôn dè dặt, cẩn thận, không được tự do như những nơi tụi con đã ở qua. Chính cái dè dặt cẩn thận đó là sự tiến bộ đáng kể nơi tụi con.
Chẳng hạn như ngày xưa tụi con thấy lòng mến thương huynh đệ là bình thường, nhưng giờ đây lại đặt thành vấn đề quan trọng. Đương nhiên buổi đầu tụi con bỡ ngỡ, hơi lạ trước sự nghiêm khắc này, nhưng bây giờ tụi con xét lại mới thấy đó là bước tiến vượt bậc. Thầy thường trách giới tu sĩ chúng ta, lúc còn trẻ và khỏe, có đủ tinh thần sáng suốt để tu và làm Phật sự lại phí thời giờ vì những điều không đáng, như có tình cảm với huynh này, huynh nọ. Từ tình huynh đệ rồi trói buộc, từ trói buộc sanh ra phiền não, chính cái đó làm cho sự tu hành của tụi con trễ nải.
Có lắm chuyện Thầy đã từng nghe, từng thấy. Cứ hai người thân thiết với nhau quá, bị rầy, thấy mất tự do rủ nhau đi ở nơi khác. Đến một lúc cảm thấy không còn hợp nhau nữa, rã gánh, rồi ra đời. Chuyện này vẫn thường xảy ra. Mới đầu thấy không có gì quan trọng, cho là tình trong đạo, huynh đệ mến thương nhau, nhưng sự thật càng đi sâu càng nguy hiểm. Bởi vì từ tình đạo, dần dần biến thành tình cảm thế gian, đưa tới chỗ thối tâm lùi bước trên đường tu. Nên ở đây Thầy bắt tụi con phải tự thúc liễm. Sống với nhau chỉ là tình đạo cao thượng trong sáng, chớ không ái nhiễm gây trở ngại trên bước đường tu. Gần mãn ba năm, tu tập theo lời dạy và sự sắp đặt của Thầy, tụi con đã vượt qua được những cái tầm thường đó.
Từ đây về sau đứa nào cũng phải can đảm, gan dạ, quyết chí tiến tu đến chỗ giải thoát. Những gì có tánh cách trói buộc, tụi con phải mạnh dạn bứt bỏ để không trở ngại đường tu của mình. Như vậy trong ba, bảy năm mới có kết quả thật sự. Bằng không hình thức bên ngoài tu hành dường như nghiêm chỉnh, mà bên trong lại bị những khó khăn, phiền não dai dẳng chướng ngại đường tu, thành ra thời gian quí báu của Thầy dành cho tụi con, tụi con không tận dụng để thực hiện lời Thầy dạy. Mà bây giờ không thực hiện được, khi Thầy già không còn dạy dỗ nữa, hoặc Thầy theo Phật thì tụi con không tiến bao nhiêu. Rốt cuộc trên đường tu chỉ uổng công, không có kết quả.
Bởi vậy tất cả những gì Thầy thấy không hay, làm chướng ngại đường tu Thầy dạy phải dứt khoát buông bỏ, tụi con nên nỗ lực ráng làm theo lời Thầy nhắc nhở. Nếu có một chút dính mắc, vướng víu, tụi con phải cắt đứt liền, chớ để nó làm phiền hà, lãng phí thời giờ quí báu, sau này không tìm lại được nữa. Điều Thầy nhắc tuy ít mà tụi con gẫm lại sẽ thấy có lợi ích rất lớn trên đường tu của mình.
0 comments:
Post a Comment